.

Hạnh phúc là chờ đợi đến ngày chiến thắng

.

Những gặp gỡ tình cờ, những yêu thương, hò hẹn và đích đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đó là mối lương duyên tình cảm đẹp còn lưu giữ trong trái tim những người từng đi qua chiến tranh.

Giờ đây, sau hơn 30 năm, họ đã trở thành những người bạn đời gắn bó mật thiết chung một mái nhà, cùng ôn lại một thời trai trẻ với những hoài niệm cao đẹp… Những câu chuyện dưới đây được ghi qua lời kể của hai cựu chiến binh.

Các Cựu chiến binh thành phố cùng ôn lại một thời...

“Ở cái tuổi gần 80, ai cũng bảo tôi còn khỏe lắm. Hằng ngày tôi vẫn cùng bà xã chăm lo vườn rau, ao cá… Cuộc sống vẫn còn khó khăn, vất vả, nhưng với tôi, dù bất kỳ ở hoàn cảnh nào, thời chiến hay thời bình, điều quan trọng hơn cả là hạnh phúc chúng tôi có được ngày hôm nay” – Đó là lời chia sẻ của bác Nguyễn Văn Thi, hiện đang sinh hoạt Hội CCB phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Hai bác quen và yêu nhau trong những năm Mỹ bắn phá miền Bắc. Bác Thi là bộ đội “nằm vùng” nhà dân, được sự đùm bọc của các gia đình nông dân miền Bắc. Tình yêu sớm nảy nở, nhưng rồi sau đó mỗi người về công tác ở một đơn vị khác nhau. Rồi bác Thi chuyển vào chiến trường phía Nam. Biết bao lần hai người bàn tính đến chuyện cưới xin nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, đành tạm gác tình riêng để chờ đến ngày Bắc-Nam thống nhất.

Hồi đó, 100 lá thư gửi đi, may mắn lắm đến tay người nhận vài lá. “Tưởng tui mất tích rồi nhưng bả vẫn chờ đợi. Trải qua những ngày tháng dài đằng đẵng chờ đợi trong niềm tin và hy vọng, từ những năm 1965, đến 10 năm sau, chúng tôi mới có điều kiện để tổ chức một lễ cưới nho nhỏ, đơn giản và tiết kiệm trước sự chứng kiến của hai cơ quan”.

Nhớ lại những ngày ấy, bác Thi kể: ”Đúng là cũng rất ít người như tui, bộ đội miền Nam ra, đã lớn tuổi, nhiều cô gái miền Bắc không tin mình chưa có vợ. Họ tưởng mình gạt họ vì thời đó cũng có một số thương binh từ Nam ra Bắc đã có vợ con rồi mà vẫn “khai” chưa có, rồi lập gia đình mới. Để chứng minh cho lòng trung thực của mình, sau ngày 30-4, tôi dẫn bà xã vào tận Đà Nẵng để tìm hiểu về gia đình mình. Tới lúc đó, tui đã ngoài 45 tuổi, thực tình may mà có bả còn thương…”.

Câu chuyện bác Trần Văn Đông, cán bộ hưu trí phường Hòa Khê là một câu chuyện đầy ngẫu nhiên và xúc động. Là người Quảng Nam, một lần tham gia chiến trường Bình-Trị-Thiên chẳng may bị trúng đạn của địch trong một trận chống càn, phải chuyển ra Ty Thương binh Hà Tĩnh điều trị. Cảm mến tấm lòng cô y tá đã hết lòng chăm sóc, điều trị vết thương cho anh chiến sĩ trẻ, giữa họ đã nảy sinh tình cảm với nhau, nhưng điều kiện lúc bấy giờ chưa cho phép họ đi đến hôn nhân.

Vì yêu cầu của đơn vị, anh lính trẻ Trần Văn Đông phải tiếp tục vào chiến trường phía Nam, để lại một mối tình vương vấn với người con gái. Tưởng rằng sẽ không có ngày trở lại, nhưng cuộc đời vẫn dành cho con người những ưu ái đặc biệt. “Bị thương lần thứ hai, sống đi chết lại với trạm y tế các tuyến, nhưng lần này không phải ở Hà Tĩnh mà là Quảng Ngãi. Thật may mắn, người chăm sóc tôi không ai khác, chính là người con gái hai năm về trước tôi đã trao tình cảm tại Hà Tĩnh. Niềm hạnh phúc lớn lao ấy không cho phép tôi có quyền quên đi một lần nữa những tình cảm thiêng liêng trong chiến tranh. Sau này rời quân ngũ, chúng tôi đã đến với nhau và bây giờ bà là bà vợ tình nghĩa của tôi với một đàn con cháu hạnh phúc”.

Đây là hai trong số rất nhiều câu chuyện mà các CCB đã kể trong một lần sinh hoạt Hội. Cả cuộc đời họ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho cuộc kháng chiến đầy máu lửa với những trận đánh vào sinh ra tử. Cuộc sống lứa đôi của những người chiến sĩ năm xưa vẫn là một trang viết quý giá. Trải qua chiến tranh với biết bao gian khổ, mất mát, hơn ai hết, những người CCB hiểu rằng giá trị đích thực cuộc sống là niềm tin, là động lực để vượt qua tất cả.

Bởi vậy, khi nói về tình yêu lứa đôi, các bác chỉ mỉm cười, “ở cái tuổi này, mong muốn nhất là con cháu được hạnh phúc, ấm no, đất nước được yên bình. Chứ tình yêu và hạnh phúc hôn nhân gia đình thì thời nào cũng vậy thôi. Chỉ có điều trong thời chiến, tình yêu và hạnh phúc đâu có theo ý mình…”.

Sau hơn 30 năm, họ là những cụ ông, cụ bà bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, vẫn không ngừng căn dặn con cháu phải hết sức nâng niu, gìn giữ và trân trọng những gì mình đang có.

Bài và ảnh: Xuân Duyên

;
.
.
.
.
.