Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Tết và những thương nhớ khác

07:50, 25/01/2020 (GMT+7)

Tết của những thế hệ trước là dịp để thăm viếng họ hàng, là cúng kiếng tổ tiên, là dọn dẹp nhà cửa tươm tất, là chuẩn bị đồ ăn thức uống đến ra giêng… Và trên hết là sự sum họp gia đình từ lớn đến nhỏ, từ gần đến xa để nhìn ngắm lại sự sung túc và bình an của một dòng họ.

Còn Tết bây giờ…

Mọi thứ dường như được giản lược tối đa. Đôi khi mọi thứ sắm sửa chỉ bằng một buổi đi siêu thị với từng hộp mứt bánh gọn gàng, từng món ăn sơ chế sẵn chỉ việc hâm lên trong khoảng 5-10 phút, từng đòn bánh tét, bánh chưng, từng hũ dưa món, củ kiệu đâu ra đó… Cả cái Tết đôi khi gói gọn chỉ trong 1-2 tiếng đồng hồ cả nhà bước chân vào siêu thị và ra về.

Sự trở về, cũng đã mang một hàm ý khác không giống như những Tết xưa. Có những hoàn cảnh gia đình đã thay đổi cả nếp sinh hoạt như khi con cái ở quá xa, có cháu nhỏ bất tiện trong việc di chuyển thì cha mẹ lại phải làm một hành trình ngược, khăn gói vào thành phố ăn Tết với gia đình của con mình. Tết, theo cách nào đó, giờ là nơi mọi thành viên trong nhà quần tụ với nhau ở một nơi chốn, không còn nhất thiết phải quê nhà hay nơi được sinh ra…

Chính vì thế, Tết của những người trẻ có khi giờ là ở lại thành phố cùng gia đình đi xem một buổi chiếu phim, cũng có thể là một chuyến xuất ngoại đi đến một đất nước mới với những khám phá về văn hóa lẫn ẩm thực, hoặc có khi là những ngày cả nhà được nghỉ ngơi trọn vẹn trong một resort ven biển bình yên…

Sự “phóng khoáng” ấy mang đến rất nhiều thoải mái cho những người trẻ nghĩ về Tết như một kỳ nghỉ thư giãn. Nhưng ở một hướng khác, văn hóa Tết của người Việt cũng lại bị mai một khi nhiều giá trị văn hóa không còn cơ hội được xuất hiện, nhắc nhớ và bảo tồn.

Cái cảm giác cả nhà từ người lớn tới bé quây quần bên thềm nhà để cùng gói bánh tét, bánh chưng, sên một chảo mứt, làm một món ăn ngày Tết… không chỉ là những chia sẻ mang tính chất yêu thương, gắn bó của một gia đình, trên hết còn là một thứ ký ức mà theo thời gian tạo nên những vệt màu tuyệt đẹp lúc chúng ta bước vào giai đoạn trưởng thành, phải đối đầu với bao sóng gió.

Tết trong tâm thức người Việt vẫn là một khoảng lặng, vừa hàm ý nghỉ ngơi nhưng cũng hàm ý để soi lại mình, nhìn ngắm thế giới chung quanh. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người Việt quanh năm đôi khi không lên chùa lần nào cả nhưng ngày Tết thì ít nhất cũng một lần viếng chùa với một nén tâm nhang.
Tết, vô hình trung, cũng là thời khắc để lòng người hướng thiện, nghĩ về luật nhân quả, trước khi lại bắt đầu một hành trình dài trong năm mới mà biết chắc sóng gió sẽ lại bủa vây.

Những cái Tết hiện đại, cha mẹ sẽ có chút trách cứ con cái khi không còn giữ được nếp nhà. Rồi con cái lại có chút hờn dỗi vì cha mẹ không thấu hiểu cuộc sống hiện đại ngày nay mà con cái phải đối mặt.
Guồng quay của sự phát triển luôn đánh đổi bằng những cái giá phải trả, còn đắt hay rẻ, thật ra vẫn tùy thuộc vào cách mà chúng ta lựa chọn.

Vì ngay cả tại một thành phố náo nhiệt như Sài Gòn, ngày Tết vẫn đâu đó những ngõ nhỏ, xóm nhỏ; thậm chí ở một căn hộ chung cư… vẫn có những gia đình cùng nhau gói bánh, nấu bánh và “trông trời sáng…”. Vẫn có những í ới nhà này làm món này, nhà kia làm món kia…, rồi chia sẻ cho nhau.
Sẽ luôn có giải pháp để chúng ta gìn giữ văn hóa Tết theo cách mà chúng ta muốn, bất kể cuộc sống hiện đại đến đâu. Một mâm cúng chiều 30 có thể không đủ các món như ngày xưa nhưng chỉ cần một ít trái cây, ít mứt bánh, ít hoa và hương thì Tết vẫn ở đấy, vẫn hiện diện trong ánh mắt và suy nghĩ của những người trẻ cho dù không về ăn Tết nơi chôn nhau cắt rốn đi chăng nữa.

Ngày Tết của thời 4.0 đã bắt đầu và sẽ còn những thay đổi rất khác. Nhưng nếp nhà ngày Tết của mỗi gia đình Việt vẫn sẽ như thế, như một thứ niềm tin mặc dù không rõ ràng nhưng lại rất thấu suốt khi nó thuộc hoàn toàn về trực giác.

Như một chiều 30 Tết, đi qua một khoảnh sân đậu đầy xe hơi bóng loáng, lại thấy ở một góc nhỏ có một nồi bánh chưng, bánh tét được các bà, các chị ngồi túm tụm canh lửa rồi chuyện trò râm ran. Mới thấy, văn hóa cũng giống như một chồi non len giữa những chật chội và bộn bề, chưa bao giờ thiếu đi sức sống muốn vươn lên…

Và, Tết, là một giá trị văn hóa như thế!

Một mâm cúng chiều 30 có thể không đủ các món như ngày xưa nhưng chỉ cần một ít trái cây, ít mứt bánh, ít hoa và hương thì Tết vẫn ở đấy, vẫn hiện diện trong ánh mắt và suy nghĩ của những người trẻ cho dù không về ăn Tết nơi chôn nhau cắt rốn đi chăng nữa.

Ngày Tết của thời 4.0 đã bắt đầu và sẽ còn những thay đổi rất khác. Nhưng nếp nhà ngày Tết của mỗi gia đình Việt vẫn sẽ như thế…

VIỆT PHONG

 



 


 

.