Mươi bước chân một bảo tàng sống

.

Đó là khu vực trung tâm quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, theo như quy hoạch của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cũng chính là điều mong ước sẽ sớm hiện thực hóa một cách rõ nét của người dân và du khách mỗi khi đặt chân đến “thành phố đáng sống” này.

Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN
Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN

Bảo tàng vẫn luôn là bảo tàng, với những không gian đóng khung của hiện vật, cổ vật, di vật. Còn “bảo tàng sống”, tôi cho rằng phải chính là những thứ luôn đi đứng, hít thở, nhớ nhung xao xuyến cùng ta theo mỗi bước chân, mỗi cái nhìn mọi phút giây chạm gặp, và mỗi du khách phương xa đều có thể gói gém mang theo về trong nỗi nhớ... 

Khi ấy, “bảo tàng sống” sẽ không chỉ là cách chúng ta làm sống động hay số hóa, ảo hóa các hiện vật trong các bảo tàng có sẵn. Mà đó phải hiện diện mọi nơi giữa không gian sống, từ mỗi gốc cây, mỗi phiến đá thềm rêu, mỗi mái hiên, đôi dòng chữ biết kể lại những câu chuyện cũ, cho đến những con người...

Như buổi sáng chớm mùa đông mưa nắng thất thường này, tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê quán cóc vỉa hè ngã tư Triệu Nữ Vương - Nguyễn Trãi, nhìn sang bên kia đường gốc đa sừng sững râu ria xù xì có lẽ phải hai chục người nối tay nhau ôm vòng mới hết. Ngay trước ngôi nhà nhỏ hai tầng mới xây kiểu cách trang nhã treo biển “Nhà sinh hoạt cộng đồng Nam Vinh”. Để rồi bên cái bàn nhựa cà phê cóc không gian chỉ mấy mét vuông này, tôi đã lắng nghe được biết bao câu chuyện sống động về một Đà Nẵng xưa.

Nơi tôi ngồi chính là hiên nhà của cụ Nguyễn Tồn ở số 69 Triệu Nữ Vương. Cụ đã mất năm 93 tuổi. Giờ đây con trai là ông Nguyễn Được tuổi đã ngoài 70. Ông Được nói, những người trăm tuổi như cha ông, khi xưa đến ở đây đã có gốc đa này rồi. Vợ ông Được là bà Lan ngồi bên đưa tay vẫy, từ bên kia đường một người đàn ông đang ngồi trên xe máy chờ chở hàng dưới gốc đa bước qua vui vẻ bắt chuyện. Ông giới thiệu tên là Nguyễn Văn Phước 73 tuổi, sinh ra và lớn lên gần bên gốc đa này.

Ông Phước rành rẽ, rằng nơi này xưa thuộc xã Hải Châu, huyện Hòa Vang. Tên đường hồi Pháp dân gọi là Lắp-Bê (Edmond Labbé 1868-1944, một nhà giáo dục công kỹ nghệ người Pháp, đến năm 1958 đường đổi tên thành Triệu Nữ Vương cho tới nay - NV). Thời xưa đường còn có tên là đường Cát, vì toàn cát. Trẻ con trong làng mỗi khi thấy xe của Tây bị cát lún, liền khiêng mấy tấm gi sắt ra lót cho xe đi, được thưởng mấy đồng.

Hai bên phố thời ông Phước còn được chứng kiến toàn nhà tranh tạm bợ. “Ngày xưa ở bên gốc đa này có thể nhìn thấy sông Hàn, nghe tiếng máy thuyền chạy trên sông nổ bụp bụp...”, ông Phước kể. “Thời ấy không có nước phải gánh nước giếng gần đình Nam Vinh. Chỉ có điện đường, còn nhà dân dùng đèn măng-sông. Thời xưa ở đây dân chủ yếu làm bún tươi, tráng bánh ướt xay bột bằng cối đá, nay có nhà vẫn giữ cái cối cũ”, bà Lan góp chuyện. 

Ông Nguyễn Văn Phước dưới gốc đa trước đình Nam Vinh. Ảnh: Trần Tuấn
Ông Nguyễn Văn Phước dưới gốc đa trước đình Nam Vinh. Ảnh: TRẦN TUẤN

Thì ra còn nhiều người biết về lịch sử nơi gốc đa “vô danh” này quá. Ông Phước và mọi người kể thời xưa bên gốc đa này là đình Nam Vinh. Quanh khu này còn có nhiều đình khác, như đình Hải Hạc (đối diện Công an phường Phước Ninh bây giờ), đình Cầu Vồng, đình Trung Tạm (khu Phạm Ngũ Lão),... giờ đã không còn nữa. Nhưng cứ thấy chỗ nào có cây đa lớn là nơi ấy có đình miếu. Rồi nhân tiện kể lại rằng khi đó dân Đà Nẵng làm gì đã biết đến xi nê, mà chỉ có hát bội. Xem ở mấy rạp Vĩnh Lạc (nay là chợ Cồn), rạp Hòa Bình (nay là nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), rạp Giếng Bộng (Nại Hiên),... 

Tôi tìm đến bà Phạm Thị Hồng, Tổ trưởng tổ 18, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, nhà bên mặt đường Nguyễn Trãi gần đó. Bà Hồng 61 tuổi, ở đây đã ba đời. Bà kể, đình Nam Vinh là nơi người làng thờ Thiên thánh Mẫu (Mẫu Mẹ), chứ không phải như đình Hải Châu bên phường Hải Châu 1. Nơi đây một năm cúng hai lần, vào ngày 16-2 âm lịch là lễ tế Xuân, và ngày 26-8 tế Thu. Việc cúng quảy thời ấy do ông nội, bà nội cùng các bô lão trong làng đứng ra lo liệu.

Thế rồi một giai đoạn đình không còn nữa. Khi ấy góc ngã tư bên đối diện gốc đa có nhà của cụ Trương Văn Mau, cụ mới mất năm ngoái khi đã hơn 100 tuổi. Mấy chục năm trước, khi không còn đình, cụ Mau dựng cái am lớn trên sân thượng nhà mình, rồi nói bà con dời bàn thờ Bà lên để dân làng tiếp tục thờ tự. Cách đây chừng 6-7 năm, cụ Mau bán nhà đi nơi khác, trước khi đi cụ xin phường cho đặt lại bàn thờ Bà ở gian nhà cũ phía sau gốc đa. Hai năm trước quận Hải Châu cho cải tạo nơi này, xây dựng thành Nhà sinh hoạt cộng đồng, trên tầng 2 phía sau gốc đa hiện có một gian riêng trang nghiêm để thờ Bà.

Lễ tế Xuân, Thu tại khu vực Nam Vinh này vẫn duy trì đều đặn, không dứt đoạn năm nào dù thời cuộc có nhiều biến đổi. Từ chục năm nay nhà bà Hồng là nơi nấu cúng, mọi thứ do bà con, chị em đóng góp. Bà bảo giờ cũng đóng góp được ít thôi chứ không như thời xưa. Vì các cụ lớn tuổi đã mất hết rồi. Còn ai nhớ lại thì đóng góp năm ba chục một trăm chi đó. Thiếu bao nhiêu thì chị Hoàng Thị Tú (doanh nghiệp Tú Phương), người mua lại nhà của cụ Mau, lo hết phần còn lại.                                                      

Chỉ một gốc đa trên vỉa hè chưa phải là cây di sản mà đã là một “bảo tàng sống” ẩn chứa sau đó biết bao nhiêu chuyện về lịch sử, tâm linh, về những ấm lạnh đời người nơi góc phố này. Gần cơ quan tôi đường Ngô Gia Tự thuộc phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, trên vỉa hè góc nối với đường Pasteur cũng có một “cụ đa” khổng lồ vươn nghiêng gần chạm tới tường sân Chi Lăng, chắc cũng đã hơn trăm tuổi. Nhiều lần đi làm ngang qua thấy người của công ty cây xanh đang bắc cẩu mé bớt cành, thậm chí còn “xén râu” của cụ. Để phòng chống mưa bão. Tôi nhớ mới đây đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội quay clip, chụp ảnh cảnh người dân trong ngõ nhỏ tổ chức “đám tang” cho một “cụ đa” bị bật gốc do mưa gió không thể cứu chữa.

Dâng hương lên tổ tiên trong đình Nam Vinh. Ảnh: Trần Tuấn
Dâng hương lên tổ tiên trong đình Nam Vinh. Ảnh: TRẦN TUẤN

Tôi dừng trước nhà số 58 Hùng Vương. Ba căn nhà có số liền kề giờ đây nhập lại thành một showroom vật liệu xây dựng. Tìm tiếp về đường Phan Thanh Giản cũ, nay là Hoàng Văn Thụ, cũng không thấy lại địa chỉ cũ “số 9 kiệt 3” đâu nữa. Có một chuyện không mấy người biết, đó là trước năm 1975, hai địa chỉ trên là nơi từng đặt “Nhà xuất bản Thơ” độc nhất vô nhị Việt Nam. Một nhà xuất bản chỉ chuyên...in thơ chứ không phải gì khác! 

Thông tin này tôi biết từ người bạn là bác sĩ Nguyễn Duy Long ở Quảng Ngãi, một tay chơi sách cừ khôi, cũng là tác giả của những cuốn sách công phu về thú chơi sách và đọc sách. Thân phụ của Long là nhà thơ Nguyễn Khắc Minh, chính là một trong 3 người chủ trương thành lập và điều hành nhà xuất bản độc đáo này, cùng với nhà thơ Lê Ngọc Châu (Luân Hoán) và họa sĩ Nghiêu Đề. Hai năm đầu 1968-1969, Nhà xuất bản Thơ đặt tại thành phố Quảng Ngãi, sau đó chuyển ra Đà Nẵng lần lượt đặt hai địa chỉ trên. Đà Nẵng một thời từng có không ít những địa chỉ văn nghệ độc đáo như vậy, giờ còn dấu vết nào không?

Ảnh: XUÂN DŨNG
Ảnh: XUÂN DŨNG

Lục trong cuốn vựng tập “Đà Nẵng Xưa & Nay” (NXB Đà Nẵng, 1998), lật giở bồi hồi với từng tấm ảnh tư liệu. Đường cái quan thiên lý qua Hải Vân Quan đã khai quật phát lộ hiện đang phục dựng. Nhưng còn đâu dấu vết địa chỉ của những Phòng Thương mại Canh nông và Kỹ nghệ Trung kỳ, dấu tích ga chợ Hàn với đường sắt chạy dọc bờ sông? Hồi mới đi làm báo hơn 30 năm trước, tôi từng chứng kiến bên bờ sông Hàn một “cột mốc” của chợ Hàn là phiến đá nhỏ ghi chữ Pháp và Việt. Sau nghe nói trong quá trình làm vỉa hè đã vỡ mất (?) giờ trôi lạc đi đâu không rõ. Bức phù điêu nhà hát Trưng Vương cũ nay đâu, để như là chứng nhân kể lại câu chuyện Đà Nẵng một thời?

Tròn 20 năm trước, tôi bỏ mấy ngày trời xem “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy nâng đình Nại Nam (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu). Để viết ký sự “Xem ông Lũy nâng đình”. Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia này đã nổi tiếng từ lâu. Nhưng sự kiện ngôi đình cổ vốn nằm ở nơi thấp lụt này được kích nâng cao thêm 1,6m, cùng với việc chuyển dời vị trí hai gốc đa khổng lồ, nghĩ cần nên được lưu lại một cách trực quan nơi đó. Như một thứ “bảo tàng sống”, một “hậu truyện” tươi mới thời hiện đại của ngôi đình để du khách và các thế hệ người Đà Nẵng sau này lưu nhớ. Như khi ngồi thuyền dạo trên sông Hàn, biết rằng mỗi ngọn sóng trong xanh đã mang hình bóng tác giả của những ca khúc lừng danh “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Thuyền và biển”, “Bóng cây Kơ-nia” - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, khi một phần tro cốt của ông đã được rải xuống nơi đây.

Phòng làm việc của tôi nhìn ra sân vận động Chi Lăng. Một mai nơi này chính thức mang công năng khác, nghĩ nên dành lại một không gian nhỏ, một góc nhỏ lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật để kể lại cho người đời sau về “chảo lửa” nóng nhất cả nước một thời...

Con người sẽ sống giữa thời đại số như thế nào? Khi tất cả vũ trụ đã gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh và bàn phím. Hơi ấm ký ức đẹp đẽ vốn là thứ ngày càng hiếm bây giờ, những thế hệ vừa qua tuổi thanh xuân, tìm đâu? Nữ danh họa gốc Mexico Frida Kahlo (1907-1954) nói rằng “tôi vẽ hoa để chúng không héo úa”. Thi sĩ Xuân Diệu thì nhận ra “Không phải anh hôn đôi mắt/Anh hôn cái nhìn của em”. Tôi nghĩ dưới góc độ nào đó, bảo tàng là đôi mắt, còn “bảo tàng sống” chính là cái nhìn. Nhìn và bắt gặp. Hòa lẫn chủ thể và khách thể. “Cái nhìn em trong không gian/Trong hồn anh giữ chứa chan”.

Giờ nhắm mắt mỗi người dân Đà Nẵng cũng đều có thể kể ra, hình dung lại biết bao thứ “bảo tàng sống” như vậy, nơi thành phố này... 

TRẦN TUẤN

;
;
.
.
.
.
.