Bản lĩnh vượt thử thách

.

Không phải chờ đến tiết xuân, mà ngay từ trong năm, khi những cơn bão dồn dập đổ vào miền Trung, trong đó có thành phố Đà Nẵng, gây bao thiệt hại với chồng chất khó khăn, nhưng trên các báo ở Đà Nẵng và Trung ương, các địa phương bạn đã xuất hiện những hàng “tít” như cánh én  mùa Xuân báo tin vui: “Đà Nẵng mở lại lễ hội pháo hoa quốc tế”, “Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trở lại vào năm 2023”, “Đà Nẵng nối lại lễ hội pháo hoa quốc tế sau ba năm tạm dừng”…

Ảnh: PHÚC NHÂN
Ảnh: PHÚC NHÂN

Lễ hội pháo hoa lúc này không chỉ đơn thuần mang tính chất giải trí, không chỉ được coi là một sản phẩm du lịch mà sự trở lại của sự kiện mang tính quốc tế này có ý nghĩa khẳng định dấu hiệu của bản lĩnh, của sức mạnh vượt lên thách thức của người dân thành phố sau thời gian dài chống lại đại dịch Covid- 19; là câu trả lời cho một cuộc sống bình thường mới của thành phố Đà Nẵng đang tràn đầy sức xuân.

Từ 15 năm trước, Đà Nẵng đã trở thành địa phương đi đầu trong việc đề xuất và tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế. Từ việc tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn đã quen thuộc cho đến việc tổ chức một lễ hội pháo hoa quốc tế là cả một quá trình phấn đấu, thay đổi tư duy, thay đổi cách tổ chức, thay đổi cách tiến hành làm du lịch và hơn thế, tạo nên một biểu tượng của thành phố Đông Nam Á này, sánh cùng những lễ hội pháo hoa lớn của thế giới ở các nước tiên tiến như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất...

“Ôn cố tri tân”. Nhớ lại 3 năm trước, ngay đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, nhân loại đã phải bất ngờ và lúc đầu gần như bất lực khi đối mặt với một “cơn bão” dịch bệnh chưa có tiền lệ - Covid-19, với sức tàn phá hủy diệt nhanh như một thảm họa toàn cầu, khiến các quốc gia hầu như phải đóng cửa biên giới; thế giới trở thành một “thế giới đứng im”. Các nhà kinh tế học đã tính toán, chỉ trong khoảng thời gian vẻn vẹn chưa đầy 3 tháng, con số thiệt hại vật chất lên đến hàng chục ngàn tỷ USD, và vẫn tiếp tục tăng theo cấp số. Hầu hết các hoạt động sản xuất, giao thương bị ngưng trệ. Mọi hoạt động bình thường của con người như đi lại, làm ăn, buôn bán, giải trí... gần như dừng hẳn lại.

Ở Việt Nam, trải qua 3 cái Tết chống Covid-19, kể từ Xuân Canh Tý 2020, có thể nói từ lãnh đạo đến người dân phải “xuyên Tết phòng chống dịch”, vừa đối phó đại dịch vừa quan tâm, chăm lo cho người dân đón Tết, thực hiện khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đà Nẵng nằm trong nhóm địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, nhất là cơn bùng phát dữ dội vào giữa năm 2021, tiếp đó là tác động của tình hình thiên tai bão lũ đã làm chậm bước tiến của thành phố chúng ta, một số chỉ tiêu không đạt được như nghị quyết đã đề ra.

Năm 2020, lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng âm. Dù lý do đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu, nhưng dẫu sao, đó là cái Tết gợi nhiều trăn trở, nghĩ suy. Bắt đầu từ 2021, GRDP thành phố dần được cải thiện. Và đến năm 2022 này,  kinh tế và các mặt hoạt động thành phố dần dần phát triển, khởi sắc, nhiều chỉ tiêu trở về mức tăng trưởng trước khi có dịch. Với sự phục hồi tích cực của các ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, ước tính cả năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP thành phố ước tăng 14,05% so với năm 2021; thu ngân sách vượt mức thu năm 2021; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được duy trì, bổ sung thêm trong khả năng tối đa có thể của thành phố, với chủ trương nhất quán “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Riêng hoạt động du lịch, dịch vụ, lữ hành có mức tăng trưởng ấn tượng. Chỉ tính 10 tháng năm 2022, tổng lượt khách tại cơ sở lưu trú phục vụ ước tăng 182,4% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế tăng 275,5%; khách trong nước tăng 173,6%. Trên cơ sở đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội, lãnh đạo và các ban, ngành thành phố thường xuyên cập nhật rà soát, đánh giá lại các nguồn lực phát triển, từ đó có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Với kinh nghiệm thực tiễn của những đợt chống dịch Covid-19 trong gần 3 năm qua, thành phố đã chủ động ứng phó, chủ động rút kinh nghiệm, điều chỉnh chủ trương để kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc trong việc chăm lo đời sống nhân dân trước diễn biến nhanh chóng của làn sóng dịch. Mỗi thời điểm đều có những phương châm cụ  thể, sát hợp. Năm 2022, khi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố đã trở lại trạng thái bình thường mới, chủ đề của năm “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” đã tạo tâm thế, động lực cho các đơn vị, địa phương chủ động, mạnh dạn hơn trong thực hiện mục tiêu “kép” trong bối cảnh tình hình mới.

Chúng ta đã mạnh dạn sớm mở lại đường bay để đón khách quốc tế; không những thế, còn mở thêm 7 tuyến bay mới trong năm qua nhằm mục đích quảng bá thêm hình ảnh Đà Nẵng với thế giới và đem thế giới gần lại với thành phố xinh đẹp và hiếu khách này. Có thể nói, những chủ trương, biện pháp ra đời đúng lúc, cộng với lòng quyết tâm chống dịch, với phẩm chất chịu thương chịu khó và tinh thần tương thân tương ái vô cùng đáng trân trọng trong cộng đồng nhân dân, đã giúp cho tâm lý xã hội cơ bản được ổn định, tạo nên không khí đồng thuận, đồng lòng, đồng cảm giữa người dân và chính quyền, giữa người dân và người dân. Đi trên đường phố Đà Nẵng những ngày cuối năm, đã thấy nụ cười thân thiện của du khách dành cho người Đà Nẵng, qua đó bày tỏ ủng hộ cách làm đúng đắn của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế đất nước và mở cửa giao lưu cùng cộng đồng nhân loại. 

Nói về cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 toàn cầu, một số người thường đề cập đến khả năng “chống chịu” của các nền kinh tế, và rộng hơn, là của các quốc gia. Trộm nghĩ, hai chữ “chống chịu” hình như chưa lột tả hết khả năng và ý chí, nghị lực và quyết tâm của con người Việt Nam trước cơn khủng hoảng dịch bệnh mang tầm thế kỷ này. Không chỉ “chống” và “chịu”, mà trong khó khăn thách thức, con người Việt Nam luôn chủ động vượt lên, không chịu khuất phục. Trước một kẻ thù biến hóa khôn lường, “lai vô ảnh, khứ vô hình” với sức tàn phá dữ dội, chúng ta đã từng trải qua các chiến thuật của chiến tranh nhân dân, từ “phòng ngự” đến “cầm cự”, tiến tới “phản công” và “tổng phản công”. Với “giặc” Covid-19, chưa thể nói là tổng phản công, nhưng chúng ta đã kiểm soát được tình hình và có biện pháp tiến tới đẩy lùi sức tàn phá của chúng.

Trở lại với câu chuyện lễ hội pháo hoa. Những năm trước đây, chúng ta đã nói nhiều đến chủ trương “nối dài bờ biển”, “nối dài dòng sông”. Lúc đầu có người còn chút phân vân trước ý tưởng có phần “lãng mạn” này. Nhưng giờ đây, ý tưởng đó đã trở thành hiện thực, không chỉ trên bản vẽ quy hoạch mà trên thực địa đã mọc lên những khu công nghiệp, khu đô thị mới, đã xuất hiện những con đường, những trục giao thông đô thị lấp đầy các khoảng trống hoang sơ trước đây. Và lần này, lễ hội pháo hoa trở lại với những màn pháo hoa muôn sắc màu được tỏa sáng trên bầu trời Đà Nẵng, gợi lên trong chúng ta cảm xúc “mở rộng bầu trời”. Nói chính xác hơn, không chỉ mở rộng bầu trời mà chính là mở rộng lòng người, lòng bạn bè năm châu đến với Đà Nẵng. Một tâm thế, một cách sống bình thường mới, sẵn sàng đón nhận thách thức, chủ động đối phó với kẻ thù vô hình nhưng vẫn thực hiện mọi dự định trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Trước thềm xuân mới nhìn lại năm qua, nhân loại đã trải qua bao biến đổi. Đến thời điểm cuối năm 2022, hơn 6,6 triệu người tử vong vì Covid-19, nhưng cùng với đó, dân số trái đất đã đạt con số 8 tỷ người. Thế hệ công dân mới toàn cầu sẽ khám phá lại giá trị của cộng đồng thời kỳ hậu Covid-19 để định hình hướng đi của thời đại mai sau. Ở Việt Nam, Covid-19 cũng đã lấy đi của chúng ta nhiều thứ, kể cả sinh mạng con người. Nhưng điều quan trọng là dịch bệnh không thể lấy đi ý chí, nghị lực và bản lĩnh vượt lên thách thức của con người Việt Nam, trong đó có con người Đà Nẵng. Càng không thể lấy đi những giá trị vật chất và tinh thần mà thành phố chúng ta đã tạo dựng được trong hơn 47 năm qua, nhất là trong hơn 26 năm trở lại đây, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Chính đó là thế mạnh của chúng ta trước một hành trình mới còn nhiều gian nan thử thách. Đó cũng là hành trang để thành phố chúng ta đi tới những mùa xuân viên mãn trong tương lai. 

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.