.

Chờ ngày được vô chung cư

.

Nhiều năm qua, các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt ngang qua phường Thanh Khê Đông và dọc sông Phú Lộc thuộc phường Thanh Khê Tây vẫn sống trong cảnh nhếch nhác, tạm bợ, không việc làm ổn định. Hầu hết đều có mức sống dưới nghèo, chất lượng cuộc sống chưa cao, sinh sống trên phần đất không hợp pháp do cơi nới, lấn chiếm, không có hộ khẩu rõ ràng.

Những hoàn cảnh do “lịch sử để lại”

 Chị Lê Thị Thơm sẽ phải tháo dỡ căn nhà  tự cơi nới.

Các anh Nguyễn Minh, Lê Bá Trúc là hai trong số các hộ nghèo có nhà nằm bên đường sắt nói trên. Mấy chục căn nhà có diện tích trên dưới khoảng 30m2, tường nhà cách mép đường sắt từ 3 đến 5 mét. Nhiều bếp tạm bợ được kê ngay trước hiên nhà, trông thật nhếch nhác và mất vệ sinh. Diện tích trong nhà chỉ đủ kê được chiếc giường, cái bàn và một ít vật dụng sinh hoạt...

Anh Minh tâm sự: “Nắng, nóng, tiếng tàu và con tàu lúc nào cũng như muốn nuốt chửng hết mọi người”. Còn anh Trúc thì trỏ vào căn nhà ọp ẹp của mình, thở dài: “Sống như thế này chẳng nghĩ được cái gì. Buổi tối khi mọi thành viên trở về nhà, thì khoảng trống chỉ còn đủ để dựng được chiếc xe”.

Theo số liệu của quận Thanh Khê, có khoảng 70 hộ như thế ở dọc tuyến đường sắt phường Thanh Khê Đông, một số đã ở trước năm 1975, một số sau năm 1975 đi kinh tế mới về, đến ở tạm tới nay. Hầu hết đều có mức sống dưới nghèo, chất lượng cuộc sống chưa cao, sinh sống trên phần đất không hợp pháp do cơi nới, lấn chiếm, không có hộ khẩu rõ ràng...
 
Việc di dời các hộ thuộc diện “lịch sử để lại” này được triển khai sau khi thành phố phê duyệt cho xây dựng khu chung cư khoảng 60 căn hộ thuộc Dự án Khu C Thanh Lộc Đán (nay là Thanh Khê Đông) năm 2005. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, khi chung cư hoàn thành thì các hộ này vẫn không được thành phố ưu tiên xét phân căn để ổn định cuộc sống. Điều này gây không ít bức xúc trong người dân, nhất là những hộ nằm trong diện buộc phải giải tỏa.

Còn dọc tuyến sông Phú Lộc thì theo ông  Phạm Tám, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây, hiện có khoảng 30 hộ dân thuộc diện buộc phải giải tỏa do cơi nới, lấn chiếm đất làm nhà trái phép; hầu hết là hộ nghèo, tách hộ từ gia đình đông con, cuộc sống khó khăn, xây dựng nhà tạm bợ. Điển hình là gia đình chị Lê Thị Thơm (sinh năm 1962), trước ở chung nhà cha mẹ, sau có gia đình, ra riêng bằng cách chiếm dụng 40m2 đất làm nhà sát mé sông. Khi có kế hoạch giải tỏa, UBND quận Thanh Khê cũng đã xem xét hoàn cảnh để bố trí cho mẹ con chị một căn hộ chung cư, và sẽ tháo dỡ căn nhà lấn chiếm.

Anh Võ Văn Tuấn, khi bị bệnh tim, phải bán căn nhà đang ở để chữa chạy. Không nhà, bệnh tật, vợ anh chạy ăn từng bữa nuôi chồng con bằng nghề buôn bán ve chai. Cùng đường, anh che tạm cái chái ra phía cồn để sống qua ngày. Anh tâm sự: “Biết làm thế là vi phạm nhưng hết cách rồi, chỉ mong chính quyền xem xét”. Các đoàn thể địa phương định hỗ trợ cho anh một căn nhà làm tiền đề để anh thoát nghèo, nhưng ngặt nỗi đất đai chưa ổn định.

Dân có vô được chung cư?

Cảnh bất ổn, nhếch nhác của các hộ làm nhà

Khoảng 100 hộ dân ở hai phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây nói trên phần lớn sống trong cảnh nhà cửa tạm bợ, chỉ một số ít có điều kiện thì xây dựng nhà cấp bốn. Họ hành nghề xe ôm, mua ve chai, đồng nát, buôn bán dạo, v.v... Các dự án mở rộng hành lang an toàn tuyến đường sắt và cải tạo sông Phú Lộc (Thanh Khê Tây) là rất cần thiết cho môi trường và cảnh quan đô thị, tuy nhiên, đến nay tất cả vẫn “treo”. Người dân vẫn luôn sống trong tâm trạng lo âu, thắc thỏm, quy hoạch rồi, không biết sẽ đi đâu, về đâu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thương, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết: “Dự án cải tạo ven sông Phú Lộc hiện nay đang được triển khai. Để quản lý tốt, quận cấm dân bán đất trao tay. Còn khu vực đường sắt thuộc Thanh Khê Đông, phần lớn dân sống trong phần đất lấn chiếm, nhà không bảo đảm diện tích. Tất cả chỉ có thể giải quyết triệt để khi thành phố tạo điều kiện phân bổ chung cư, vì quận không đủ quỹ đất và chung cư để thực hiện tái định cư cho người dân...”.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Công văn số 2090/UBND-ĐGBT ngày 10-4-2008 nêu phương án chi tiết bố trí tái định cư đối với các hộ giải tỏa. Theo kế hoạch, ngày 10-5-2008, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng sẽ khởi công xây dựng khu tái định cư phường Thanh Khê Tây tại gò Hoàng Hậu để bố trí cho các hộ dân ven sông Phú Lộc và các hộ thu nhập thấp (tùy thuộc vào diện tích đất thu hồi và tính pháp lý của đất đang sử dụng). Tại khu C Thanh Lộc Đán, đang tiếp tục xây dựng thêm 2 khu chung cư trên 100 căn hộ, dùng để bố trí cho các hộ dân thuộc tuyến đường sắt quận Thanh Khê sau khi giải tỏa.

100 hộ dân ở khu vực giải tỏa thuộc hai phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây đang nóng lòng chờ ngày được vô chung cư. Được thế, các hộ dân sẽ sớm có nhà ở ổn định, còn thành phố sẽ sớm lấy lại vẻ mỹ quan đô thị để từng bước xây dựng “Thành phố môi trường”.

Huỳnh Phi

;
.
.
.
.
.