.
“Một cửa liên thông” trên lĩnh vực LĐ-TB&XH:

Hồ sơ trễ hẹn nhiều, do đâu ?

.

Hồ sơ (HS) trên lĩnh vực LĐ-TB&XH trễ hẹn thực tế nhiều hơn báo cáo bằng văn bản. Trễ hẹn đến nỗi công chức ở bộ phận “một cửa liên thông” (MCLT) tại UBND phường, xã không dám ghi ngày hẹn trả cụ thể. Phòng Cải cách hành chính (CCHC) Sở Nội vụ vừa tiến hành một đợt kiểm tra thực hiện cơ chế MCLT tại một số Phòng LĐ-TB&XH và một số phường, xã cho thấy: tình trạng HS ở lĩnh vực này trễ hẹn vẫn chưa được cải thiện.

Trễ hẹn nhưng không có văn bản giải thích, xin lỗi

Theo phản ánh của các đơn vị, nhiều HS đã giải quyết trong năm 2007 về đến “một cửa” của phường, xã để trả cho công dân trễ hẹn đều do Sở LĐ-TB&XH. Chỉ có báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang nêu cụ thể số lượng HS đúng hẹn, trễ hẹn và HS đang trong thời gian giải quyết, còn lại các đơn vị khác chỉ nêu HS đã giải quyết và HS chưa giải quyết.

Tuy nhiên, khi kiểm tra trên sổ quản lý HS ngày chuyển và ngày nhận thực tế so với ngày hẹn theo quy trình cho thấy số lượng HS trễ hẹn khá nhiều. Tổ công tác không đủ thời gian để cộng số HS trễ hẹn nhưng chắc chắn lượng HS trễ hẹn nhiều hơn con số theo báo cáo công tác CCHC năm 2007 của thành phố là dưới 10%.

Một cửa tại UBND quận Hải Châu.


Cụ thể ở huyện Hòa Vang, HS lĩnh vực này trễ hẹn là 114/931 HS, chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2008 HS trễ hẹn đã chiếm 10%. Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH quận Liên Chiểu thì HS trễ hẹn là 60/100 HS đã giải quyết. Một cán bộ ở Phòng Tổ chức chính quyền quận Thanh Khê cho biết, trong đợt kiểm tra CCHC ở 10 phường hồi cuối năm ngoái đã phát hiện nhiều giấy biên nhận không ghi ngày hẹn trả HS cụ thể. Cán bộ tiếp nhận HS các phường giải thích do “một cửa” ở các cấp trên trễ hẹn quá nhiều, phường bị dân phàn nàn nên không dám ghi ngày hẹn, chỉ nói khi nào có kết quả sẽ thông báo.
Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang bức xúc đến hẹn mà nhiều HS chuyển lên Sở vẫn chưa có kết quả về trong khi dân thúc xã, xã thúc huyện. Do đó, khi HS đến hẹn chưa trả về thì lãnh đạo phòng tự ra văn bản thông báo HS đã đủ điều kiện đang được giải quyết gửi đến công dân qua “một cửa” của xã. Mục đích là để dân yên lòng, hạn chế đi lại nhiều lần lên xã hỏi kết quả. Mà việc ra văn bản giải thích lý do trễ hẹn trả kết quả và xin lỗi công dân là trách nhiệm của Sở.

Tuy nhiên đến nay chưa có phường, xã nào nhận được văn bản giải thích và xin lỗi công dân vì lý do trễ hẹn. Cán bộ các Phòng LĐ-TB&XH đều phản ánh: Khi chuyển HS liên thông lên Sở đều không qua “một cửa” tại Sở mà vào thẳng phòng chuyên môn nên không có giấy biên nhận HS. Việc này trái với quy trình của MCLT. Phần lớn HS trễ hẹn thường tập trung vào việc giải quyết chế độ trợ cấp từ trần và mai táng phí đối với người có công cách mạng, HS đề nghị cấp sổ ưu đãi giáo dục, HS giải quyết chế độ theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg, giải quyết chế độ đối với con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Dự báo sẽ còn “thất hứa” với dân

- Trường hợp các hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì trong thời hạn không quá 3 ngày kể từ ngày có kết luận không giải quyết, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm liên hệ UBND phường, xã trả lại hồ sơ và thông báo lý do bằng văn bản. Trong thời hạn không quá 2 ngày, UBND phường, xã trả hồ sơ và gửi văn bản giải thích lý do cho công dân.
- Trường hợp thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài hơn quy định, nguyên nhân do cơ quan nào gây ra thì cơ quan đó phải có văn bản giải thích và xin lỗi công dân (thông qua UBND phường, xã). Đối với các nguyên nhân chủ quan, các công chức thiếu trách nhiệm phải được xử lý theo quy định.
(Trích Quyết định 2061/2007/QĐ-UBND của UBND thành phố về Đề án MCLT).

Qua thực hiện cơ chế MCLT trên lĩnh vực LĐ-TB&XH có những việc không thể hẹn thời gian giải quyết. Các địa phương đề nghị không đưa vào MCLT việc giải quyết chế độ cứu tế thường xuyên vì ngân sách đã cân đối từ đầu năm. Nếu phát sinh loại HS này thì phải lập thủ tục bổ sung kinh phí rất mất thời gian. HS giải quyết vốn vay giải quyết việc làm được quy định trong 10 ngày nhưng lại phụ thuộc vào việc có thu hồi nợ hằng tháng không đáp ứng được nhu cầu vay rất lớn. Do đó khó có thể giải quyết trong 10 ngày. HS trợ cấp khó khăn đột xuất đưa vào MCLT sẽ kéo dài thời gian. Nộp HS tại “một cửa” của Phòng LĐ-TB&XH việc giải quyết sẽ kịp thời hơn với đối tượng đề xuất rất cần.

Qua kiểm tra cho thấy việc tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế MCLT phụ thuộc vào trách nhiệm của người đứng đầu các Phòng LĐ-TB&XH. Ở Hòa Vang, trưởng phòng thường xuyên theo dõi tiến độ giải quyết HS và họp rà soát tình trạng HS trễ hẹn đều đặn hằng tháng để xử lý trách nhiệm của công chức do chủ quan để HS trễ hẹn. Sổ sách quản lý HS được chia thành từng loại để quản lý rất khoa học. Trong khi đó, ở quận Hải Châu, việc lập sổ theo dõi quản lý HS rất khó tra ngay được tình trạng HS trễ hẹn. Tại quận Thanh Khê, tổ công tác đánh giá lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH không nắm được tình hình xử lý HS.

Phòng CCHC Sở Nội vụ cho biết, sắp tới đây ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp nhận thêm nhiều HS thuộc diện mở rộng đối tượng được giải quyết theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg. Nếu tình trạng HS trễ hẹn không được cải thiện thì bộ phận tiếp nhận và trả kết quả HS tại UBND các phường, xã sẽ tiếp tục “thất hứa” với nhiều người dân.

Bài và ảnh: HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.