Hành động "xanh" để xây dựng thành phố sinh thái

.

Một thành phố sinh thái chính là thành phố có kiến trúc cảnh quan xanh, đồng bộ, được kết nối tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh phục vụ cho đô thị phát triển; góp phần duy trì, gìn giữ và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên ngày càng phong phú, đa dạng.

Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Từ những mục tiêu đã định hình

Việc trở thành thành phố sinh thái hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đang trở thành mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Mục tiêu này đã được thành phố Đà Nẵng xác lập trong định hướng phát triển từ rất sớm. Có nghĩa là quá trình phát triển không chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế, mà còn cần thực sự quan tâm đến quản lý môi trường, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, mang lại cuộc sống an lành cho người dân. Đồng thời, bảo đảm chất lượng môi trường luôn trong lành, các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, các giá trị đa dạng sinh học được gìn giữ vẹn toàn, phát triển. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều hướng đến tiêu chí sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu ở mức thấp nhất.

Đối với Đà Nẵng, hướng đến mục tiêu “Thành phố sinh thái” là một lựa chọn đúng đắn trong tiến trình mới, là một chủ trương quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm…”. Để thực hiện được mục tiêu nói trên, đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt hơn với những giải pháp và hành động “xanh”.

Bãi biển du lịch Mỹ Khê, Đà Nẵng.  Ảnh: DOÃN TRIỀU
Bãi biển du lịch Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ảnh: DOÃN TRIỀU

Đó là đô thị cần được quy hoạch theo hướng gắn kết, hài hòa với môi trường tự nhiên, gìn giữ và phát triển sự đa dạng sinh học. Đây là nhóm giải pháp then chốt, mang tính toàn diện, bao trùm của phát triển bền vững. Trong Quy hoạch đô thị thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã trình Chính phủ, thành phố đã thống nhất cao khi đề ra các giải pháp quy hoạch đô thị lấy yếu tố tự nhiên làm chủ đạo, các yếu tố nhân tạo phải được gắn kết một cách hài hòa, không lấn át hay đánh mất giá trị đặc trưng cảnh quan tự nhiên trên cơ sở các nguyên tắc thẩm mỹ, chú trọng tính nguyên vẹn của hệ thống. Do đó, việc triển khai, thực thi quy hoạch trong thời gian tới cần bảo đảm cấu trúc núi - sông - biển; thực thi có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật gắn kết giữa thiên nhiên và con người. Đồng thời, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cộng đồng, người dân thành phố hướng đến phong cách sống mà ai cũng thân thiện với tự nhiên, với môi trường. Tiếp đến cần tăng cường không gian mở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tích hợp với năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một thành phố sinh thái chính là thành phố có kiến trúc cảnh quan xanh, đồng bộ, được kết nối tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh phục vụ cho đô thị phát triển; góp phần duy trì, gìn giữ và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên ngày càng phong phú, đa dạng. Chính vì vậy, trong tổ chức không gian cần bảo đảm bố trí các không gian mở như công viên ven sông, rặng cây phòng, chống gió bão ven biển, vùng cây xanh cách ly bảo vệ môi trường,…Đây là thành phần chức năng không thể thiếu trong các đồ án quy hoạch, vừa tạo cảnh quan vừa cải thiện điều kiện vi khí hậu ở đô thị. Trong thực tiễn, cần xác định quy mô các khu chức năng đô thị hợp lý để giảm việc đi lại bằng phương tiện cơ giới, tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết các hạ tầng giao thông thân thiện môi trường như đi bộ, xe đạp hay xe buýt. Các bãi đỗ xe tập trung hợp lý sẽ phát huy khả năng đi bộ. Dự án xe đạp điện công cộng cần sớm triển khai, tăng cường tiện ích đô thị góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và trên hết là hiệu quả bảo vệ môi trường.

Chú trọng nền kinh tế tuần hoàn, môi trường bền vững

Để xây dựng thành phố bền vững tầm khu vực ở giai đoạn mới là một quá trình lâu dài, nhiều thách thức. Tuy nhiên, chúng ta đang kế thừa nền tảng kinh tế phát triển khá tốt và đang trong thời điểm phù hợp, thuận lợi để khởi động quá trình này. Trước mắt, cần tiến hành khoanh vùng ưu tiên để xác định các ngành, lĩnh vực hay các khu vực đô thị đáp ứng được năng lực để triển khai.

Đối với Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2025 sẽ sớm triển khai theo các hướng trọng tâm, trọng điểm, như: “Xây dựng đô thị cacbon thấp” ở các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà. Các lĩnh vực trọng tâm sớm có giải pháp phát triển chi tiết như: xây dựng, giao thông, y tế, du lịch, công nghiệp, như là triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái, hay mô hình đô thị kiểu mẫu về môi trường (giao thông xanh, không gian xanh, doanh nghiệp xanh, tuần hoàn tài nguyên,…).

Bên cạnh những giải pháp có tính vĩ mô, chiến lược mang tính lâu dài, cần phải bắt đầu bằng những hành động “xanh” từ cuộc sống thường nhật. Để xây dựng thành phố môi trường, hướng đến thành phố sinh thái, không chỉ có sự nỗ lực của chính quyền thành phố mà rất cần sự tham gia, đóng góp thiết thực, tích cực của mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp thông qua những hành động hết sức cụ thể.

Trước hết, chung tay giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ mảng xanh đô thị. Các hệ sinh thái tự nhiên, các hồ, đầm hay các hàng cây xanh hiện hữu trong thành phố chúng ta chính là vẻ đẹp và giá trị của một đô thị sinh thái, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, những nét độc đáo. Đặc biệt, đây là yếu tố quan trọng khi đánh giá chất lượng cuộc sống đô thị.

Hiện nay, tỷ lệ mảng xanh, cây xanh đô thị ở Đà Nẵng còn rất khiêm tốn so sánh với các đô thị “xanh” ở các nước phát triển, ngay cả khi so sánh với các đô thị khác ở Việt Nam. Đây cũng chính là tiêu chí tiên quyết để trở thành “Thành phố môi trường”. Với sự phát triển nhanh chóng, các khu tái định cư, khu đô thị mới phần lớn chưa đảm bảo chỉ tiêu về diện tích đất trồng cây xanh. Các giải pháp về trồng cây xanh hiện vẫn chưa đạt so với tiêu chuẩn quốc gia đối với tỷ lệ cây xanh công cộng; công tác xã hội hóa chăm sóc, trồng cây xanh còn gặp nhiều khó khăn do giải pháp quy hoạch hay nguồn lực thực hiện. Để tăng được tỷ lệ này, mỗi tổ chức, từng người dân chúng ta cần có trách nhiệm hơn. Trước mắt là bằng những việc làm thiết thực để bảo vệ, chăm sóc cây xanh xung quanh mình. Về lâu dài, chúng ta hướng tới nâng cao hơn ý thức trong tiêu dùng, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, với thiên nhiên.

Đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” ở giai đoạn mới đã đề ra các tiêu chí trọng tâm liên quan đến kinh tế “xanh”, giảm tiêu dùng và phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể như xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái, tăng tỷ lệ tái sử dụng nước thải, tái chế chất thải, nghiên cứu về năng lượng tái tạo, phát triển giao thông công cộng... Mỗi doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố dù ở bất kỳ quy mô hoạt động kinh doanh, sản xuất nào cũng cần nghiên cứu để sớm tiếp cận “kinh tế tuần hoàn” một cách bài bản, đầy đủ, bằng những giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực cho doanh nghiệp, tổ chức mình. Áp dụng ngay các giải pháp “sản xuất sạch hơn”, “thông minh hơn” như tiêu dùng nước, năng lượng tiết kiệm - hiệu quả, sử dụng nguyên liệu, vật liệu giảm phát thải, và xây dựng lộ trình thực hiện theo cấp độ tăng dần, dài hạn như đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, tái sử dụng vật liệu, giảm phát thải, từ đó sẽ giảm chi phí xử lý chất thải, tái sử dụng nước thải, sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,... Với tiếp cận này, chắc chắn rằng doanh nghiệp đó sẽ luôn đáp ứng được các quy định tuân thủ về bảo vệ môi trường, hướng tới thiết lập nên chuỗi các doanh nghiệp “xanh”, “thân thiện môi trường” ở thành phố.

Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: DOÃN TRIỀU
Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: DOÃN TRIỀU

Phân loại rác ngay tại nguồn là việc làm rất cần thiết hằng ngày để tạo thói quen tốt, giúp bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp, giúp xã hội văn minh hơn. Mỗi người dân thành phố nếu thực hiện phân loại rác tái chế đúng quy định, chúng ta sẽ có ngay từ 100-150 tấn mỗi ngày các loại vật liệu tưởng chừng là chất thải phải đem đi xử lý lại được tiếp tục sản xuất thành những vật liệu tiêu dùng hữu ích. Mỗi người dân thành phố, mỗi doanh nghiệp thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chính là góp phần xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh, là thể hiện tình yêu quê hương một cách thiết thực, thể hiện trách nhiệm của chúng ta hôm nay đối với mai sau.

Chúng ta vẫn luôn cho rằng biển là vô tận, sông rồi sẽ chảy ra biển, nên vẫn còn tồn tại những hành vi vi phạm môi trường như xả nước thải chưa qua xử lý của các nhà hàng, cơ sở kinh doanh. Ngay sau một cơn mưa lớn, thành phố lại chứng kiến một khối lượng khổng lồ từ hệ thống thu gom nước thải từ đô thị tràn ra biển dù ai cũng hiểu nếu biển ô nhiễm thì Đà Nẵng đánh mất giá trị du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế. Bán đảo Sơn Trà từng được ví như lá phổi xanh của thành phố, là tài nguyên thiên nhiên vô cùng đặc biệt của thành phố, mang lại những giá trị du lịch cao. Nhưng cũng đã và đang vẫn diễn ra tình trạng sau một chuyến dã ngoại, du khách luôn để lại bao nhiêu là rác thải sau khi mang về những bức hình đẹp....

Nếu không chung tay hành động thì môi trường sống quanh ta sẽ ngày càng xấu đi. Hãy hành động “xanh” để xây dựng thành phố sinh thái.

TÔ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.