Những đợt gió nam đầu mùa hanh khô hun nóng đất và trời Tây Nguyên. Mặc nắng, mặc gió, ẩn hiện trong ụ pháo phòng không là những chiến sĩ năm thứ 2 các khẩu đội 1, 2, 3 của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Đoàn Phòng không M34 Binh đoàn Tây Nguyên đang say sưa luyện tập bài đánh mục tiêu.
Lưng áo đẫm mồ hôi, nhưng hàng loạt tiếng hô đồng thanh nhắc lại khẩu lệnh vẫn rõ ràng, chính xác với những Hướng… Tầm… Mục tiêu xuất hiện… Tốp… Nạp đạn… Điểm xạ… Vươn cao lên bầu trời, các nòng pháo đồng loạt chuyển hướng sang trái, sang phải một cách nhịp nhàng, dứt khoát và thuần thục, thể hiện sự dày công tập luyện của pháo thủ.
Như chưa hài lòng với buổi tập hôm nay, binh nhì Trần Hữu Việt và binh nhì Hồ Thái Sơn (là hai chiến sĩ quê ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) tâm sự với chúng tôi: “Muốn bắn trúng mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu như các thế hệ cha, anh trong chống Mỹ thì chúng em còn phải học tập, cố gắng nhiều để các vị trí trên cùng một mâm pháo, một khẩu đội đều phải thao tác chính xác tuyệt đối. Bởi chiến thắng của phòng không là chiến thắng của đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể, do vậy chúng em càng phải cố gắng khổ luyện nhiều”.
Trên bãi tập kỹ thuật, chiến thuật bộ binh, hơn 60 chiến sĩ mới quê quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang ở trung đội 1 và trung đội 2 của đại đội 2 cũng đang chạy đua với nắng, gió và thời gian, cùng thi đua “Khổ luyện thành tài, chai tay bắn giỏi”. Các chiến sĩ trung đội 1 miệt mài lấy đường ngắm cơ bản; các chiến sĩ trung đội 2 say sưa với các tư thế nằm bắn, quỳ bắn và đứng bắn súng tiểu liên AK bài 1. Tiếng khẩu lệnh dứt khoát, dõng dạc và những lời ân cần sửa sai cho chiến sĩ của cán bộ trung đội và tiểu đội, tiếng lách cách mở khóa nòng, kéo quy lát lên đạn “Tỳ vai, áp má, bóp cò” của người lính đã làm cho không khí luyện tập thao trường của đại đội 2 sôi động, khẩn trương. Đó là không khí luyện tập sôi động trên thao trường của những người lính Đà Nẵng trên Cao nguyên trong một ngày thường ở đây.
Họ là những thanh niên vừa rời ghế nhà trường THPT, TCCN, là thợ hàn, thợ mộc. Rời tay bút, tay thợ họ đã và đang miệt mài bên cỗ pháo quyết giữ yên bầu trời Tổ quốc. Sát cánh với những “đồng hương” là chiến sĩ năm thứ 2, những tân binh hơn một tháng tuổi quân đã vượt lên khó khăn, để đấu tranh làm thay đổi những thói quen đời thường, ghép mình vào khuôn khổ tổ chức, nền nếp chính quy, nhanh chóng thích nghi, hòa nhập môi trường quân đội. Binh nhì Nguyễn Như Thịnh (quê Hòa Khánh Bắc) bộc bạch: “Những khó khăn, vất vả của chúng em bây giờ so với sự hy sinh xương máu của các bậc cha anh trước đây đã thấm tháp gì.
Hiện nay, chúng em huấn luyện trong điều kiện đầy đủ về đời sống vật chất và tinh thần, không chỉ được sự chăm lo của quân đội mà còn được các đoàn đại biểu địa phương trực tiếp lên tặng quà, động viên cổ vũ sau một tháng nhập ngũ. Binh nhì Mai Lý Hoàng (Hòa Khánh Nam) nói: Em rất vui mừng và cảm ơn quận Liên Chiểu đã tổ chức cho 10 gia đình đại diện cho 30 gia đình có con nhập ngũ đợt 1 năm 2008 lên tận đơn vị thăm con em mình. Em hứa sẽ phấn đấu tốt và mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội”.
Trực tiếp quản lý, huấn luyện chiến sĩ của nhiều miền quê, Thượng úy Đinh Văn Minh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn PK1 cho biết: Lần đầu tiên cách đây 5 năm khi được giao nhiệm vụ nhận quân của thành phố Đà Nẵng, nhiều người lo ngại, sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, sau 5 năm Đại đội 1 (huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật phòng không) và Đại đội 2 huấn luyện chiến sĩ mới trực tiếp quản lý, huấn luyện thanh niên Đà Nẵng thì 5 năm liền cả 2 đại đội đều được Lữ đoàn công nhận đơn vị Quyết thắng, trong đó Đại đội 2 được Binh đoàn chọn làm đơn vị điểm về “Xây dựng chính quy - chấp hành kỷ luật”.
Thượng úy Nguyễn Văn Hưởng, Đại đội trưởng Đại đội 2 cho chúng tôi biết: “Trước hết là nhờ cơ quan quân sự và chính quyền các cấp ở Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi nhất để đơn vị thâm nhập, thực hiện “3 gặp, 4 biết”; lễ giao quân của địa phương tổ chức long trọng, thanh niên lên đường nhập ngũ được đi “Qua cầu vinh quang” vừa giáo dục truyền thống và khơi dậy tinh thần xả thân vì nước của tuổi trẻ, đây là sáng kiến trong lễ giao quân ở Đà Nẵng. Thứ 2 là thanh niên Đà Nẵng phát huy được truyền thống quê hương rất cao, đây là cơ sở để đơn vị lồng ghép chương trình giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, rèn luyện kỷ luật với giáo dục truyền thống Đất và Người Đà Nẵng cho chiến sĩ.
Mặt khác, đơn vị thường xuyên nhận được sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giáo dục và rèn luyện chiến sĩ. Trong thời gian huấn luyện, các địa phương đều cử đoàn đại biểu đến thăm hỏi động viên, tặng quà chiến sĩ và phối hợp với đơn vị uốn nắn, định hướng cho chiến sĩ mới. Nhờ đó, đại đội nào có chiến sĩ người Đà Nẵng thì có chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị cao, kỹ thuật được vững vàng.
Bài và ảnh: Xuân Hoan