.
Kỷ niệm 150 năm Chiến thắng Đà Nẵng (1858-1860):

Một di sản quý giá của cả nước!

.

Có thể khẳng định như vậy khi nhớ về toàn bộ cuộc chiến tranh vệ quốc trước sự tấn công ồ ạt của hàng nghìn quân Pháp-Tây Ban Nha với tàu chiến và khí giới hiện đại vào cửa biển Đà Nẵng trong những năm 1858-1860.

Bởi cuối cùng, đội quân ấy đã phải rút khỏi mảnh đất này, để lại một “đồi hài cốt” ở lưng chừng dãy Sơn Trà.

Toàn cảnh Nghĩa trủng Hòa Vang.

Nhưng đó không chỉ là chiến công thể hiện lòng yêu nước của nhân dân Đà Nẵng hay Quảng Nam, mà đó là công sức của hàng vạn chiến sĩ nghĩa binh của cả nước dưới tài lãnh đạo của Đào Trí, Châu Phước Minh, Ông Ích Khiêm, Phạm Thế Hiển và nhất là Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương cùng nhiều tướng lĩnh đương thời khác.

Đó cũng là tấm lòng của đồng bào cả nước cùng nhau gìn giữ một tấc quê hương. Hãy đọc lại sử cũ: “Vua sai Tổng đốc Nam Ngãi là Trần Hoằng đem 2.070 người (biền binh mãn hạn) đến tiếp ứng”; “Nguyễn Huy, Hồ Ba Ba đem 2.000 cấm binh từ Huế đi gấp vào chống giữ từ Câu Đê đến Hải Vân...”, “Vua Tự Đức sai Nguyễn Sĩ Long đi mau đến Quảng Nam đốc thúc dân phu xay gạo, tải lương đến quân thứ... một lực lượng quân từ Bình Định cũng được đưa ra hỗ chiến”. Sau khi Lê Đình Lý tử thương “Vua lệnh cho các quan ở Thừa Thiên mộ thêm một đợt quân mới đặt tên là Chiến Tâm (sau đổi thành Vệ Nghĩa Dũng) để gửi vào Quảng Nam đánh giặc”... Nhiều danh sĩ xứ Bắc như đốc học Nam Định Phạm Văn Nghị, nhà thơ Đặng Huy Trứ từ Thuận Hóa..., kẻ dùng ngòi bút, kẻ chiêu mộ binh sĩ cùng các nghĩa binh quyết một trận sống mái với quân thù...

Nhà bia và các trụ đá ghi câu đối.

Có chuyện kể rằng, thi hào Nguyễn Công Trứ từ Hà Tĩnh lúc đó đã ngoài 80 tuổi cũng xung phong vào chiến đấu ở Đà Nẵng! Những sử liệu và lời kể đó cho thấy mặt trận Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 19 tháng cách đây 150 năm là công sức của nhân dân cả nước trước hiểm họa xâm lăng của phương Tây...

Ngày nay, tại Đà Nẵng còn lưu giữ các di tích liên quan đến cuộc chiến giữ nước vẻ vang này như Đồi hài cốt, thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Phước Ninh (chỉ còn 2 ngôi mộ và bia tưởng niệm). Nghĩa trủng Hòa Vang tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ được coi là di tích khá trọn vẹn nhất, còn những thông tin đáng lưu ý nhất dù đã được di dời nhiều lần trong thế kỷ trước.

Đây là Nghĩa trủng được quy tập và xây dựng vào năm “Tự Đức thứ 19, tháng Năm, ngày tốt” tại Trủng Bò. Năm 1940, Pháp xây dựng sân bay phải di dời ra vườn ông Bá (Khuê Trung). Năm 1962, sân bay Đà Nẵng mở rộng lại phải di dời lần nữa về địa điểm hiện nay, cạnh nhà thờ tiền hiền làng Khuê Trung. Ông Huỳnh Ngọc Tế, nguyên là xã trưởng Khuê Trung đầu những năm 1970 kể lại với chúng tôi: Lúc đó là những ngôi mộ bằng đất, nhân dân Hòa Cường, Khuê Trung đã vận động đóng góp công của để xây lại bằng xi-măng và trích 2 mẫu ruộng công lo cúng tế hằng năm...

Hai câu đối ở Nghĩa trủng Hòa Vang còn lại thật đáng lưu ý:

Người xưa đã xa rồi, nay dựng tượng đài mà vẫn bàn đến đời của họ và nghĩ đến con người thời ấy.

Tổ quốc thiêng liêng với những chí sĩ anh hùng thời ấy, noi dấu đời trước để chấp cánh cho đời sau.

(Bản dịch của Lê Duy Anh-Lê Hoàng Vinh)

Kỷ niệm 140 năm (1858-1988), Bộ Văn hóa và Thông tin đã cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia cho Nghĩa trủng Hòa Vang. Lúc đó, lễ tưởng niệm đã được huyện Hòa Vang và Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) tổ chức kết hợp với lễ tế tiền hiền phường Khuê Trung. Năm nay, Ủy ban Nhân dân quận Cẩm Lệ cho biết lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức lớn hơn kết hợp với kỷ niệm 3 năm ngày thành lập quận mới vào đầu tháng 9 tới bằng nhiều nội dung trang trọng, thiết thực và sự hỗ trợ của UBND thành phố Đà Nẵng.

Nghĩa trủng Hòa Vang và chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1858-1860 cần phải được xem như một di sản quý giá có một không hai của cả nước mà người dân và chính quyền Đà Nẵng đã may mắn còn giữ lại. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến trận chiến và các di tích cũng cần được giới nghiên cứu lịch sử làm rõ hơn: Mộ danh tướng Lê Đình Lý đang ở đâu? Ngôi mộ chính ở Nghĩa trủng Hòa Vang (Đại tướng triều đình quý công chi mộ) tương truyền khi dời về đây có cả đoản kiếm lẫn áo mão là nơi yên nghỉ của danh tướng nào? Nhiều ứng dụng vũ khí mới (như địa chấn lôi, ống phun lửa, xích sắt chắn các dòng sông...) và chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến” thời Nguyễn Tri Phương đã được nghiên cứu, sáng chế và kế thừa ra sao?...

Kỷ niệm 150 năm sự kiện lịch sử trọng đại này cần phải được thực hiện có quy mô lớn hơn những gì đã làm để người dân và những thế hệ mai sau thấu rõ hơn một truyền thống vẻ vang của cha ông mình.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.