Một nghệ sĩ luôn hướng về Đà Nẵng

.
Chân dung đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh.
Chân dung đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh.

Trong bài “Đà Nẵng trong ai”, Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Đào Trọng Khánh mở đầu: “Ngày tôi còn bé, bố tôi bán hết ruộng vườn ở quê nhà, ông bảo mọi người: “Tôi đi Tourance” - Tourance là tên cũ của Đà Nẵng. Rồi bố tôi không về nữa”. Sau khi kể về những kỷ niệm Đà Nẵng, trong đoạn kết của bài, ông viết: “Nếu luân hồi có kiếp sau, tôi sẽ bắt chước bố tôi bán hết ruộng vườn ở quê nhà, bảo với mọi người: “Tôi đi Tourance!”. Và có lẽ tôi sẽ ở lại Đà Nẵng, không về nữa…”.

Tôi đã gặp anh Khánh từ năm 1971 trên núi rừng Trà My, nơi đóng quân của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Năm đó trong đoàn nhà văn bổ sung cho chiến trường khu 5 có một người quê Hải Phòng, nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Phục lúc đó làm thơ và anh nói nhiều về thơ Hải Phòng, đặc biệt nhắc về thơ Đào Nguyễn (bút danh của nhà thơ Đào Trọng Khánh). Từng ngày qua đi, hình ảnh Đào Trọng Khánh thi nhân Hải Phòng, hào hoa, tài năng cứ in đậm trong tôi.

Rồi ngày tôi gặp Đào Trọng Khánh bằng xương bằng thịt lại trong một bối cảnh hi hữu. Anh Khánh mới ra tù.

Anh kể:

- Tôi sang Bát Tràng đặt mấy mẫu đĩa đời Lý, xong đem về nấu mấy ngày với lá chè xanh cho nó rạn chân chim. Rồi sửa sang hệt như đồ cổ bán cho mấy tay sành gốm. Đang giao dịch thì công an ập đến. Họ lập biên bản chúng tôi đang buôn bán đồ cổ, cổ vật quốc gia. Tôi giải thích đây là gốm Bát Tràng giả cổ đời Lý và giải thích thêm đôi ba điều nữa. Công an hỏi tôi về lý lịch, đơn vị công tác rồi hạ giọng xanh rờn: “Anh không biết là cán bộ của Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương, đơn vị anh hùng buôn đồ cổ tội sẽ nặng như thế nào”. Tôi lại giải thích đồ của tôi không phải là đồ cổ.

Những năm sau đó anh Khánh thường vào Đà Nẵng, vào khu 5 làm phim về các nhân vật lịch sử, về Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng tôi thường gặp nhau. Có dịp ra Hà Nội, anh hay rủ xuống Hải Phòng chơi vì ở đây tôi có bạn là các nhà thơ Thanh Tùng, Đào Cảng, Thi Hoàng… Mỗi lần gặp anh Khánh, tôi thấy mình vui, nhìn đời hóm hỉnh hơn. Năm 1995, gia đình tôi gặp nạn, gặp nhau anh Khánh ái ngại cho tôi nhưng không bao giờ nói gì như an ủi trước mặt tôi. Tôi rất quý những ứng xử của anh.

Một buổi chiều tại thành phố cảng Hải Phòng, anh Khánh, người đã quay gần ngàn thước phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự với tôi về sự nhẫn của vị danh tướng này. Anh Khánh nói: Ông Giáp có một điều lạ. Đó là linh cảm và trực giác. Không có một vị tướng nào có linh cảm và trực giác tốt như Võ Nguyên Giáp. Bác Hồ nhìn ra điều lạ này của ông. Ông biết đánh vào đâu và không đánh vào đâu. Còn đánh như thế nào là phần việc các cấp dưới bàn bạc, nghiên cứu với nhau. Như chiến dịch Điện Biên Phủ là một thí dụ. Khi đó, ông xin Bác Hồ nói với Trung ương cho đánh Phai Khắt - Nà Ngần. Đây là đồn nhỏ, ba mươi hai người lính đánh vào chiến thắng ngay, chỉ có một người bị thương nhẹ. Kết quả này tạo tiền đề Cách mạng Tháng Tám, lập thế trận có lợi cho cách mạng. Như chuyện cánh quân phía đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh của tướng Lê Trọng Tấn, nếu không nhanh chóng lập cánh quân này thì mục tiêu vào Sài Gòn sẽ bị chậm. Chiến tranh kéo dài thêm một ngày là thêm đổ máu. Hay như vụ mượn tàu của dân giải phóng Trường Sa. Quân giải phóng đã đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi rồi nhưng không có lực lượng ra Trường Sa. Hải quân lúc ấy mỏng, tàu bè không nhiều, lại đang ở tận Hải Phòng. Linh cảm báo cho Tướng Giáp biết phải nhanh chóng làm việc này. Ông ra lệnh cho Sư đoàn 2 Quân khu 5 mượn tàu dân, sơn lại phù hiệu tổ chức lực lượng chiếm Trường Sa ngay.

Anh Khánh kể tiếp:

- Tôi nói với Tướng Giáp sao anh không treo chữ nhẫn, nhiều người nói anh thực hành thành công đức nhẫn. Ông nói, anh không thích chữ nhẫn. Có người cho anh chữ nhẫn rất đẹp nhưng anh không treo. Trường hợp của anh không phải là nhẫn. Anh không hề nhẫn. Ông Giáp là người có linh cảm và trực giác mạnh, nhưng cũng nhận biết được cái hợp thời chứ không phải người nhẫn.

Ảnh: KIM LIÊN
Ảnh: KIM LIÊN

Tôi biết đạo diễn Đào Trọng Khánh đàm đạo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chữ nhẫn thường tình mà người đời đang quan niệm. Nhưng tôi nghĩ với Tướng Giáp, chữ nhẫn của ông có một ý nghĩa khác, có thể gọi là kham nhẫn. Trong Kinh Di Giáo (Lời giáo huấn cuối cùng) Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Kham nhẫn là đức hạnh mà giữ giới luật cùng với khổ hạnh cũng không sánh được. Người thực hành kham nhẫn mới xứng đáng là bậc đại nhân có sức mạnh...”. Sự nhẫn của Võ Nguyên Giáp gần gũi với khái niệm này.

Là đạo diễn phim tài liệu hàng đầu của nước ta, anh Khánh chưa trực tiếp làm phim về Đà Nẵng nhưng thường lấy Đà Nẵng làm căn cứ cho những phim về miền Trung, về Quân khu 5, về Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Có lần tôi nói với anh kiếp sau anh nhớ bán hết ruộng vườn để đi Tourance nhé. Anh Khánh cười vang…

Đời tôi thật may mắn gặp được những người như Đào Trọng Khánh để lúc nào cũng có một không gian thầm kín suy ngẫm về con người, về những thăng trầm đời người trải qua, để thấm giá trị tháng ngày sống an lạc và chống chọi với những sóng gió đi qua một cách kiên cường, bản lĩnh. Bởi niềm vui sau khi vượt qua trắc trở, gập ghềnh bao giờ cũng sâu lắng và đậm đà.

THÁI BÁ LỢI

;
;
.
.
.
.
.