.

Ba người Đà Nẵng ở dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4

.

Sự kiện giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975 đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Điều lý thú là, trong “ngày vui đại thắng đó”, ngay tại dinh Độc Lập có đến 3 người gốc Đà Nẵng gồm: Chính ủy Bùi Văn Tùng, sinh viên Nguyễn Hữu Thái và nhà báo Kỳ Nhân.

Chính họ đã tham gia trực tiếp vào sự kiện ta buộc Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc đó phát đi bản tin tuyên bố đầu hàng làm rúng động dư luận khắp thế giới. Tác giả bài viết này đã may mắn gặp ông Nguyễn Hữu Thái, và được ông cung cấp đầy đủ tư liệu về “3 người Đà Nẵng” tại dinh Độc Lập này.

1- Tại dinh Độc Lập

Ông Nguyễn Hữu Thái (người ôm cuốn sổ) tại thời điểm Dương Văn Minh đầu hàng.

Ông Thái nhớ lại: “Sáng 30-4-1975, chúng tôi thống nhất ra đài phát thanh để phát đi chủ trương hòa hợp dân tộc và vãn hồi trật tự. Đang lúc chúng tôi loay hoay tại dinh Độc Lập thì một cảnh tượng hùng tráng diễn ra: một đoàn xe tăng rầm rộ tiến về hướng dinh. Bỗng chốc cửa dinh bị húc đổ, đoàn tăng cày lên thảm cỏ, tiến thẳng đến thềm dinh. Một anh bộ đội xe tăng, sau này tôi mới biết là Bùi Quang Thận, giật chiếc cần ăng-ten có gắn lá cờ Giải phóng xanh đỏ hình tam giác tả tơi, nhuốm màu lửa đạn và bụi đường, leo xuống xe chạy vội vào dinh. Có lẽ thấy chúng tôi đeo băng xanh đỏ của lực lượng quần chúng nổi dậy, nên khi tôi đề nghị dẫn đường thì Thận liền đi theo. Đến nóc, chúng tôi còn phải leo thêm chiếc thang gỗ mới đến được chân cột cờ. Lá cờ Sài Gòn được kéo xuống và lá cờ Giải phóng được kéo lên trong tiếng reo hò lẫn tiếng súng chỉ thiên vang trời!”.

Gần trưa ngày 30-4-1975, Ban chỉ huy lữ đoàn xe tăng cũng kịp đến. Chỉ huy Nguyễn Tất Tài lệnh cho các chiếc tăng còn lại vây quanh dinh phòng địch phản kích. Chính ủy Bùi Văn Tùng và Chủ nhiệm Chính trị Lê Minh xuống xe thiết giáp bước vội vào sảnh dinh. Đại đội trưởng đơn vị đặc công Phạm Duy Đô báo cáo: “Anh em đang giữ Dương Văn Minh và cả nội các ngụy ngồi trong đó. Mời thủ trưởng đến giải quyết!”.

Suốt một đời trận mạc tưởng đã quen với mọi đổi thay, những biến cố to tát, vậy mà lúc đó, chân đi dép cao su bước lên nền dinh lát đá cẩm thạch bóng loáng, Chính ủy Tùng bỗng sững lại giây lát. Rồi những lời dặn dò của Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Hữu An khi còn ở Rừng Lá giúp ông bình tâm lại. Tướng An giao mọi việc trong dinh Độc Lập phải do ông giải quyết. Ông đường hoàng bước vào phòng lớn, nhìn thấy một nhóm người có vẻ buồn bã, cam chịu đang ngồi im lặng ở giữa căn phòng bài trí cực kỳ sang trọng. Thấy các cấp chỉ huy bộ đội vào, một người cao lớn, mang kính trắng đứng lên: “Thưa ông, chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao!”.

Ông Nguyễn Hữu Thái và cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Sài Gòn vẫn còn vang tiếng súng, miền Tây Nam Bộ và các hải đảo vẫn chưa được giải phóng. Chính ủy Tùng nghĩ ngay đến việc phải buộc họ tuyên bố đầu hàng sớm để đỡ đổ máu. Ông quay sang hỏi chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (đang đảm nhiệm chức vụ Quyền Tổng tham mưu tưởng quân lực VNCH và cũng là một cơ sở cách mạng: “Đường dây đến đài phát thanh còn hoạt động không?”.

Ông ta nói không sử dụng được nữa. Chính ủy Tùng nói: “Ngay bây giờ, yêu cầu ông Minh đến đài phát thanh công bố điều đó trước nhân dân, trước thế giới!”. Tướng Minh nhẫn nhục im lặng. Sau đó, ông quay sang trao đổi nho nhỏ với người đứng cạnh là tướng Hạnh. Người này hướng về Chính ủy Tùng: “Thưa ông, Đại tướng ra ngoài lúc này sợ phe đối lập ám hại, vì họ biết ông Minh đi tuyên bố đầu hàng!”. Chính ủy Tùng nói ngay: “Đi với tôi, ông Minh khỏi lo. Quân giải phóng đã hoàn toàn chiếm lĩnh thành phố, chúng tôi bảo đảm an toàn!”. Ông Minh đồng ý.

Phạm Xuân Thệ - Đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 66 hộ tống Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung lên xe jeep thứ nhất. Nhà báo Tây Đức Von Borries Gallasch với nào các máy ảnh, ghi hình, ghi âm đeo lỉnh kỉnh quanh người có mặt ở đó, xin Chính ủy Tùng cho đi theo và hứa sẽ viết bài có lợi cho cách mạng. Ông hỏi xin nói tiếng Pháp có được không, Chính ủy Tùng trả lời: “Peut-être (có thể)”. Như vậy, cả Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng cùng các nhà báo Gallasch, Hà Huy Đĩnh tháp tùng theo xe Chính ủy Tùng ra đài phát thanh.

2- Thời khắc lịch sử tại Đài phát thanh Sài Gòn

Việc đầu tiên là phải tìm cho được những người có thể vận hành được đài phát. Anh em sinh viên tìm được anh Trần Văn Bảng, nhân viên kỹ thuật phát sóng trú ngụ ở gần đó. Còn nhà báo Kỳ Nhân lại tức tốc lái chiếc UTE của Hãng tin AP chở hai anh bộ đội về làng báo chí Thủ Đức để mời hai anh Trọng Liêm và Tự Lập đến đài.

 

Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1938 tại làng Hòa Thuận (tức phường Hòa Thuận), quận Hải Châu hiện nay. Từ năm 1964 đến 1975, ông tham gia phong trào học sinh sinh viên miền Nam và là Chủ tịch hội học sinh sinh viên miền Nam. Ông là cơ sở cách mạng của ta, tại Đà Nẵng (qua đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Phan Duy Nhân - Nguyễn Chính), tại Sài Gòn (qua Huỳnh Bá Thành). Sau 1975, ông làm việc tại Hiệp hội kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh, và cho tới nay ông vẫn sinh sống ở mảnh đất ghi đậm dấu ấn lịch sử cùa ngày 30.4. Hiện ông được mời giảng dạy tại các trường đại học trong nước, trong đó có trường Đại học Duy Tân ở Đà Nẵng.

 
Về nội dung bản tuyên bố đầu hàng, ông Nguyễn Hữu Thái cho biết: “Tôi nhìn thấy giữa Tướng Minh và Chính ủy Tùng có lời qua tiếng lại. Hình như Tướng Minh không muốn nêu chữ “Tổng thống” mà dùng tiếng “Đại tướng”. Ông Tùng cương quyết không chịu vì cho rằng dẫu sao thì Tướng Minh cũng đã làm Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nay phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự.

Việc soạn thảo tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh sau này có nhiều người bàn cãi. Mới đây, người ta tìm thấy bản thảo tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh do chính tay Chính ủy Bùi Văn Tùng viết, hiện được lưu tại Nhà bảo tàng Quân đoàn 2, cách Hà Nội 80 km”.

Về việc soạn tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh, sau này ông Bùi Văn Tùng nhớ lại: Tôi lúng túng không biết làm sao thảo một văn kiện đầu hàng. Từ bé đi học, lớn lên là anh bộ đội Cụ Hồ đã mấy chục năm, chưa có ai chỉ vẽ cho tôi cách soạn thảo văn bản đầu hàng cho đối phương cả. Mặt khác, tôi cũng chưa kịp xin ý kiến cấp trên. Viết sao đây? A phải rồi! Với cách mạng chỉ có hai vấn đề cơ bản nhất: chính quyền và quân đội. Khi mất chính quyền thì quân đội không còn. Và ngược lại, không có quân đội thì chính quyền không thể tồn tại. Vậy thì, sẵn tập giấy pơ-luya trên bàn, suy nghĩ mấy phút, tôi viết lời đầu hàng của Tướng Minh.

Ông Thái kể tiếp: “Thu băng thử đi thử lại mấy lần mới xong. Loay hoay đến gần hai giờ chiều (giờ Sài Gòn lúc đó, trễ hơn hiện nay một giờ) chúng tôi mới phát đi được tiếng nói Cách mạng đầu tiên trên Đài phát thanh Sài Gòn. Cuốn băng có tính lịch sử trên vẫn còn, ông Thái cho biết: “Cuốn băng do Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Nhã ở Đại học Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh tìm ra và sang tặng tôi”.

Sau khi lời tuyên bố đầu hàng đã được chỉ huy quân giải phóng soạn thảo, ông Dương Văn Minh lúc đó phải đọc và ghi âm hai lần vào máy của nhà báo Borries Gallasch (còn máy cassette hiệu Hitachi của anh em quân giải phóng bị rối băng liên tục, không xài được). Lần đầu, ông Minh có lẽ hơi bị xúc động nên đọc không tự nhiên và bị vấp, máy lại yếu pin. Anh em sinh viên có mặt lúc đó phải chạy ra ngoài, tìm đâu đó được mấy cục pin mới.

Lần lượt là lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh, lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng và lời của giáo sư Vũ Văn Mẫu được phát trên sóng phát thanh Sài Gòn. Mà cũng lạ, vào lúc ấy sao mà nhiều giọng Đà Nẵng trên sóng phát thanh vậy, gồm: trung tá Bùi Văn Tùng, nhà báo Kỳ Nhân và tôi - Nguyễn Hữu Thái...

Ông Thái trở thành “phát thanh viên bất đắc dĩ” nói tiếng nói mở đầu: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban Nhân dân cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng. Xin giới thiệu lời kêu gọi của các ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này...”. (Cũng cần phải nói thêm rằng, Nguyễn Hữu Thái là người đầu tiên sử dụng danh xưng “thành phố Hồ Chí Minh” trên phương tiện truyền thông đại chúng ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng).

Tiếp đó, tiếng nói của ông Dương Văn Minh phát trên đài nghe nhẹ và chậm rãi: “Tôi - Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Tiếp đến là Giáo sư Vũ Văn Mẫu phát biểu: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi - Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng”.

Và cuối cùng là lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn”. Và Nguyễn Hữu Thái nói tiếp: “Quân Giải phóng đã tiến vào dinh Độc Lập và đã làm chủ hoàn toàn các điểm chốt quân sự cũng như dân sự của vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định...“

Còn nhà báo Kỳ Nhân thì kêu gọi anh em ký giả: “Tôi, nhà báo Kỳ Nhân, kêu gọi anh em ký giả hãy bình tĩnh, hãy tập trung ở số 15 Lê Lợi để cùng trao đổi và làm việc (lúc này tự nhiên có tiếng súng nổ vang dội vào Đài phát thanh, anh Kỳ Nhân dù chưa biết chuyện gì cũng “ứng khẩu” luôn)… Đó là tiếng súng bắn mừng của quân giải phóng! Chúng ta đã thấy hòa bình trên đất nước của chúng ta”.

Sự kiện giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước từ hơn 30 năm về trước có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Sự kiện đó lại có sự hiện diện của những người con Đà Nẵng trong một thời khắc lịch sử trọng đại lại là niềm hãnh diện của mỗi chúng ta - những người con của quê hương đất Quảng anh hùng!

LƯU HOÀNG GIANG

;
.
.
.
.
.