.

Ai ơi bưng bát cơm đầy...

.

Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta xưa luôn dặn dò: Hạt cơm rơi xuống đất phải nhặt lên, chân lỡ dẫm lên hạt gạo, hạt thóc là thấy có tội với Trời. Những lời dặn vẫn nguyên giá trị, dù mỗi người có xa quê, ra phố. Bưng bát cơm đầy, trân trọng hạt thóc người nông dân làm ra, cũng bởi vì họ đã còng lưng cày cấy, gửi gắm bao mong ước có một vụ mùa tươi tốt.

Vui chưa dứt khi giá lúa tăng cao

Với anh Ba Đía, dù ruộng có ít, mùa được mùa mất nhưng đã làm nông dân thì biết yêu đất mà sống với nghề.


Đầu năm 2008, giá lúa thu mua đạt 4.000-4.200 đồng/kg khiến nông dân rất đỗi vui mừng khi lần đầu tiên lúa thực sự là “mặt hàng có giá trị”. Nhưng gieo xong vụ đông xuân, lúa vào thời kỳ đẻ nhánh thì đợt lạnh ở phía Bắc tràn xuống. Nhiều cánh đồng phải gieo lại hoặc nông dân phó mặc cho thời tiết. Nay, xong kỳ thu hoạch, giá lúa đã tăng lên 5.500 đồng/kg (riêng trong đợt giá gạo tăng đột biến vừa qua, giá lúa có lúc lên đến 6.000 đồng/kg).

Ông Huỳnh Quế ở tổ 7 Bình Kỳ 1, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn gieo 1 mẫu ruộng nhưng một nửa đã mất mùa khi gặp lạnh. Vài mảnh ruộng lúa chưa đẻ nhánh, ông quyết định gieo lại 5 sào. Cũng may trời đãi, lúa được mùa, mỗi sào ông thu 3,5 tạ. Ông Quế bán lúa vào thời điểm mỗi ký lúa giá 6.000 đồng, để trả tiền công máy gặt và máy đánh bông hết 90 nghìn đồng/sào. Nhưng chỉ những nông dân có nhiều ruộng, trồng lúa mới thấy lãi chút đỉnh.  Ông Nguyễn Dư, ở tổ 7 Bình Kỳ 1, Hòa Quý gieo 6 sào, được mùa, sau khi trừ công cán vẫn có hơn nhiều vụ trước nhưng theo ông rất khó làm giàu với nghề nông với chi phí cho mỗi sào ruộng lên gần 700 nghìn đồng/sào, trong khi giá lúa được xem là cao như hiện nay. Ông nói rất thật lòng: “Đời mình làm nghề nông, dầu cuộc sống không khá giả nhưng ổn định, đỡ lo gạo cơm là đã hạnh phúc”. 

Cũng ở Hòa Quý, nhiều gia đình làm ruộng chỉ đủ ăn vài tháng, cũng phải bám ruộng như cái nghiệp của người làm nông. Gia đình anh Phan Ba Đía và chị Phùng Thị Hoa cùng làm chung một mảnh ruộng 2,6 sào. Khi chia ruộng, mỗi nhà chỉ có 3 nhân khẩu nên ruộng ít, họ quyết định làm chung, không cả be bờ để tiết kiệm một diện tích chỉ có thể cấy được 2 hàng lúa. Lúa được mùa, mất mùa với từng người. Anh Ba Đía và chị Hoa chỉ đỡ không phải mua gạo khi thu hoạch xong vụ đông xuân, còn thời điểm giáp Tết sau vụ hè thu vẫn phải đong gạo như bao gia đình ở phố. Giá lúa tăng, giảm vì thế cũng ảnh hưởng đến anh, chị không ít.

Nghề nông phải giữ

Những người nông dân thử làm phép tính cho mảnh ruộng của mình. Trước đây, chi phí cho máy làm đất là 40 nghìn đồng/sào, nay tăng lên 70 nghìn; giá phân NPK mùa trước, bao 50kg giá 300 nghìn, cách đây hơn một tháng, giá đã lên 600 nghìn đồng/bao. Nhiều người đã phải ngậm ngùi cắt giảm “khẩu phần” cho mảnh ruộng của mình bằng cách tính vào mùa tới, chờ lúa lên 2 lá mới mua phân bón lót, thay vì bón trước khi gieo mạ. Có một thực tế là những gia đình nông dân, nhà nào cũng nuôi thêm vài con heo, nhưng không thể tận dụng nguồn phân chuồng vốn rất tốt cho cây trồng, vì nuôi heo bằng thức ăn gia súc, phân chuồng có chất muối, không thể bón cho lúa. Phụ thuộc hoàn toàn vào cách sử dụng phân bón, hóa chất, người nông dân bỏ dần thói quen canh tác trước kia, khiến chi phí đầu vào tăng cao, nên rất khó kiếm lời sau một mùa cày cấy.

Đã vào vụ mới, nhưng nhiều gia đình ở Hòa Liên quyết định không gặt lúa ở những đám ruộng lúa đã không đẻ nhánh nổi khi gặp lạnh. Gia đình nào nhiều ruộng mới có hạt vào hạt ra, nhiều gia đình coi như mất trắng một mùa. Đồng ruộng Hòa Liên năm nay không được mùa như Hòa Quý, chi phí nhân công lại có phần nhích hơn. Như gia đình ông Bùi Trúc ở thôn 3, Quan Nam 3, xã Hòa Liên có 1 mẫu ruộng, nhưng thuê người cắt đã phải trả mức giá 150 nghìn đồng/sào, công tuốt 25 nghìn đồng/sào nữa, xem ra làm lúa chỉ để đỡ phải chạy mua gạo. Chưa hết, vào mùa mới, mỗi gia đình thuê máy cày trục với giá ngất ngưởng 75 nghìn đồng/sào, thêm 20 nghìn thuê trâu sục đất cho nhuyễn trước khi gieo đã khiến nhiều gia đình lo lắng. Các mùa trước, những người cày đất đều cho nông dân nợ tiền làm đất, nhưng mùa này nông dân phải trả công ngay.

Làm ruộng có cực khổ cách mấy nhưng đã chọn sống bằng nghề nông thì phải bám ruộng. Ấy vẫn là lời khẳng định của nhà nông. Đôi khi nghe ở miền Bắc có những làng chỉ còn ông bà già và trẻ nhỏ, thanh niên bỏ lên phố kiếm tiền, ruộng bỏ hoang; thì ở đây, dù ruộng ở giữa phố, vẫn có những gia đình lấy nghề nông làm trọng. Nhiều nhà nông đã giữ nghề theo cách, rảnh tay với đồng ruộng giờ nào là họ tìm nghề phụ để sống, như anh Ba Đía làm thêm phụ hồ, vợ của ông Trúc lại lăn lộn ra chợ đi buôn cá... Anh Lê Thanh Điệp ở thôn Vân Dương 2, Hòa Liên còn khẳng định, dù làm lúa chỉ giúp anh đủ ăn và anh có đủ thứ nghề để theo nhưng “nghề nông phải giữ”.

Làm nông dân hiện nay, dù đã được cơ giới hóa phụ giúp rất nhiều, nhưng những ai chọn nông nghiệp làm nghề vẫn phải trông chờ vào thời tiết, chưa kể sự tác động của thị trường khiến họ chẳng lúc nào được thảnh thơi. Có được hạt thóc, người nông dân phải đổ bao giọt mồ hôi, điều đó không ai tính được. Bưng bát cơm đầy, ta hiểu được nỗi khó nhọc của nông dân, quý hạt thóc họ làm ra, âu đó cũng là cái phúc của những người làm ra hạt gạo.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.