Ngày 22-5, Ban Văn hóa-Xã hội (VH-XH) HĐND thành phố đã có buổi làm việc với Sở Y tế thành phố về các vấn đề tình hình thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh 5 tháng đầu năm 2008, vấn đề xã hội hóa y tế, nhân lực y tế các tuyến và tình hình dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3 của thành phố trong thời gian qua.
Thiếu hụt bác sĩ đang gây ra những khó khăn trong công tác khám và điều trị cho ngành Y tế thành phố. |
Báo cáo của Sở Y tế thành phố cho biết, mặc dù trong những tháng đầu năm 2008, tình hình dịch bệnh xuất hiện và bùng phát mạnh tại một số địa phương trong cả nước như: Dịch tả, cúm gia cầm, heo tai xanh, nhưng ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các ban, ngành thực hiện các biện pháp cấp bách, qua đó kịp thời ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện và lây lan. Tuy vậy, một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, thủy đậu và bệnh tay-chân-miệng vẫn còn xảy ra rải rác tại các địa phương và chưa chấm dứt hẳn. Từ ngày 1-4, Sở Y tế thành phố tiếp nhận bàn giao và ổn định tổ chức bộ phận Dân số-Kế hoạch hóa gia đình từ Ủy ban Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố.
Tuy nhiên, do mới chia tách nên vấn đề chuyển kinh phí hoạt động và trả lương cho cán bộ làm công tác dân số vẫn còn chậm. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao so với cùng kỳ năm 2007. Trong 4 tháng đầu năm, đã có hơn 452 ngàn lượt người dân được khám bệnh, trong đó gần 50% là đối tượng có Bảo hiểm Y tế. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 131%. Nhiều bệnh viện tư đã ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị như kỹ thuật mổ nội soi gan mật, mổ cột sống thắt lưng, mổ thai ngoài tử cung… Tuy nhiên, mặc dù các bệnh viện tư và cơ sở y tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng nhiều, nhưng việc định hướng phát triển và công tác kiểm tra, quản lý vẫn chưa chặt chẽ.
Cho đến nay, một số đơn vị y tế điều trị đã thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa y tế thông qua hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần trong cán bộ, công chức như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Hải Châu… Một trong những vấn đề mà ngành Y tế thành phố đang đối mặt là tình trạng bác sĩ bỏ việc và xin chuyển công tác ngày càng phổ biến. Theo số liệu thống kê, từ năm 2006 đến nay đã có 21 bác sĩ xin nghỉ, tự ý thôi việc và xin chuyển công tác, gây ra những khó khăn cho công tác điều trị ở tuyến quận, huyện.
Trước thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng bác sĩ tuyến quận, huyện và xã, phường, hiện nay, Sở Y tế đã xây dựng và trình UBND thành phố thông qua Đề án “Biệt phái luân chuyển có thời hạn giữa các bác sĩ tuyến thành phố và tuyến cơ sở”. Sau khi thông qua, sẽ có kế hoạch triển khai sớm trong thời gian tới.
Đại diện Sở Y tế thành phố đã đề xuất nhiều kiến nghị, trong đó đề nghị giữ nguyên bộ máy hoạt động của Trung tâm Y tế quận, huyện như hiện nay để thuận lợi hơn trong điều hành hoạt động; bố trí hợp lý cơ sở làm việc cho Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; xét duyệt kinh phí bổ sung cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia cũng như cấp thêm kinh phí cho chương trình phòng chống sốt xuất huyết thành phố.
Đề nghị thành phố nên có chính sách ưu đãi nhằm thu hút cán bộ y tế làm việc tại các tuyến quận, huyện, xã, phường, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những ý kiến và kiến nghị nêu ra tại buổi làm việc đã được các thành viên trong Ban VH-XH HĐND thành phố ghi nhận và sẽ xem xét, trình tại kỳ họp HĐND thành phố sắp tới.
Tin và ảnh: VIỆT DŨNG