Nữ bác sĩ 24 tuổi và khát vọng lan tỏa văn hóa đọc

.

Trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2 (phát sóng trên kênh HTV2), bác sĩ Nguyễn Thục Nữ (quê ở tỉnh Quảng Nam) gây ấn tượng vì cô đã đọc lượng sách mà người Việt phải mất 833 năm mới đọc hết cũng như khả năng ghi nhớ thông tin liên quan đến những cuốn sách từng đọc.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Nguyễn Thục Nữ bày tỏ hy vọng thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, người Việt Nam nói chung sẽ cùng nhau xây dựng văn hóa đọc hiện đại, đáp ứng xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức, có thể xứng ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nguyễn Thục Nữ tại chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thục Nữ tại chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2. Ảnh: NVCC

Đọc sách là sống thêm được nhiều cuộc đời khác

* Mục đích/mục tiêu mà bạn hướng đến khi tham gia chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2?

- Tôi muốn thử thách khả năng của bản thân, làm những điều mới mẻ. Khi xem Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 1, tôi bị chinh phục bởi sức hấp dẫn và những giá trị to lớn mà chương trình mang lại nên quyết định tham gia mùa 2. Với niềm yêu thích sách, tôi đã đọc 1.000 cuốn sách của hơn 200 tác giả trên khắp thế giới. Tại chương trình, tôi phải hoàn thành thử thách “Thư viện mini”. Theo đó, mỗi giám khảo sẽ lựa chọn ngẫu nhiên và đọc một phần nội dung in trên trang bìa cuốn sách. Tôi có nhiệm vụ liệt kê tên 5 tác phẩm cùng tên tác giả, năm xuất bản đầu tiên và đơn vị phát hành.

Thử thách của tôi còn có một mục đích quan trọng hơn, đó là lan tỏa văn hóa đọc, truyền ngọn lửa đam mê sách đến với mọi người. Tôi đến với cuộc thi hơn hết là thể hiện lòng tự hào dân tộc.

* Niềm yêu thích đọc sách của bạn bắt đầu từ khi nào?

- Tôi bắt đầu đọc sách vào những năm tiểu học, từ những câu chuyện cổ tích, truyện thiếu nhi. Lúc đó, tôi khá thích truyện tranh, đến giờ tôi vẫn là fan của Conan. Ở bậc THCS, tôi tìm đọc những tác phẩm văn học Việt Nam cũng như thế giới và duy trì việc đọc sách cho đến nay. Lúc tôi còn nhỏ, mẹ thường mượn sách của thư viện cho tôi đọc. Đến khi thấy tôi quá đam mê sách, mẹ lo việc đọc sách nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị lực và việc học của tôi. Nhưng tôi đã chứng minh cho ba mẹ thấy tôi có thể vừa học tốt, vừa giữ thói quen đọc sách hằng ngày bằng kết quả học tập.

Còn khả năng ghi nhớ là do tôi luyện tập. Sau khi áp dụng khá nhiều cách ghi nhớ, tôi dần rút ra được phương pháp phù hợp với bản thân.

* Sách đã truyền cảm hứng hay ảnh hưởng đến bạn như thế nào?

- Tôi đọc sách tùy tâm trạng. Có những ngày tôi có thể đọc 5 cuốn sách, mỗi cuốn khoảng 350 trang. Tôi không đặt mục tiêu phải đọc được bao nhiêu, mà là khi đọc xong, tôi nhận được gì từ cuốn sách đó. Những tác phẩm kinh điển hoặc nổi tiếng, tôi sẽ đọc mà không cần một tiêu chí nào. Với những cuốn sách mới phát hành, tôi sẽ tìm hiểu sơ lược về thể loại, nội dung, sau đó nếu cần thì tham khảo thêm một vài nhận xét của những người cùng gu đọc sách với mình.

Người Israel có câu nói: “Sách là nơi cất giữ trí tuệ, còn quý hơn tiền bạc, châu báu, và trí tuệ là thứ mà không ai có thể cướp được”. Dù bạn là ai, bạn làm nghề gì, khi đọc nhiều sách, bạn sẽ có cách tư duy mạnh mẽ hơn, cách nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn; và điều đặc biệt, một cuốn sách có thể sẽ thay đổi chính con người bạn theo hướng tích cực hơn. Người ta cũng nói, mỗi người sinh ra chỉ có một cuộc đời nhưng đọc sách sẽ giúp người ta sống thêm cuộc đời nữa.

Qua những tác phẩm đã đọc, tôi nghĩ mình đã sống thêm được rất nhiều cuộc đời khác, hiểu thêm những giá trị khác của con người. Lượng kiến thức mà sách mang lại khiến tôi cảm thấy tự tin hơn, giao tiếp xã hội tốt hơn. Thế giới nội tâm của tôi cũng ngày càng phong phú, biết yêu thương, chia sẻ và đồng cảm hơn với mọi người.

Đặc biệt, Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn sách truyền cảm hứng mãnh liệt nhất. Tôi đọc sách này năm lớp 9 và bắt đầu yêu ngành y từ đó. Khoảng thời gian trước khi thi đại học, tôi khá phân vân về quyết định học y khoa hay báo chí, vì tôi thích đi đây đi đó, khám phá những điều mới lạ. Nhưng rồi tôi chọn y khoa.

Coi sách như một niềm vui trong cuộc sống

* Bạn nhìn nhận thế nào về thực trạng văn hóa đọc của người Việt hiện nay?

- Có câu nói: “Một xã hội phát triển hay thụt lùi thì phải xem nguồn rễ của việc đọc sách có sâu hay không, những người đang đọc sách, đọc những quyển sách gì quyết định tương lai của một quốc gia. Đọc sách không chỉ ảnh hướng đến cá nhân, mà còn tác động đến cả dân tộc, cả xã hội”. Thế nhưng, so với thế giới, việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn những quốc gia khác rất nhiều.

 

Dù bạn là ai, bạn làm nghề gì, khi đọc nhiều sách, bạn sẽ có cách tư duy mạnh mẽ hơn, cách nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn; và điều đặc biệt, một cuốn sách có thể sẽ thay đổi chính con người bạn theo hướng tích cực hơn. Người ta cũng nói, mỗi người sinh ra chỉ có một cuộc đời nhưng đọc sách sẽ giúp người ta sống thêm cuộc đời nữa. Qua những tác phẩm đã đọc, tôi nghĩ mình đã sống thêm được rất nhiều cuộc đời khác, hiểu thêm những giá trị khác của con người”

Tôi thấy văn hóa đọc của người Việt hiện có chiều hướng già hóa về tuổi tác, tức là đa phần những bạn ở độ tuổi rất trẻ thường không coi việc đọc sách như một phần trong cuộc sống của họ. Ngược lại, những độc giả là người trưởng thành, có công việc, gia đình, hoặc đã về hưu thường rất thích đọc sách và coi điều này như thói quen không thể tách rời trong cuộc sống thường nhật.

Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng như hiện nay. Theo tôi, nguyên nhân chính là sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Ngoài ra, nhịp sống xã hội phát triển cũng dẫn đến việc mọi người không thể dành thời gian cho việc đọc sách, dù chỉ khoảng thời gian ngắn.

Tôi hy vọng thế hệ người Việt sẽ bước qua giới hạn an toàn của bản thân. Bằng cách đọc sách và hành động, bạn đã góp phần vào việc thay đổi thế giới. Tôi nghĩ nên thay đổi ngay trong tư duy của mỗi người về việc đọc sách; nên coi sách như một niềm vui trong cuộc sống, nhất là với những người đã lập gia đình và có con. Việc đọc sách cùng con vừa giúp giải tỏa áp lực sau một ngày làm việc, vừa hình thành thói quen tốt cho con trẻ ngay từ nhỏ.

* Bạn đã trích dẫn câu nói của Voltaire: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, mang nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”. Vậy bạn “truyền lửa” như thế nào?

- Gần đây nhất, tôi tham gia “Tủ sách nhân ái”. Chương trình được khởi xướng và thực hiện bởi những người có cùng chung chí hướng muốn trao tặng sách - món quà tri thức - đến mọi nơi, đặc biệt là trẻ em những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không có nhiều cơ hội tiếp cận sách. Tôi cũng đang là quản trị viên của một cộng đồng đọc có gần 82.000 thành viên. Tôi nghĩ các cộng đồng về sách tạo hiệu quả cao trong việc kết nối những người yêu sách với nhau.

Tôi tin rằng, nếu bạn không thích đọc sách, chỉ là vì bạn chưa tìm được cuốn sách phù hợp với bản thân mình. Tôi hy vọng sẽ giúp bạn tìm ra cuốn sách ấy. Trong tương lai, tôi vẫn sẽ theo đuổi con đường chính của bản thân: trở thành bác sĩ giỏi, giúp nhiều người. Bên cạnh đó, tôi sẽ dành thời gian cho những hoạt động cộng đồng ý nghĩa, các dự án khơi gợi tình yêu sách, lan tỏa văn hóa đọc.

Nguyễn Thục Nữ vừa tốt nghiệp ngành Bác sĩ đa khoa (Khoa Y dược - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Khi là học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), Nữ từng tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 14 (2013-2014) và giữ kỷ lục thí sinh có điểm phần thi Tăng tốc cao thứ 3 năm đó.

Tham gia chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2, Nữ không chỉ gây ấn tượng bởi trí nhớ siêu hạng mà còn bởi kiến thức vô cùng phong phú khi xuất sắc vượt qua thử thách nâng cấp độ khó từ giám khảo Dương Anh Vũ (người xác lập 4 kỷ lục thế giới về Siêu trí nhớ học thuật). Đó là “gọi tên” 3 tác phẩm kinh điển từ 3 gợi ý tương ứng với 1 quyển sách. Điều này đòi hỏi thí sinh không chỉ có khả năng ghi nhớ đơn thuần mà phải am hiểu nhiều lĩnh vực khác để có thể liên kết các gợi ý với chi tiết của sách.

NAM BÌNH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.