Đà Nẵng 2050...

.

Từ những kinh nghiệm tham gia quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng từ lần bản quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013 và vào năm 2021, tôi xin mở đầu với vài suy nghĩ về những điều Đà Nẵng hiện nay chưa có nhưng mong mỏi là sẽ có được chỉ trong vài thập niên tới.

Ảnh: LÊ HUY
Ảnh: LÊ HUY

Khi nghiên cứu quy hoạch, chúng ta thường luôn phải gắn kết với hiện trạng và hiện thực. Nhưng khi ước mơ, chúng ta có thể tạm quên những điều đó, khoan hãy vội cho rằng những mong muốn đó có thể thành hiện thực hay không, mà hãy quan tâm trước hết là những mong muốn nào có thể hướng đến việc đem lại lợi ích lâu dài thật sự cho tuyệt đại đa số người dân Đà Nẵng?

Tôi mơ rằng, Đà Nẵng vào những năm 2050...

Về không gian đô thị sông, núi, biển, đảo, khu vực hai bên ven sông Hàn trở thành tuyến sông nước văn hóa nghệ thuật và dịch vụ thương mại, là khu vực sinh động trên bến dưới thuyền tập trung các công trình bảo tàng lịch sử,  bảo tàng tranh, bảo tàng biển, nhà hát opera, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, công viên chuyên đề, .... Khu vực hai bên sông Cẩm Lệ và sông Đô Tỏa hình thành các không gian xanh lớn ven sông kết hợp với các công trình công cộng, không chỉ phục vụ cho cộng đồng dân cư, mà còn là khu vực du lịch sông nước hấp dẫn. 

Khu vực khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và không gian xanh lân cận được bảo tồn cảnh quan và phát triển không gian văn hóa cảnh quan và tâm linh. Khu vực ven biển được chỉnh trang lại để không chỉ khu vực ven biển mà các khu vực sâu hơn trong đất liền cũng có gió mát và tầm nhìn thoáng mở ra biển, cứ khoảng 400-800m đều có lối ra biển công cộng hoặc nối kết vào các đại lộ nằm song song và thẳng góc với bờ biển, mở ra các cơ hội phát triển cho cả những khu vực cách ven biển vài km cũng có thể trở thành các khu vực sầm uất.

Về không gian kinh tế - xã hội đô thị, người dân không chỉ sống và làm việc hạn chế trong không gian nội tại thành phố Đà Nẵng như trước, mà có thể có cuộc sống sinh hoạt thường ngày trong không gian vùng đô thị rộng lớn hơn nhiều, nhờ có hệ thống giao thông đường công cộng đường sắt và đường bộ kết nối hiệu quả và tiện lợi. Ví dụ như sống tại Đà Nẵng nhưng có thể lựa chọn đi làm hằng ngày tại bất kỳ nơi đâu trong khu vực giữa ba đô thị Huế - Đà Nẵng - Tam Kỳ, hoặc ngược lại, sống ở ngoài Đà Nẵng nhưng thường xuyên sang Đà Nẵng trao đổi công việc.

Cả ba đô thị này đều phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhưng sẽ chọn ra một số lĩnh vực chọn lọc trong từng địa phương để tập trung nguồn lực, nâng lên tầm quan trọng đẳng cấp quốc gia và quốc tế, đem lại bản sắc đặc thù rất riêng cho từng vùng. Đà Nẵng có thể phát huy thế mạnh hàng đầu quốc gia và quốc tế về kinh tế tài chính, xây dựng, công nghệ cao, trong khi Huế phát huy thế mạnh hàng đầu về văn hóa nghệ thuật và giáo dục, còn Tam Kỳ - Chu Lai phát huy thế mạnh hàng đầu về công - nông nghiệp.

Về khu trung tâm, thành phố bảo tồn và chỉnh trang khu trung tâm lịch sử ở thành Điện Hải và khu vực lân cận phía tây sông Hàn, trong khi phát triển khu trung tâm thành phố mới, cũng là trung tâm kinh tế tài chính cao tầng lớn thứ hai toàn quốc ở khu An Đồn và lân cận, với không gian văn hóa và dịch vụ thương mại và công trình công cộng điểm nhấn nằm dọc theo hai bên chuỗi không gian xanh liên hoàn rộng lớn, phục vụ được cùng lúc cho hàng triệu người, nối liền quảng trường sông Hàn với quảng trường Biển Đông ở hai đầu.

Đô thị Đà Nẵng phát triển hiện đại. Ảnh: LÊ HUY TUẤN
Đô thị Đà Nẵng phát triển hiện đại. Ảnh: LÊ HUY TUẤN

Về hội nhập quốc tế, thành phố hình thành một số khu phố quốc tế, như khu phố Á Châu, bao gồm khu phố Hàn và khu phố Nhật nằm trong đô thị sân bay, khu phố Bắc Mỹ nằm trong khu trung tâm mới cao tầng, khu phố Pháp và khu phố Âu gần ven sông Hàn...

Một phần khu phố Trung tâm tài chính hình thành khu phố sinh hoạt 24 giờ không ngủ, kết nối thông tin mạng với các trung tâm tài chính lớn trên toàn thế giới.

Tiếng Anh giao tiếp cơ bản được dạy miễn phí cho mọi người dân, giúp cho việc phổ cập tiếng Anh như ngôn ngữ quan trọng thứ hai trên toàn thành phố, giúp người nước ngoài biết tiếng Anh có thể dễ dàng giao tiếp với người dân địa phương mọi nơi, mọi lúc.  Những bảng hướng dẫn quan trọng, các kênh thông tin truyền thông chính trong thành phố có thể bổ sung thêm phiên bản tiếng Anh và một số tiếng nước ngoài phổ cập khác.

Về giao thông, người dân và khách du lịch có thể lựa chọn đi khắp nơi trên toàn thành phố bằng giao thông công cộng, hoặc xe hơi, xe máy điện, và xe đạp. Không gian đường phố thân thiện với người đi bộ, sạch đẹp, không có tiếng ồn hoặc ô nhiễm, nhờ việc đã chuyển đổi sang phương tiện giao thông thông minh với năng lượng sạch.

Về đô thị sân bay, Đà Nẵng đi đầu cả nước trong việc hình thành không gian công cộng và dịch vụ thương mại nối liền khu vực nhà ga với khu trung tâm ở các phía xung quanh sân bay. Khu vực nhà ga sân bay không còn chỉ là nơi trung chuyển trước khi ra vào các khu đô thị trong thành phố nữa, mà nằm trong khoảng cách đi bộ đến các khu trung tâm sầm uất lân cận.

Những người ít thời gian, đến từ khắp nơi trong nước hoặc thậm chí ngoài nước, đều có thể mướn phòng khách sạn nằm trong khoảng cách đi bộ từ nhà ga hàng không, để hẹn nhau với doanh nhân, bạn bè hoặc người thân để cùng gặp gỡ trao đổi và vui chơi, ăn uống với nhau, trước khi chia tay nhau để người thì đi bộ về ga hàng không để tiếp tục bay đi các nơi khác, người thì đi bộ ra ga metro để về Huế hoặc Tam Kỳ, người thì ra trạm xe buýt để ra ga tàu biển lên tàu đi du lịch Hà Nội.

Sân bay Đà Nẵng có kết nối đường sắt cao tốc trực tiếp với sân bay Phú Bài và sân bay Chu Lai, giúp cho việc dễ dàng chuyển đổi và chuyển tiếp các tuyến bay phục vụ tiện lợi cho người dân đi lại trong mọi lúc, có thể chuyển tiếp cất hạ cánh ở sân bay lân cận khi điều kiện thời tiết thay đổi cực đoan cục bộ tại sân bay địa phương.

Về hạ tầng giáo dục, tất cả trường mầm non và phổ thông trong toàn thành phố đều được tổ chức lại theo từng khu vực, sao cho cha mẹ không cần phải bận tâm đưa đón con em mỗi ngày, vì đa số học sinh đều có thể đi bộ từ nhà đến trường trong vòng tối đa 30 phút, còn những học sinh sống ở xa hơn thì được xe trường đưa đón tận nhà.

Thành phố hình thành được đô thị đại học đa ngành Đà Nẵng, cùng với đô thị đại học đa ngành Huế và đô thị đại học đa ngành Quảng Nam tạo lập nên hệ thống Đại học quốc gia miền Trung, trong đó sinh viên được tự do lấy tín chỉ tại các trường trong hệ thống này để hoàn thành chương trình đại học chuyên ngành của mình, với văn bằng có giá trị được công nhận tương đương tại các cường quốc hàng đầu thế giới.

...

Có lẽ thành phố cũng nên tổ chức những cuộc thi viết cho người dân ở nhiều lứa tuổi và ngành nghề, nói lên việc họ mơ gì về những điều mà thành phố chưa có nhưng sẽ có trong tương lai, cho bản thân và thế hệ mai sau, để cùng nhau định hướng cho tương lai.

Lão Tử đã nói “Hành trình vạn dặm, bắt đầu từ một bước chân”. Chúng ta sẽ cùng tiến bước về tương lai nào? Câu hỏi này, trước hết phải do người dân Đà Nẵng quyết định.

NGÔ VIẾT NAM SƠN

;
;
.
.
.
.
.