Ăn Tết, đón Hiệp định Paris

.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968 buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn hội nghị. Sau 5 năm đàm phán gay go, vừa đánh vừa đàm, đến ngày 8-10-1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho phía Mỹ bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, đề nghị thảo luận để đi đến ký kết.

Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí nhưng đến ngày 22-10-1972, phía Mỹ viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo. Cụm từ ‘‘lật lọng’’xuất hiện từ đó.

Thời điểm chuẩn bị ký Hiệp định Paris lúc bấy giờ, ông Hồ Nghinh làm Bí thư, ông Trần Văn Đán làm Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Chuẩn bị cho việc thi hành Hiệp định Paris, Khu ủy 5 rút ông Hồ Nghinh về phụ trách Ban Liên hiệp 4 bên, quyết định phân ông Trần Thận làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà.

Đêm 18-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng B52. Cuộc đụng đầu lịch sử rực lửa trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, trong 12 ngày đêm, quân ta bắn rơi 38 pháo đài bay B52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ. Từ đây, lịch sử cách mạng Việt Nam xuất hiện cụm từ đầy hào khí: “Điện Biên Phủ trên không”.

Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội, đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng nổi, buộc chúng phải nối lại đàm phán tại Paris. Trên tư thế bên chiến thắng, phái đoàn Việt Nam kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung dự thảo hiệp định đã thỏa thuận. Cuối cùng, ngày 22-1-1973, tại Trung tâm các hội nghị quốc tế Clêbe, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris), Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ký tắt.

Nhận được tin vui ngày hòa bình mong đợi từ bao nhiêu năm, dù mới ký tắt, nhưng đầu giờ chiều ngày 26-1-1973, trong hang đá bên sườn Núi Lở - Mặt Rạng - căn cứ Hòn Tàu, Đặc khu ủy Quảng Đà họp mở rộng nhằm triển khai công tác sau khi Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực. Sau cuộc họp, mọi người ăn xôi ngọt của bà con dưới làng Đồng Lùng, Nghi Sơn, huyện Quế Sơn gửi nhờ cán bộ công tác đồng bằng mang về. Phó Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Trương Anh Ta tay cầm cục xôi, vừa đi vừa ăn, ung dung đi qua đi lại trước miệng hang đá. Dường như ông đang nghĩ ra một vài câu thơ nhân sự kiện trọng đại này.

Ông Phạm Đình Kỉnh, thường gọi Chín Kỉnh, cầm miếng xôi ngồi trên cục đá nhâm nha vị ngọt bùi của nếp hương và đậu đen quyện với đường bát, the the lát gừng cay thơm - một mùi vị đậm chất miền quê lâu rồi không được thưởng thức. Bí thư Trần Thận ngồi ăn, đưa mắt nhìn anh em, mặt trầm tư. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng Phạm Đức Nam ăn hết phần xôi, khom lưng vào hang đá làm tiếp một số việc để ngày mai anh em xuống núi, ra đồng bằng, gặp dân, ăn Tết. Không nói ra, song trong lòng ai cũng nao nao, hy vọng có một cái Tết không tiếng súng, vui vầy với người dân…

Thấy ông Trương Anh Ta bước vào hang đá, ông Chín Kỉnh liền đứng dậy, vừa bước gần tới miệng hang thì bỗng một loạt B52 ầm ầm đinh tai! Một mảnh bom trúng đầu, ông Chín Kỉnh gục xuống, không kịp thốt lên một lời.

Đêm chờ Hiệp định Paris được ký, không ai ngủ và rất buồn trước cái chết đột ngột của ông Chín Kỉnh. Tiếc vì bao năm lăn lộn vào sinh ra tử, còn mấy tiếng đồng hồ với niềm khát khao hòa bình thì ông nằm lại giữa núi rừng, không hương khói, không một lời từ biệt.

Bốn giờ sáng ngày 27-1-1973, nhằm ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Tý, dưới làng quê chắc bà con đang đưa ông Táo về trời. Bí thư Trần Thận nói với ông Phạm Đức Nam và anh em: Còn một giờ nữa hòa bình, đừng dễ ngươi với địch! Ông Trần Thận muốn cảnh giác mọi người thì y như lời tiên liệu, hai loạt B52, ầm ầm ngay trên nóc hang đá, mấy loạt bom trùm lên khu vực có cơ quan Đặc khu ủy Quảng Đà.

Còn đúng 7 ngày đến Tết Nhâm Tý, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên. Chiều hôm đó, giữa cây rừng gãy đổ, đất đá ngổn ngang, mùi thuốc bom còn bám trên áo quần, tất cả các đoàn công tác đã sắp xếp liền tạm biệt Hòn Tàu, hành quân xuống núi. Các Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy đã được phân công, tiến ra ba cánh: Trưởng ban An ninh Trần Văn Lai đi cánh Xuyên Thanh; Trưởng ban Đấu tranh Chính trị Trần Văn Tân đi cánh vùng B. Đại Lộc; Trưởng ban Công tác thành phố Nguyễn Thành Năm (Năm Dừa) đi cánh A - B Điện Bàn; Bí thư Thị ủy Hội An Võ Hiên và Trưởng ban Tuyên huấn Ngô Xuân Hạ về cánh Hội An và Đông Duy Xuyên. Các mũi quân xuống đồng bằng, ngoài gặp bà con, tranh thủ ba ngày Tết tiếp xúc chuyện trò với binh lính Sài Gòn, cùng nhau đón Tết sum vầy, vui xuân hòa hợp.

Tết năm 1973, cơ quan Văn phòng Đặc khu ủy chưa rời núi Hòn Tàu, không còn gì để ăn. Bí thư Trần Thận và Phó Bí thư, Chủ tịch  Phạm Đức Nam, cùng anh em ở cơ quan soi đường ra đập Vĩnh Trinh tìm hang đá ở tạm, đêm đêm ra hồ bắt cá, mò ốc về ăn Tết. Hồ Vĩnh Trinh có nhiều cá thác lác, nhưng chịu thèm. Chỉ bắt được ốc nấu với rau rừng.

Sáng ngày 29-3-1973, tại sân bay Đà Nẵng, Mỹ làm lễ cuốn cờ, rút đơn vị quân viễn chinh cuối cùng ra khỏi miền Nam Việt Nam. Mỹ rút, nhưng chính quyền Sài Gòn vô cùng ngoan cố. Quân ta phải chiến đấu ác liệt và gian khổ cho đến ngày 10 tháng 3 năm 1975, thành phố Buôn Ma Thuột vào tay quân Giải phóng. Tạo thế mới, các tỉnh đồng bằng miền Trung, bắt đầu từ Huế (26-3), Quảng Nam (24-3), Đà Nẵng (29-3)… và Sài Gòn ngày 30-4-1975 được hoàn toàn giải phóng, thỏa lòng mong đợi của Bác Hồ kính yêu: ‘‘Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!’’

HỒ DUY LỆ

;
;
.
.
.
.
.