.

Hoàng Tụy: Tài năng và nhân cách lớn

.

Quê ở Xuân Đài (nay là Điện Quang, Điện Bàn) cách Đà Nẵng khoảng 30 kilômét về phía Nam, là hậu duệ của cụ Phó bảng Hoàng Diệu - vị Tổng đốc Hà Ninh quyết không hàng giặc, đã tuẫn tiết bên thành Hà Nội năm 1882, Giáo sư Hoàng Tụy mang trong mình tư chất thông minh xuất chúng và ý chí bất khuất kiên cường.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Viện Toán học. Giáo sư Hoàng Tụy, Viện trưởng, báo cáo với Thủ tướng những kết quả nghiên cứu khoa học của Viện.
Từ “khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung” trong những năm chống Pháp gian nan, ông cuốc bộ dọc Trường Sơn ra Việt Bắc để “tầm sư học đạo”, rồi vượt qua vô vàn khó khăn trong những năm chống Mỹ, đất nước bị bao vây, cấm vận, vươn lên trở thành một nhà toán học lớn trên thế giới, mở ra một chuyên ngành mới trong toán học, được coi là “người cha của tối ưu toàn cục”. Ông là tác giả hay đồng tác giả chính của nhiều cuốn sách và gần 150 công trình trên các tạp chí toán học quốc tế hàng đầu, đã hướng dẫn 10 luận án tiến sĩ ở trong nước và 2 luận án tiến sĩ ở nước ngoài.

Mới đây, từ ngày 17 đến 22-12-2007, tại Pháp, Học viện Quốc gia về khoa học ứng dụng Rouen đã phối hợp với Đại học Florida (Mỹ) tổ chức Hội thảo quốc tế về Tối ưu phi tuyến không lồi, thu hút 100 nhà toán học nhiều nước đến dự. Hội thảo được mở ra nhằm tôn vinh những thành tựu của Giáo sư Hoàng Tụy trong nghiên cứu tối ưu toàn cục nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông. Vào dịp này, Học viện Rouen trao tặng ông bằng tiến sĩ danh dự. Trước đó, ông đã nhận bằng tiến sĩ danh dự của Viện Công nghệ Linkoping (Thụy Điển)...

Nổi tiếng trên thế giới, rồi mới được dư luận trong nước chú ý tới

Cứ mỗi lần gặp Giáo sư Hoàng Tụy, tôi lại nhớ câu nói của anh bạn tôi, một tiến sĩ khoa học toán - lý: “Ông Tụy nổi tiếng ở nước ngoài có khi còn hơn ở trong nước; nổi tiếng trên thế giới, rồi mới được dư luận trong nước chú ý tới!”.

Năm 1990, Tiến sĩ Neal Koblitz, cựu sinh viên Đại học Harvard, giáo sư Đại học Washington, sang thăm Việt Nam. Trở về Mỹ, ông viết một bài báo tiếng Anh dài 30 nghìn từ, chiếm 19 trang tạp chí, kèm theo 10 bức ảnh, 1 tấm bản đồ và 3 bức biểu đồ, đăng trên tờ The Mathematical Intelligencer (Người đưa tin toán học). Đó là tờ tạp chí của nhà xuất bản lớn nhất thế giới về khoa học và kỹ thuật Springer - Verlag (mà bạn đọc chủ yếu là các nhà toán học chuyên nghiệp ở tất cả các nước). N. Koblitz đặt tên cho bài báo: Hồi ức về toán học ở một nước bị bao vây, cấm vận.

Tác giả dành phần lớn bài báo để kể tỉ mỉ về quê hương, dòng họ, thời niên thiếu, thanh niên cũng như quá trình học tập, sáng tạo của nhà toán học Hoàng Tụy mà nhiều kết quả trong lĩnh vực lý thuyết tối ưu toàn cục được coi là kinh điển, được thừa nhận rộng rãi ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Bài báo lớn của một vị giáo sư toán học Mỹ làm cho tên tuổi Hoàng Tụy càng trở nên nổi tiếng trong giới toán học quốc tế. Cho đến lúc đó, ở nước ta chưa hề có một bài báo nào bằng tiếng Việt viết về Giáo sư Tụy dài và sâu như thế! Đó là một “luận cứ” khiến anh bạn tôi cho rằng “ông Tụy nổi tiếng ở nước ngoài có khi còn hơn ở trong nước!...”.

Và còn nhiều “luận cứ” khác nữa

Hội thảo quốc tế mừng thọ “người cha của tối ưu toàn cục”

Giáo sư Hoàng Tụy và Giáo sư L.V Kontorovitch (Liên Xô cũ), Giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1975.
Câu chuyện xảy ra cách đây đã mười năm, nhưng chưa phải ai ai ở Đà Nẵng cũng như trong nước ta đều biết rõ. Chính vì vậy, tôi cảm thấy cần nhắc lại trong bài này.

Hoàng Tụy sinh ngày 27-12-1927. Vậy mà, ngay từ mấy tháng đầu năm 1997, giới toán học quốc tế trong chuyên ngành của ông đã sốt sắng chuẩn bị một hình thức đầy ý nghĩa mừng ông thọ 70 tuổi: Tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế ở Thụy Điển.

Đầu năm 1997, tôi được anh bạn tiến sĩ khoa học kia đưa cho xem bản thông báo sau đây mà anh nhận được qua Internet:

“Nhân dịp mừng 70 năm ngày sinh của Giáo sư Hoàng Tụy, người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát, một cuộc hội thảo ba ngày sẽ được tổ chức tại Viện Công nghệ Linkoping, Thụy Điển với chủ đề: Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục”.

Bản thông báo cho biết, đây là cuộc hội thảo nhằm tôn vinh Giáo sư Hoàng Tụy (Workshop in Honor of Prof. Hoang Tuy) diễn ra tại Thụy Điển từ ngày 20 đến 22-8-1997. Các nhà toán học ở các nước muốn dự cần gửi bản tóm tắt công trình của mình chậm nhất vào ngày 1-6-1997 để kịp tập hợp in thành một cuốn sách đề tặng Giáo sư Hoàng Tụy (dedicated to Prof. Hoang Tuy).

Sau khi hội thảo kết thúc, cuốn sách được Kluwer Academic Publishers, cũng là một nhà xuất bản lớn về khoa học và kỹ thuật trên thế giới, ấn hành ở Boston (Mỹ), London (Anh), Dordrecht (Hà Lan) và nhiều nơi khác.

Hoàng Tụy được coi là “người cha của tối ưu toàn cục” (the father of Global Optimization). Ngày nay, bất cứ ai trên thế giới muốn đi vào hướng nghiên cứu này đều phải học những điều đã trở thành kinh điển như Tuy’s cut (lát cắt Tụy), Tuy-type algorithm (thuật toán kiểu Tụy), Tuy’s inconsistency condition (điều kiện không tương thích Tụy), v.v...

Cuốn sách toán tiếng Anh do Giáo sư Hoàng Tụy viết chung với Giáo sư Reiner Horst (CHLB Đức) nhan đề Global Optimization - Deterministic Approches (Tối ưu toàn cục - tiếp cận tất định) dày 694 trang, được Nhà Xuất bản Springer - Verlag in lần đầu năm 1990, lần thứ hai năm 1993, lần thứ ba (có sửa chữa) năm 1996. Đó là cuốn sách chuyên khảo đầu tiên có hệ thống về chuyên ngành này. Do vậy, Giáo sư Hiroshi Konno, người Nhật Bản mới nhận xét: Cuốn sách này “được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cuốn Kinh Thánh của chuyên ngành tối ưu toàn cục” (was appreciated by many researchers as the Bible of global optimization), và trên thực tế, nhiều người bắt đầu các công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình về tối ưu toàn cục là nhờ “được cuốn sách mở đường ấy cổ vũ” (motivated by this path-breaking book).

Cách đây mấy năm, tờ báo điện tử Operation-Research Bulletin (Bản tin Vận trù học), diễn đàn của các nhà vận trù học châu Á - Thái Bình Dương, số tháng 9-2002, đã ra một chuyên đề về Giáo sư Hoàng Tụy, gồm nhiều bài và ảnh: Bài của Tiến sĩ Takahito Kuno phỏng vấn Giáo sư Hoàng Tụy; bài hồi ức của Tiến sĩ Taketomo Mitsui nhan đề Prof. Hoang Tuy - A Prominent Applied Mathematician (Giáo sư Hoàng Tụy - Nhà toán học ứng dụng lỗi lạc); bài hồi ức của Giáo sư Hiroshi Konno nhan đề A Tribute to Professor Hoang Tuy (Để tỏ lòng tôn kính Giáo sư Hoàng Tụy); cùng một số bức ảnh Giáo sư Tụy chụp chung với các nhà toán học Nhật Bản, do Tiến sĩ Takahito Kuno chọn và giới thiệu dưới tiêu đề Santa Claus Coming from a Southern Country (Ông già Noel đến từ một nước phương Nam).

Chả là vì Giáo sư Tụy có mái tóc trắng như tuyết, hơn nữa, cứ mỗi lần đến Nhật Bản lại mang tới cho các nhà toán học xứ sở hoa anh đào nhiều ý tưởng mới, hấp dẫn, như những món quà mà Ông già Noel mang lại. Qua số báo, các nhà toán học Nhật Bản muốn tỏ bày lòng ngưỡng mộ đối với nhà toán học Việt Nam lão thành.

Vượt Trường Sơn “tầm sư học đạo”

 

QUÊ HƯƠNG, DÒNG HỌ

Giáo sư Hoàng Tụy sinh ra trong một gia đình Nho học tại làng Xuân Đài (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam. Ông bác ruột (anh trai ông nội của giáo sư) là nhà nho Hoàng Diệu (1832-1882) thông minh xuất chúng, đỗ Phó bảng năm 20 tuổi, về sau được triều đình Huế cử giữ chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) vào năm 1880. Chỉ huy cuộc chiến đấu bảo vệ Hà thành, không đủ sức chống lại quân Pháp có súng ống tối tân, nhưng quyết không chịu để cho kẻ thù bắt giữ, bậc chí sĩ cao cả ấy đã oanh liệt tuẫn tiết bên cổng thành sáng 25-4-1982. Cụ được các văn thân yêu nước thời sau ca ngợi là “cựu lục thiên thu truyền tiết liệt” (sử sách nghìn thu còn truyền tiếng thơm tiết liệt).

Truyền thống yêu nước đó được thể hiện rõ nét qua cuộc đời của nhiều người trong dòng họ Hoàng ở Xuân Đài. Cũng như Giáo sư Hoàng Tụy, hai người anh ruột của ông là họa sĩ Hoàng Kiệt và Giáo sư Hoàng Phê đều tham gia cách mạng. Họa sĩ Hoàng Kiệt sớm qua đời. Còn Giáo sư Hoàng Phê từng giữ chức Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, chủ biên nhiều bộ từ điển tiếng Việt. Em ruột của Giáo sư Hoàng Tụy là Giáo sư Hoàng Chúng từng giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

 
Đối với thế hệ trẻ hôm nay, cuộc đời Giáo sư Hoàng Tụy là một tấm gương sáng chói về lòng say mê khoa học, về ý chí kiên cường vượt qua mọi trở lực, khắc phục khó khăn để thực hiện cho kỳ được ước mơ từ thuở thiếu thời.

Ngay khi còn học trường làng ở Xuân Đài (nay là Điện Quang), cậu bé Tụy đã học rất giỏi hai môn văn và toán. Ra Huế, vào Trường Quốc học, anh Tụy vẫn giỏi cả văn và toán. Nhưng về sau, anh dành nhiều thời gian hơn cho môn toán vì bắt đầu mơ ước trở thành một nhà toán học. 15 tuổi, anh mắc phải chứng tức ngực, khó thở, liệt một phần cơ thể. Những tưởng sẽ mang tật suốt đời! Nào ngờ được một ông “lang vườn” châm cứu chữa khỏi. Phải bỏ học hơn một năm ở Trường Quốc học Huế, anh đành ra học trường tư Thuận Hóa. Nhưng rồi anh “nhảy” hai lớp, “liều” thi tú tài toán. Nào ngờ, chàng thư sinh xứ Quảng gầy nhom, học “nhảy cóc” kia lại đỗ, và hơn nữa, đỗ... thủ khoa Trung Bộ!

Tháng 9-1946, anh ra Hà Nội học Đại học Khoa học. Nhưng rồi lính mũ đỏ gây hấn ở phố Hàng Bún; xe Jeep nhà binh Pháp lồng lộn trong đêm. Trước ngày tự vệ sao vuông thành Hoàng Diệu - tên thành phố Hà Nội trước ngày toàn quốc kháng chiến - nổ súng đánh trả, anh dạo khắp hè phố Hà Nội, tìm mua những cuốn sách toán bằng tiếng Pháp mang về quê tự học.

Năm 1951, đang dạy toán tại Trường trung học Lê Khiết trong vùng tự do Liên khu V, được tin Giáo sư Lê Văn Thiêm đã rời Thụy Sĩ trở về Việt Bắc, anh liền khẩn khoản đề nghị Sở Giáo dục cho phép anh ra Tuyên Quang thụ giáo thầy Thiêm.

Tuyến đường dọc Trường Sơn ngày ấy còn là một lối mòn nhỏ hẹp len lỏi giữa rừng sâu, xe cơ giới chưa thể qua lại như đường Hồ Chí Minh sau này. Thế nhưng đã được tổ chức rất tốt. Cứ mỗi chặng 30 kilômét lại có một trạm nghỉ đêm và hôm sau có giao liên dẫn đường cho cán bộ, bộ đội đi tiếp. Trong ba lô, anh Tụy chỉ mang theo gạo, muối, sách toán, và thuốc. Quý nhất là quinakrine chữa sốt rét và vitamin B chống phù nề. Ăn cơm với muối và rau rừng. Rảo bước qua huyện Hiên, huyện Giằng, mấy hôm đầu mỏi rã cả chân. Nhưng về sau quen dần, cứ lặng lẽ bước như cái máy theo người đi trước. Vượt qua vùng đồng bằng và trung du Quảng Nam bị Pháp ném bom tan hoang (nhưng chúng không đủ quân để chiếm đóng) đến địa giới Bình - Trị - Thiên, thì anh hoàn toàn phải men theo vách núi cheo leo chót vót dưới tán lá rậm rì. Cả vùng duyên hải và trung du dày đặc đồn bốt Pháp.

Ba mối nguy hiểm chết người lúc đó là: bị quân Pháp phục kích, bị hổ vồ, và bị sốt rét ác tính. Ở miệt U Bò, Ba Rền có một “ông ba mươi” đã ăn thịt mấy chục anh cán bộ, bộ đội! Thế nhưng, ta không dám nổ súng bắn hổ vì sợ... lộ bí mật! “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” - lệnh trên phải tuyệt đối chấp hành. Một anh cán bộ đi cuối đoàn tụt mất chiếc quai hậu dép lốp, dừng chân rút lại quai dép, thế là bị hổ vồ, tha vào rừng thẳm!...

Ròng rã nửa năm trời cuốc bộ, anh mới ra đến Tuyên Quang. Tới nơi thì Giáo sư Lê Văn Thiêm đã sang Trung Quốc! Thế là anh vượt biên giới Việt - Trung đi tiếp tới Khu Học xá trung ương của ta lúc bấy giờ “ở nhờ” trên đất bạn, tại ngoại thành Nam Ninh, để tránh bom đạn Pháp.

Hà Nội giải phóng. Anh trở về nước, giảng bài tại Trường Đại học Khoa học. Tháng 7-1957, anh là một trong số tám cán bộ khoa học đầu tiên của nước ta được cử sang Liên Xô thực tập.

Chỉ sau hơn một năm đến Mátxcơva, Hoàng Tụy viết xong luận án tiến sĩ - quãng thời gian ngắn đáng ngạc nhiên đối với một người tự học chương trình đại học.

Nhưng anh đã không mãn nguyện với tấm bằng tiến sĩ hay tiến sĩ khoa học, với lèo tèo vài ba hay dăm bảy công trình nghiên cứu, không ngủ say bên cành nguyệt quế! Chính vì vậy, ngày nay chúng ta mới có được một nhà toán học lớn với gần 150 công trình sâu sắc, bề thế, hầu hết được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín cao.

 Giáo sư Hoàng Tụy trong phòng làm việc tại nhà riêng ở phố Đội Cấn, Hà Nội.

Cách đây không lâu, tôi đến thăm Giáo sư Hoàng Tụy tại nhà riêng ở cuối phố Đội Cấn, Hà Nội, khi ông sắp bước sang tuổi 80, hơi nặng tai, phải đeo máy trợ thính nhưng vẫn khỏe, sáng suốt, dồi dào sức sáng tạo. Tờ Journal of Optimization Theory and Applications (Tạp chí Tối ưu hóa và ứng dụng) vẫn tiếp tục đăng các công trình mới của ông. Năm 2006 cũng như năm 2007, ông vẫn được mời sang giảng bài và hợp tác nghiên cứu tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc. Rất hiếm thấy một nhà khoa học nào ở độ tuổi “bát tuần” mà còn viết nổi những công trình cập nhật, có thể in trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế.

Là người trọng thực chất, ghét hư vinh, Giáo sư Hoàng Tụy nhiều lần từ chối lời mời làm member (mà ta thường dịch là “viện sĩ”) của một số academy (mà ta thường dịch là “viện hàn lâm”) khi nhận thấy từ academy ở đây chỉ có nghĩa là hội khoa học, với rất nhiều hội viên (member) bình thường.

Ông cũng khước từ những danh hiệu rất “kêu” như “người trong năm”, “danh nhân vành đai châu Á - Thái Bình Dương”, “thiên tài thế giới đương đại”, “thiên tài lỗi lạc của thế kỷ XXI”, v.v… bởi lẽ nhận thấy mấy tổ chức “ban tặng” những thứ danh hiệu ấy thường là những công ty tư nhân chuyên nghề “kinh doanh danh vọng”, nêu danh khách hàng chỉ cốt để thu tiền, không có thẩm quyền gì để đưa ra những đánh giá nghiêm túc, mang giá trị khoa học đích thực. Từ lâu, mấy công ty đó đã mất uy tín ở các nước Âu - Mỹ có trình độ cao về khoa học và công nghệ, cho nên gần đây mới chuyển sang “làm ăn” ở mấy nước Á - Phi hiện còn rất thiếu thông tin, khiến nhiều người - kể cả trí thức - dễ “lẫn lộn vàng thau”!...

Hoàng Tụy và Lê Văn Thiêm là hai nhà toán học Việt Nam đầu tiên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học. 

 

Lát cắt Tụy
Những năm 60 của thế kỷ 20, lý thuyết tối ưu trở thành một hướng toán học mới có nhiều ứng dụng trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế,v.v… Nhưng khi ấy các nhà toán học chỉ mới chú ý tới tối ưu địa phương, còn những bài toán tối ưu toàn cục, như quy hoạch lõm, thì được coi là quá khó, chưa thể giải. D.Dantzig, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hòa Kỳ, coi đó là những bài toán “khó về bản chất” (intrinsically difficult). Bởi thế, trước năm 1964, chưa ai trên thế giới thu được kết quả gì đáng kể.

Vào năm đó, Hoàng Tụy đến Phân Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Novosibirsk, trình bày tại xêmina của L.V.Kontorovitch cách giải một trong những bài toán cơ bản nhất của tối ưu toàn cục: Bài toán tìm cực tiểu một hàm lõm trên một tập đa diện lồi giới nội. L.V.Kontorotvich là nhà toán học Liên Xô rất nổi tiếng, được tặng Giải thưởng Nobel về kinh tế. Sau đó, kết quả của Hoàng Tụy được công bố trên tạp chí Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Kết quả đáng quý nhất của công trình này là đưa ra một lát cắt độc đáo.

Lát cắt thật giản dị nhưng lại có khả năng ứng dụng rất đa dạng, không những đối với nhiều bài toán tối ưu toàn cục, mà còn đối với những bài toán quy hoạch tổng hợp. Phương pháp do Hoàng Tụy đề xướng, về sau, được giới toán học quốc tế gọi là “lát cắt Tụy” (Tuy’s cut), trở thành một kết quả kinh điển mà các nhà chuyên môn thường trích dẫn. Hoàng Tụy được coi là nhà toán học mở đường cho một chuyên ngành toán học mới là “người cha của tối ưu toàn cục”.

Định lý Hoàng Tụy, thuật toán kiểu Tụy
Năm 1972, Hoàng Tụy công bố công trình Tính không tương thích của bất đẳng thức tuyến tính trên tạp chí toán học của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Định lý do Hoàng Tụy đưa ra trong công trình này được coi là một định lý ngang hàng với những định lý nổi tiếng của Farkas, Helley, Brouwer…, được giới toán học quốc tế nhắc tới nhiều và thường nêu lên những ứng dụng mới.

Là Phó Viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện Toán học, ông tập hợp một số nhà toán học trẻ có triển vọng, lập ra các nhóm nghiên cứu về thuật toán, giải tích lồi, lý thuyết điểm bất động… Được ông dìu dắt, nhiều người về sau đã trở thành tiến sĩ, tiến sĩ khoa học trong ngành toán, như: Đinh Thế Lục, Nguyễn Xuân Tấn, Lê Dũng Mưu, Phan Thiên Thạch, Trần Vũ Thiệu, v.v…

Những năm 1980, lý thuyết tối ưu toàn cục phát triển mạnh. Trường phái Hà Nội (Hanoi School) đóng một vai trò nổi bật. Một nhà toán học nước ngoài có uy tín đã phát biểu rằng ông “rất vinh dự và sung sướng” khi được đặt chân đến “địa danh nổi tiếng thế giới về tối ưu hóa” (world famous place in Optimization). Nhiều người nước ngoài khi nhắc đến Viện Toán học ở Hà Nội cũng coi đó là “một viện nổi tiếng”.

Nhiều lớp bài toán quan trọng nhất được Trường phái Hà Nội tập trung nghiên cứu và giải quyết thành công. Các lớp bài toán khác nhau được tiếp cận một cách hệ thống thông qua một bài toán chuẩn do Giáo sư Hoàng Tụy đề xuất. Thuật toán giải bài toán chuẩn được xây dựng thích hợp với từng bài toán gốc sinh ra nó. Các thuật toán khác nhau đó đều tuân theo một lược đồ tổng quát dựa trên phương pháp phân hoạch không gian theo kiểu “chia nón”, kết hợp với phương pháp “xấp xỉ ngoài” để nâng cao hiệu quả. Thuật toán chia nón (conical algorithm) rất nổi tiếng trong giới chuyên môn quốc tế hồi đó, về sau, được gọi là “thuật toán kiểu Tụy” (Tuy-type algorithm).

 

HÀM CHÂU 


;
.
.
.
.
.