Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Trộm mía vườn nhà người tình cũ của cha

07:50, 25/01/2020 (GMT+7)

Bon là đứa trẻ nghịch phá nhất xóm nhưng là thằng bạn thân nhất của tôi thuở nhỏ. Chẳng hiểu tự bao giờ tôi lại thích theo chân thằng bạn này, thích “phụ tá” cho hắn trong các chuyến phiêu lưu dù vẫn thấy rõ con roi của cha tôi vắt rành rành trên tấm phên tre giữa nhà.

“Mi đi bẻ mía với tau không? Mía vườn ni ngọt lắm!”, sáng ấy cuối tuần Bon ghé miệng vào tai tôi. “Ở mô rứa? Bẻ trộm à?”, tôi hỏi với giọng lo lắng. Bon liền trấn an: “Vườn nhà bà Tám Mẫn rộng lắm. Mình chọn chỗ vắng, không ai thấy đâu!”.

Phút chốc, những lọn mía nâu tròn ngọt lịm, dùng răng xước ra rồi nhai rào rạo hết lọn này đến lọn khác đến nỗi phấn mía dính đầy môi hiện ra trước mắt tôi, che khuất tự bao giờ con roi mây và cái xuống tay không do dự của cha tôi. Vườn rộng, mình chui vô chỗ vắng, chẳng ai thấy, giọng thằng Bon lặp đi lặp lại khiến tôi bớt run. Tôi lon ton theo chân nó tự lúc nào để ra tuốt đầu làng rồi lấp ló dừng lại bên hàng rào một khu vườn bát ngát. Đây là khu vườn khang trang được chăm chút kỹ mà lần đầu tôi gặp. Mái ngói nâu bên trong chỉ thấp thoáng sau màu xanh của tán mía. Không nghe động tĩnh, có thể người nhà đi vắng hoặc bận bịu vườn tượt.

Bon kéo tôi ra cuối góc vườn, nơi có vẻ lâu ngày vắng dấu chân người, rồi vạch một khoảng hàng rào chè tàu sơ sài để khom người chui qua. Chẳng mấy chốc, hai đứa tôi đã lọt thỏm dưới tán lá phủ trọn đầy sức che chở của vườn mía đan dày.

Có tiếng chó sủa từ xa, rồi dữ dằn cấp tập tiến dần về phía chúng tôi. “Chết cha, bị lộ rồi!”, Bon vừa lắp bắp thì cùng lúc xuất hiện trước mặt hai đứa tôi người phụ nữ cao lớn. Áo cánh tay màu xanh dương, hai ống quần xắn tận đầu gối, chiếc roi dài lăm lăm trên tay, bà vừa nhai trầu vừa trừng mắt nhìn hai thằng nhãi ranh với khóe nhìn mà mãi sau này hình dung lại, tôi mới biết vừa nghiêm khắc vừa hóm hỉnh dành cho hai kẻ trộm non nớt vụng về. “Hai thằng bay đứng dậy, theo tau vô đây!”, giọng bà Tám lạnh lùng. Ngoan ngoãn phủi bụi trên người, tôi và Bon rón rén bước qua khoảng sân rộng dưới sự giám sát của con roi to tướng để vào ngôi nhà gỗ ba gian. Không đợi bà chủ nhà ra lệnh, hai đứa tự động nằm sấp trên chiếc phản, áp sát má vào mặt gỗ mát lạnh. Phen này chắc sưng mông rồi! Tôi nhủ thầm vào lúc thiêm thiếp chờ đợi lằn roi từ tay bà chủ vườn.

Bon là đứa lãnh roi đầu tiên. Tôi biết ngọn roi từ tay bà Tám chẳng thấm béo gì so với cặp mông thường hứng đòn kia nhưng thằng bạn vẫn giả bộ rên rỉ rồi năn nỉ van xin. Đến lượt tôi rồi, phải cắn răng chịu đòn thôi! “Xích lại đây thằng kia! Mi con nhà ai?”, giọng bà Tám đanh thép. Tôi nhích mông cho vừa tầm roi của bà chủ, miệng mếu máo: “Dạ, con ông Bốn! Con lỡ dại, xin cô tha cho, từ nay con không dám nữa”. “Con ông Bốn à. Mà Bốn mô đó?”. “Dạ Bốn Vi!”.

Có một khoảng lặng từ phía bà chủ nhà sau câu trả lời của tôi. Lạ thật, tôi gồng mình chờ nhận lằn roi quất xuống cùng những lời dạy đanh thép như những gì thằng Bon vừa nhận lấy nhưng con roi kia sao chỉ nhắp lấy lệ xuống cặp mông, rất đúng nhịp với giọng điệu rắn rỏi: “Con của Bốn Vi à! Răng mà hư rứa bay. Thằng cha mi ngày xưa đã hư, chừ mi cũng hư là răng đây hè!”.

Rồi chiếc roi thôi nhắp. Giọng điệu có vẻ hờn trách kia cũng dừng lại. Tôi ngẩng đầu lén đưa mắt ngoái nhìn gương mặt bà chủ vườn. Không còn nét lạnh lùng, gương mặt ấy khiến tôi cảm thấy bình yên.  Sau này lớn lên, mỗi lần nhớ lại giây phút ấy, tôi hãy còn nhận ra một chút gì vừa xa vắng vừa tinh nghịch trong ánh mắt của bà chủ vườn.

Trưa ấy, tôi và thằng Bon rời ngôi nhà có vườn mía đầu làng với mỗi đứa một bó mía do tự tay bà Tám Mẫn chặt và bó cùng lời dặn từ nay đừng có hư như vậy nữa. Đó là điều lạ lùng đến kinh ngạc mà cả hai kẻ trộm không thể lý giải được suốt đoạn đường mỗi đứa trở về nhà. Nỗi kinh ngạc kéo dài nhiều năm sau đó có sức cảm hóa vô hình, đến nỗi nó khiến thằng Bon thôi còn rủ tôi tham gia các trò ranh ma nghịch phá nữa.

Chị Hai tôi là người tinh ý nhận ra vẻ khác thường nơi thằng em đi chơi về trưa, mặt còn đỏ lựng vì nắng và áo quần còn dính phấn mía. Vẻ lo lắng hiện trên gương mặt chị khi tôi khoe bó mía nhận được từ chính tay bà Tám Mẫn. Chị liền kéo tôi ra méc với cha tôi đang loay hoay phía sau vườn. Trong nỗi lo đòn roi, tôi bất ngờ nhận ra ánh mắt bình thản của cha tôi, kèm theo nụ cười nhẹ, cái nhướng mày bí ẩn và tiếng “suỵt” hướng về phía chị Hai. Ông ra dấu dặn con gái mình đừng để mẹ biết chuyện.

Tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên nọ. Không riêng bà chủ vườn Tám Mẫn mà cả chị Hai lẫn cha tôi đều khiến tôi không hiểu được chuyện gì xảy ra đằng sau bó mía. Cứ như tất cả họ đều giành quyền giữ lấy cái kho tàng bí ẩn từ chuyện trộm mía của thằng bé đáng đánh đòn là tôi lúc này.

Phải đến mấy mươi năm sau, cậu bé trộm mía ngày xưa ấy mới lần ra được phần nào cửa ngõ kho tàng lạ lẫm kia và hiểu được phần nào thâm ý từ miệng cười hóm hỉnh của cha tôi, cái khoác tay và tiếng “suỵt” của ông lúc nhìn thấy bó mía màu cánh dán do tôi  mang về từ khu vườn mà chắc chắn rất quen thuộc với ông. Có lẽ đó là lần duy nhất trong đời cha tôi chỉ lo cho bản thân ông trước hết (!). Nói vui thôi chứ thực tình, chẳng qua là ông sợ mẹ tôi buồn.

Bà Tám Mẫn là con gái cưng của một gia đình giàu có trong làng. Nền nã, kiêu sa, thời thiếu nữ, bà đủ sức làm điêu đứng nhiều trai làng vào tuổi cha tôi lúc ấy. Bà hướng tim mình về phía cha tôi như dành cả vốn liếng của tuổi thanh xuân cho mối tình đầu nhưng chẳng hiểu sao cuộc tình ấy không đi đến kết cuộc mong muốn. Cha tôi lúc bấy giờ lại dành hết xao xuyến thời trai trẻ cho cô gái con nhà nông, ngày ngày sau lúc cắp vở đến trường lại cùng cha mẹ ra đồng quần quật cấy lúa gánh phân.

Người con gái ấy chính là mẹ tôi. Có lẽ mẹ tôi thời ấy cũng chẳng hiểu vì sao người tình của mình lại từ giã cuộc tình với cô gái quý phái kia để bén duyên với mình. Nỗi thắc mắc có thể theo bà đến khi về nhà chồng và đeo đuổi bà cả đến khi đã sinh cho cha tôi cả đàn con.

Có lẽ tình cũ với bà Tám Mẫn thỉnh thoảng vẫn thức dậy trong cha tôi, khiến mẹ tôi buồn chăng? Nét cười lém, cái nhướng mày tinh nghịch cùng cách dặn dò đầy cảnh giác của ông ngày ấy trước vị ngọt bó mía vô tình đến từ khu vườn xưa dường nói lên tất cả.

Người chồng từng một thời lãng tử ấy không muốn vợ mình buồn chỉ vì biết cậu con trai thơ dại vừa được người tình cũ dỗ dành, dù chỉ bằng những lọn mía hái trong vườn nhà.

Nhưng tôi hư thì chắc chắn rồi. Bẻ trộm mía vườn nhà người ta thì không hư sao được. Còn cha tôi, sao bà Tám Mẫn cũng trách ông hư?

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

.