Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Thấy gì ngoài cửa sổ

14:24, 10/02/2021 (GMT+7)

Covid-19 phá vỡ nghiêm trọng mọi khía cạnh của xã hội. Nó thay đổi cách chúng ta làm việc, học tập, vui chơi mua sắm, đặc biệt là giao tiếp xã hội.

Khi tôi còn đang loay hoay thích nghi với việc giãn cách xã hội, làm việc tại nhà và thích ứng với các nguyên tắc quy định xã hội để bản thân và gia đình an toàn, một người bạn cũ từng làm nghiên cứu sinh cùng tôi ở Anh gửi tôi lời mời tham gia nhóm “View from My Window” trên mạng xã hội. Đây là diễn đàn do một nhà thiết kế đồ họa người Bỉ sống ở Amsterdam (Hà Lan) lập, hiện có hơn 2 triệu thành viên cùng chung một điểm: “bị mắc kẹt ở nhà”.

Các thành viên diễn đàn chụp các bức ảnh nhìn ra ngoài từ cửa sổ nhà mình, chia sẻ cảm xúc khi nhìn ngắm thiên nhiên. Thiên nhiên trong các bức ảnh vẫn tươi đẹp dù người chụp đang phải đối mặt với Covid-19 trong cô đơn, âu lo và xáo trộn. Đó là những bức ảnh hoa nở rộ ở New Zealand, tuyết rơi ở Thụy Sĩ, mặt trời mọc ở châu Phi, thành phố đầy ánh đèn ở Hong Kong (Trung Quốc)... Nghĩa là không cần đi đâu thì các thành viên vẫn có thể ngắm toàn bộ thế giới qua hình ảnh ở thời “người dùng tạo ra nội dung” hay “nhà báo công dân”.

Đa phần là những câu chuyện tươi sáng, hy vọng. Những lời động viên từ những người lạ trên toàn cầu cho những người phải tự cách ly, hay phải làm việc ở nhà trong cô đơn. Đây là một ví dụ điển hình của việc chúng ta vẫn còn có kết nối để chia sẻ trong khủng hoảng dịch bệnh.

Đại dịch làm đảo lộn cuộc sống bình thường. Các nhà tâm lý học giải thích Covid-19 đang thay đổi hành vi của chúng ta như thế nào, đặc biệt là mối liên hệ cảm xúc tăng cao của chúng ta với người lạ và ý thức cộng đồng.

Mỗi người trong chúng ta đều bị ảnh hưởng - trực tiếp hoặc gián tiếp - bởi đại dịch Covid-19, và chúng ta buộc phải điều chỉnh theo lối sống mới. Khi đối mặt với một mối đe dọa chung, ý thức chia sẻ cùng nhau có thể khiến mọi người vượt qua sự khác biệt và cùng phản ứng với những thách thức đang phải đối mặt.

Trong những thời điểm khủng hoảng, các nghiên cứu cho thấy “cảm giác của chúng ta” - “We-feel”, hoặc mối liên hệ cảm xúc với những người khác, là động lực quan trọng để thúc đẩy hành động ủng hộ xã hội. Cảm giác gần gũi có thể dẫn đến mối quan hệ chung và quan tâm đến lợi ích của người khác. Vì vậy, những người cảm thấy là một phần của cộng đồng gắn kết có thể hình thành một bản sắc chia sẻ mạnh mẽ với nhau. Bất chấp những khó khăn, nhiều người tìm cách đáp ứng nhu cầu về kết nối xã hội và cảm xúc. Chúng ta đã tìm ra những cách thức sáng tạo để giao tiếp với những người khác ở khoảng cách xa. Trong nỗ lực đối phó với cách sống mới, chúng ta vô tình thay đổi cách tổ chức cuộc sống của mình trong tương lai.

Công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc kết nối con người và lan tỏa chia sẻ. Cho dù đó là giao tiếp với người thân hay bạn bè thông qua mạng xã hội, hay tìm kiếm, học tập các ứng dụng mới trong công việc, chúng ta đều dựa vào các giải pháp kỹ thuật số nhiều hơn chúng ta từng có trước đây.

Trong dịch bệnh, dù hạn chế đi lại cùng sự thắc thỏm, nhưng thứ duy nhất chúng ta có là không mất kết nối với người thân, dù đó không phải là cảm giác chạm sờ. Tôi từng thấm thía giá trị của điện thoại khi để đồ ăn trước cửa nhà cho cha mẹ và cầm điện thoại gọi cha mẹ ra mở cửa lấy đồ, rồi lại lặng lẽ nhìn từ xa và tiếp tục bước đi. Bằng cách nào đó cha mẹ đã vẽ được nụ cười trên khuôn mặt của tôi...

Hôm nay, tôi đã dừng lại rất lâu câu chuyện của Nora từ Budapest (Hungary), nơi một nửa anh chị em của mẹ tôi đang sống. Cả gia đình dì tôi đang bị Covid-19 và phải tự cách ly chữa tại nhà. Nora chia sẻ bức ảnh từ cửa sổ và viết: “Khi điều này (đại dịch) kết thúc, nhóm này sẽ chuyển thành một nhóm hoán đổi nhà. Đây là góc nhìn của tôi từ căn hộ của chúng tôi ở Budapest. Có những cây mận tuyệt vời xung quanh chúng ta. Yêu nhiều, luôn an toàn và hạnh phúc mọi lúc, mọi nơi nhé mọi người. Nora”.

Chúng ta sẽ đối mặt, thích ứng và vượt qua những bất ổn phía trước khi có sự chia sẻ với người thân hay người lạ và kết nối dù vô hình hay hữu hình. Ngoài cửa sổ, dù khắc nghiệt nhất, mọi vật vẫn học cách sinh tồn theo lẽ tự nhiên.

Dì tôi đã để lại một tin nhắn trên viber: “Dì vẫn ổn nhé, cảm ơn cháu gái”. 

Mỗi người trong chúng ta đều bị ảnh hưởng - trực tiếp hoặc gián tiếp - bởi đại dịch Covid-19, và chúng ta buộc phải điều chỉnh theo lối sống mới. Khi đối mặt với một mối đe dọa chung, ý thức chia sẻ cùng nhau có thể khiến mọi người vượt qua sự khác biệt và cùng phản ứng với những thách thức đang phải đối mặt.

TS. PHẠM HẢI CHUNG

.