Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Tôi luôn muốn làm gì đó cho quê nhà

.

Dường như trong lòng mỗi người trí thức luôn có một khát vọng đóng góp, làm điều gì đó cho cộng đồng. Bởi thế, chỉ cần vào một thời điểm nào đó, có được cơ hội thực hiện sở nguyện này, họ nhất định sẽ làm ngay, với sự tận tâm và bầu nhiệt huyết luôn ở trạng thái sẵn sàng. Chúng tôi gặp lại cảm xúc này khi trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Thành, giáo sư người Việt đang giảng dạy tại Đại học Connecticut, Mỹ.

Giấc mơ về khoa công nghệ y sinh

Cuối năm nay, theo kế hoạch đã được chuẩn bị từ vài năm qua, TS. Nguyễn Đức Thành cùng một số đồng nghiệp ở Đại học (ĐH) Connecticut và các chuyên gia khác chung lĩnh vực sẽ về Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên ngành công nghệ y sinh ở ĐH Bách khoa Hà Nội, nơi anh đã tốt nghiệp kỹ sư trước khi sang Mỹ. Hội thảo này giống như việc “bấm nút đề” cho một kế hoạch dài hơi và tham vọng của TS. Thành và những người chung tâm huyết muốn gầy dựng một mô hình đào tạo bài bản nhân lực trong lĩnh vực công nghệ y sinh ở Việt Nam.

“Khác với mảng công nghệ thông tin, công nghệ y sinh là lĩnh vực đòi hỏi tính đa ngành rất lớn. Nó liên quan cùng lúc tới nhiều lĩnh vực như vật lý, hóa học, vật liệu, máy tính, sinh học, y học… Ngoài vấn đề nhân lực, lĩnh vực này cũng cần đầu tư rất lớn về máy móc, trang thiết bị và cần cả một ngành công nghiệp phụ trợ đi cùng để có thể thương mại hóa sản phẩm sau khi hoàn thiện khâu nghiên cứu”, anh cho hay.

Cũng theo TS. Thành, nếu nhìn vào 3 “cột trụ” liên quan tới việc phát triển ngành công nghệ y sinh là con người, hạ tầng máy móc và ngành công nghiệp hỗ trợ, với nền kinh tế đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có thể giải quyết được những đòi hỏi của hai yếu tố sau. Song về nhân lực công nghệ y sinh, cột trụ quan trọng nhất, cần phải có một chiến lược đầu tư, phát triển bài bản, lâu dài.

“Ở Việt Nam cho tới nay, theo tôi quan sát, mới chỉ có một vài đơn vị đào tạo ngành này, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù thế, nếu nói về một cơ sở đào tạo bài bản, quy mô và tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ y sinh thì chúng ta chưa có. So với các nước, trình độ nhân lực của Việt Nam ở mảng này còn rất khiêm tốn”, anh chia sẻ, bày tỏ hy vọng hội thảo tới đây về công nghệ y sinh sẽ khơi dậy sự quan tâm nhiều hơn của các bạn trẻ với lĩnh vực này.

Đam mê y học tái tạo

Là giáo sư đồng thời của hai khoa công nghệ y sinh và khoa cơ khí ở Đại học Connecticut, TS. Thành có cơ hội theo đuổi niềm đam mê đặc biệt của anh, cũng là lĩnh vực “chạy giữa” hai chuyên môn này: phát triển các thiết bị và vật liệu y học mới.

Từ đầu năm nay, anh sáng lập 2 startup để huy động vốn cho thương mại hóa các sản phẩm đã hoàn tất nghiên cứu và đủ dữ liệu chứng minh an toàn, hiệu quả. Một công ty tập trung cho sản phẩm miếng dán vắc-xin (công nghệ truyền vắc-xin dưới da, không tiêm, chỉ dán một lần và giải phóng vắc-xin nhiều lần theo định kỳ nhắc lại). Một công ty nữa phát triển loại vật liệu sinh học có thể dùng làm các khẩu trang N95 tự phân hủy, và cả các miếng sụn nhân tạo giúp thay thế các phần sụn khớp bị hỏng của người bệnh mà không phải làm phẫu thuật, tránh được các tác dụng phụ liên quan.

Ngoài ra phòng nghiên cứu của anh cũng đang theo đuổi một dự án rất nhiều cảm hứng là nghiên cứu loại vật liệu (hay thiết bị) phát sóng siêu âm giúp đưa thuốc điều trị vào não - vốn là thách thức rất lớn lâu nay trong điều trị các bệnh như ung thư ở não.

“Bộ não của chúng ta có một lớp màng tế bào bảo vệ rất chắc chắn, bao bọc não để không gì (ngoại trừ máu) có thể xuyên qua lớp màng này vào não. Lớp màng này giúp bảo vệ tối đa bộ não người trước các virus, vi khuẩn và độc tố, nhưng lại là trở ngại rất lớn khi cần đưa thuốc điều trị bệnh vào đây. Chúng tôi đang nghiên cứu giải pháp cho vấn đề đó bằng việc phát minh ra các thiết bị có thể cấy ghép vào não, phát sóng siêu âm để tạo nên sự thẩm thấu nhất thời của thuốc qua lớp màng này, và rồi tự tiêu hủy một cách an toàn, không cần có phẫu thuật xâm lấn để lấy thiết bị này ra khỏi não, gây nguy hiểm cho bộ phận quan trọng này của cơ thể người. Dự án này đang được xét duyệt để xuất bản trên một tạp chí lớn và thực sự khiến các thành viên tham gia vô cùng hào hứng”, TS. Thành nói về một trong các nghiên cứu phòng lab của anh đang tập trung nguồn lực.

Vì sao là bây giờ?

Sau 5 năm không ngừng nỗ lực nghiên cứu và duy trì hoạt động sôi nổi của phòng thí nghiệm với hơn 11 thành viên, vượt qua những đòi hỏi và thử thách khắc nghiệt của từng cấp bậc ở môi trường học thuật Mỹ, cuối năm 2021, TS Nguyễn Đức Thành trở thành giáo sư chính thức trong biên chế (hay giáo sư trọn đời) tại ĐH Connecticut.

Đây thực sự là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của anh, giúp anh có uy tín và vị trí chuyên môn đủ “sức nặng” để thuyết phục các đồng nghiệp khác trong các dự án chuyên môn sau khi đã tạo dựng được mạng lưới kết nối với các chuyên gia hàng đầu về công nghệ y sinh tại Mỹ cũng như các nước.  “Mình vẫn luôn ấp ủ tâm huyết muốn thành lập ở Việt Nam một khoa công nghệ y sinh. Sau 5 năm nghiên cứu trong lĩnh vực này, giờ là lúc mình đã có thể bắt tay thực hiện”, anh nói.

Làm giáo sư ở Mỹ là làm những gì? Nghiên cứu, chắc chắn rồi, nhưng không chỉ thế. TS. Thành chia sẻ với chúng tôi về những nhiệm vụ của một giáo sư đại học ở Mỹ mà anh ví nó chẳng khác gì một CEO của doanh nghiệp. Ngoài các công việc chuyên môn học thuật, một giáo sư ở Mỹ còn phải đối mặt với thử thách rất khắc nghiệt là viết các đề xuất dự án khoa học để có thể nhận được tài trợ nghiên cứu (từ chính phủ hoặc từ doanh nghiệp) cho phòng lab của họ.

Không có nguồn ngân sách nào được cấp phát định kỳ, không có khoản tài trợ nào từ trên trời rơi xuống, đó thực sự là một cuộc cạnh tranh học thuật sòng phẳng (đôi khi còn khốc liệt) ở xứ cờ hoa. Bởi thế, không vô lý khi một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá năng lực của giáo sư tại Mỹ chính là khả năng thu hút tài trợ cho các dự án nghiên cứu của họ. Một giáo sư nhận được nhiều tài trợ cũng có nghĩa lĩnh vực nghiên cứu của họ được đánh giá cao và có tiềm năng ứng dụng lớn.

Hình phóng to mô tả các mũi kim siêu nhỏ trong miếng dán vắc-xin là sản phẩm nghiên cứu thành công và đang trong quá trình thương mại hóa của phòng nghiên cứu do TS. Thành quản lý. Ảnh: NVCC
Hình phóng to mô tả các mũi kim siêu nhỏ trong miếng dán vắc-xin là sản phẩm nghiên cứu thành công và đang trong quá trình thương mại hóa của phòng nghiên cứu do TS. Thành quản lý. Ảnh: NVCC

“Những năm đầu mình phải viết rất nhiều dự án vì tỷ lệ thành công rất thấp, trình lên 10 nhưng có khi chỉ được một hoặc hai. Sau mỗi lần thất bại, mình luôn nhìn lại các lý do bị từ chối để tìm cách điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho các lần sau, và làm thêm nhiều thí nghiệm khác để có được những dữ liệu sơ khai, giải đáp một phần nào đó các câu hỏi, thắc mắc của những người xét duyệt đề án. Cứ thế, tới giờ tỉ lệ bị từ chối của mình đã giảm đi nhiều, mình đã yên tâm có đủ ngân sách để duy trì phòng lab với hơn 11 thành viên, trong đó có 3 bạn người Việt Nam và sắp tới đây có thêm một bạn từ Việt Nam sang nữa”, anh chia sẻ.

Cũng cần nói thêm, với mức lương và hỗ trợ để làm nghiên cứu cho một nghiên cứu sinh tiến sĩ (phD student) khoảng 50.000 USD/năm và một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) gần 100.000 USD/năm, cộng các chi phí khác cho máy móc, thiết bị nghiên cứu, TS. Thành cần phải duy trì ngân sách cho phòng thí nghiệm như hiện tại ít nhất 1-2 triệu USD/năm.

Nhiều giải thưởng danh giá

TS. Nguyễn Đức Thành sinh năm 1984 tại Đà Nẵng, cựu học sinh chuyên Lý (A2) Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng (niên khóa 1999-2002). Anh tốt nghiệp ngành vật lý kỹ thuật tại Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó học tiến sĩ chuyên ngành cơ khí và kỹ thuật hàng không tại ĐH Princeton. Sau khi nhận ra đam mê đặc biệt của bản thân với công nghệ y sinh, Nguyễn Đức Thành chọn học tiếp hai năm chương trình đào tạo sau tiến sĩ lĩnh vực này tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Từ năm 2016 tới nay, anh là giáo sư giảng dạy tại khoa kỹ thuật cơ khí, khoa kỹ thuật y sinh, và viện vật liệu tại ĐH Connecticut (Mỹ).

TS. Nguyễn Đức Thành nhận được rất nhiều các giải thưởng danh giá trong lĩnh vực y sinh bao gồm:  nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc cho vật liệu sinh học (bầu chọn của tạp chí đầu ngành về vật liệu sinh học (Journal of Biomaterials, 2022); giáo sư trẻ xuất sắc cho y học tái tạo (2020); được MIT bình chọn là nhà đổi mới xuất sắc nhất của châu Á - Thái Bình Dương (2019); kỹ sư trẻ xuất sắc trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất do bầu chọn của hiệp hội chế tạo Mỹ (2018); Giải thưởng “Người mở đường” cho các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (2017) và rất nhiều các giải thưởng khác… Đặc biệt, anh từng được bầu chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018.

DƯƠNG KIM THOA

;
;
.
.
.
.
.