Trong quá trình tìm việc, ứng viên sẽ gửi hồ sơ ứng tuyển cho nhiều công ty, sau đó chờ đợi lời mời xác nhận tham gia phỏng vấn. Tuy nhiên, sau khi nhận được lời mời phỏng vấn, có ứng viên lại hủy bỏ, không tham dự phỏng vấn. Lý do có thể vì thu nhập, vì công ty có quy mô nhỏ hay nhận thấy công ty chưa chuyên nghiệp, không như kỳ vọng… Tuy nhiên trên thực tế đây không phải là lựa chọn khôn ngoan. Lời khuyên cho ứng viên là nên tham dự mọi cuộc phỏng vấn xin việc nếu có thể.
Vậy lý do gì khiến bạn nên tham dự mọi cuộc phỏng vấn khi tìm việc làm nhanh? Cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Lí do ứng viên nên tham gia mọi cuộc phỏng vấn xin việc
Nhận được những cơ hội không ngờ
Khi đã lựa chọn công ty để gửi hồ sơ ứng tuyển, tức là bạn đã tìm ra được ít nhiều điểm phù hợp giữa bạn với công việc và công ty. Nhưng khi nhận được lời mời tham gia phỏng vấn, bạn lại lấy lý do từ những điểm “không phù hợp” để khước từ. Rất có thể, bạn đang loại bỏ cơ hội của chính mình.
Bạn nên biết rằng, việc nhìn vào mức lương được quy định ban đầu, hay những dòng mô tả ngắn gọn về công ty, công việc là chưa đủ để đánh giá cơ hội nghề nghiệp tại doanh nghiệp đó. Có thể bạn sẽ nhận được mức lương cao hơn nhờ sự thể hiện xuất sắc trong buổi phỏng vấn xin việc. Có thể bạn nhận được lời đề nghị hấp dẫn hơn ngoài công việc ứng tuyển. Có thể khi đến phỏng vấn, mọi thứ sẽ không như bạn nghĩ, từ không gian làm việc, nhân sự...
Thực tế, nhiều ứng viên đã chia sẻ lại: “Suýt nữa thì tôi đã tự bỏ qua cơ hội của chính mình”. Bởi mỗi cuộc phỏng vấn là một cơ hội nghề nghiệp. Thậm chí cơ hội đó vượt ra ngoài khả năng đánh giá của bạn. Do đó, tham dự buổi phỏng vấn chính là cách để bạn không “tự loại bỏ” cơ hội của chính mình.
Tích lũy kinh nghiệm cho cuộc phỏng vấn tiếp theo
Dù không may mắn nhận được cơ hội việc làm như kỳ vọng; hay thậm chí bị loại ngay sau đó thì giá trị bạn nhận được khi tham dự phỏng vấn vẫn rất lớn. Đó là những kinh nghiệm, bài học được rút ra trong quá trình “cọ xát”, giúp bạn có thêm kinh nghiệm, kỹ năng thậm chí là bí quyết để thành công trong buổi phỏng vấn khác.
Thay vì tự tập luyện tại nhà hoặc nhờ người “đóng giả” nhà tuyển dụng, bạn được tham dự buổi phỏng vấn thực tế, với những nhà tuyển dụng chuyên nghiệp. Bạn được thực hành kỹ năng về ứng xử, về thuyết trình, về giao tiếp, về đàm phán lương, về cách gây ấn tượng, cách đặt câu hỏi… Khi được thực hành, bạn sẽ hoàn thiện hơn các kỹ năng, nhận ra điểm yếu, điểm mạnh bản thân.
Vì thế, dù có thể cơ hội ở lần phỏng vấn này là thấp nhưng nó lại là cơ sở, nền tảng để bạn giành chiến thắng ở những buổi phỏng vấn có “cơ hội” tốt hơn. Do đó, đừng bỏ lỡ buổi tuyển dụng chỉ vì bạn nghĩ, nó không đáp ứng mong muốn của bạn.
Nhận góp ý, chia sẻ từ người có chuyên môn
Trong buổi phỏng vấn xin việc, muốn dành chiến thắng, bạn phải đáp ứng mong muốn từ phía nhà tuyển dụng. Mà cách để hiểu nhà tuyển dụng nhất là nói chuyện với họ. Và những buổi phỏng vấn chính là cơ hội gần nhất để bạn được nói chuyện với nhà tuyển dụng.
Từ đây bạn sẽ rút ra được những điểm như: nhà tuyển dụng muốn ứng viên thể hiện điều gì, đánh giá năng lực ứng viên ở điểm nào, hay bị thu hút bởi điều gì từ ứng viên... để rút kinh nghiệm cho lần phỏng vấn sau.
Không những thế, bạn còn nhận được những lời góp ý “miễn phí” từ nhà tuyển dụng. Họ sẵn sàng chỉ ra những điểm bạn chưa được, những điểm cần phát huy. Thậm chí, họ có thể sẵn lòng giới thiệu một cơ hội nghề nghiệp khác cho bạn.
Mở rộng mối quan hệ
Khi bạn chưa có lý do để nhận lời tham dự một buổi phỏng vấn thì hãy nghĩ rằng, bạn sẽ có thêm bạn, thêm mối quan hệ tốt.
Vì khi tới phỏng vấn, bạn sẽ tiếp xúc với nhiều ứng viên khác. Trong quá trình chờ đợi buổi phỏng vấn diễn ra, bạn hoàn toàn có thể trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và cả thông tin cá nhân. Đó là cơ sở để xây dựng mối quan hệ sau đó với ứng viên khác, cùng nhau chia sẻ cơ hội việc làm, cùng học hỏi lẫn nhau. Việc có thêm một người bạn chung nghề, chung lĩnh vực luôn là điều tốt.
Ngoài ra, nếu khéo léo, bạn hoàn toàn có thể xây dựng mối quan hệ tốt với nhà tuyển dụng. Dù đó là người làm ở phòng nhân sự hay là người quản lý chuyên môn thì họ đều có thể mang tới cơ hội nghề nghiệp mới cho bạn.
Vậy nên dù không hề thích khi nhận được lời mời tham dự buổi phỏng vấn xin việc bởi bất kỳ lý do nào thì bạn vẫn không nên từ chối. Bởi khi tham gia, bạn không đạt được lợi ích này sẽ đạt được lợi ích khác. Điều quan trọng hơn, nó cho thấy sự chủ động tích cực, sự chuyên nghiệp của bạn trong quá trình tìm việc.
Nguyễn Lý