Tuổi trẻ cống hiến

.

Họ là những người trẻ, trong những lĩnh vực và công việc của mình, bằng sự tận tâm cống hiến, nỗ lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học... đã góp phần vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.

* Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng:

Truyền đam mê, nhiệt huyết khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đi vào hoạt động hơn 1,5 năm, cùng với tập thể cán bộ trung tâm, Võ Đức Anh tham mưu triển khai các chương trình, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố và đạt một số kết quả tích cực. Tiêu biểu như trực tiếp tham mưu tổ chức triển khai ngày hội khởi nghiệp sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF 2022 vào tháng 11-2022 - ngày hội lớn nhất của cộng đồng khởi nghiệp thành phố cũng như các đối tác trong và ngoài thành phố.

Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hành cổng thông tin đổi mới sáng tạo thành phố. Đây được xem là hệ sinh thái khởi nghiệp trên không gian số tồn tại song song với hệ sinh thái khởi nghiệp ngoài thực tiễn, góp phần khắc phục khoảng cách về không gian, địa lý để gắn kết nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia với nhau thuận lợi hơn…

Năm 2022, anh Võ Đức Anh vinh dự được Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ, Ban tổ chức Techfest quốc gia 2022 giao nhiệm vụ Trưởng làng công nghệ Metaverse (làng công nghệ vũ trụ ảo). Đến nay, trên hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia có 34 làng, Võ Đức Anh là người thứ hai của thành phố được giao nhiệm vụ trưởng làng.

Làng Metaverse được hình thành và định hướng thành một cổng kết nối quốc gia để kết nối những người khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà quản lý, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm, chuyên gia, tập đoàn… trong lĩnh vực Metaverse - lĩnh vực khá mới mẻ, dự kiến đến năm 2030, quy mô thị trường sẽ vào khoảng 1.000 tỷ USD theo nghĩa hẹp.

Làng Metaverse dù mới đi vào hoạt động nhưng đã tổ chức một số hội thảo hỗ trợ công nghệ Metaverse cho các địa phương như: Sơn La, Nghệ An, Đồng Nai, Đà Nẵng… Tại Đà Nẵng, công nghệ Metaverse đưa vào ứng dụng trong dịch vụ du lịch, xúc tiến đầu tư, bất động sản. Ngoài ra, làng Metaverse tổ chức cuộc thi cấp quốc gia tìm kiếm tài năng khởi nghiệp trong lĩnh vực Metaverse, tìm kiếm ra những gương mặt tiêu biểu giới thiệu cho hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; phối hợp với thành phố tổ chức đối thoại đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công, trong đó các chuyên gia giới thiệu mô hình tương tác của chính quyền và công dân trên vũ trụ ảo, mô hình của Dubai và Hàn Quốc để gợi ý cho chính quyền thành phố có thêm những ứng dụng công nghệ mới tiên phong, phục vụ người dân tốt hơn…

Được tham gia làng Metaverse, Võ Đức Anh bày tỏ, là niềm tự hào, vinh dự cá nhân đồng thời là trách nhiệm lớn, cầu nối quan trọng giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia và quốc tế; từ đó có mạng lưới nguồn lực chuyên gia, đối tác để mời về hỗ trợ phát triển Đà Nẵng.

Với những đóng góp cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, anh Võ Đức Anh cho rằng, trên cả nhiệm vụ, đó còn là đam mê, nhiệt huyết. “Khi có thể giúp được những người khác khởi nghiệp thành công thì họ giúp thêm nhiều người khác nữa. Đặc biệt, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo luôn đi tìm những cái mới, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Điều đó có ý nghĩa vô cùng đối với tôi”, anh Võ Đức Anh chia sẻ.

* Tiến sĩ Nguyễn Thành Đạt, Giảng viên khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế; chuyên viên Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại học Đà Nẵng:

Không ngừng tìm tòi, nghiên cứu khoa học

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đạt là tác giả chính và đồng tác giả của 25 công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Hiện anh nằm trong top 50 nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam theo xếp hạng của dự án nghiên cứu kinh tế học RePec (Research Papers in Economics - báo cáo Nghiên cứu về Kinh tế học).

Nghiên cứu khoa học của giảng viên một phần do công việc bắt buộc, nhưng với TS Nguyễn Thành Đạt, trên hết là nhu cầu tự thân vì kiến thức liên tục mới mẻ và vô tận. Riêng với anh, nghiên cứu khoa học còn là hình thức truyền cảm hứng học tập cho sinh viên, bởi các em thấy rằng giảng viên không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức thì sẽ noi theo. Do đó, mỗi năm, profile của giảng viên này luôn được cập nhật từ hai đến ba công trình nghiên cứu.

Khác với những công trình nghiên cứu thiên về kỹ thuật là có thể thấy ngay những sản phẩm, công trình nghiên cứu trên lĩnh vực kinh tế cần thời gian kiểm chứng và nhiều công trình cùng thể loại để so sánh, tham khảo. Vì thế, trong mỗi nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Đạt phải đọc kỹ các tài liệu bản gốc bằng tiếng Anh, rồi từ thực tiễn tìm phương pháp, hướng đi mới nhằm giải thích các hiện tượng, sự việc xảy ra trong một nền kinh tế.

Kết quả nghiên cứu có thể đưa ra những lời lý giải, góp ý cho những nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách. “Công việc nghiên cứu chiếm rất nhiều thời gian nhưng tôi nghĩ nếu có phương pháp thì vẫn giải quyết ổn thỏa. May mắn của tôi là có những cộng sự trong và ngoài nước phối hợp khá ăn ý trong công việc nên các công trình nghiên cứu diễn ra thuận lợi”, Tiến sĩ Đạt chia sẻ.

Trong các nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Đạt quan tâm đến hoạt động của các ngân hàng; đồng thời, anh cũng có báo cáo tham luận đối với giải pháp xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực… Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Nguyễn Thành Đạt nhiệt tình, trách nhiệm, năng nổ trong nhiều hoạt động. Anh kêu gọi đoàn viên phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Anh là 1 trong 3 nhà giáo tại Đà Nẵng vinh dự được nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương lần 3 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

* Trần Thị Thanh Loan, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Retex:

Tiên phong chuyển đổi số

Trần Thị Thanh Loan yêu và mong muốn Đà Nẵng không chỉ là “thành phố đáng sống” mà là “thành phố của những giấc mơ khởi nghiệp”. Và Retex đã hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp của Loan và cộng sự.

Sau thời gian công tác trong ngành dệt may, nhận thấy những khó khăn, hạn chế ở khâu quản lý sản xuất của doanh nghiệp dệt may như: không quản lý được số lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên; số lượng hàng hóa, lượng nguyên vật liệu, tiến độ, chất lượng sản phẩm, khách hàng. Từ những trăn trở đó, Thanh Loan luôn ấp ủ một ý tưởng với ứng dụng công nghệ làm sao giúp các doanh nghiệp dệt may dễ dàng trong việc quản lý, minh bạch trong quy trình sản xuất, qua đó tiết kiệm được chi phí, giảm tải công việc và nâng cao năng lực sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 .

Năm 2019, Loan cùng với người bạn của mình là Nguyễn Văn Thuật (SN 1991), đồng sáng lập nên Retex - Nền tảng quản lý sản xuất theo thời gian thực với kỳ vọng góp phần chuyển đổi số ngành may mặc và tạo ra các nhà xưởng thông minh.

Retex tên viết tắt tiếng Anh là Revolution Textile, có nghĩa là “Cách mạng ngành dệt may”, mang hàm ý “Chuyển đổi số ngành may” và tạo ra các “Nhà xưởng thông minh”. Retex được thiết kế, xây dựng hoàn toàn trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, có thể triển khai, bảo trì, nâng cấp dễ dàng và nhanh chóng, giúp cho người sử dụng làm việc mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thiết bị được kết nối mạng Internet. Nền tảng Retex kết hợp với các thiết bị IoTs tạo ra các nhà xưởng thông minh với mục đích giúp các doanh nghiệp dệt may dễ dàng trong việc quản lý, minh bạch trong quy trình sản xuất.

Niềm vui là Retex được áp dụng thành công tại Công ty TNHH May Phú Tường (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với đội ngũ hơn 1.000 lao động. Tiếp nối thành công bước đầu khởi nghiệp, Loan và Thuật cùng cộng sự dần thay đổi thói quen làm thủ công của người lao động chuyển sang sử dụng phần mềm công nghệ vào quy trình làm việc. Đến nay, nền tảng “Retex” đã ứng dụng thành công ở 68 doanh nghiệp dệt may như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex (Đà Nẵng), Công ty TNHH May Phú Tường (Quảng Nam), Công ty Cổ phần đầu tư Dệt may Thiên An Phúc (Huế) và hơn 100 doanh nghiệp nhỏ trên khắp đất nước.

Vượt qua hơn 500 giải pháp chuyển đổi số, Retex được chọn là Giải pháp quốc gia về chuyển đổi số cho Doanh nghiệp xuất sắc nhất năm 2022. Retex được vinh danh và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải thưởng vào ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10-10-2022). “Cái mà chúng tôi nhận được không chỉ là giải thưởng, mà chính là sự công nhận sau nhiều năm nỗ lực cùng nhau xây dựng sản phẩm Retex. Đây cũng là dấu mốc đáng nhớ, giúp chúng tôi có động lực hơn trên hành trình thực hiện sứ mệnh “Chuyển đổi số ngành dệt may tại Việt Nam” và “Tạo ra các nhà xưởng thông minh”, Thanh Loan chia sẻ.

* Trần Đại Lâm, Chuyên viên Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND thành phố:

Nỗ lực cống hiến sức trẻ

Trần Đại Lâm vừa được Trung ương Đoàn trao giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IX năm 2022”. Từ 165 hồ sơ của 47 Tỉnh Đoàn, Thành Đoàn, Đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn, Trần Đại Lâm xuất sắc là 1 trong 42 cán bộ, công chức, viên chức trẻ trên toàn quốc được tuyên dương. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của một công chức trẻ siêng năng, tích cực trong tham mưu, đề xuất sáng kiến để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Giữa năm 2019, Trần Đại Lâm chuyển công tác từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng về Phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND thành phố với nhiệm vụ chuyên viên tham mưu tổng hợp. Dù ở môi trường mới, song bằng sự cần cù, chịu khó, anh đã chủ động học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước để nhanh chóng tiếp cận công việc. Hình ảnh Lâm ở lại cơ quan làm việc đến tối muộn và cả cuối tuần trở nên quen thuộc với nhiều đồng nghiệp.

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ được giao, Lâm còn đề xuất nhiều sáng kiến giúp đơn vị, thành phố nâng cao hiệu quả công việc. Liên tục trong năm 2020 - 2021, anh có các sáng kiến được hội đồng sáng kiến của cơ quan công nhận bằng văn bản, gồm: nâng cao hiệu quả tổ chức cuộc họp giao ban hằng tuần của chủ tịch, các phó chủ tịch UBND thành phố (2020); nâng cao hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn thành phố (2021). Trong đó, sáng kiến nâng cao hiệu quả tổ chức cuộc họp giao ban hằng tuần của chủ tịch, các phó chủ tịch UBND thành phố có dấu ấn đặc biệt, được lãnh đạo thành phố đánh giá cao và thống nhất áp dụng cho đến nay. Sáng kiến này giúp rút ngắn đáng kể thời gian triển khai công việc đến các sở, ngành, địa phương; đồng thời tiết kiệm tài nguyên, nhân lực, giảm tải công việc một cách rõ rệt.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Trần Đại Lâm còn tích cực tham gia viết bài, chuyên đề nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng chính quyền, quản lý nhà nước; đồng thời, năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện. Với Lâm, cống hiến là sự tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho lợi ích chung. Đối với người trẻ, nhất là làm công tác xây dựng chính quyền, điều này càng quan trọng hơn.

“Khi đạt giải “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc”, cảm xúc của tôi vừa tự hào nhưng đồng thời cảm nhận được đây là trách nhiệm lớn lao. Tôi nhận ra mình cần phải cố gắng hơn nữa, trước hết là tiếp tục trau dồi kiến thức, năng lực chuyên môn, có thêm nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công việc tại đơn vị”, Lâm nói .

* Nguyễn Ngọc Phương Thảo, Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn:

Vững tin với hoài bão lớn

Nguyễn Ngọc Phương Thảo là cái tên không quá xạ lạ vì thành tích học tập “đáng nể” và rất năng nổ trong các hoạt động Đoàn, Đội, văn thể mỹ. Phương Thảo là đại biểu trẻ tuổi nhất tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2022-2027. Vinh dự này không phải thành quả một sớm một chiều, mà là tổng hợp của tài năng, sức trẻ, khát vọng cống hiến và sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Từ khi còn học THCS, cô nữ sinh Nguyễn Ngọc Phương Thảo hai lần được xướng tên trên bảng vàng quốc tế với giải Nhất nội dung lập trình Wecode Bảng cao cấp tại cuộc thi Robothon và WeCode quốc tế 2018 - 2019. Đến khi bước chân vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Phương Thảo tiếp tục ghi dấu ấn với giải Nhất học sinh giỏi môn Sinh học cấp thành phố và xếp thứ hai trong số 15 học sinh giỏi toàn diện cấp thành phố năm 2020.

Bên cạnh thành tích học tập đáng ngưỡng mộ này,  Thảo  rất năng nổ trong các phong trào, hoạt động Đoàn, đội nhóm, CLB của trường, quận và thành phố. Từ khi vào lớp 10, Phương Thảo đề xuất trường thành lập CLB Múa và duy trì cho đến nay. Bên cạnh đó, em còn nằm trong Ban chấp hành CLB Công tác xã hội của trường và trực tiếp thực hiện nhiều dự án gây quỹ từ thiện, dạy học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, Phương Thảo đang tham gia xây dựng dự án phần mềm theo dõi sức khỏe, chế độ ăn khoa học cho những người muốn tăng và giảm cân. Cô học trò tiết lộ, đây là một phần mềm hoàn toàn thuần Việt, miễn phí, có thể gợi ý cho người dùng chế độ, khẩu vị phù hợp với những món ăn đặc trưng của từng địa phương, vùng miền. “Em muốn góp sức của mình để chứng tỏ cho mọi người thấy, học sinh Lê Quý Đôn Đà Nẵng không phải chỉ học giỏi, mà còn văn nghệ tốt và rất năng động, giàu ý chí cống hiến”, Thảo chia sẻ.

Mặc dù còn trên ghế nhà trường, song cô gái nhỏ nhắn này tự đặt cho mình nhiều mục tiêu rất lớn lao. Theo Phương Thảo, người trẻ phải luôn trong một trạng thái chủ động, sẵn sàng cống hiến và ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ, tham gia các hoạt động vì cộng đồng, góp sức xây dựng thành phố không chỉ hiện đại, mà còn văn minh, nghĩa tình. Chính vì vậy, em luôn nỗ lực trang bị cho mình kiến thức, cũng như các kỹ năng một cách toàn diện. Trong đó, ngoại ngữ và công nghệ thông tin là thế mạnh của em để sẵn sàng làm một công dân toàn cầu. “Mong muốn trước mắt của em hiện giờ đạt học bổng để được đi du học. Nếu thành công, em sẽ bước thêm một bước trong mục tiêu của mình - học cái hay, cái tốt, sự tiến bộ của thế giới để mang về cống hiến cho thành phố, đất nước ngày càng văn minh, phát triển bền vững”, Thảo bày tỏ.

NGỌC HÀ - XUÂN DŨNG - TRỌNG HUY - THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.