.

Những người Mỹ sau chiến tranh

.

Sau ngày 30.4.1975 đến 20 năm, trong lúc chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng lệnh cấm vận với Việt Nam, thì đã có những người dân Mỹ, dù trước đây có hay không liên quan đến cuộc chiến đã trở lại đất nước hình chữ S này, như những sứ giả của hòa bình, sự thân thiện giữa hai dân tộc...Một Việt Nam nhân hậu và phát triển nhanh chóng sau chiến tranh ngày càng “cám dỗ” tâm hồn họ. Sau đây là một vài chân dung tiêu biểu...

Người rải tro di cốt đồng đội ở thượng nguồn Thu Bồn

Giáo sư Kenneth và một em bé nạn nhân chất độc da cam ở ngoại ô Đà Nẵng (ảnh do nhân vật cung cấp).

Sau khi đi quân dịch một năm (1968-1969) trong một đơn vị bộ binh, đóng quân ở Hiệp Đức, phía tây Quảng Nam, Kenneth J. Herrmann, Jr. trở về Mỹ tiếp tục làm việc trong một cơ quan công tác xã hội và sau đó đi học đại học, rồi trở thành giảng viên của trường đại học Brockport, New York. Anh lấy vợ nhưng không dám đẻ con vì sợ nhiễm chất độc da cam lúc ở chiến trường Việt Nam.

Vợ chồng anh nhận nhiều đứa con nuôi châu Á để lấp đi sự trống trải. Nhưng... “cô ấy đã nhìn thấy tôi bấn loạn cùng những cơn ác mộng diễn ra suốt đêm. Cô thấy phản ứng sợ hãi của tôi vào những lần tôi thấy Việt Cộng đứng ngay ở cuối chân giường. Cô từng thấy trong những lúc mơ ngủ tôi bò lổm ngổm quanh giường để tránh đạn của kẻ thù...”. Những hồi ức đẫm máu về những người nông dân Việt Nam bị bắn chết, những cảnh hiếp dâm trẻ con của những lính Mỹ...khiến Hermann không bao giờ yên ổn.

Anh được vợ khuyến khích trở lại Việt Nam năm 1998. “Đây giống như một chuyến đi định mệnh.Cũng giống như nhiều cựu chiến binh Việt Nam khác, tôi bị ám ảnh bởi quãng thời gian này...Tôi đã tưởng dễ dàng bước ra khỏi ký ức của cuộc chiến ở Việt Nam, vậy mà không, những ký ức cứ dai dẳng bám theo tôi...”.

Kenneth trở lại Đà Nẵng và tìm đến nơi trung đội bộ binh của anh đã trú đóng 30 năm trước: “Đà Nẵng tràn ngập tiếng nhạc, tiếng cười nói của con trẻ, câu chuyện vui của những bà nội trợ và hàng ngàn chiếc xe máy đan dệt như mắc cửi trên đường phố. Không gian thoảng làn gió biển, hương của những loài hoa, mùi thơm của những món ăn ngon lành nóng sốt...Thành phố này đổi đời cho những ai có máu phiêu lưu. Tôi có cảm giác như tôi đã chết ở một miền ven biển cách Đà Nẵng 60 km về phía Tây Nam hồi cuối thập niên 60 (thế kỷ trước) và kỳ lạ thay được hồi sinh 30 năm sau đó”...

Sau lần trở lại chiến trường xưa, quay về Mỹ, giáo sư Hermann lập ra chương trình giáo dục quốc tế Sunny Brockport đưa sinh viên của đại học bang New York sang Việt Nam với một chương trình đặc biệt, giúp sinh viên Mỹ “một vốn hiểu biết nào đó về Việt Nam, giúp các em phát triển những kỹ năng giao tiếp với người Việt và tạo cho các em cơ hội giúp đỡ những người nghèo...”.Từ khi bắt đầu năm 2001 đến nay, chương trình này vẫn đang vẫn tiếp tục với mỗi năm 3 khóa học tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận thuộc tỉnh Quảng Nam.

Trong cuốn sách của mình viết về cả hai giai đoạn ông đến Việt Nam (Một người Mỹ ở Việt Nam hôm nay), trung sĩ – giáo sư Kenneth Hermann đều hoàn toàn không dễ dàng khi chọn đứng về phía của công bằng và lẽ phải. Ông từng gặp những sự chống đối của những kẻ đại diện cho phe diều hâu coi ông như “kẻ phản bội lại nước Mỹ”, từng bị vợ đòi ly dị vì hạnh phúc riêng tư bị sứt mẻ khi ông bị cuốn vào công việc từ thiện ở Việt Nam... Nhưng ông đã không lùi bước vì lý tưởng của một nhà hoạt động xã hội...

Có một lần đưa sinh viên đến một làng quê ở Quế Sơn, một người nông dân 45 tuổi đã kể chuyện cho các sinh viên: Mẹ anh bị bệnh và lúc đang điều trị tại một bệnh xá của quân giải phóng ở Hiệp Đức thì bị máy bay Mỹ đến thả bom. Hơn 30 năm nay anh không tìm được xác mẹ để chốn cất cho tử tế và “ chết mất xác là nỗi đau ghê gớm đối với người Việt Nam chúng tôi. Vì thế mà vong hồn bà đã không được đầu thai, cứ lang thang vô định trên mảnh đất này mãi mãi”.

Theo đánh giá của chương trình Suny, kết quả những khóa học đã mang lại cho các sinh viên Mỹ những nhận thức đúng đắn về một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh nhìn theo một chiều mà những nhà chính trị ở Mỹ lẫn các nhà làm phim ở Hollywood đã tưởng tượng ra để nhồi nhét cho lớp trẻ ở nước họ trong nhiều thập niên.

Trong nhiều chuyện kể về những năm trở lại Việt Nam của giáo sư Herrmann có một chuyện hết sức cảm động: Ông đã đưa các sinh viên Mỹ đến thắp hương ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở miền Trung Việt Nam- “nơi yên nghỉ của những kẻ thù của hôm qua đã chiến đấu để bảo vệ cho quê hương họ”, thăm những người dân quê từng trải qua những đau khổ của chiến tranh mà ông và đồng đội từng góp phần gây ra.

Và cảm động lên đến đỉnh điểm khi ông mang tro hài cốt của một cựu binh tên Rick Bradshaw- chết tại Mỹ vì di chứng của chiến tranh ở Việt Nam- rải trên thượng nguồn sông Thu Bồn theo di chúc của anh ta (và đề nghị của vợ anh ta) trước sự ngậm ngùi của cả những sinh viên Mỹ lẫn những người dân Việt Nam chứng kiến vào buổi chiều tối sau khi đi viếng mộ các liệt sĩ “phía bên kia” trong khu vực. Bài thơ của Rick Bradshaw để lại như một di chúc mà giáo sư Herrmann đã đọc lại vào phút ấy có những câu cảm động:

Một mai khi tôi chết

Tôi muốn tro tàn xác thân tôi

Theo gió núi rải đi khắp cao nguyên Trung phần Việt Nam

Từ nơi này tâm hồn tôi

Sẽ dõi nhìn vẻ đẹp cuộc đời

Và dòng nước của trời sẽ gột rửa tâm hồn tôi

Mang đến những thửa ruộng bậc thang

Mọc lên bên sườn đồi...

Tôi sẽ sống ở đây mãi mãi...

Để mỗi ngày sẽ trồi lên trong những cánh hoa rừng...

Những gì đã theo tôi đến mảnh đất này

Đến cái nơi mà tôi không thể

nào dứt bỏ khỏi trái tim tôi...

Giáo sư Kenneth Hermann bị bắt quân dịch và bị đưa đến chiến trường Quảng Nam lúc mới 25 tuổi. Giờ đây ông là giáo sư khoa Công tác xã hội của một trường đại học danh tiếng. Ông hiện là giám đốc chương trình phi chính phủ mang tên Quỹ Đà Nẵng/Quảng Nam và giám đốc chương trình giáo dục quốc tế của Suny Brockport. Ông cũng là tác giả nhiều sách giáo khoa, bài báo và nhiều cuốn sách lên án nạn xâm phạm tình dục trẻ em...

Khi bài báo này lên khuôn, ông đang trở về Mỹ để chuẩn bị cho một khóa học mới về Việt Nam cho các sinh viên của ông...

Một người Mỹ kiên trì

Khác với giáo sư Kenneth Herrmann, Peter Ryder đến Việt Nam không ở trong tâm trạng ám ảnh của một cựu binh. Anh là một Newyorker chính gốc, có bằng MBA về nhân loại học và từng chống chiến tranh trong thời gian quân đội Mỹ đến Việt Nam.

Petet Ryder đi cứu trợ bão lụt ở huyện Điện Bàn.

Năm 1992, Peter đi du lịch Việt Nam một tuần lễ trong lúc đang làm việc cho quỹ tín dụng Salomon Brothers chi nhánh tại Nhật. Như lời anh kể lại với tạp chí Credit Suise: Đó là một câu chuyện điển hình, đặc thù: Tôi đến đây 1 tuần, và ở lại từ đó đến nay. Việt Nam cũng tự thay đổi rất nhiều từ đó. Nhưng cái gì giữ tôi lại lúc đó và hấp dẫn tôi bây giờ, thì đó là: Con người, vùng đất và những gì xảy ra ở đây. Tôi không tìm thấy lý do gì để rời khỏi đây. Không có lý do gì mà tôi không ở lại!  Peter Ryder cũng kể với nhà báo của tạp chí Businessweek: “Cảnh vật, con người, những hàng cây ven đường, những công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc, những bãi biển hoang sơ và cả những tà áo dài của nữ sinh đạp xe trong những buổi sáng tinh mơ như một tảng bông trôi trên đường phố ở Việt Nam... đã hớp hồn tôi. Trong đó có Thủy, vợ tôi bây giờ, lúc đó là một sinh viên kiêm thông dịch mới 24 tuổi. Cũng như sự hấp dẫn khi đào bới khảo cổ ở Trung Mỹ trong chương trình lấy bằng MA về nhân loại học của đại học Pennsylvania ngày trước, tính ưa khám phá đã giữ tôi ở lại Việt Nam cho đến bây giờ...”.

Ngay từ khi cơ chế đầu tư và kinh tế tư nhân chưa chuyển đổi rõ ràng, Peter vẫn tin tưởng đất nước này sẽ phát triển. Trong lúc chờ đợi đó, anh và vợ đã biến báo với nhiều nghề khác nhau như phân phối mỹ phẩm, mở salon làm tóc, lập công ty công nghệ thông tin...ngay từ những năm mà chiếc điện thoại di động và internet vẫn còn là những gì vô cùng xa xỉ ở Việt Nam.

Peter tại lễ động thổ sân golf Montgomerie Links.


Sau 3 năm “dĩ vạn biến”… Peter có được giấy phép đầu tư đầu tiên xây dựng một tòa nhà 7 tầng tại Hà Nội và sau đó là những dự án khác.Anh kể rằng qua mỗi lần như vậy, anh đều gặp được những người bạn tâm huyết cùng hợp tác như Rick Mayo-Smith lúc đó đang xây dựng khu nghỉ mát 5 sao Furama ở Đà Nẵng, hoặc sau này khi cùng Rick lập ra Indochina Capital là lại có Tùng Kim Nguyễn, một trí thức Việt Kiều làm việc tại Golden Sachs, New York và văn phòng Tổng thống Mỹ ở Washington.

Họ trở thành “bộ ba” vững chắc và đi đến quyết định niêm yết cổ phiếu một cách thành công tại thị trường chứng khoán Luân Đôn. Peter nhớ lại: “Biết nhau ở Mỹ trong một đội bóng đá thời trung học, 25 năm sau, tôi và Rick gặp lại nhau tại VN. Khi đó Rick đã sở hữu Công ty Indochina, còn tôi điều hành một công ty trong lĩnh vực phát triển bất động sản, chủ yếu đầu tư vào các công ty ở miền Bắc VN...” .

Năm 1999 (và sau đó), Rick, Peter và Tùng sáp nhập để thành lập Indochina Capital. Hiện nay, Indochina Capital đã phát triển lên thành một tập đoàn, gồm bốn nhánh kinh doanh chính là quĩ đầu tư Indochina Land chuyên về bất động sản, quĩ đầu tư Indochina Capital Vietnam Holdings Limited chuyên về đầu tư chứng khoán, Công ty chứng khoán Mekong (Indochina là nhà đầu tư chiến lược) và công ty tư vấn tài chính Indochina.Hiện nay, Indochina đang quản lý số vốn gần 1 tỉ USD.

Peter Ryder là một người Mỹ đến Việt Nam sau chiến tranh. Với tư cách là chủ tịch Am Charm nhiều năm tại Hà Nội, ông đã có nhiều đóng góp trong vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ đối với việc bình thường hóa quan hệ thương mại và đầu tư của hai nước. Đặc biệt, Peter rất tin tưởng vào sự phát triển bền vững về mọi mặt ở Việt Nam, “vì Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, ngôn ngữ thống nhất và một đội ngũ lãnh đạo trẻ trung đang đẩy mạnh đổi mới và hướng tới hội nhập rộng rãi với thế giới.” Không chỉ làm ăn, Peter từng hủy bỏ nhiều cuộc lễ lạc tốn kém để dành tiền cho công tác xã hội. Riêng trận lũ lụt năm 2007, Indochina Capital đã dành hơn 1,5 tỉ đồng cứu trợ cho hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong những năm tới, định hướng đầu tư và “hạ tầng mềm”, tức phát triển nguồn nhân lực cũng là một trong những chủ trương của tập đoàn này tại khu vực miền Trung.

Đầu năm nay, khi trả lời câu hỏi “Nếu ai đó yêu cầu ông tóm tắt trong một câu về Việt Nam, ông sẽ nói thế nào? của tạp chí Credit Suisse, Peter Ryder đã nói ngay: “Chín mươi triệu dân, nhanh nhẹn, tháo vát, thông minh, người phương Đông theo Nho giáo- Hãy đến và làm ăn với họ!”.

Theo thống kê, số vốn Indochina Cappital đã đầu tư tại VN đến nay là 250 triệu USD, bao gồm khu nghỉ dưỡng The Nam Hải với vốn đầu tư 60 triệu USD, sân golf Montgomerie Links 60 triệu USD, Indochina Riverside Towers 30 triệu USD và khu nghỉ mát cao cấp Hyatt Regency Danang Resort & Spa có vốn đầu tư 100 triệu USD vừa được khởi công trong tháng 3-2008.

Theo Peter Ryder: “250 triệu USD còn lại sẽ đầu tư vào 3 khu nghỉ dưỡng nữa trong vòng 3 năm tới đây, chưa kể những dự án khác đang đầu tư tại các khu công nghiệp ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi... Quỹ Indochina Capital Vietnam Holdings Limited với số vốn 500 triệu USD, được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn từ tháng 3-2007.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.