Người Đà Nẵng với những năm Quý Mão trong lịch sử

.

 

Trên đỉnh Hải Vân. Ảnh: TRUNG THU
Trên đỉnh Hải Vân. Ảnh: TRUNG THU

Năm Nhâm Dần 1602, chúa Nguyễn Hoàng vào thăm núi Hải Vân. Đứng trên đỉnh núi nhìn về phương đông, Nguyễn Hoàng càng tâm đắc với nhận xét của người anh rể là chúa Trịnh Kiểm về vị trí địa chiến lược của núi Hải Vân gắn với cửa Hàn và vịnh Đồng Long: “Đây là chỗ yết hầu của miền Thuận Quảng”. Đứng trên đỉnh núi nhìn về phương nam, Nguyễn Hoàng lại càng thấm thía ý nghĩa mở cõi về phương nam của địa danh Quảng Nam thừa tuyên đạo xuất hiện từ thời vua Lê Thánh Tông - người từng sáng tác hai câu thơ: Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền.

Và từ những cảm hứng lịch sử ấy, sau khi kết thúc chuyến nghiên cứu thực địa ở trấn Quảng Nam, Nguyễn Hoàng đã quyết định đổi trấn Quảng Nam thành dinh Quảng Nam, chọn cử thế tử Nguyễn Phước Nguyên vào làm trấn thủ; rồi hai năm sau, năm Giáp Thìn 1604, quyết định tách huyện Điện Bàn khỏi phủ Triệu Phong trực thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ Điện Bàn trực thuộc dinh Quảng Nam.

Người Đà Nẵng đã đón chào xuân Quý Mão 1603 giữa hai sự kiện lịch sử liên quan đến quá trình điều chỉnh địa giới hành chính của vùng đất Đà Nẵng đương thời và cứ thế sáu mươi năm lại thêm một lần đón chào xuân Quý Mão với những sự kiện liên quan tới đất và người Đà Nẵng. Chào xuân Quý Mão 2023, bài viết này giới thiệu một số sự kiện lịch sử diễn ra trên đất Đà Nẵng trong các năm Quý Mão 1843, 1903 và 1963.

Năm Quý Mão 1843, vua Thiệu Trị ban cho tổng Phước Tường Thượng huyện Hòa Vang phủ Điện Bàn một sắc phong đề ngày 14 tháng 5 âm lịch, trong đó lần đầu tiên xuất hiện địa danh làng Phước Thuận - một trong năm làng được chia tách từ xã lớn Phước Sơn gồm Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Hưng, Phước Thái và Phước Hương, nay thuộc xã Hòa Nhơn. Vừa trở thành một làng độc lập, một năm sau người Phước Thuận đã xây dựng đình làng và đình làng Phước Thuận nhanh chóng được cư dân trong vùng nghe tên biết tiếng: Đi vô xem đình La Qua, đi ra xem đình Phước Thuận.

Đầu năm Quý Mão 1843 là lúc võ quan chuyên nghiệp Lê Sỹ(1), quê làng Võ Xá, huyện Phong Lộc (nay thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình được vua Thiệu Trị chọn cử vào Quảng Nam giữ chức Tả cơ Hiệp quản - một chức hàm võ quan thấp hơn chức Lãnh binh là chức hàm võ quan chỉ huy quân sự một tỉnh nhỏ.

Chính nhờ đã kinh qua công tác kiểm tra đôn đốc thực địa việc phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng trong thời gian giữ chức Tả cơ Hiệp quản Quảng Nam mà năm Kỷ Mùi 1859 dưới thời vua Tự Đức, lúc liên quân Pháp và Tây Ban Nha đang hùng hổ tiến công xâm lược Đà Nẵng, Lãnh binh tỉnh Nam Định Lê Sỹ lại được vua Tự Đức quyết định chọn điều động để tăng cường cho mặt trận Đà Nẵng, trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc 1858-1860 và được giao giữ chức Đốc binh quân thứ Quảng Nam - một chức vụ tương đương chức Lãnh binh.

Và đến cuối năm Quý Mão 1843, nhà thơ Cao Bá Quát từ kinh đô Huế có chuyến công du nước ngoài qua cửa Hàn - khi tham gia phái bộ Đào Trí Phú lên tàu Phấn Bằng rời Đà Nẵng xuôi về phương Nam sang tận Hạ Châu (địa danh đương thời dùng để gọi không chỉ Singapore mà còn cả Penang và Malacca) nhằm đại diện triều đình Đại Nam đàm phán mua thêm một hỏa cơ đại thuyền/tàu hơi nước cỡ lớn mà sau này được mang tên Điện Phi(2).

Lễ hội Cầu ngư Thanh Khê.  Ảnh:  L.T
Lễ hội Cầu ngư Thanh Khê. Ảnh: L.T

Năm Quý Mão 1903 là năm mà tấm bia sa thạch chùa Thủ Long, làng Nại Hiên Tây sau một thời gian dài bị gãy đôi chôn vùi dưới đất đã được tìm thấy và dựng lại bên cạnh cổng chùa. Hơn hai thập niên sau, tấm bia được dựng lần đầu vào năm Mậu Tuất 1658 niên hiệu Thịnh Đức thứ 5 ấy đã được Quyền Toàn quyền Đông Dương Maurice Antoine François Montguillot liệt hạng là di tích lịch sử theo Nghị định ngày 16 tháng 5 năm 1925; và ngày 2 tháng 12 năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận bia chùa Thủ Long là di tích lịch sử cấp quốc gia. Và cũng nhờ tìm lại được tấm bia vào năm Quý Mão 1903 mà hậu thế có thể biết được chùa An Long ngày nay từng có tên là chùa Thủ Long - chứ không phải chùa Long Thủ - khi đọc sáu chữ Hán lớn khắc rõ ràng theo đường ngang ở trên bia: Lập Thạch Bi Thủ Long Tự/ Lập Bia Đá (ở) Chùa Thủ Long.

Đến năm Quý Mão 1903, Đà Nẵng đã trải qua 14 năm trở thành nhượng địa của thực dân Pháp với tên gọi Tourane. Nghiên cứu thống kê tài chính vào năm này và nhiều năm khác, có thể thấy ngân sách hỗ trợ của Trung Kỳ cho Đà Nẵng thường lớn hơn các thị xã trong cùng khu vực: Trong khi Huế được cấp 2.000 đồng Đông Dương, Thanh Hóa được cấp 1.000 đồng Đông Dương thì Tourane được cấp đến 3.000 đồng Đông Dương, gấp 1, 5 lần so với Huế và gấp 3 lần so với Thanh Hóa. Năm Quý Mão 1903 cũng là năm Tourane bùng phát dịch bệnh đậu mùa và người Pháp đã trưng dụng đình làng Hải Châu để làm nơi điều trị bệnh nhân (thời điểm này, đình làng Hải Châu đang còn tọa lạc trên đường République/ Hùng Vương tại vị trí ngày nay là Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng). 

Năm Quý Mão 1963, trên đường Quang Trung, Trung học tư thục Bồ Đề được thành lập - một trong những trường học ở nội thành Đà Nẵng sớm có phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và đến năm 1972, trường được Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đặc khu Quảng Đà tặng danh hiệu Trường Trung học Quyết Thắng.

Năm Quý Mão 1963 cũng là năm mà tại trung tâm của thành phố kết nghĩa Hải Phòng, một con phố lớn hợp nhất từ phố Cao Miên và phố Lạc Long Quân được chính thức mang tên phố Đà Nẵng. Và trên con phố thấm đẫm tình nghĩa Nam Bắc một nhà ấy có ngôi trường trung học mang tên nhà yêu nước quê thành phố bên sông Hàn và cũng là tên của chính thành phố này thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Trường Cấp III Thái Phiên thành lập năm Canh Tý 1960, khi Hải Phòng vừa kết nghĩa với Đà Nẵng - ba năm sau, năm Quý Mão 1963, Trường Trung học phổ thông Thái Phiên mới được thành lập trên đường Trần Cao Vân Đà Nẵng nhưng mang tên Trường Trung học công lập Ngoại Ô, đến năm 1972 mới đổi thành Trường Trung học công lập Thái Phiên; đây cũng là thời điểm hình thành Trường Trung học công lập Đông Giang bên hữu ngạn sông Hàn, tức là Trường Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám hiện nay… 

BÙI VĂN TIẾNG


[1] Xem Bùi Văn Tiếng, Về nhân vật Lê Sỹ trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 04 tháng 8 năm 2019.

[2] Xem Bùi Văn Tiếng, Người Đà Nẵng với Cao Bá Quát, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 19 tháng 9 năm 2020.

;
;
.
.
.
.
.