Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Lạm bàn về con trâu trong ngôn ngữ văn hóa

06:31, 16/02/2021 (GMT+7)

Ý niệm “Con trâu là đầu cơ nghiệp” luôn hiện hữu trong tư duy văn hóa Việt. Từ trong chiều sâu ý nghĩa, nghĩ về biểu tượng “trâu” trong tâm thức Việt, chúng ta học được nhiều đức tính quý giá về sự hy sinh, nhẫn nhục, cần cù chịu khó cũng như đức tính mạnh khỏe, dẻo dai của “con trâu” vốn được xem là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông.

Từ góc độ ký mã ngôn ngữ/văn tự…

Con trâu còn được gọi với nhiều tên khác nhau trong tiếng Việt: trâu, tru, sửu, ngưu, ngâu, nghé (trâu con)… Về mặt từ nguyên học, hai ý kiến của học giả An Chi (Huệ Thiên) và nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông (Úc) là đáng suy ngẫm nhất. An Chi  luôn thiên về nguồn gốc Trung Hoa của các từ ngữ dùng để cách gọi tên trâu/ngưu/ngâu. Ông cho rằng, ngưu vừa là trâu, vừa là bò. Để phân biệt cho rõ ràng, người ta gọi bò là hoàng ngưu, trâu là thủy ngưu, bò Tây Tạng là mao ngưu, tê là tê ngưu. Tuy nhiên, trong Hán cổ, ngưu là trâu chứ không phải bò. ngưu manh là con mòng trâu; ngưu điệt là con đỉa trâu; ngưu đầu mã diện là đầu trâu mặt ngựa; đối ngưu đàn cầm là đàn gãy tai trâu.

Lễ rước kiệu  mục  đồng  ở  làng Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp
Lễ rước kiệu mục đồng ở làng Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp

Để chứng minh cho luận điểm này, An Chi giải thích như sau: danh từ đó được ghi bằng chữ 牛, âm Hán Việt chính thống hiện đại là ngưu, mà ngâu là một biến thể xưa hơn, còn thấy được trong mưa ngâu, vợ chồng Ngâu. Đây chính là nguyên từ của danh từ trâu trong tiếng Việt, nói một cách khác, thì trâu là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn từ chữ/từ 牛. Cái dấu nối hiển nhiên giữa trâu và ngưu 牛 chính là chữ mà âm Hán Việt hiện đại là sưu, có nghĩa là khỏi bệnh. Đây là một hình thanh tự mà nghĩa phù là nạch còn thanh phù lại là ngưu. Từ đó, tác giả phục nguyên và giải thích rằng: nhưng đằng nào thì trâu cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn từ chữ/từ 牛 mà âm Hán Việt hiện đại là ngưu còn cái dấu nối giữa trâu và ngưu (ngâu) là chữ sưu.

Ngược lại, về từ nguyên trâu/sửu/ngưu/ngâu, có thể tóm lược quan điểm nguồn gốc Việt Nam của 12 con giáp theo Nguyễn Cung Thông qua mấy điểm sau: 1) Ngưu hay ngâu là tiếng Hán Việt, nghĩa là bò (cow, ox, bull), giọng Bắc Kinh bây giờ là niú - cũng viết bằng bộ ngưu 牛 thứ 93 trong 214 bộ thủ cổ điển; 2) Trâu được truy xuất trong klu/tlu (trâu, tiếng Mường), tru (giọng Ninh Bình, Thanh Hóa …), tơla (Bahna), krapư (Brâu), krobây/khây (Khme), krâu (Wa); trâu còn được phiên âm là *klâu trong An Nam Dịch Ngữ hay dạng tlâu trong tự điển Việt Bồ La (Alexandre De Rhodes, 1651); 3) Có cơ sở rất vững chắc để thành lập tương quan phụ âm đầu s-kl/tl–tr của Sửu - *klu/*tlu - trâu khi xác lập nguồn gốc Việt Nam của con giáp thứ hai này.

…đến góc độ biểu tượng hóa trong tâm thức văn hóa Việt

Ý niệm “Con trâu là đầu cơ nghiệp” luôn hiện hữu trong tư duy văn hóa Việt. Việt Nam, quốc gia có nền văn hóa bản địa Đông Nam Á mang đặc trưng “văn hóa lúa nước”, “văn hóa trọng tĩnh” để khu biệt với các nền văn hóa du mục, “văn hóa lửa”, “văn hóa trọng động” như các nước phương Tây. Điều này lý giải tại sao khi mà, con trâu, chứ không phải các con vật khác, được xem là “đầu cơ nghiệp” của một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước và trở thành biểu tượng văn hóa luôn trở nên gần gũi, thân thương và giàu ý nghĩa.

Con trâu là một phần của tâm hồn người Việt. Bởi trong đời sống văn hóa dân gian, tục ngữ, thành ngữ thường liên tưởng đến “trâu” (khỏe như trâu; trâu chậm uống nước đục); ca dao dân ca cũng xuất hiện biểu tượng “trâu” (Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta). Quả thật, từ xa xưa, trong tâm trí người Việt, “trâu” là con vật hiền lành, tượng trưng cho đức tính cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại. “Con trâu” hôm nay không khác “con trâu” ngày trước. Trong các truyền thuyết cổ, các tích truyện xưa, không bao giờ “trâu” hiện lên như một quái vật. Cho nên, ở một phương diện nào đó, biểu tượng “trâu” vẫn có thể được xem là biểu tượng gốc, mẫu gốc trong văn hóa Việt Nam. Nếu phải chỉ ra những biểu tượng đặc trưng cho mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa thì không phải ngần ngại khi cho rằng “con trâu” là biểu tượng văn hóa Việt Nam (bên cạnh các biểu tượng: rồng, chim lạc, trống đồng), “con ngựa” là biểu tượng gắn liền với văn hóa Trung Hoa, chú “gà trống Gôloa” là biểu tương văn hóa của dân tộc Pháp.

Người Việt nhân cách hóa biểu tượng “trâu” theo cách riêng của mình: “Trâu ơi ta bảo trâu này - Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta - Cấy cày giữ nghiệp nông gia - Ta đây trâu đấy, ai mà quản công - Bao giờ cây lúa còn bông - Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhiều lần nhắc lại định đề được thể hiện qua các công trình nghiên cứu văn hóa của ông: “Văn hóa Việt Nam là văn hóa Folklore, văn hóa dân gian” mà “mất dân gian là mất hồn dân tộc” . Qua vốn cổ dân gian (thành ngữ, tục ngữ, ca dao) để tìm hiểu về biểu tượng “trâu”, chúng ta càng hiểu và yêu thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Đặc tính sinh học của loài trâu là phải mạnh khỏe, dẻo dai thì mới gánh vác được trách nhiệm “việc nhà nông”, gắn bó suốt đời với đời sống của người nông dân. Với đặc tính tự nhiên của loài như vậy, biểu tượng “trâu” được liên tưởng đến những hàm ý sâu sắc, biểu trưng cho sức khỏe phi thường: “Trâu khỏe chẳng lọ cày trưa - Mạ già ruộng ngấu không thua bạn điền”; “Trâu năm sáu tuổi còn nhanh- Bò năm sáu tuổi đã tranh về già - Đồng chiêm xin chớ nuôi bò -  Mùa đông tháng giá, bò dò làm sao”; “Trâu gầy cũng tầy bò giống - Trâu ho cũng bằng bò khỏe”. Ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh đã bình thường hóa trong những cách nói như “cậu ấy dạo này trâu lắm” mà không hề gây sự khó hiểu cho mọi người. Từ ý niệm này mà biểu tượng “trâu” còn được dùng để biểu trưng cho kẻ mạnh, kẻ bề trên trong xã hội: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết oan”.

Trong đời sống nông thôn Việt Nam, trâu là con vật gia truyền, gia bảo của mỗi gia đình. Nó không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là biểu tượng của sự giàu sang phú quý. Nhà nào “chín đụn mười trâu”, “trâu giăng, bò dắt” được xem là giàu có, của chất đầy rương: “Muốn giàu nuôi trâu lái, muốn lụn bại nuôi bồ câu”; “Chẳng tham lắm ruộng nhiều trâu - Tham vì ông lão tốt râu mà hiền”. Và trong cuộc đời của một người đàn ông, đấng mày râu quân tử, ba việc lớn mà họ phải làm, trong đó “tậu trâu” được xếp hàng trước hết: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà - Trong ba việc ấy thật là khó thay”. Ngay trong đề tài tình yêu lứa đôi, biểu tượng “trâu” cũng góp phần tô thắm thêm những lời thề nguyền ước nguyện: “Thương nhau vì nợ vì duyên - Trâu đôi chi đó, thổ điền chi đây”, thật hóm hỉnh mà đầy tinh tế, chua cay.

Từ một con vật gần gũi thân thương với người nông dân, “trâu” trở thành một biểu tượng văn hóa và có sức sống trong đời sống văn hóa lễ hội dân gian của bao miền quê đất Việt. Lễ hội đâm trâu của các dân tộc Tây Nguyên với biểu tượng “cây nêu thần” có ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng lại hướng đến tinh thần thể thao lành mạnh, “tinh thần thượng võ”, ca ngợi ý chí dũng cảm và sức mạnh của loài trâu vốn trở nên biểu tượng quen thuộc trong tâm thức văn hóa Việt: “Dù ai buôn đâu bán đâu - Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về - Dù ai buôn bán trăm nghề - Mồng mười tháng tám trở về chọi trâu”.

Từ trong chiều sâu ý nghĩa, nghĩ về biểu tượng “trâu” trong tâm thức Việt, chúng ta học được nhiều đức tính quý giá về sự hy sinh, nhẫn nhục, cần cù chịu khó cũng như đức tính  mạnh khỏe, dẻo dai của “con trâu” vốn được xem là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Và cả trong thời kỳ hội nhập hiện nay. 

PGS.TS TRẦN VĂN SÁNG

.