Bạch Đằng Giang

.

Bạch Đằng Giang - cái tên gợi bao cảm xúc trào dâng với mỗi người dân Việt.

Khu di tích Bạch Đằng giang.
Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Với người viết bài này, cái tên thiêng liêng ấy được nghe lần đầu tiên từ bài giảng “Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng” của Ông giáo làng thời để chỏm. Sau này, nhiều lần xuôi ngược bắc nam, song không phải lúc nào cũng có dịp đến được nơi từng khắc ghi trong tâm trí thuở nhỏ.

Tích tuồng như vậy để hiểu trọn vẹn cảm xúc lâng lâng khó tả khi tôi đặt chân đến Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) - nơi dòng sông Bạch Đằng chảy qua để xuôi về biển lớn. Thật xúc động khi mà nơi tôi đứng đây là vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng - địa danh nổi tiếng với ba trận thủy chiến chống quân xâm lược, gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Đức Vương Ngô Quyền - Vua Lê Đại Hành- Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Đi dưới vòm cây xanh mát ven sông trong Khu di tích Bạch Đằng Giang, vị lãnh đạo Ban tuyên giáo Huyện ủy Thủy Nguyên, với âm điệu thật tự hào, kể từng chi tiết về ba trận thủy chiến lừng danh. 

Cách đây gần 1.200 năm, tháng Chạp năm 938, dưới ngọn cờ soái chủ của Ngô Quyền - người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, quân dân ta đã phá tan hạm đội chiến thuyền Nam Hán, giết tại trận chủ tướng Lưu Hoằng Tháo. Cuộc quyết chiến chiến lược Bạch Đằng của Ngô Quyền đã giải quyết trọn vẹn nhiệm vụ của cả một sự nghiệp kháng chiến. Từ đây, người Việt làm chủ nước Việt, chính thức chấm dứt 1.117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn minh Đại Việt.

Tháng 10 năm 979 vua Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, nhân cơ hội đó nhà Tống cho quân sang xâm lược nước ta. Trước tình hình đất nước bị lâm nguy, triều đình đã tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên làm vua, lấy niên hiệu là Đại Hành Hoàng đế. Năm 980, vua Tống phong cho Hầu Nhân Bảo làm tổng chỉ huy chia thành 2 đường thủy bộ cùng tiến về cửa sông Bạch Đằng để đánh chiếm Tây Kết làm bàn đạp tấn công kinh thành Hoa Lư. Đức vua Lê Đại Hành trực tiếp cầm quân ra trận, trong 92 ngày đêm chỉ huy 6 trận đánh lớn. Trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng (28-4-981), Lê Đại Hành đã tái tạo trận địa cọc của Ngô Quyền, chém chết chủ tướng Hầu Nhân Bảo, tiêu diệt hoàn toàn quân Tống, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất giữ yên độc lập cho Đại Cồ Việt.

Với tài thao lược, trí dũng song toàn, cả 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông (1258, 1285, 1288), Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đều là Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Đại Việt với những chiến thắng lẫy lừng: Toa Đô bị chém, Ô Mã Nhi, Phàm Tiếp, Tích Lệ Cơ bị bắt sống, Trấn Nam Vương Thoát Hoan chủ tướng phải chui đầu vào ống đồng để kéo qua biên ải mới thoát chết. Đặc biệt, trận Bạch Đằng 1288, chỉ trong một ngày (9-4) đã chôn gọn 6 vạn tên giặc cùng 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi cầm đầu, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 3 của Đế chế Nguyên Mông.

Với những chiến tích lẫy lừng, mang ý nghĩa lịch sử vang dội như vậy, Bạch Đằng Giang ngàn năm qua đã trở thành dòng sông huyền thoại, linh thiêng, là mạch nguồn sức mạnh kỳ diệu của dân tộc.

 

...Từ đây, người Việt làm chủ nước Việt, chính thức chấm dứt 1.117 năm Bắc thuộc, mở ra nền văn minh Đại Việt.

Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc lập nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, từ năm 2008, khu di tích Bạch Đằng Giang - một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang đã được xây dựng trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh. Quần thể di tích gồm có: Vườn cuội cổ và Trụ chiến thắng; Đền Bạch Đằng Giang thờ Đức Ngô Quyền Vương; Đền Tràng Kênh Vọng Đế, thờ Đức Vua Lê Đại Hành; Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Trúc Lâm tự Tràng Kênh; Đền thờ Thánh Mẫu; Khu Nhà bảo tàng; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điểm nhấn của Khu di tích là Quảng trường Chiến thắng, công trình được hoàn thành vào cuối năm Bính Thân 2016. Quảng trường được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2.000m2. Đây là nơi trang trọng đặt một công trình uy nghiêm, đó là tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền - Lê Đại Hành - Trần Hưng Đạo.

Cả 3 vị đứng trên bệ đá, lưng tựa núi, mắt dõi trùng khơi trong tư thế uy phong, là sự hòa quyện linh khí Thiên - Địa - Nhân, làm nên sự trường tồn của đất Việt. Dưới mặt nước là bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc được dựng lại dưới lòng sông, tượng trưng cho thế trận năm xưa mà các tiền nhân đã cho dựng lên để tiêu diệt quân thù.

Đoàn công tác ngành Tuyên giáo thành phố Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Đoàn công tác ngành Tuyên giáo thành phố Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Điều hết sức ý nghĩa đối với du khách thập phương, Khu di tích Bạch Đằng Giang được đầu tư lớn, các công trình bề thế, hoành tráng, được xây dựng trải dài trong cả thập niên, song lại là điểm du lịch thực hiện không thu phí. Yếu tố này góp phần giữ cho Khu di tích Bạch Đằng Giang sự uy nghi, vẻ đẹp thuần khiết giữa khung cảnh nên thơ và yên bình.

Hôm chúng tôi đến đây, tiết trời cuối thu thật dịu mát. Quần thể kiến trúc Bạch Đằng Giang chào đón đoàn người từ mọi miền đất nước nối nhau hội tụ về đây chiêm bái. Trong dòng người ấy, có rất nhiều đoàn học sinh từ Hà Nội và các tỉnh thành về đây kinh cẩm thắp hương tưởng nhớ bậc tiền nhân và lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc. Tại Thủy Nguyên, du khách còn ghé thăm Bãi cọc Cao Quỳ (huyện Thủy Nguyên). Nơi đây, các nhà khảo cổ phát hiện và khai quật 27 cọc gỗ có niên đại vào cuối thế kỷ 13 và 24 hố chôn cọc, là khu vực lòng sông đã bồi đắp, nơi giao hai con sông Đá Bạc và sông Giá, nối thẳng ra cửa sông Bạch Đằng. Di tích bãi cọc Cao Quỳ được xác định là một trận địa liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Cọc gỗ có niên đại vào cuối thế kỷ 13 tại Bãi cọc Cao Quỳ.
Cọc gỗ có niên đại vào cuối thế kỷ 13 tại Bãi cọc Cao Quỳ.

Đứng trên Quảng trường Chiến Thắng được xây nổi trên sông giữa mênh mông đất trời, trong lòng trào dâng bao cảm xúc, nghe vẳng đâu đây lời thơ “Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng” (Nhớ Bắc- Huỳnh Văn Nghệ). Trong ngọn gió ào ạt thổi về từ lòng sông, từ cửa biển, như nghe được tiếng mũi tên vút bay về phía thuyền giặc, như nghe được tiếng gương khua, tiếng hò reo thắng trận. Giữa khí thiêng sông núi hội tụ ở dòng sông thiêng Bạch Đằng, trong tim mỗi người được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin về sự trường tồn của đất nước Việt Nam mến yêu và rất đỗi tự hào!

GIA TỊNH DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.