Những điểm tạo nên sự độc đáo của Cầu Hôn Phú Quốc

.

Hơn một tuần ra mắt, Cầu Hôn – Kiss Bridge tại Thị trấn Hoàng Hôn - Sunset Town (Phú Quốc) đã tạo nên một cơn sốt trên truyền thông trong nước lẫn quốc tế. Điều gì khiến cây cầu nổi bật và thu hút đến thế?

Cây cầu mang “DNA” Việt - Ý

Cầu Hôn là cây cầu đi bộ trên biển được kiến tạo bởi tập đoàn Sun Group và Archea Associati - đơn vị thiết kế nổi tiếng từ nước Ý, đã tạo nên hàng loạt công trình nổi tiếng thế giới như nhà máy sản xuất rượu vang Antinori (Ý), sân vận động quốc gia Albania… Đặc biệt, Cầu Hôn do chính tay kiến trúc sư tài năng Marco Casamonti - nhà sáng lập Archea Associati, Đại sứ Italian Design Day 2020 thiết kế, trong suốt 2 năm ròng.

Trước Cầu Hôn, bao bọc bên ngoài Bãi Đất Đỏ của Sunset Town hiện nay là đê đá chắn sóng biển. Nhưng dưới con mắt của những nhà sáng tạo đến từ nước Ý và đội ngũ kiến trúc sư của Sun Group, đê đá khô cứng ấy có thể trở thành điểm đến để chiêm ngưỡng khung cảnh hoàng hôn rực rỡ nơi đảo Ngọc, và là đích đến của những cặp đôi, những câu chuyện tình lãng mạn. Và Cầu Hôn đã ra đời.

Kết tinh văn hóa hai quốc gia

Cầu Hôn mang trong mình triết lý của nghệ thuật Phục Hưng, khi được lấy cảm hứng từ bức tranh The Creation Of Adam (Chúa tạo ra Adam) của thiên tài hội họa người Ý – Michelangelo. Trong bóng dáng của cây cầu, người ta cũng thấy hơi thở Á Đông, tựa như cây cầu được tạo bởi đàn chim trong sự tích Ông Ngâu, Bà Ngâu của Việt Nam.

Cây cầu đi bộ mang thiết kế độc bản

Ngay từ khi phác thảo những nét vẽ đầu tiên cho cây cầu, kiến trúc sư Ý Marco Casamonti từng cảm thán: "Vượt trên công năng của một cây cầu thông thường, đây là công trình của một giấc mơ". Bởi thực tế, từng chi tiết tại Cầu Hôn đều ẩn chứa những dụng ý nghệ thuật, tạo nên sự độc nhất, riêng có. Từng đường cong mềm mại, chất liệu cho đến màu sắc được sử dụng ở Cầu Hôn được thiết kế hài hòa và ăn nhập đáng kinh ngạc với khung cảnh hoàng hôn trác tuyệt của vùng biển Phú Quốc.

Cầu Hôn gồm hai nhánh cầu North Wing và South Wing (nhánh cầu phía Bắc và Nam), có tổng chiều dài 800m, cùng hợp thành một thể thống nhất nhưng hai mũi cầu cách nhau 30 cm. Khoảng cách ấy vừa vặn cho một cái ôm, một cái bắt tay hay một nụ hôn đầy si mê trong ánh hoàng hôn. Vì thế Cầu Hôn còn có tên gọi thân mật là “Chạm”, tựa như lời nhắn nhủ rằng chỉ có sự khao khát kết nối của con người, mới có thể lấp đầy khoảng trống của sự chia cắt.

Điểm đến của hoàng hôn và tình yêu

Cầu Hôn vươn mình ra biển khơi, được thiết kế hoàn hảo tựa một phần cảnh quan được sinh ra từ hoàng hôn diễm lệ của Phú Quốc. Đặc biệt, đội ngũ kiến trúc sư đã dày công nghiên cứu đường di chuyển của mặt trời vào các thời điểm trong năm, qua mô hình 3D giả lập, để ngày 1/1 hàng năm, mặt trời lúc hoàng hôn sẽ rơi vào chính giữa hai mũi cầu, trước khi từ từ lặn xuống đáy biển. Bởi lẽ đó, cây cầu được cho là một “Điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới”, ngay từ khi mới thành hình.

Cũng chính vì thiết kế độc bản và khung cảnh hoàng hôn ngọt ngào của mình, Cầu Hôn được CNN gọi tên “Điểm đến của nụ hôn”, còn truyền hình Cheddar News của Mỹ giới thiệu đây sẽ là điểm đến mới để ngắm hoàng hôn trác tuyệt.

Những điểm chạm ngọt ngào ở Cầu Hôn

Phần mặt trong của thân Cầu Hôn có đục tạo hình 394 câu ngạn ngữ, thơ, tình ca theo 22 ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, ngay cả những phông chữ không có sẵn từ các quốc gia châu Phi. Các tấm lan can của cầu đều có đèn trang bị đèn ẩn phía trong, để khi màn đêm buông xuống cả cây cầu trở nên lung linh hơn, với hàng loạt lời ngọt ngào phát sáng ở 2 thành cầu.

Những thiết kế “chưa từng có tiền lệ”

Cầu Hôn có thể không phải công trình tốn kém nhất mà Sun Group từng đầu tư, song lại là tác phẩm khắc họa rõ nét nhất sứ mệnh “làm đẹp những vùng đất” của tập đoàn này. Được khởi công xây dựng trong những năm đại dịch Covid-19, khi nền kinh tế toàn cầu đứng trước những biến động chưa từng có, Cầu Hôn đã được hoàn thiện tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Cầu Hôn có vượt nhịp conson (dạng kết cấu cầu theo phương ngang, chỉ cố định ở một đầu, một đầu tự do) lên đến 25m, trên trụ nghiêng 65 độ. Tổng lượng kết cấu conson mỗi bên lên tới 400 tấn. Để dễ hình dung, kiến trúc này tương đương việc nén 40 chiếc xe bus và treo chênh vênh giữa biển bằng 2 trụ nghiêng. Theo chia sẻ của những kỹ sư xây dựng từ Sun Group, những người đã từng kiến tạo nên hàng chục công trình công phu dọc đất nước, ngay từ khi tiếp nhận bản thiết kế Cầu Hôn, họ đã nghi hoặc về công trình “bất khả thi” này và tính toán mức độ tốn kém lên tới hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng khi xây dựng trụ nghiêng thay vì trụ thẳng thông thường. Song với sự quyết tâm của lãnh đạo và hàng nghìn cán bộ nhân viên Sun Group, việc Cầu Hôn chính thức “ra đời” đã tạo nên điều chưa từng có trong tiền lệ của một cây cầu đi bộ trên biển, mang tới cho du lịch Phú Quốc và Việt Nam một biểu tượng độc bản. 

;
;
.
.
.
.
.