.

Cảm nhận trong những ngày Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc

Từ 14 đến 17-5 này, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra tại Việt Nam.Thế giới ngày nay có rất nhiều tôn giáo, về số lượng tín đồ, Phật giáo chỉ đứng hàng thứ 5.Thế giới ngày nay dù hòa bình và hợp tác là xu thế chung nhưng vẫn đầy bất trắc và đang có đến 12 cuộc chiến tranh mà yếu tố tôn giáo là một trong những căn nguyên.

Không phải là ngẫu nhiên mà phải là có một thuận duyên nào đó, Liên Hiệp Quốc, một tổ chức liên kết các quốc gia trên toàn cầu to lớn nhất, rộng rãi nhất, có quyền lực nhất, mới chính thức công nhận Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc là một lễ hội văn hóa tôn giáo hằng năm.

Ông Kofi Annan, nguyên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc nói: “Những lý tưởng đạo đức và nhân đạo cao thượng của Đức Phật đã khai sinh ra một truyền thống tâm linh sinh động mà hơn 2.500 năm sau vẫn tiếp tục làm cho đời sống của hàng triệu người trở nên cao cả. Trong thời đại bất trắc toàn cầu hiện nay, quan niệm về hòa bình và tiềm năng cao cả nhất của con người mà Đức Phật đã chỉ ra bỗng trở nên thích ứng hơn bao giờ hết”.

Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư ký đương nhiệm của Liên Hiệp Quốc cũng chỉ rõ: “Sau hơn 2.500 năm, những lời dạy của vị Đạo sư giác ngộ Phật Thích Ca vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời hàng triệu người trên thế giới. Chúng ta cần hiểu được tính tương duyên giữa các thành phần trong xã hội và coi trọng hạnh phúc của cộng đồng và của nhân loại như chính là hạnh phúc của bản thân mình”.
*
Phật giáo đã truyền đến Việt Nam rất sớm ngay từ thời đại Hùng Vương với Nhà nước Văn Lang, Nhà nước phôi thai của lịch sử nước ta. Vào buổi bình minh ấy chỉ khu vực Luy Lâu (chùa Dâu Bắc Ninh) đã có 20 ngôi chùa với 500 tăng ni và người Việt đã dịch nhiều kinh sách Phật giáo. Nhiều danh tăng Việt Nam như Mâu Tử, Khương Tăng Hội… đã có đóng góp quan trọng trong truyền bá đạo Phật đến Trung Quốc, nơi đã có một nền văn minh phát triển rực rỡ, được sử sách Trung Quốc đánh giá cao.

Có thể nói nền văn hóa bản địa, văn hóa Hùng Vương có một cuộc tiếp biến tốt đẹp với văn hóa Phật giáo đến từ Ấn Độ đã góp phần tạo nên một bản sắc, một bản lĩnh để dân tộc ta, non sông đất nước ta đứng vững trước mọi thử thách, dù đó là các cuộc xâm lược tàn bạo, các mưu tính đồng hóa thâm độc.

Chúng ta thường nghe nói trong trường kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành với dân tộc Việt Nam. Đồng hành không có nghĩa là cùng đi, cùng chia sẻ buồn vui, cùng chung thăng trầm mà còn hơn thế.

Có thể kể ra đây một vài sự kiện và nhân vật:

Trần Nhân Tông (1258-1308) là một ông vua đặc biệt đồng thời cũng là một ông sư đặc biệt. Chúng ta đều biết vào thế kỷ 13, nước ta phải đương đầu với 3 cuộc xâm lăng quy mô lớn của quân Nguyên Mông, một đạo quân thiện chiến, hùng hậu chưa hề biết thua trong các cuộc viễn chinh từ Á sang Âu. Trần Nhân Tông không phải là nhà lãnh đạo tượng trưng cuộc chiến, ông tập hợp và phát huy sức mạnh quân dân, bám sát chiến trường, điều binh khiển tướng, là người tổ chức và chỉ đạo tối cao đánh thắng hai cuộc xâm lăng vào các năm 1285 và 1288.

Ông có chính sách thân dân, lấy khoan thử sức dân làm kế bền rễ sâu gốc. Ông cũng có chính sách bảo đảm quan hệ hòa hiếu giữa nước ta và nước lớn phương Bắc và có sự đối xử hết sức nhân nghĩa với quân sĩ đối phương khi bại trận. Ở đỉnh cao chiến thắng vinh quang và quyền lực, cũng là trong sự tột cùng tin yêu của nhân dân, ông đã nhường ngôi cho con năm 1293 (lúc 35 tuổi) và sau đó (1295?-1299?) ông xuất gia.

Thực ra nhà vua đã đến với Phật giáo từ trước đó, vì vậy, khi xuất gia ông đã trở thành một bậc chân tu, một danh tăng sáng lập nên dòng Thiền Trúc Lâm mà nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát đã nhận định “một dòng thiền do người Việt Nam sáng lập có những điểm đặc biệt về học lý và thực tiễn tu tập nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lịch sử dân tộc”.

Ông không xuất gia như một bậc vương giả với chùa riêng được xây cất lộng lẫy với đời sống chay tịnh mà cực kỳ sang trọng. Ông tu ở các chùa làng trên mọi miền đất nước: Vũ Lâm (Ninh Bình), Siêu Loại (Bắc Ninh), Thiên Trường (Nam Định) và đặc biệt gắn bó với Yên Tử, một vùng núi non tuyệt kỳ với cuộc sống “cà một vò tương một hũ”. Từ khi xuất gia, ông tuyệt đối không dùng xe ngựa, chỉ với đôi chân trần ông “đi khắp các xóm làng để giáo hóa và từ bỏ các việc cúng bậy, dạy cho họ thực hành 10 điều thiện”.

Ông đã vân du Chiêm Thành năm 1301, không phải với nghi thức lễ tân ngoại giao dành cho một cựu hoàng mà là để hóa độ ở một nước lân bang. Ông từng khất thực ở trong thành. Vua Chiêm biết được hết sức kính trọng thỉnh mời dâng cúng trai lễ.

Chính trong cuộc tiếp xúc này, ông đã hứa gả con gái yêu quý duy nhất cho Chế Mân vua Chiêm và vua Chiêm dâng hai châu Ô Lý làm đồ sính lễ.Thực hiện cam kết này, năm 1306 Công chúa Huyền Trân đã trở thành Hoàng hậu Chiêm Thành và hai châu Ô Lý đã thành Thuận Châu, Hóa Châu của nước Việt, trong đó có Đà Nẵng và một phần lớn Quảng Nam ngày nay.

Đây là một sự kiện chính trị-ngoại giao cực kỳ quan trọng. Hai Châu Ô Lý là vùng đất mà Toa Đô đã dùng làm bàn đạp âm mưu thực hiện một mũi vu hồi lợi hại tấn công nước ta từ phía Nam nhưng chúng đã thất bại trước sự chống cự mạnh mẽ của quân dân Chiêm Thành có sự trợ giúp tích cực của quân sĩ nhà Trần (20.000 quân, 500 thuyền).Với cuộc hôn nhân Việt-Chiêm này, nước ta có một biên giới phía Nam hòa bình ổn định để tập trung xây dựng, củng cố.

Quyết định của Trần Nhân Tông vấp phải sự chống đối của một số triều thần và dư luận quần chúng. Nhưng vì lợi ích to lớn lâu dài của dân tộc, Trần Nhân Tông đã kiên định thực hiện.
Như vậy rõ ràng, Trần Nhân Tông xuất gia mà không xuất thế. Khi đã rời ngôi báu và cả khi đã trở thành sơn tăng, ông luôn theo dõi việc nước và cho nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng về nội trị cũng như ngoại giao.

Với võ công và văn nghiệp, với nhân cách và hành trạng, Trần Nhân Tông là một đấng minh quân có công lớn trong đánh thắng ngoại xâm, xây dựng đất nước, một Thượng hoàng không đam mê quyền lực nhưng nặng lòng ái quốc, ưu dân, một Trúc Lâm đệ nhất tổ, giản đơn hết mực trong cuộc sống nhưng sâu sắc và rộng lớn vô cùng trong hoạt động Phật sự.

Trần Nhân Tông không chỉ là một hình ảnh của sự đồng hành giữa đạo pháp và dân tộc trong lịch sử mà với ông, đấng minh quân, bậc chân tu là một trong một con người Việt Nam. Mọi người Việt Nam, mọi Phật Tử Việt Nam đều có thể tự hào về Trần Nhân Tông.

Trong lịch sử hiện đại, cuộc đấu tranh rộng lớn và quyết liệt của đông đảo tăng ni Phật tử miền Nam năm 1963 chống chế độ bạo quyền Diệm-Nhu kỳ thị, đàn áp Phật giáo cũng chính là cuộc đấu tranh chống Mỹ. Chính quyền Mỹ đã dựng lên và nuôi dưỡng chính quyền Ngô Đình Diệm nhằm mưu đồ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng trong thời kỳ chiến tranh lạnh của chúng.

Cái chết bi hùng và linh thiêng của Hòa thượng Thích Quảng Đức và sự hy sinh của nhiều tăng ni phật tử không chỉ là vì Pháp nạn mà là vì vận mệnh dân tộc. Đế quốc Mỹ không chỉ thấy ngọn cờ Phật giáo mà đã thấy sức mạnh của cả một dân tộc, chúng buộc phải thay ngựa giữa dòng dù Diệm-Nhu tự cho là (và Mỹ cũng thấy chúng là) thế lực chống Cộng quyết liệt nhất. Sự cố này đã làm đảo lộn những toan tính của Mỹ và khiến chúng dù đã huy động trên nửa triệu quân với binh khí kỹ thuật hiện đại, hùng hậu vẫn không ra khỏi đường hầm không lối thoát, cuối cùng phải chấp nhận thất bại.

Ngọn lửa rực cháy và trái tim bất diệt của Hòa thượng Thích Quảng Đức có thể xem là kết tinh cao đẹp của sự đồng hành giữa Phật giáo và dân tộc trong cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam vĩ đại.
Tôi không phải là một Phật tử thuần thành, sự hiểu biết về kinh sách, triết lý đạo Phật rất hạn chế. Nhưng như phần đông người Việt Nam (không kể số có theo một tôn giáo không phải là Phật giáo) tôi thấy rất thân quen với đạo Phật, với các ngôi chùa và luôn nhủ mình gắng làm theo những điều Phật dạy, không phải từ nguyên gốc giáo lý uyên thâm của Phật giáo mà từ những điều đã được dân gian hóa như giữ giới, làm điều thiện, cứu giúp người hoạn nạn (đó cũng là những điều mẹ tôi thường dạy bảo).

Với đạo Phật, tôi có một vài điều tâm đắc:
Phật giáo là một tôn giáo đến với thế giới có lẽ là sớm nhất song lại là hiện đại nhất. Phật giáo không đòi hỏi tín đồ sùng tín, càng không đòi hỏi cuồng tín, mà đòi hỏi giác ngộ, giác ngộ bằng trí tuệ của mình.

Giáo sư Cao Huy Thuần có nhận xét từ bi và trí tuệ là hai con mắt của Phật giáo.
Có gì quan trọng hơn với con người là trí tuệ và giác ngộ. Trong thế giới muôn loài chỉ có con người mới có trí tuệ và giác ngộ.Mấy nghìn năm nay đã như vậy và ngày nay khi nhân loại tiến vào nền kinh tế tri thức càng là như vậy.Con người thực sự tự do về trí tuệ và giác ngộ sẽ làm nên những điều kỳ diệu vì con người làm nên sự phát triển tuyệt vời của xã hội.

Phật giáo là một tôn giáo thấm nhuần hơn hết tư tưởng nhân đạo hòa bình. Chúng ta không ai ảo tưởng rằng Phật giáo sẽ hóa giải được các vấn đề trần thế hóc búa như dầu mỏ, lương thực và đất đai, hạt nhân và khủng bố, môi trường và biến đổi khí hậu.

Nhưng hoằng dương sâu rộng hơn tư tưởng vì nhân đạo, hòa bình của đức Phật, để tư tưởng ấy ẩn tàng và nảy nở trong lòng không chỉ Phật tử mà đông đảo chúng sinh, tạo môi trường để những con người và tổ chức vì nhân đạo, hòa bình được hoạt động phát huy và tôn vinh, chắc chắn sẽ tạo nên một sức mạnh giúp loài người kiềm chế, giảm thiểu cái ác và xung đột máu lửa.
Bởi vậy, chúng ta hiểu vì sao đầu thiên niên kỷ này, hai vị Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, những người mang tiếng nói của nhân loại đương đại liên tiếp ngợi ca Đức Phật với những lời lẽ không thể nào đẹp đẽ và sâu sắc hơn.

Cách đây 44 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới một lời Phật dạy “Lợi lạc quần sanh vô ngã vị tha” và Người nhận xét đồng bào Phật giáo cả nước từ Bắc đến Nam đều cố gắng thực hiện lời dạy đó.
Lời dạy này, phương châm sống này ra đời cách đây hơn 2.500 năm sao mà vẫn tươi mới như hôm nay chúng ta đang bàn bạc và tìm cách thực hiện trong cuộc đời đầy cám dỗ và cạm bẫy này. Sống phải hướng về, phải chăm lo lợi lạc cho quần chúng (cả lợi và lạc, cả vật chất và tinh thần) và muốn được như vậy phải quên mình (những đòi hỏi, dục vọng của riêng mình) để vì mọi người.
Chính vì đạo Phật rất trần thế, gần gũi và luôn mới nên đạo Phật là của mọi người và mọi người không chỉ các Phật tử đều có thể vẫn sống thực cuộc đời thường của mình, đồng thời tu tập để nâng cao Phật tính cho mình, đúng như ý nghĩa bài phú Cư trần lạc đạo (sống đời vui đạo) của Trần Nhân Tông:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Nguyễn Đình An

;
.
.
.
.
.