Đưa nông sản đi xa

.

Là người con của vùng đất Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam), Phạm Hữu Tâm (SN 1987) hiểu rõ ảnh hưởng của thiên tai đến mỗi vụ mùa của người nông dân như thế nào. Từ trăn trở đó, anh đã hình thành ý tưởng về những chiếc máy sấy do chính mình chế tạo và tạo dựng thương hiệu máy sấy SUNSAY, góp phần đưa nông sản đi xa.

Anh Phạm Hữu Tâm đang sở hữu một nhà xưởng ở quận Liên Chiểu để phục vụ việc nghiên cứu và chế tạo máy. Trong ảnh: Anh Tâm và các sản phẩm hoa quả sấy từ máy sấy SUNSAY. Ảnh: M.QUẾ
Anh Phạm Hữu Tâm đang sở hữu một nhà xưởng ở quận Liên Chiểu để phục vụ việc nghiên cứu và chế tạo máy. TRONG ẢNH: Anh Tâm và các sản phẩm hoa quả sấy từ máy sấy SUNSAY. Ảnh: M.QUẾ

Rời quê hương Gò Nổi vào Thành phố Hồ Chí Minh để theo học ngành công nghệ nhiệt lạnh tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2005, Phạm Hữu Tâm cho biết, lúc học xa nhà, anh cảm thấy rất lo lắng khi nghe tin quê mình phải hứng chịu những cơn bão. Năm 2006, có cơn bão Xangsane rất lớn khiến hoa màu và lúa đến mùa thu hoạch đã bị hư hỏng hết, thiệt hại rất nhiều. Cùng thời điểm đó, Tâm bắt đầu được tiếp cận kỹ thuật nhiệt, kỹ thuật sấy khô, làm thế nào để làm khô được nông sản, không còn phụ thuộc vào thời tiết. Khi tìm hiểu, Tâm nhận thấy rất cần một mô hình sấy như vậy ở quê nhà.

Năm 2008, anh Tâm thử chế tạo chiếc máy sấy đầu tiên và sử dụng tại quê mình. Từ khi bắt tay vào làm đến khi chiếc máy chạy thử thành công, anh mất đúng nửa tháng. Cầm trên tay thành quả đầu tiên là những hạt lúa được làm khô, anh Tâm vẫn còn nhớ như in niềm vui lúc đó: “Tôi nhớ mãi những câu “chất vấn” của bà con xung quanh như: “Sấy vậy lúa có bị chín hay cháy không?”, “Sờ vào lúa được không?”, “Có bị phỏng tay không?”…

Thời điểm đó, chưa ai biết đến sấy là gì và gần như đấy là lần đầu tiên họ được nhìn thấy một chiếc máy có thể làm khô được nông sản mà không cần phải đổ ra sân để phơi, không lo mưa đến. Các hợp tác xã và thương lái ở các khu vực lân cận cũng đến xem và nhờ sấy giúp từ lúa đến các nông sản khác. Khi đó, máy gần như chạy liên tục cho đến hết mùa thu hoạch. Tôi cảm thấy hạnh phúc và cảm nhận đó chính là con đường tôi muốn đi”, Phạm Hữu Tâm chia sẻ.

Trong quá trình học tập và tìm hiểu sau đó, Phạm Hữu Tâm nhận thấy nông sản Việt Nam rất đa dạng nhưng công đoạn chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa tốt, đa số bán tươi, không qua chế biến và câu chuyện được mùa mất giá xảy ra liên tục, người nông dân làm nông nghiệp rất khó khăn từ công cụ đến giá bán. So với các nước khác, có thể nói, ngành chế biến sấy và bản quản ở Việt Nam còn lạc hậu. Năm 2010, Tâm trở về quê nhà và chọn Đà Nẵng là nơi khởi nghiệp với việc chế tạo máy sấy. Tuy nhiên, không như anh suy nghĩ, thiếu vốn, thiếu máy móc thiết bị, nhà xưởng và thiếu kinh nghiệm khiến anh thất bại.

“Sau khi thất bại, nhiều lần tôi phải đi làm cho các công ty khác để mưu sinh và tích lũy vốn để khởi nghiệp trở lại. Trong thời gian này, tôi tích cực tham gia nhiều khóa học để bổ sung kiến thức, kết nối với những người có kinh nghiệm để học hỏi, đi nhiều nơi để hiểu hơn về nhu cầu khách hàng, dù điều kiện khó khăn nhưng những máy sấy do tôi chế tạo vẫn được ra đời để đến tay khách hàng một cách “chậm mà chắc”. Thay vì cố gắng bán máy mà không biết có phù hợp với khách hàng hay không, tôi hỗ trợ dùng thử miễn phí cho nhiều dự án lập nghiệp, cho khách hàng mượn máy sấy để có điều kiện nghiên cứu sản phẩm trước khi quyết định đầu tư cho lĩnh vực chế biến sấy này”,  Phạm Hữu Tâm cho biết.

Các sản phẩm sấy từ máy sấy SUNSAY. Ảnh: M.QUẾ
Các sản phẩm sấy từ máy sấy SUNSAY. Ảnh: M.QUẾ

Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, hiện nay Phạm Hữu Tâm có một nhà xưởng ở quận Liên Chiểu để phục vụ việc nghiên cứu và chế tạo máy, cùng với đó là đội ngũ có năng lực tư vấn, thiết kế và chế tạo máy với thương hiệu máy sấy SUNSAY. Các loại máy sấy SUNSAY có thể sấy được nhiều loại trái cây, rau củ như mít, xoài, mận, mãng cầu, sầu riêng...

Hầu như nông sản nào nếu có nhu cầu làm khô đều có thể sấy. Ngoài ra, các loại thịt sấy như lạp xưởng, bò khô, gà khô, heo khô hay tôm, cá, mực khô đều có thể sấy... bảo đảm mùi vị và dinh dưỡng không bị thay đổi khi sấy qua tủ sấy. Các sản phẩm máy sấy SUNSAY đã có mặt ở các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc)...

10 năm qua, với  Phạm Hữu Tâm là hành trình chinh phục bản thân để giải quyết khó khăn. Trong thời gian tới, các hệ thống sấy sẽ được phát triển để kết nối với server (máy chủ), giúp người sử dụng có thể điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh.

Các quy trình vận hành, thông số, lịch sử hoạt động của máy cũng sẽ được ghi nhận và phân tích để tối ưu hóa quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, Tâm mơ ước xây dựng được một trung tâm có đủ điều kiện nghiên cứu và một nhà máy cơ khí với điều kiện tốt hơn để quy tụ những người đam mê kỹ thuật có nơi thỏa sức sáng tạo.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.