.

Hoàng Sa - Những ngày tìm kiếm cứu nạn

.

Sau 7 ngày đêm tìm kiếm cứu nạn trên diện tích 6.400 km2 mặt biển, tính từ tọa độ 17o42’ Bắc, 112o32’ Đông, phía Bắc Quần đảo Hoàng Sa, huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng, với bán kính tìm kiếm hơn 20 hải lý, lúc 18 giờ 30 phút ngày 25-4, 2 tàu cứu hộ gồm tàu Cảnh sát biển (CSB) 9001 và tàu HQ 951 đã về đến Đà Nẵng và sáng 26-4, tổ chức bàn giao 2 thuyền viên đã tiếp nhận từ các tàu của ngư dân là bác Đặng Văn Phụng, quê Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam, thuyền viên của tàu QNa 94709 và anh Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1987, trú phường Bình Hòa, TP. Nha Trang, thuyền viên duy nhất được tìm thấy của tàu QNg 95177.

Hành trình tìm kiếm trên biển

Hành trình tìm kiếm trên biển Xuất phát lúc 18 giờ 30 ngày 18-4-2008, 2 tàu cứu hộ CSB 9001 và HQ 951 nhận lệnh hành quân đến tọa độ 17o15’ Bắc, 111o23’ Đông để tìm kiếm cứu nạn các tàu của ngư dân đang bị nạn tại khu vực đảo Đá Bắc, thuộc Quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, đến 7 giờ 20 phút ngày 19-4, khi tàu CSB 9001 đang hành quân tại vị trí 16o45’ Bắc, 110o18 Đông thì nhận được lệnh chuyển hướng 83o đến cứu ngư dân tại đảo Bắc, nơi có 2 tàu cá của Quảng Ngãi đang bị nạn là QNg 95546 và QNg 95517.

Nhận và chuyển nhiên liệu sang tàu đánh cá. Ảnh: VĂN KHANH

12 giờ 45 phút, Tàu CSB 9001 đã bắt liên lạc được với tàu QNg 95546 do anh Đặng Xuân Bảo, trú tại Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi làm thuyền trưởng và được biết: Tàu của anh đã được tàu QNa 94709 giúp đỡ sửa chữa máy móc nên đã tự ra khỏi khu vực mắc cạn và đã tiến hành tìm kiếm, vớt được 11 thuyền viên của tàu QNg 95517 đã bị chìm, đồng thời tiếp tục hướng về tọa độ 16o56’ Bắc, 111o59’ Đông để đón đầu dòng chảy nhằm tìm kiếm 10 ngư dân của tàu QNg 95177 đã bị chìm tại khu vực đảo Đá Bông Bay.

14 giờ 50 phút, tàu 9001 nhận lệnh từ Quân chủng Hải quân, chuyển hướng, quay về đảo Đá Bắc để tiếp nhận 28 ngư dân của Việt Nam do tàu cứu hộ Nanhai 111 của Trung Quốc bàn giao.

16 giờ 45 phút ngày 19-4, tàu CSB 9001 đã đến vị trí quy định nhưng được tàu Nanhai 111 của Trung Quốc thông báo không có một ngư dân nào ở trên tàu cứu hộ của họ. Tại khu vực này, tàu CSB 9001 đã tiếp cận được tàu QNa 94709 của ông Trần Văn Võng, quê Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam và được ông cho biết, hiện khu vực đảo Đá Bắc có 4 tàu của Đà Nẵng là tàu ĐNa 90115, ĐNa 66073, ĐNa 6456 và tàu ĐNa 0467, trong đó tàu 0467 của ông Đỗ Văn Biên, trú Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng đã bị chìm và 19 thuyền viên đang còn trên tàu. Riêng tàu ĐNa 90115 đã cứu vớt được 4 thuyền viên người Trung Quốc và đã tiến hành bàn giao cho phía bạn trước đó. Tàu CSB 9001 đã tiếp nhiên liệu cho tàu QNa 94709.

8 giờ 30 phút ngày 20-4, 3 tàu cá của Đà Nẵng đã thả thúng chai vào cứu vớt thành công 19 thuyền viên của tàu ĐNa 0467 và đến 17 giờ cùng ngày, 3 tàu của Đà Nẵng với 68 ngư dân cũng đã tiếp cận được với tàu CSB 9001 để được cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và chữa bệnh cho các ngư dân bị thương trên tàu. Sau đó, 3 tàu của Đà Nẵng đã trở về đất liền an toàn vào ngày 22-4-2008.

16 giờ ngày 20-4, trực ban thông tin của tàu CSB 9001 nhận được tín hiệu kêu cứu của tàu QNg 5904. Qua liên lạc, được biết hiện tại tọa độ 16o03’ Bắc và 112o29’ Đông, tức khu vực đảo Đá Bông Bay, có 6 tàu của Quảng Ngãi là QNg 95707, QNg 95699, QNg 95468, QNg 5904 cùng 2 tàu không rõ số đang tìm kiếm các ngư dân bị nạn của tàu QNg 95177. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm, các tàu trên đã cạn nhiên liệu, không thể vào bờ và cần được cứu giúp. Đồng thời tàu này cũng thông báo, có một tàu của Bình Định, số hiệu BĐ 0987 đã vớt được 1 ngư dân. Đó là anh Nguyễn Văn Đức, trú tại phường Bình Hòa, TP. Nha Trang, là thợ lặn trên tàu QNg 95177.

Lúc 18 giờ cùng ngày, tàu HQ 951 nhận lệnh chuyển hướng về đảo Đá Bông Bay để tiếp cận và cứu hộ cho những tàu Quảng Ngãi đang ở khu vực này.

14 giờ ngày 21-4, tàu CSB 9001 đã liên lạc được với tàu BĐ 0987 của ông Ngô Tấn Huy và đây là tàu đã phát hiện và vớt được anh Nguyễn Văn Đức, thuyền viên duy nhất còn sống sót của tàu QNg 95177. Đến 17 giờ cùng ngày, 2 tàu BĐ 0987 và BĐ 0988 đã tiếp cận được tàu CSB 9001 và được cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, đồng thời bàn giao Nguyễn Văn Đức lên tàu 9001 để các bác sĩ khám và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Từ ngày 19-4 đến 22-4, 2 tàu cứu hộ CSB 9001 và tàu HQ 951 đã tiếp tế nhiên liệu, lương thực thực phẩm và khám chữa bệnh cho ngư dân của 10 tàu. Bình quân mỗi tàu 1.000 lít dầu, từ 25 đến 50 kg gạo cùng các loại thực phẩm, thuốc men chữa bệnh. Sau đó, 2 tàu cứu hộ tiếp tục tìm kiếm trong phạm vi trên 6.400 km2, hơn gấp 5 lần diện tích của TP. Đà Nẵng, với bán kính tìm kiếm hơn 20 hải lý, tính từ tọa độ 17o42’ Bắc và 112o32’ Đông.

Tuy nhiên, do gió mùa Đông Bắc tràn về nên vùng biển đang tìm kiếm luôn có sóng cấp 5, cấp 6, việc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn. Những cặp mắt của cán bộ, chiến sĩ trên tàu luôn căng ra dõi theo từng con sóng, nhưng chỉ 2 lần phát hiện được các vật nổi trên biển, trong đó có 1 lần phát hiện 1 chùm phao, nhưng khi tiếp cận và vớt lên thì chỉ là những chiếc phao neo của một tàu cá bị đứt từ rất lâu. Một lần hồi hộp và cũng là một lần thất vọng. Nỗi buồn như lan tỏa khắp con tàu. Cả thuyền trưởng tàu 9001, đại úy Phan Văn Tĩnh cũng như đại tá Vũ Đình Hiểu, Lữ trưởng Lữ đoàn 161, người trực tiếp chỉ huy cuộc tìm kiếm cứ luôn khấn thầm: “Các anh ở đâu cho chúng tôi nhìn thấy để được đưa về với gia đình, người thân”.

Song chỉ có những con sóng bạc đầu lừng lững trôi đi, như báo hiệu những ngày biển động sắp bắt đầu. Đến 12 giờ ngày 24-4, biển động dữ dội, tàu CSB 9001 và HQ 951 nhận lệnh trở về đất liền, kết thúc đợt tìm kiếm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Những câu chuyện xót xa từ biển

Trong cái ồn ào của sóng biển và nhiễu loạn của máy Icom, giọng Thuyền trưởng tàu QNg 95546 Đặng Xuân Bảo, quê Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi vừa nghẹn ngào vừa đứt quãng: Lúc gió bắt đầu thổi mạnh, tàu QNg 95546 của tôi có 11 thuyền viên và tàu QNg 95517, cũng có 11 thuyền viên, tìm cách vào neo đậu tại đảo Bắc, cách đảo Phú Lâm hơn 18 hải lý, còn tàu QNg 95177, với 10 thuyền viên, đang hoạt động tại đảo Đá Bông Bay thì hoàn toàn mất liên lạc, đến 10 giờ 30 ngày 17-4, bão bắt đầu mạnh lên cấp 12, 13, cả 2 tàu bị đứt neo. Tàu tôi may mắn dạt vào mắc cạn và chết máy còn tàu QNg 95517 bị va đập vào đá san hô và bị chìm…

Đến 17 giờ, khi được tàu QNa 94709 giúp sửa máy và kéo ra khỏi đảo, tôi đã ngay lập tức đi tìm và vớt được tất cả 11 thuyền viên của tàu QNg 95117, sau đó tiếp tục chạy đón hướng dòng chảy để hy vọng tìm kiếm 10 thuyền viên của tàu QNg 95177, nhưng không có kết quả.

Còn đối với Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1987, trú tại phường Bình Hòa, TP. Nha trang, sinh ra trong gia đình có 4 anh em, trong đó có 3 người làm nghề biển, riêng Đức làm thợ lặn từ năm 15 tuổi, và đây là chuyến đi biển hãi hùng nhất trong đời làm nghề biển của mình. Đức kể: Lúc 10 giờ 30 ngày 17-4, tàu đứt neo và đập vào đá, đến 11 giờ thì chìm. 10 thuyền viên ngồi trên tàu cho đến khi chìm hẳn mới quăng phao và can nhựa xuống nước. Tất cả 10 người đều cột tay lại với nhau và cột vào phao bơi, can nhựa. Một lần sóng to đã đánh đứt sợi dây, nhưng mọi người đã cố gắng nối lại, song đến tối, hàng chục cơn sóng cao 5 đến 6m đã cuốn mọi người đi và làm đứt đôi sợi dây thành 2 đoạn, 1 đoạn gồm 7 người và 1 đoạn là 3 người, trong đó có Đức.

Tuy nhiên đến ngày thứ 2, thì sóng tiếp tục đánh đứt đoạn dây 3 người và Nguyễn Văn Đức cùng 4 can nhựa trôi riêng một mình. 4 ngày, 3 đêm trôi dạt trên mặt biển, không một giọt nước, Đức đã bắt được 2 con cá khi nó chui vào người, nhưng chỉ ăn sống nổi nửa con, còn lại Đức lột da phơi trên can nhựa, dự tính để ăn dần. Lúc bắt đầu lịm đi thì Đức chợt nghe tiếng động cơ của tàu và anh chỉ đủ sức đưa tay lên khỏi mặt nước để vẫy. Tàu BĐ 0987 đã phát hiện được và vớt Đức lên tàu lúc 10 giờ 30 ngày 20-4, Nguyễn Văn Đức may mắn thoát chết sau 72 giờ trôi dạt hơn 110 hải lý trên biển.

Sau 1 ngày được các ngư dân chăm sóc, đôi chân của Đức vẫn còn tê cứng, không tự đi lại được, cho đến khi được chuyển qua tàu CSB 9001 và được các bác sĩ trên tàu cho uống thuốc và chuyền nước, sức khỏe của Đức mới dần hồi phục. Đêm, đứng trên boong tàu 9001 nhìn ra mặt nước biển mênh mông, bàng bạc dưới ánh trăng, Đức nói với tôi như khóc: Em may mắn thoát chết, nhưng không biết 3 người bạn cùng quê Nha Trang với em và 6 đồng đội quê Quảng Ngãi, giờ đang ở nơi đâu trong làn nước giá lạnh này. Cầu mong họ sống sót để được cứu vớt.

Còn thuyền trưởng tàu ĐNa 0467, Đỗ Văn Hùng, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng kể với chúng tôi khi vừa đặt chân lên tàu CSB 9001: Lúc tàu mắc cạn tại đảo Đá Bắc, sóng đã đập vỡ lườn tàu và nửa tàu chìm dưới nước. Tất cả 19 thuyền viên ngồi trên boong tàu chờ đợi với hy vọng mong manh. Cho đến ngày 20-4, khi sóng đã giảm, các tàu của Đà Nẵng đã kịp thời cứu hộ 19 thuyền viên an toàn. Giờ tất cả vốn liếng, tàu thuyền đành nằm lại nơi đảo Đá Bắc xa xôi..

Những bất cập trong công tác tìm kiếm cứu nạn

Điều ghi nhận của chúng tôi qua 7 ngày lênh đênh trên biển theo con tàu CSB 9001 đi tìm kiếm cứu nạn là những bất cập không đáng có. Đó là sự không thống nhất trong chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, cùng việc tiếp nhận, xử lý thông tin tại Trung tâm chỉ huy. Khi tàu CSB 9001 hướng đến tọa độ mà QNg 95546 hướng dẫn thì lại nhận được lệnh chuyển hướng về Đá Bắc, nơi không có ngư dân nào được phía bạn vớt lên để bàn giao, trong khi đó ngày 20-4, Nguyễn Văn Đức lại được tìm thấy tại khu vực biển mà lẽ ra tàu CSB 9001 đã tiếp cận từ ngày 19-4.

Theo Đại tá Vũ Đình Hiểu, Lữ trưởng Lữ đoàn 161, người chỉ huy trực tiếp cuộc tìm kiếm, thì cần phải có một Trung tâm chỉ huy thống nhất và tạo điều kiện để người trực tiếp tham gia tìm kiếm được quyết định cũng như đưa ra các phương án xử lý. Đặc biệt, đã ra biển thì cần phải tiếp cận, liên lạc và tham khảo ý kiến của các ngư dân, bởi chỉ có ngư dân mới biết được có bao nhiêu tàu đang hoạt động trên khu vực biển đó và chỉ có họ mới hiểu hết được luồng lạch, hướng gió, dòng chảy trên biển. Mặt khác, khi đã ra biển cứu hộ, thì gặp được tàu nào có yêu cầu giúp đỡ thì cần phải giúp ngay.

Câu chuyện phải lỡ hẹn với tàu QNg 95546 để thực hiện nhiệm vụ Quân chủng giao đã nhiều ngày làm cho cả tàu day dứt, bởi chính tàu này đã đề nghị tiếp nhiên liệu và khám sức khỏe cho 7 ngư dân bị đuối sức do phải ngâm mình dưới nước 1 ngày khi bị chìm. Rất may, sau 2 ngày mất liên lạc, đến khi đại tá Vũ Đình Hiểu nhờ Biên phòng Quảng Ngãi liên lạc với gia đình mới biết được tàu đã về đất liền an toàn. Lúc ấy, cả tàu mới thở phào nhẹ nhõm.

Một trong vấn đề cần được các ngành, các cấp lưu tâm nữa: Đó là việc trang bị áo phao cứu sinh cho ngư dân gần như chưa tàu nào thực hiện. Chúng ta có các Trạm Kiểm soát, Đồn Biên phòng và tất cả các tàu khi muốn ra khơi đều phải bảo đảm các phương tiện cần thiết, nhưng qua cơn bão số 1, hầu như tất cả các ngư dân của 10 tàu mà chúng tôi đã gặp trên vùng biển Hoàng Sa không hề có áo phao cứu sinh. Vì thế khi bị nạn trên biển, công tác tìm kiếm không khác nào mò kim đáy bể. Nhà nước luôn sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để thực hiện công cuộc tìm kiếm cứu hộ cho ngư dân trên biển, nhưng nếu vẫn còn quá nhiều điều bất cập thì hiệu quả đem lại chắc chắn sẽ không được như mong muốn.

XUÂN ÁNH

;
.
.
.
.
.