Phía trước, mùa Xuân

.

Thêm một mùa Xuân ló dạng giữa bình minh năm mới, rực rỡ ngàn hoa và tươi tắn triệu người. Trong hành trình đi về phía trước, mọi người gặp nhau giữa một Đà Nẵng đất trời rộng mở, rạng rỡ nụ cười “Chào nguyên Xuân” như Bùi Giáng ngày nào: Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau...

Một sự khởi đầu mới...

Nhà thơ NGUYỄN NHO THÙY DƯƠNG Sáng tác văn học -  nghệ thuật luôn cần sự sáng tạo
Nhà thơ NGUYỄN NHO THÙY DƯƠNG Sáng tác văn học - nghệ thuật luôn cần sự sáng tạo

Hôm đó nhà thơ Nguyễn Nho Thùy Dương làm một cuộc dạo phố, tạt qua Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đi loanh quanh một hồi rồi dừng chân trước tượng thần Shiva. Hẳn đã có điều gì đó lắng đọng từ hình khối của pho tượng Ấn Độ giáo này khiến nhà thơ bật lên những vần điệu có tên là Phố đã mùa xanh với những câu đầy ngẫu cảm: Viện Chàm chiều nghiêng vệt nắng/ Lòng quay quắt điệu Shiva/ Chạm hồn vách xưa rêu đá/ Từ trong lồng ngực vỡ òa...

Shiva là hiện thân của nhiều biểu tượng, nhưng nhà thơ thích nhất ở hai điều: sáng tạo và một sự khởi đầu mới. Sáng tác văn học-nghệ thuật, nếu không có sáng tạo thì không có cái để có thể trân trọng gọi là tác phẩm. Với Đà Nẵng, một thành phố trẻ hứa hẹn hội tụ và lan tỏa những giá trị trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, càng cần lắm sự khởi đầu mới đầy sức sáng tạo.

Với ý hướng đó, Nguyễn Nho Thùy Dương đặt ra mục tiêu của mình cho năm mới: “Trong năm 2020 tôi sẽ sáng tác có phần trẻ trung nhằm cách tân và đột phá theo hướng thơ mới hiện đại... để có một Nguyễn Nho Thùy Dương tươi sáng và mới mẻ hơn”.

Cũng để lòng dõi theo những hình khối, nhưng nhà điêu khắc Lê Công Dũng lại chính mình “nhào nặn” ra chúng. Từ lúc nảy sinh ý tưởng đến khi hình thành tác phẩm, anh luôn dặn lòng phải sáng tạo. Như có lần anh phát hiện một khối đá granit được xe tải chở về nằm chơ vơ trong một bãi đổ đất nền công trình. Thấy mê, thoáng ý tưởng trong đầu sẽ làm cái chi, anh xin khối đá mang về.

Nhà điêu khắc LÊ CÔNG DŨNG Đô thị càng hiện đại càng cần phải dành chỗ đặt tượng
Nhà điêu khắc LÊ CÔNG DŨNG Đô thị càng hiện đại càng cần phải dành chỗ đặt tượng

Michelangelo, điêu khắc gia thiên tài người Ý, có lần nói nửa đùa nửa thật rằng: “Điêu khắc, đơn giản thôi, chỉ là việc lược bỏ đi những khối đá thừa và giữ lại những gì cần thiết cho tác phẩm”. Nhìn ngắm khối đá, Lê Công Dũng biết cái nào phải bỏ đi và cái nào cần để lại. Cuối cùng, tác phẩm Trống Đồng ra đời, hai bên trống còn bám hai phiến đá, lưu dấu tích của một cuộc khai quật khảo cổ trong lòng đất theo cách anh nghĩ. Biểu tượng của văn minh thời đại đồ đồng mấy ngàn năm đã được anh thể hiện bằng một tác phẩm đầy ngẫu hứng như thế.

Trống Đồng đã được chọn làm tượng trang trí để làm đẹp thêm thành phố. Anh hy vọng trong năm mới, Đà Nẵng sẽ có một sự khởi đầu mới, ít nhất là trong lĩnh vực điêu khắc. Bởi, anh nghĩ, đô thị càng hiện đại càng cần phải dành chỗ đặt tượng, nhất là ở cửa ngõ mở vào thành phố.

Tự hào về thành phố mình

Họa sĩ HỒ ĐÌNH NAM KHA Pha một sắc Huế vào tranh của người Đà Nẵng
Họa sĩ HỒ ĐÌNH NAM KHA Pha một sắc Huế vào tranh của người Đà Nẵng

Ở Đà Nẵng, trong năm qua đã diễn ra nhiều cuộc triển lãm như: “Sắc Xuân Kỷ Hợi”, “Sắc màu tháng Tư”, “Mỹ thuật Đà Nẵng”… Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, đây là các hoạt động góp phần vào việc quảng bá tác phẩm, đồng thời đưa tác phẩm có chất lượng đến với công chúng yêu nghệ thuật thị giác. Bởi, với tác phẩm văn học-nghệ thuật, ngoài giá trị tự thân của nó thì việc quảng bá tác phẩm là cần thiết và vô cùng quan trọng.

Là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, Hồ Đình Nam Kha tổ chức một đội ngũ kết nối phong trào nghệ thuật cộng đồng, mang lại nét đẹp văn hóa, văn minh đô thị. Như việc sửa chữa, làm mới con đường bích họa trong hẻm số 75 Nguyễn Văn Linh hay việc tham gia trực họa ở một số xã và triển lãm mỹ thuật chủ đề “Hòa Vang muôn sắc” trong chương trình đồng hành với nông thôn mới Hòa Vang.

Là một họa sĩ gốc Huế, nhưng Nam Kha xa gia đình, cha mẹ từ thuở nhỏ vào Đà Nẵng sống cùng người cô ruột. Do đó anh luôn nghĩ mình là người Đà Nẵng, phong cách sống mang âm hưởng người Đà Nẵng. Thế nhưng trong sáng tác, anh luôn chịu ảnh hưởng văn hóa Cố đô: “Trong tranh của tôi luôn luôn có màu tím Huế. Màu tím đã ăn sâu vào tiềm thức tôi lúc nào, không có màu tím tranh tôi không thành tác phẩm”.

Nhạc sĩ ĐÌNH THẬM  Âm nhạc của tôi có chất liệu dân ca của hai xứ Quảng
Nhạc sĩ ĐÌNH THẬM Âm nhạc của tôi có chất liệu dân ca của hai xứ Quảng

Nhạc sĩ Đình Thậm quê Quảng Ngãi, cũng chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. Chất liệu dân ca khu 5 như hò, vè, lý, bài chòi... ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) rất giống nhau. Cho nên tác phẩm mang chất liệu dân ca của anh đều có hơi hướng bài chòi và các điệu lý. Ca khúc Chỉ còn biển thôi của anh (phổ thơ Ngân Vịnh) là một sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu Ba lý tang tình của Quảng Ngãi và Hò chèo thuyền của Quảng Nam - Đà Nẵng cùng với tiết điệu Ballad, tác phẩm được nhiều người yêu thích và đoạt được nhiều giải thưởng quốc gia.

Năm qua diễn ra lễ trao giải cuộc thi Sáng tác âm nhạc về thành phố Đà Nẵng lần thứ 3. Anh là một trong các tác giả được giải chính thức. Cuộc thi được phát động rầm rộ, nhưng khi trao giải xong thì tất cả rơi vào “quãng lặng”, bài hát đoạt giải không thấy trên sóng truyền hình, phát thanh. Anh hy vọng mọi sự sẽ khác trong năm mới 2020 này...

“Là công dân Đà Nẵng, tôi rất tự hào về thành phố mình sống mỗi ngày một phát triển đi lên, vươn tới một tầm cao mới. Là một nhạc sĩ tôi luôn trăn trở và luôn hướng về chân thiện mỹ của thành phố đáng sống để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc hay”, nhạc sĩ Đình Thậm chia sẻ.

Ước mơ phía trước

Nhà nghiên cứu ĐINH THỊ HỰU  Đà Nẵng còn thiếu mảng nghiên cứu văn hóa - văn nghệ các dân tộc thiểu số
Nhà nghiên cứu ĐINH THỊ HỰU Đà Nẵng còn thiếu mảng nghiên cứu văn hóa - văn nghệ các dân tộc thiểu số

Năm 2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có những thành tựu rất đáng kể về công tác nghiên cứu văn hóa-văn nghệ dân gian địa phương; trong đó, ngoài các công trình của hội viên đã xuất bản còn công trình nghiên cứu sẽ xuất bản Bảo tồn văn hóa dân gian Cơ tu ở huyện Hòa Vang do Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng thực hiện.

Nhà nghiên cứu Đinh Thị Hựu cho biết, đề tài hoàn thành sẽ có những đóng góp thiết thực, mới mẻ, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số ở miền núi Đà Nẵng và Quảng Nam.

Năm qua đã diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, đầu tháng 9-2019, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là “cú hích” để Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu về văn hóa-văn nghệ các dân tộc thiểu số ở Đà Nẵng và Quảng Nam trong thời gian tới.

Mùa xuân mới mở ra trong lòng người biết bao dự định, ước mơ phía trước. Nhà nghiên cứu Đinh Thị Hựu “bật mí” thêm: “Chúng tôi cũng sẽ triển khai nghiên cứu về Văn hóa và Du lịch để đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của một Đà Nẵng đang giao lưu, hội nhập và đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ”.

VĂN THÀNH LÊ



 

;
;
.
.
.
.
.