Rất nhiều người mặc định trong đầu rằng, để giành suất học bổng toàn phần ở trường đại học tiêu chuẩn quốc tế thì điểm IELTS phải cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, VinUni đã định nghĩa lại quan niệm này: tiếng Anh giỏi là cần thiết, nhưng không phải yếu tố quyết định phẩm chất của một nhân tài.
Huy Hoàng (ngoài cùng bên phải) giành huy chương Bạc ngay lần đầu cùng đội tuyển Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu 2019 tại Latvia. |
Nhận học bổng của đại học tinh hoa vì dám "đâm đầu vào tường"
3 năm qua, Đỗ Huy Hoàng (Sơn Tây, Hà Nội) có một thói quen chẳng giống ai. Hễ rảnh rỗi, cậu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại một mình trên chiếc xe đạp điện, lân la khắp các khu chợ lớn, nhỏ ở Hà Nội ngắm mớ linh kiện điện tử mà phần lớn bạn cùng lứa không hiểu đó là gì.
Huy Hoàng chính là một trường hợp đặc biệt khiến những giáo sư nổi tiếng của VinUni phải ngạc nhiên vì những ý tưởng vượt xa tầm của một học sinh cấp THPT. Dự án ấp ủ của cậu học sinh có điểm trung bình môn cao tới 9,6 là tạo ra hệ thống âm thanh hoàn toàn mới có giá rẻ nhưng chất lượng không thua hàng hiệu.
Nguyên lý tạo nên chất lượng của bất kỳ hệ thống âm thanh nào cũng rất đơn giản: linh kiện càng tốt, các chi tiết phải làm từ vật liệu càng tốt thì khả năng truyền tải âm thanh càng trung thực. Dù muốn, các nhà sản xuất cũng không thể đảo ngược cách làm ấy bởi những giới hạn về kỹ thuật bán dẫn hiện tại.
Chàng trai 18 tuổi không chấp nhận điều gần như đã là nguyên lý hiển nhiên. Thay vì can thiệp bằng phần cứng, Huy Hoàng muốn lập trình lại những con chip để đo đạc sự thiếu hụt trên tín hiệu âm thanh hiện tại và lấp đầy những điểm khuyết ấy bằng kỹ thuật số. Muốn hoàn thiện, chàng trai trẻ dự tính, em sẽ cần sự chia sẻ thông tin giữa những người dùng để hệ thống tín hiệu ngày càng đồng bộ, hoàn thiện và từ đó giảm thiểu độ nhiễu âm thanh.
Ý tưởng độc đáo này lấy cảm hứng từ khả năng giao tiếp, chia sẻ thông tin bằng sóng siêu âm vô cùng hiệu quả của loài dơi và cá voi. “Nhiều người bảo em điên rồ, đâm đầu vào tường”, chàng trai trẻ nói.
Đối diện với Hoàng, Giáo sư Doumanidis Charalabos Constantinos, Đại học VinUni không coi đó là chuyện viển vông của tuổi mới lớn.
Một trong những điều quan trọng để Giáo sư Doumanidis ủng hộ quyết định trao Học bổng Tài năng 100% chuyên ngành Kỹ thuật điện cho Hoàng bởi ông nhìn thấy ở chàng trai trẻ hoài bão lớn. Đó là ước mơ có thể thay đổi mô hình sản xuất trong tương lai. Điểm khác biệt là Hoàng có cả kế hoạch chi tiết để hiện thực hóa mơ ước ấy. “Đỗ Huy Hoàng thực sự có tố chất trở thành một nhà phát minh sáng chế và em đang trên con đường trở thành chuyên gia về hệ thống âm thanh”, vị giáo sư nhận xét.
Hỏi Hoàng, vì sao em lại muốn làm một nhà phát minh, tân sinh viên của VinUni khiến mọi người ngạc nhiên bởi lý do xuất phát từ... sự phi lý. Theo Hoàng, phi lý ở chỗ, Mỹ nắm công nghệ lõi và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, vậy vì sao Việt Nam với nhiều thế hệ trẻ tài năng, đoạt nhiều giải thưởng lớn thế giới lại phải chấp nhận công nghệ tụt hậu? Chàng trai 18 tuổi muốn vượt qua những định kiến bấy lâu ấy, từ việc tự mình làm chủ công nghệ của riêng người Việt. Ở nơi có điều kiện không thua gì những ngôi trường danh tiếng thế giới như VinUni, Hoàng tin rằng, em có đầy đủ hành trang để hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Hành trình của chú kiến nhỏ đến giấc mơ lớn VinUni
Cũng giống với Huy Hoàng, Phạm Văn Long, cậu học sinh nghèo quê Quảng Bình không phải là học sinh có điểm IELTS vượt trội, nhưng vẫn được VinUni trao Học bổng Tài năng cho chuyên ngành Kỹ thuật điện.
Long có hoàn cảnh không giống các bạn. Bố em bị tai nạn qua đời từ khi em mới học lớp 3. Ngôi nhà bốn người ở lại trông cả vào tiệm tạp hóa nhỏ của mẹ ở quê. Quãng thời gian dài sau đó, cậu bé Phạm Văn Long thu mình đến mức rụt rè. Suốt những năm cấp THCS, thành tích cậu học sinh chưa bao giờ nằm trong tốp đầu, cố gắng lắm cũng chỉ ở mức khá.
Phạm Văn Long trong ngày nhập Trường Đại học VinUni. |
Nhớ lại những ngày mới đi học ở trường THPT Quốc học Huế, Long bảo, em không những nhút nhát, học tập ở mức bình thường mà còn cực kỳ "keo bo". Khoản tiền trọ cùng sinh hoạt phí chỉ 2 triệu đồng nhưng vẫn là quá lớn với mẹ Long. Thầy chủ nhiệm Lê Quốc Anh biết hoàn cảnh đã dành cho em một phòng trong gia đình mình để cậu học trò nhỏ yên tâm học tập.
Long dành phần lớn thời gian để học. Ngoài giờ trên lớp, cậu học sinh tự mày mò, ngồi giải đi giải lại những bài tập trong sách tới đêm. Học 1-2 lần không nhớ, Long chong đèn học đi học lại tới khi nào không thể quên được mới thôi.
Nhớ lại những ngày ấy, Long bảo, em có thể không nhanh nhẹn bằng nhiều người nhưng nếu mãi như vậy, em sẽ không tìm được tương lai tươi sáng cho mình, cho cả gia đình 4 người của Long. "Lúc đó em nghĩ, em không thể buông xuôi được. Chỉ có chăm chỉ mới bù lại tất cả, giống những con kiến bé nhỏ nhưng có thể đào sập cả ngọn núi", cậu học trò nghèo nói.
Dần dần, Long không còn thấy bài tập thầy giáo ra khó như trước nữa. Điểm trung bình của Long từ mức khá, tới lớp 11 đã lên tới 8,8 và một năm sau đó là 9,3. Trong các môn, Long giỏi nhất là Vật lý, 2 năm liên tiếp 2018, 2019, cậu học trò sinh ra ở miền quê Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình đều đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.
Hội đồng tuyển sinh của VinUni đã lắng nghe hết hành trình ấy của cậu học trò nhỏ. Có một điểm thú vị trong buổi phỏng vấn là có vài lần, các thầy giáo phải nhắc từ tiếng Anh cho câu chuyện Long kể. Ngoại ngữ của Long không quá nổi trội như nhiều người nhưng con đường để chứng minh bản lĩnh của Long thì không phải ai cũng làm được.
"Long đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy, tài năng không chỉ thiên bẩm. Bất kỳ ai, dù có vạch xuất phát trắc trở ra sao nhưng khổ luyện, vượt khó, vẫn có thể làm nên những điều phi thường", một giáo sư trong hội đồng tuyển sinh Đại học VinUni nói.
Phạm Văn Long chia sẻ, ở một ngôi trường có những vị giáo sư danh tiếng thế giới, có chương trình tiêu chuẩn quốc tế và quá đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị như VinUni, em sẽ có cơ hội để làm những điều lớn hơn mong muốn thời học sinh.
"Em học tốt môn Vật Lý, em muốn dùng khả năng của mình, học ngành Kỹ thuật điện, để làm ra những thiết bị hỗ trợ cho cuộc sống con người. Mới là ý tưởng, nhưng em muốn làm ra những thiết bị sử dụng năng lượng thay thế như nhiệt hạch, phân hạch", chàng trai trẻ quả quyết.
Còn một hành trình dài để cậu học trò nghèo chạm đến mong muốn ấy. Thế nhưng, có một điểm chung giữa Đỗ Huy Hoàng và Phạm Văn Long - những sinh viên lứa đầu tiên của VinUni là dù nói về ước mơ lớn nhường nào, hai bạn trẻ vẫn khiến người đối diện có niềm tin. Đơn giản vì với bản lĩnh, đam mê mãnh liệt, khả năng sáng tạo sẵn có, cùng với tất cả những gì tốt nhất từ VinUni, những con người trẻ tuổi ấy đủ sức làm nên những điều lớn lao.