.

“Tôi muốn được sống ở Đà Nẵng”

.

Luật sư Trần Quốc Khánh, bạn học thời trung học của chúng tôi, làm việc cho hãng máy tính IBM từ 30 năm nay ở Mỹ. Chúng tôi thường nói chuyện cùng nhau qua mạng skype mỗi tuần.

Có hôm chúng tôi cùng vào Google earth và tìm đến Đà Nẵng. Cách nhau nửa vòng trái đất, thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, chúng tôi (có lúc hai, ba người) cùng “lang thang” trên những con đường của thành phố mà 40 năm trước, những hôm nghỉ học, bọn tôi thường đạp xe dạo chơi.
 

Và những câu chuyện về Đà Nẵng được nhắc lại, kể với nhau. Lại có hôm, Khánh bảo tôi “đáp xuống” thành phố San Jose, nơi anh đang ở và hướng dẫn tôi đường từ sân bay về nhà anh. Ngôi nhà có khu vườn rộng khoảng một sào đất ở San Jose cũng có giá ngang với một ngôi biệt thự trên đường Phạm Văn Đồng phía biển.

Tôi chỉ cho Khánh chiếc cầu qua sông Hàn được xây dựng bằng tiền của người dân đóng góp. Chiếc cầu bắc qua vùng đất Hà Thân này hoàn thành vào những ngày cuối thế kỷ 20 đã xóa đi sự chia cách và xóa luôn hàng ngàn căn nhà chồ bên kia sông, bỗng chốc làm cho Đà Nẵng vốn chật hẹp trong thời chiến giờ rộng ra gấp đôi và mở cửa nhìn ra mặt-tiền-biển-Đông.

Tôi lại “dẫn” anh bạn đang ở San Jose đi trên đường Nguyễn Tất Thành hình cánh cung nối các vùng Trẹm, Thanh Bồ, Đức Lợi ngày xưa lên tận Nam Ô, Thủy Tú. Cả một vùng thấp trũng, chen chúc nhà tôn vách ván dọc Phú Lộc, Thanh Bình, Thanh Khê biến mất. Đi trên con đường mới này, Khánh bảo giống hệt như khung cảnh của vịnh Victoria bên Hồng Kông vậy! Tôi lại chỉ cho bạn những con đường nối từ sân bay xuống trung tâm thành phố rộng 4 làn xe, con đường nối biển Mỹ Khê vô Hội An cũng vậy. Khánh bảo “Giờ hai đứa mình lên Bà Nà đi, hồi xưa mình chỉ nghe nói đến cái khu nghỉ mát đó chứ làm sao đến được!”. “Ừ, thì lên Bà Nà nhé!”.

Tôi click chuột để kéo bản đồ Google earth xuống và nói với Khánh: “Đi theo con đường lên chợ Hòa Khánh nhé, hồi xưa đoạn này là đất làm ăn của cái băng “người dơi” nổi tiếng chôm hàng trên những chiếc xe lô bồi của lính Mỹ đó. Nay con đường kéo dài ra tận hầm đèo Hải Vân rộng như một xa lộ. Nhưng muốn lên Bà Nà thì phải rẽ trái khi đến chợ Hòa Khánh. Qua khỏi nhà thờ Phú Thượng rồi tiếp tục đi nữa, rồi lên con đèo khoảng 15 cây số là tới đỉnh cao gần 1.500 mét...”. Khánh nói: “Rồi! Mình cũng lên được Bà Nà đây.

Hồi xưa người Pháp lên đây hình như bằng cáng và họ bắt dân mình khiêng, phải không?”. “Ừ! Bây giờ đi ô-tô và sắp tới đi bằng cáp treo; sắp tới nữa sẽ đi bằng trực thăng để lên tới đỉnh. Nếu đi ô-tô từ Đà Nẵng lên chỉ mất 1 giờ. Ở đây thời tiết rất đẹp. Nhiệt độ như Đà Lạt. Trên này có mấy cái khách sạn khá lắm, Khánh ạ!”. Khánh ồ lên và nói: “Vậy thì sáng đi shopping, trưa qua tắm biển Mỹ Khê, tối lên Bà Nà nghỉ được không?”. Tôi bảo: “Mấy công ty du lịch ở Việt Nam đều rao trên mạng một cái tour như vậy đó khi tìm khách về Đà Nẵng từ mấy năm nay rồi!”.

Hôm đó, chúng tôi phải rời Bà Nà nửa chừng vì Khánh có điện thoại của người anh ruột là Tiến sĩ Trần Anh Tuấn từ Sài Gòn gọi qua.

Hôm kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, Khánh lại gọi cho tôi bằng Skype và bảo: “Ông tìm cho tôi chỗ nào đó bên biển, năm nay tôi sẽ về làm một cái nhà bên đó và về ở Đà Nẵng. Tôi muốn được sống ở một chỗ như Đà Nẵng để sáng ngồi cà phê với bạn bè, trưa tắm biển và chiều lên độ cao 1.500 mét nhìn xuống thành phố chỉ chưa đầy 1 triệu dân. Tuyệt lắm ông ạ!”.

“Vậy ông nghỉ việc ở IBM hả?”- tôi hỏi. Khánh cười to bên kia trái đất: “Đâu có, mang theo cái laptop thì ở đâu cũng làm việc được mà! Tôi ở San Jose nhưng hội sở của IBM lại ở tận New York mà vẫn làm việc đó thôi! Về Đà Nẵng ngồi làm việc thì cũng như ở San Jose thôi! Nhớ nghe, tìm mua cho tôi một lô đất!”- Khánh nhắc lại.

Là học sinh Phan Châu Trinh đi du học ở Mỹ từ năm 1973 và mới chỉ về Đà Nẵng một lần cách đây 4 năm, rồi vài lần cùng chúng tôi lang thang trên phố Đà Nẵng bằng Google earth, luật sư Trần Quốc Khánh bỗng muốn về sống lại ở thành phố quê hương vì những đổi thay đến bất ngờ của nó. Và cũng vì kỷ niệm nữa. Câu chuyện của anh, tuy là của một cá nhân, nhưng nghĩ cho cùng cũng là một khía cạnh về sức hút của một thành phố vừa năng động, vừa được thiên nhiên ban phát cho những giá trị hiếm có.

Nguyễn Hoàng Sa

;
.
.
.
.
.