.

Nhận diện tham nhũng

Hiện nay, hành vi tham nhũng rất đa dạng, tinh vi, không dễ để phát hiện, một trong những dạng đó là nạn hối lộ.

Hối lộ, nói gọn lại là hành vi “người cho” và “kẻ nhận”, nhưng không phải “cho” và “nhận” nào cũng ghép vào tội tham nhũng. Trong quan hệ qua mối ứng xử giữa “người cho” và “kẻ nhận” là những hành vi giao tiếp rất đời thường, và đối với người Việt chúng ta còn xem đây là một lối sống, ứng xử văn hóa. Trong quan hệ xã hội rất cần có những sự “cho” và “nhận” chứa đựng những mối ân nghĩa tốt đẹp, không mưu cầu, tư lợi, chẳng hạn như: lễ Tết hằng năm; ma chay, cưới xin; cảm ơn người đã giúp đỡ mình; nhân việc vui buồn mà có quà biếu riêng; đền ơn đáp nghĩa; ăn quả nhớ kẻ trồng cây; giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn... Mọi hành vi được nhận phải dựa trên tinh thần của “người cho” và “kẻ nhận” đều phải thuận theo chữ “lễ”.

Đặng Huy Trứ làm quan thời vua Tự Đức đã từng viết: “Nói là có quyền nhận nhưng cũng cảnh tỉnh rằng: Đòi sau một người gây thói xấu, mười người nhắm mắt theo. Người cho thì nói không làm thế không tròn được cái đạo với người trên. Kẻ nhận thì nói rằng: khước từ e không làm yên lòng người mang đến. Cứ theo nhau như thế thì thành nếp xấu”. Cho nên, Đặng Huy Trứ luôn nhắc rằng, nếu sự cho và sự nhận vượt ra ngoài chữ lễ thì nên tránh xa. Từ xa xưa, ông cha ta từng nói “của biếu là của lo, của cho là của nợ” cũng hàm ý nhắc nhủ và răn đe.

Khi nói về tình trạng tham nhũng, trong xã hội ta cũng có câu: “Quan thì tham, mà dân thì gian”, thử xem câu này ứng xử với nạn hối lộ hiện nay như thế nào? Nạn hối lộ trong xã hội hiện nay rất “phong phú”, “đa dạng”, nhiều hình thức, nhiều đối tượng khác nhau, có thể khái quát như sau: Học sinh, sinh viên, học viên mua điểm, mua bằng; cán bộ cần được tiến cử; cán bộ sai phạm hối lộ để được phục chức hay chuyển ngạch; công dân hối lộ để được ra làm việc; cán bộ hối lộ để được chuyển đến chỗ tốt; địa phương, các ngành, các doanh nghiệp hối lộ các cán bộ đến thanh tra; đồng sự làm việc bất công, hối lộ để được che giấu; con buôn hối lộ để được giảm thuế; nhận hối lộ mới xét sắc phong; hối lộ để được giảm án, hối lộ để lấy lòng thủ trưởng; hối lộ để được vay vốn; hối lộ để được đầu tư; hối lộ để được cấp ngân sách.

Hành vi hối lộ quá nhiều, không ai có thể kể hết mà chỉ trong một hành vi “người cho” và “kẻ nhận”. Hành vi này được giấu mình trong lớp vỏ tưởng chừng không được để tâm, vì là “tiền thuốc, nước” nhưng cũng chính kiểu “cho” và “nhận” này cũng đủ sức gặm nhấm, công phá làm mục nát bộ máy Nhà nước. Thực chất nó là cái vỏ bọc bề ngoài của nạn tham nhũng và tệ hối lộ - một căn bệnh kinh niên và khó miễn dịch đối với bộ máy Nhà nước ở mọi thời kỳ và dường như mảnh đất kinh tế thị trường hiện nay đang tạo điều kiện cho nó “nở rộ”.

Tuy nhiên, nói vậy không phải là không có thuốc chữa mà có nhiều phương pháp, có nhiều cách thức, cả nước, cả cộng đồng phải ý thức kiên quyết đấu tranh chống lại nó. Ngoài các biện pháp hình sự, dân sự, để bảo vệ và ngăn chặn tham nhũng thì cần đến sự cảnh giác của cộng đồng, theo dõi hành vi của cộng đồng và của các công dân. Toàn bộ phải được củng cố bằng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, yêu chế độ và sự gắn bó với truyền thống của ông cha. Để có được điều này, trước hết phải bắt đầu bằng sự giáo dục từ gia đình, đoàn thể, xã hội, Đảng, Nhà nước... Then chốt nhất vẫn là giáo dục của gia đình, vì đây là “tiểu xã hội”, “tu nhân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nếu gia đình sống minh bạch, thanh liêm thì con cái cũng sẽ noi theo, chí ít cũng được một phần, góp thêm phần cho việc ngăn chặn tham nhũng. Phải giáo dục làm sao để mọi người luôn luôn nhận thức được tham nhũng là hành vi xấu xa; là một sự tủi nhục đối với bản thân, với gia đình và xã hội; một tội ác cần xa lánh. Như Bác Hồ đã dạy: “Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp, mà ai cũng phải thù ghét, phải từ bỏ”.

Để những điều đó đi sâu vào lòng người, ai ai cũng nhận thức được, trong thời gian đến chúng ta nên đi sâu vào nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, đặc biệt là học tập chuyên đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí”.

LÊ PHỤC

;
.
.
.
.
.