Ma nhai - Ký ức đá Ngũ Hành Sơn

.

Không biết tự bao giờ cái tên “Ma nhai” tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã trở thành một thứ ký ức miên mật trong tôi. Từ buổi đầu tiên tôi lên núi, rồi lang thang qua mọi ngóc ngách hang động nhìn lên bốn bề vách núi, không rõ tự khi nào mọc ra lắm lắm những câu thơ. Thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Thơ người xưa có, thơ người nay cũng có. Có thể những dòng chữ Hán, chữ Nôm có vẻ lâu đời xanh rêu kia là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ẩn giấu trong lòng nó các giá trị văn hóa được ký gởi vào đá núi Ngũ Hành Sơn như một ước mơ, một khát vọng vĩnh hằng.

Động Huyền Không tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: KHẢ THỊNH
Động Huyền Không tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: KHẢ THỊNH

Cũng như lối xưa “Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm” của thi sĩ Huy Cận, hễ thường vào những ngày đầu xuân là tôi lại về với Ngũ Hành Sơn. Có khi chỉ loanh quanh dưới ngọn Kim Sơn hay lang thang bên dòng sông Cổ Cò lưng vài giờ rồi vào chùa lễ Phật, là kể như xong một chuyến “du xuân” đầu năm. Trong nhiều địa chỉ du xuân Ngũ Hành Sơn thì Vọng Hải Đài là nơi tôi thường dừng lại lâu hơn cả.

Có thể vì bên cạnh cái Vọng Hải Đài đá núi, thi sĩ Phạm Hầu đã tạc vào ngàn năm một “Ma nhai”- Vọng Hải Đài thơ lấp lánh những hồi quang. Đứng tựa vào cái cửa đá này nhìn ra ngoài xa kia biển cả mênh mông vô hồi những con sóng, vô hồi những tháng ngày. Quanh tôi, đá và rêu xanh và cây lá ấy có khác gì ngày qua có khác gì ngày xưa. Thường những chuyến du xuân ngẫu hứng như thế này, chính những lúc bước chân ta cứ tùy hứng bước đâu tùy thích đấy, có khi mang lại cho ta một khám phá không ngờ, một cảm hứng bất ngờ.

Ngày xuân trên núi non này, khách du lãm cũng thường không mấy đông đúc cho lắm, chính vì thế, núi có vẻ trầm tư hơn. Hình như gió biển tạt vào vách núi tạo ra một thứ âm thanh bời bời những vang hưởng. Khi đối diện cùng sự cô đơn, thứ thanh âm vang hưởng nhạc lòng ấy có khả năng trả lời cho ta cái điều mà ta muốn hỏi. Có điều, ta không thể nào hiểu hết, không tài nào giải mã được hết những ẩn ngữ, mật ngữ siêu lý kia. Và vì vậy bước chân như có một lực hút huyền nhiệm mê hoặc ta bước tới một cách lạc thần!

Tuồng như chỉ mỗi cái cửa đá này là gió thổi qua ào ạt hun hút rõ tiếng nhất. Gió chen nhau từng ngọn, từng luồng, dào dạt những thanh âm, ném tung những chiếc lá lượn lờ bay về phía thăm thẳm rồi mất hút. Khoảnh khắc đó, thế giới mách bảo điều gì tôi không rõ, chỉ có điều từ vô thức, tôi lại ngâm tràn  thơ của Phạm Hầu như hòa âm cùng tiếng lá lao xao: Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận. Chẳng biết xa lòng có những ai? Câu hỏi hư vô như là thả cho ngàn gió thổi, cho núi non siêu hình huyền ảo một sắc trời xuân!

Đứng trên Ngũ Hành Sơn nghe gió vọng qua chưa bao giờ cạn tiếng, dư ba ấy liệu có tiếng người xưa hòa trong gió bay theo về? Hỏi như thế có thể là từ vọng tưởng mà ra. Nhưng người xưa thì quả đã từng qua đây, và thơ ấy đã khảm khắc vào thời gian, đã làm đẹp cho một vùng danh thắng Ngũ Hành Sơn danh bất hư truyền, giúp cho con người ta hiểu ra mọi thẩm giá từ thực nghiệm đến siêu việt. Ví như Ma nhai tại vùng danh thắng này - những khoảnh khắc chạm trổ vào vách núi năm ba câu thơ - lời văn chữ Hán, chữ Nôm.

Nhân nói tới Ma nhai, tới Di sản tư liệu thế giới tại Ngũ Hành Sơn, tôi lại nghĩ đến một nơi xa hơn, đấy là vùng biển Quảng Ninh trên đất Bắc - nơi ngọn núi Truyền Đăng còn lưu lại bút tích bài thơ chữ Hán bất hủ của vua Lê Thánh Tông khắc vào vách núi. Từ bài thơ huyền thoại này, núi Truyền Đăng được thay tên đổi họ thành núi Bài Thơ. Hình như trên thế giới này, hiếm có nơi đâu có một tượng đài thơ độc đáo như thế.

Ngũ Hành Sơn không như núi Truyền Đăng, cho dù các Ma nhai còn lưu lại dấu tích ngự bút và của các danh thần, quan lại triều đình cho tới các nhà sư... Tên gọi Ngũ Hành Sơn cũng có từ thời vua Minh Mạng, xưa kia còn gọi là núi Non Nước. Chính các vì vua triều Nguyễn đã từng vãn cảnh nơi đây và đã góp sức cùng thiên nhiên xây dựng tôn tạo cảnh quan nơi này.

Truyền thuyết về một con rồng biển sinh nở một nàng công chúa bay về trời, những mảnh vỡ của quả trứng rồng đã hóa thành năm ngọn núi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tạo dựng nên một Ngũ Hành Sơn lung linh truyền thuyết. Hơn năm trăm năm về trước, trên đường mở đất phương Nam, cũng chính vì vua đã khắc thơ mình trên vách núi Truyền Đăng - ông vua thi sĩ ấy, một lần dừng chân ở phía nam đèo Hải Vân đã hướng mắt về phía Đồng Long (mà ngày nay là Đà Nẵng) rồi ngẫu hứng ngâm vang những dòng thơ xuyên suốt con đường mở cõi: “Tam canh dạ tỉnh Đồng Long nguyệt. Ngũ cố phong canh Lộ Hạc thuyền” (Đêm khuya trăng rọi Đồng Long. Thuyền buôn Lộ Hạc chập chùng sóng khua). Không rõ tên gọi Đồng Long trong thơ của vua Lê có tương quan gì đến truyền thuyết con rồng biển hay không, nhưng có điều chắc rằng đây là bài thơ xưa nhất viết về vùng đất Đà Nẵng, nói rộng ra là cả vùng đất Quảng mênh mông trải dài về phương Nam.

Du xuân trên núi Ngũ Hành Sơn là cảm nhận những huyền nhiệm còn lưu  ngấn tích trên các vách núi, trên thổ nhưỡng, trên sông nước... Đại sư Thích Đại Sán - một người Trung Hoa, vào thế kỷ XVII đã được Chúa Hiển Tông - Nguyễn Phước Chu mời sang thăm. Trong một lần ngao du xứ sở Đàng Trong, khi trèo lên trên đỉnh Ngũ Hành Sơn cổ ngoạn, nhìn cảnh đẹp của núi non và trời bể mênh mang nơi đây, máu huyết nghệ sĩ trong tâm thức thiền sư bùng vỡ thành thơ.

Có ai ngờ thơ khoảnh khắc ấy đã trở thành lời trăm năm! Mắt ngắm biển khơi xanh thăm thẳm. Chân giày giậm cát trắng phau phau... Bài thơ đó đến nay cũng đã ngót hơn ba trăm năm rồi. Và đó cũng là dấu ấn khảm khắc của một vị cao tăng người nước ngoài đầu tiên chạm trổ thơ mình vào danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tôi chắc đây là một trong những Ma nhai đậm nét nhất trong hồ sơ danh thắng Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng được công nhận là di sản, bởi sự độc đáo hiếm hoi của nó.

Đi giữa mùa xuân Ngũ Hành Sơn, thì vẫn là ngọn Kim Sơn như cái chuông khổng lồ úp trên bờ sông Cổ Cò. Đặc biệt là 19-2 âm lịch, tại chùa Quán Thế Âm dưới chân núi Kim Sơn, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức tại đây hằng năm. Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia. Và rồi Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn bốn bề đá núi. Năm mảnh vỏ trứng của con rồng truyền thuyết nghìn xưa, có ai biết cứ mỗi ngày đắp cho Ngũ Hành Sơn cao lên trong tâm hồn mọi người.

Đi giữa mùa xuân Ngũ Hành Sơn, bỗng dưng tôi nghe tiếng thơ người xưa vang ngân vách núi: Đà dương dao vọng nhật đông biên/ Đảo dữ thương mang lộ kỷ thiên (Cao Bá Quát) (Biển Đà Nẵng vọng về phương đông/ Đảo cồn lớp lớp đường thiên lý...). Theo cách hiểu về ý nghĩa thời gian, thì đấy cũng là một thứ “Ma nhai” - thứ thanh âm linh thiêng của Ngũ Hành Sơn đang đánh thức và chứng minh cho sức sống của cái đẹp trường tồn.

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
;
.
.
.
.
.