Đà Nẵng hướng đến một thành phố lý tưởng

.

Thành phố Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi, có sông, có núi, có biển và sông, núi, biển kết hợp hài hòa thành một địa hình đẹp. Cùng với vốn thiên nhiên này, chú trọng xây dựng hạ tầng phần cứng và phần mềm cùng với việc tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống văn hóa của thị dân sẽ dễ làm cho Đà Nẵng trở thành một thành phố lý tưởng.

Ảnh:  HUỲNH VĂN TRUYỀN
Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Điều kiện để có một đô thị lý tưởng là gì? Lý tưởng là đứng về vị trí của thị dân, của người sống tại Đà Nẵng. Và trong thời đại toàn cầu hóa, lý tưởng cũng bao gồm sự thân thiện, sự quyến rũ đối với khách nước ngoài. Thêm một điểm nữa, trong thời đại mà đại dịch có thể tái phát, điều kiện của một thành phố lý tưởng cũng sẽ khác so với những suy nghĩ đã có.

Hạ tầng phần cứng

Trước hết nói về hạ tầng phần cứng. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài mục đích đẩy mạnh phát triển kinh tế còn để nâng cao mức sống của người dân thành phố, nhất là tạo sự tiện nghi, giữ an ninh và đưa lại sự an tâm cho thị dân và khách du lịch. Đường phố cần rộng rãi, có vỉa hè, có cây xanh, có đủ tín hiệu giao thông, luôn có bộ phận phụ trách quét dọn để giữ đường phố luôn sạch sẽ. Cần đầu tư thích đáng vào việc xây dựng công viên, quảng trường, bệnh viện, thư viện công cộng. Những nơi này ngoài mục đích tăng cảnh quan và tạo môi trường thể dục, giải trí, vui chơi của thị dân, còn là nơi tránh nạn khi có thiên tai. Còn hai vấn đề nữa. Một là phải xây dựng nhiều hơn những nhà vệ sinh công cộng hợp tiêu chuẩn ở công viên, ở các trạm xe buýt lớn, ở các ngã tư lớn...

Quan trọng là phải có người hằng ngày quét dọn, giữ cho nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, tạo sự thoải mái cho người dùng. Đây là điều kiện tối cần vừa để nâng cao mức sống của thị dân vừa tạo sự tiện nghi cho khách du lịch. Hai là làm sao để người dân khi ra phố không phải lo âu về tai nạn giao thông. Đặc biệt, hiện nay tại nhiều thành phố, không chỉ riêng Đà Nẵng, không gian đi bộ của người dân quá ít và không an toàn. Một thành phố thân thiện với thị dân và với du khách nước ngoài cần có nhiều phương tiện giao thông công cộng và bảo đảm sự an toàn khi tiếp cận các phương tiện đó.

Những người hoạch định chính sách, quyết định việc thiết kế và xây dựng đô thị cần thỉnh thoảng vi hành làm người thường dân mới có chính sách đúng đắn xây dựng thành phố lý tưởng nhìn từ vị trí của thị dân và khách du lịch. Nếu chỉ di chuyển bằng ô-tô và chỉ đến những nơi đầy đủ tiện nghi thì không hiểu cái lo âu của người dân khi phải đi bộ ra phố, cái khổ của người dân khi có nhu cầu dùng nhà vệ sinh.

Cần nhấn mạnh một điểm nữa. Hiện nay đại dịch Covid-19 căn bản đã được khắc phục, nhưng trong tương lai có thể sẽ bùng phát trở lại. Các thiết chế kinh tế, xã hội cần dựa trên tiền đề phải sống chung với dịch. Mật độ dân số phải thấp hơn so với suy nghĩ trước đây, phương tiện giao thông phải được thiết kế theo hướng giãn cách xã hội.

Để tránh chen chúc trong xe buýt hay tàu điện, cần khuyến khích người dân di chuyển bằng xe đạp. Di chuyển bằng xe đạp còn góp phần không làm tăng ô nhiễm thành phố. Khi mức sống của thị dân tăng lên, nhất là giới trung lưu sẽ đông hơn, số người sử dụng ô-tô sẽ ngày càng tăng. Nhưng nếu đường phố được thiết kế thân thiện với người đi xe đạp sẽ khuyến khích người dân dùng xe đạp trong khoảng cách di chuyển vài cây số từ nhà đến nơi làm việc thay vì dùng ô-tô.

Về việc giữ an ninh và tăng an tâm cho thị dân, một kinh nghiệm của Nhật rất đáng tham khảo. Đó là sự hiện diện khắp nơi của các bót cảnh sát mà tiếng Nhật gọi là koban. Koban trước đây được dịch là police box nhưng sau người ta thấy ý nghĩa và chức năng của koban khác với bót cảnh sát thường thấy ở các nước nên bây giờ nước ngoài giữ nguyên tên gọi koban chứ không dịch ra tiếng Anh. Koban được đặt ở khắp nơi, thường là gần các nhà ga xe điện, ga tàu điện ngầm, bến xe buýt và nhiều nơi khác.

Hầu hết tại các koban nhân viên cảnh sát thay phiên túc trực 24/24 giờ. Ngoài nhiệm vụ chính duy trì an ninh khu vực, koban còn là nơi chỉ dẫn đường cho người ở xa đến, là nơi tiếp nhận và trao trả đồ đạc, tiền bạc... bị bỏ quên hoặc đánh rơi. Do chức năng đặc biệt và rất hiệu quả này, nhiều nước đã tham khảo và lập các koban ở nước họ. Đặc biệt Singapore mấy chục năm trước đã cử nhân viên cảnh sát đến thực tập ở koban của Ginza, một trong những khu phố chính ở Tokyo.

Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.Ảnh:  ĐẶNG NỞ
Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.Ảnh: ĐẶNG NỞ

Xây dựng văn hóa thị dân

Về phần mềm, ở khía cạnh văn hóa trong việc xây dựng một thành phố lý tưởng, cần nhấn mạnh các điểm sau.

Thứ nhất, phổ biến, tuyên truyền, cổ xúy lối sống văn minh đối với thị dân. Mọi người cần có ý thức giữ gìn môi trường sạch sẽ. Hiện nay, tại các đô thị trên thế giới, mọi người được yêu cầu khi tự mình phát sinh rác phải mang rác về nhà, tránh vứt bừa bãi ở nơi công cộng. Ngoài ra, thái độ ứng xử có văn hóa giữa thị dân cũng tăng thêm nét đẹp của thành phố. Ra đường gặp nhau chào hỏi và sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần thiết. Sự hiếu khách thể hiện ở văn hóa của thị dân, ở tổ chức, sinh hoạt kinh tế, xã hội của thành phố cũng là sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Ở Tokyo lâu năm tôi đã quen với xã hội, với nếp sống, với sinh hoạt của thủ đô hơn 13 triệu dân nên hầu như không ý thức về những gì mà thế giới đánh giá thành phố này. Không phải ngẫu nhiên mà Tokyo đã được hai lần chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội thế giới. Không phải chỉ hạ tầng phần cứng như hệ thống giao thông hiện đại, khách sạn và các cơ sở vật chất khác, mà còn nhiều những yếu tố về văn hóa và tâm lý. Tại sao thế giới thấy yên tâm khi tới Tokyo? Ngoài những điểm được nhiều người nói đến liên quan đến an ninh khi đi một mình hay đi về đêm trên đường phố, có lẽ sự tổ chức và cơ cấu về chức năng làm người dân sống trong thành phố hoặc khách du lịch thấy thoải mái, yên tâm.

“Ngoài việc giữ sự hài hòa và tăng vẻ đẹp của môi trường, của cảnh quan, cần lưu ý đến các điều kiện để có một thành phố lý tưởng đứng về vị trí của thị dân, của người thường sống ở đô thị. Đó là sự yên tâm, sự thoải mái. Ngoài ra cần có biện pháp, qua tuyên truyền, giáo dục, tăng ý thức cộng đồng của dân thành phố”

Hành động có văn hóa, có ý thức trách nhiệm của thị dân chắc chắn cũng góp phần làm cho người nước ngoài thấy an tâm khi đến Tokyo và các thành phố ở Nhật. Cuối tháng 7-2013, tại một thị trấn gần Tokyo, hành động kịp thời của đông đảo hành khách tàu điện để cứu một người gặp nạn đã gây chú ý trong dự luận quốc tế. Hôm đó, khi tàu điện ngừng, một hành khách trượt chân khi bước xuống sân ga và bị kẹt giữa thềm sân ga và toa tàu điện. Hơn 40 hành khách không ai bảo ai đã cùng hiệp lực đẩy toa tàu về phía bên kia để tạo khoảng cách đủ cho hành khách bị nạn được kéo lên sân ga. Chắc chắn người nước ngoài thấy yên tâm khi đến đây vì nhỡ gặp bất trắc sẽ được cộng đồng cứu giúp, khác với những nơi mà mọi người thờ ơ trước tai nạn của người khác.

Ở Nhật, mọi người khi nhặt được của rơi như tiền bạc, đồ dùng đều phải mang đến nộp ở các koban. Người mất đồ thì đến koban làm thủ tục mất đồ và nhận lại những gì đã lỡ bỏ quên hoặc đánh rơi. Tôi đã có hai lần kinh nghiệm mất ví tiền và đã nhận lại được hoàn toàn. Thông thường người mất tiền hoặc đồ đạc có giá trị thì trả lễ cho người nhặt được độ 10% giá trị tài sản đã mất. Nhưng hầu hết người Nhật không nhận vì xem việc nhặt được tiền và nộp cho koban là nghĩa vụ, là một hành động đương nhiên phải có của người có tự trọng, có văn hóa.

Đường Bạch Đằng, quận Hải Châu với hệ thống cây xanh tạo không gian đô thị hài hòa, sinh thái. Ảnh: L.P.N
Đường Bạch Đằng, quận Hải Châu với hệ thống cây xanh tạo không gian đô thị hài hòa, sinh thái. Ảnh: L.P.N

Về Đà Nẵng cũng như các đô thị khác ở Việt Nam, ngoài việc giữ sự hài hòa và tăng vẻ đẹp của môi trường, của cảnh quan, cần lưu ý đến các điều kiện để có một thành phố lý tưởng đứng về vị trí của thị dân, của người thường sống ở đô thị. Đó là sự yên tâm, sự thoải mái. Ngoài ra cần có biện pháp, qua tuyên truyền, giáo dục, tăng ý thức cộng đồng của dân thành phố.

Thứ hai, một vấn đề an toàn nhất của thị dân hiện nay liên quan đến giao thông. Cần tuyên truyền, giáo dục thái độ của người lái ô-tô, xe máy phải tuyệt đối tôn trọng luật giao thông, nhất là tôn trọng, ưu tiên người đi bộ. Trong chuyến về Việt Nam cuối năm vừa qua, đi trên đường phố tại mấy đô thị lớn tôi vẫn thấy rất bất an. Ngay cả những chỗ có vạch trắng băng qua đường dành cho người đi bộ, những người lái xe vẫn cho xe chạy với tốc độ đã có. Tôi chưa thấy có trường hợp người lái ô-tô hay xe máy dừng lại khi thấy có người đi bộ sắp băng qua đường. Ở Nhật, ngay cả người đi xe đạp cũng phải tuân thủ các quy định ưu tiên cho người đi bộ. Đà Nẵng nên đi tiên phong trong tuyên truyền, giáo dục và đưa ra điều lệ xử phạt hành vi không tôn trọng người đi bộ.

Thứ ba, vấn đề chung của Việt Nam hiện nay là các thủ tục hành chính nhiêu khê làm người dân rất vất vả, tốn nhiều thì giờ và đôi khi tốn phí tổn tiêu cực. Tôi gặp nhiều lưu học sinh sang Nhật học xong không muốn về nước và lý do được nêu ra là đã quen với sự thân thiện của chính quyền địa phương đối với thị dân, dù là người Nhật hay người nước ngoài. Giải quyết nhanh chóng các thủ tục về kinh doanh, lưu trú, đăng ký kết hôn, dịch vụ y tế... với thái độ công bộc, thân thiện là một trong những yếu tố hấp dẫn của một thành phố. Nếu đi đầu cả nước trong việc cải cách này, Đà Nẵng sẽ được chọn là thành phố đáng sống.

Nếu làm được những gợi mở nói trên, Đà Nẵng sẽ trở thành điểm thu hút người tài, từ đó kéo theo nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư tại Đà Nẵng và nhiều hiệu ứng tích cực khác.

Mong Đà Nẵng sẽ sớm trở thành mẫu mực của một thành phố lý tưởng tại Việt Nam và khu vực Á châu.

Cảnh quan hai bên bờ sông Hàn. Ảnh: H.T
Cảnh quan hai bên bờ sông Hàn. Ảnh: H.T

Tokyo, đầu xuân 2023

G.S TRẦN VĂN THỌ

;
;
.
.
.
.
.