.

“Bán mặt cho rác...”

.

Lặng lẽ đạp xe vòng vèo phố xá, “thả hồn” vào các thùng rác ven đường, kín mít từ đầu tới chân với cây khèo nhỏ và trở về nhà với những bao phế liệu căng phồng. Họ, những phụ nữ kiếm sống và nuôi gia đình bằng nghề móc bọc, vẫn biết ngày 1-5 là ngày Quốc tế Lao động, nhưng “Chỉ biết, rứa thôi!”.

Trò chuyện với chúng tôi rất nhiệt tình, nhưng họ lại cương quyết không tháo khẩu trang bịt mặt, không chịu nói tên, chỉ vì: “Sợ con cái biết được sẽ tủi hổ với bạn bè”.

Đông cứng nỗi tủi hổ

Họ trùm kín mít từ đầu tới chân để tránh nắng và tránh... gặp người quen, vì sợ “Con biết được sẽ tủi hổ với bạn bè, hàng xóm”.

Người làm nghề lượm rác dạo dọc đường phố hiện nay hầu hết là phụ nữ. Không khó để “nhận diện” các chị: gầy còm, đội mũ lụp xụp, toàn thân chỉ để hở he hé mỗi đôi mắt, chiếc xe đạp cà tàng chở theo khi thì đống bao tời, khi lỉnh kỉnh các thứ, dừng lại thật nhanh trước mỗi thùng rác rồi cũng vội vã đi.

Từ người Đà Nẵng, cho đến người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa... ai cũng coi công việc lượm rác dạo như một cách kiếm sống “hợp” với thời gian: tranh thủ lúc nông nhàn ở quê, góp nhặt được đồng ra đồng vô cho chồng con. Khoác lên mình chiếc “áo” nghe “kêu kêu”: ra thành phố “làm ăn”, nên các chị nhất quyết không để hàng xóm láng giềng biết mình đi nhặt rác. Vẫn biết kiếm tiền bằng mồ hôi của chính mình, nhưng trong tâm trí các chị vẫn nặng nề mặc cảm. Phải trốn, phải tránh, phải quay mặt vờ như không biết, không nhớ người quen, để “con mình không tủi hổ với bạn bè, chòm xóm”.

Họ bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng và kết thúc vô chừng khoảng 19 giờ, thậm chí lúc... 0 giờ của đêm 30 Tết. Một chị nói: “Mỗi ngày tui đạp xe như rứa, tính ra cũng bằng từ đây đạp về quê ở tuốt Thăng Bình, mà có khi nhiều hơn đó chớ”. “Đồng nghiệp” của chị nói thêm: “Thấy người ta cũng con người như mình răng họ nhàn rứa. Hồi ra đây mấy đứa con đều dặn: má làm tới 10 giờ thôi chớ chạy miết ngoài nắng thì đau mất. Biết rứa, nhưng 10 giờ nghỉ thì lấy cái chi ăn?”. Lắm khi, “lượm” được cái nhìn mỉa mai, chửi rủa của người qua kẻ lại là chuyện thường ngày: “Một lần tui dựng xe đạp bên cạnh chiếc xe hơi láng tía, ông thanh niên (chắc chắn là đẹp đẽ, giàu có rồi) xả cho một tràng: Bà kia, dựng xe chỗ khác đi không, chớ trầy xe tui là không có tiền đền đâu đó. Ông ni còn không quên quăng cho hai chữ thô tục Đ.M”...

Những chuyện tương tự xảy ra hoài hoài, nhưng mỗi lần bị ai đụng chạm, trong trái tim của những người đàn bà này lại nhói lên nỗi đau nhức nhối. Dẫu vậy, “Buồn thì buồn nhưng không khóc. Tụi tôi đã xác định rồi: Có ai giúp được mình đâu, khóc làm chi, chi bằng cứ làm thinh, coi như cứng đông nỗi tủi hổ cuộc đời”.

“Móc bọc” nuôi nhà...

Nhỏ bé, gầy guộc, nhưng những người phụ nữ mà chúng tôi gặp gánh trên vai cả một gia đình. Có người chồng mất tự thuở chị chưa đầy ba mươi, phải một mình nuôi 3 con đang tuổi ăn, tuổi lớn; người thì chồng bị tai biến không thể tự lao động kiếm sống; có người là mẹ của 2 đứa con đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh...

Theo ước tính của những người “rành nghề”, trong nội thị hiện có hàng trăm người đang sống bằng nghề “móc bọc”, thành ra, địa bàn “hoạt động” bị chia nhỏ. Nhiều khi, đi suốt ngày mà kiếm không được bao lăm, tới thùng nào cũng đã có người “xí phần” trước. Ra đi từ buổi hừng đông, vừa đổi ve chai, vừa tranh thủ lượm bọc ở các thùng rác ven đường, họ thu được khoảng 30.000 đồng/ngày. Bữa nào trời thương, kiếm được cục đồng thì “mừng hú vía”. Sau khi trả tiền thuê nhà, ăn cơm bụi, họ chắt chiu, dành dụm, tằn tiện những đồng tiền còm cõi gửi về quê nhà, lo cho con tấm áo, sách vở, miếng ăn. Một chị ở Thăng Bình rầu rĩ: “Đi trên đường mà không nhớ cái chi ra cái chi, vì lo quá, không biết con ở nhà ra răng, không biết tiền gửi về có đủ thiếu chi không?”.

Đôi lúc, họ còn không nhớ tới ngày lễ, cứ cặm cụi làm, tối về tắm rửa, chen chúc nhau trong căn phòng 20 m2/10 người, rồi mạnh ai nấy... lăn ra ngủ, để ngày mai lại hùng hục đạp xe đi giữa nắng gắt. Vì lẽ đó, ngày 1-5 - Ngày Quốc tế Lao động - lại trở nên quá xa vời với những con người đang lao động cật lực, khổ cùng như những phụ nữ này. Chị ở Quế Sơn chua xót: “Biết thì biết, nhưng chẳng để làm chi! Phận mình như ri còn nghĩ chi tới mấy ngày đó. Chủ yếu là ráng kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con”.

Những mong muốn ở tương lai xán lạn trở nên quá “xa xỉ”, họ chỉ có ước mong duy nhất: “Con cái lớn lên, có thể tự nuôi sống mình và phụ giúp cha mẹ phần nào”. Hiện tại, họ chỉ cầu cho sức khỏe của mình bình thường, để không phải quỵ ngã khi những đôi mắt bé thơ ở quê nhà còn đang ngóng đợi mẹ về... Và niềm vui nhỏ bé chỉ thoáng hiện, khi họ gặp nhau, san sẻ lời ân tình, chia nhau nỗi lo, tìm kiếm sự đồng cảm về phận mình, phận người, phận của những cánh cò lặn lội...

Bài và ảnh:THU HOA - HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.