.
Kỷ niệm 33 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam

Cái giá phải trả cho sự thất bại

.

Nếu tính từ năm 1950, khi Chính phủ Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng việc viện trợ tài chính, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho Pháp cho đến năm 1975, khi đại sứ Mỹ phải cấp tốc di tản người Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên sụp đổ,thì sự can thiệp gián tiếp và trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam đã khiến cho Mỹ phải trả một cái giá quá nặng nề.

Lính thủy đánh bộ Mỹ bảo vệ cho nhân viên Sứ quán Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn (29-4-1975), (ảnh trái). Quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam (ảnh phải).


Tướng Mácxoen Taylo từng là Chủ tịch tham mưu liên quân Mỹ dưới thời Tổng thống Giôn Kennơđi, đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam và cố vấn chủ chốt của Tổng thống Giônxơn chua chát thừa nhận: “Thời gian càng trôi qua, cái giá phải trả cho sự thất bại càng tăng thêm”.

Cái giá thứ nhất Chính phủ Mỹ phải trả là một chủ nghĩa thất bại. Mặc dầu Chính phủ Mỹ đã cố gắng hết sức cho cuộc chiến tranh xâm lược này - một cuộc chiến tranh dài ngày, tốn kém và thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử nước Mỹ: Kéo dài 222 tháng, trải qua 5 đời tổng thống với 4 lần thay đổi chiến lược chiến tranh; 8 lần thay đổi đại sứ toàn quyền; 4 lần thay tổng tư lệnh quân viễn chính Mỹ ở Việt Nam; đã huy động đến 70% lục quân với 6,6 triệu lượt lính Mỹ sang tham chiến ở Việt Nam (trong đó có tất cả các đơn vị tinh nhuệ nhất); quân viễn chinh Mỹ từ 18.000 lúc bắt đầu chiến tranh cục bộ (4-1965) lên 543.000 (4-1968).

Ngoài lục quân còn huy động 60% không quân (có 46% máy bay B52 và các loại máy bay hiện đại nhất); 40% hải quân (có 15/18 tàu sân bay). Huy động chất xám của 40% các nhà vật lý; 260 trường đại học và công suất của 22.000 xí nghiệp để phục vụ chiến tranh. Tổng chi phí cho cuộc chiến lên đến 676 tỷ đô-la. Quân đội Mỹ đã ném xuống Việt Nam 14,3 triệu tấn bom đạn, tương đương 725 quả bom nguyên tử ở Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai. Số bom napan Mỹ ném xuống Việt Nam gấp 25 lần số bom Mỹ sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Vậy mà vẫn thất bại ê chề. Số lính Mỹ tử trận lên đến 57.692 người, số bị thương lên đến 300.000, tàn tật hoàn toàn 100.000 người; 12 tướng Mỹ chết trên chiến trường Việt Nam, 8 tướng bị thương. Mácxoen Taylo thừa nhận: “Nước Mỹ đã mất đi lòng kiêu hãnh và đã mang theo chủ nghĩa thất bại”. Thượng nghị sĩ Menphin, thủ lĩnh đảng Dân chủ lên tiếng: “Chúng ta cần phải từ bỏ ý nghĩ cho rằng chúng ta có thể là anh cả hoặc ông bố lớn của toàn thế giới còn lại”.

Cái giá thứ hai là sự chia rẽ ngay trong lòng nước Mỹ. Đại tướng Mỹ Hao-dơ từng giữ chức Tư lệnh tập đoàn quân số 8 Mỹ, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội Liên hợp quốc tại Nam Triều Tiên viết trên tạp chí Lục quân Mỹ: “Hậu quả bi thảm nhất đối với nước Mỹ của cuộc chiến tranh Việt Nam là xã hội chúng ta bị tan vỡ từng mảng”.

Tổng thống Mỹ Giôn-xơn, kẻ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” năm 1964 cũng phải thừa nhận: “Vấn đề Việt Nam đã gây ra sự chia rẽ và thù địch giữa người Mỹ với nhau, đó là điều tôi lo sợ”. Đã có 8 người tự thiêu, 70 thanh niên đốt thẻ quân dịch; hơn 500.000 lính Mỹ đào ngũ; hàng trăm cuộc biểu tình ở khắp các thành phố nước Mỹ để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Chính phủ Mỹ. Các nghị sĩ Quốc hội công khai gọi cuộc chiến tranh Việt Nam do Chính phủ Mỹ tiến hành là “đế quốc, bẩn thỉu, tàn ác, xấu xa và không được nhân dân Mỹ ủng hộ”.

Cái giá thứ ba là lòng tin của các đồng minh của Mỹ đối với Mỹ bị giảm sút, “Mỹ chẳng còn là chỗ dựa vững chắc của họ trong các cuộc khủng hoảng lớn hơn nữa” (Mácxoen Taylo).

Cái giá thứ tư, khá dai dẳng là những hội chứng sau chiến tranh. “Chiến tranh Việt Nam quả là một chứng bệnh ung thư, là nguồn gốc đẻ ra nhiều căn bệnh khác” (Thời báo Lốt An-giơ-lét). Rất nhiều cựu binh Mỹ đã tự sát, nhiều cựu chiến binh khác mắc bệnh tâm thần. Có những cựu chiến binh đưa cả gia đình, vợ con vào sống trong rừng và nhất định không chịu tiếp xúc với bên ngoài. Bản tin của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tối ngày 29-3-1989 cho biết thêm: Có 480.000 cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã mắc chứng bệnh này và không được điều trị hoặc không chịu cho điều trị. Còn theo một công bố gần đây nhất, có 58.000 cựu binh Mỹ tự tử sau chiến tranh Việt Nam (nhiều hơn số đã tử trận trong chiến tranh).

Như nhận định trong một bài viết đăng trên tạp chí Tembô, tiếng Nhật, số 149 năm 1975: “Cố chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, Chính phủ Mỹ đã phá hoại nền kinh tế của nước Mỹ, chia rẽ xã hội Mỹ, và trái tim của nước Mỹ cũng đã bị tổn thương. Cố chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, Giônxơn đã bị mất sinh mạng chính trị. Cố chiến thắng, Nichxơn đã đẩy Hiến pháp nước Mỹ đến nguy cơ và cuối cùng ông đã trở thành con người bị ruồng bỏ. Họ đã sử dụng mọi chiến thuật và chiến lược mà khoa học quân sự đã nghiên cứu được, tận dụng nhiều học giả và các nhà khoa học để phát minh ra các phương pháp mới... Họ đã làm tất cả. Họ đã thất bại”.

NGÔ PHÚ LÂM

;
.
.
.
.
.