Khi đề cập đến vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) sao cho an toàn và hiệu quả, ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP cho rằng: “Ở nước ta hầu hết các nguyên liệu thực phẩm được sản xuất quy mô hộ gia đình. Ngoài ra, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn dừng ở quy mô vừa và nhỏ, sản phẩm bày bán lẻ tẻ...
Thực tế này khiến cho công tác quản lý chất lượng thực phẩm dường như khó đạt hiệu quả cao nhất”.
Chưa kiểm soát được việc tẩm ướp phụ gia, hóa chất
Kiểm tra VSATTP tại Công ty cung cấp suất ăn công nghiệp Đại Kim Sơn. |
Đánh giá của ông Lâm Thanh Tú, Trưởng Đoàn Thanh tra Trung ương về VSATTP tại thành phố Đà Nẵng sau đợt kiểm tra mới đây cho biết, hiện nay vấn đề sử dụng các chất phụ gia để tẩm ướp thủy, hải sản như urê, hàn the vẫn chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Trần Văn Nhật cũng thừa nhận rằng: “Chưa thể quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất phụ gia trong chế biến thực phẩm, bởi công tác kiểm tra đối với nhóm thực phẩm có ướp urê, hàn the và các hóa chất cấm vẫn chưa được tiến hành thường xuyên”.
Có thể thấy hiện nay, ngành Y tế mới chỉ dừng ở mức kiểm tra và xử lý sai phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước về công tác bảo đảm VSATTP như cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, kiểm soát các bếp ăn tập thể… nhưng chưa có một đánh giá tổng thể và thống kê chính xác các cơ sở sử dụng hóa chất và phụ gia cấm. Do chưa làm được điều này nên tình trạng sử dụng phụ gia như phẩm màu công nghiệp vẫn còn tràn lan và chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Một trong những tồn tại của ngành Y tế hiện nay là công tác quản lý VSATTP chưa thể thực hiện theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, lưu thông và tiêu dùng, vì vậy các mặt hàng thực phẩm trên thị trường hầu như không thể quản lý được nguồn gốc thực phẩm nguyên liệu đầu vào. Dẫn chứng cụ thể nhất là chuyện người dân trồng rau phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn vẫn lén lút dùng các loại phân bón hữu cơ chưa phân hủy hoàn toàn để bón rau nhưng vẫn chưa được kiểm soát. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng ngành Y tế cũng chỉ giải quyết được phần ngọn, đó là tiến hành xử lý môi trường tại chỗ mỗi khi xuất hiện ruồi và muỗi dày đặc tại địa phương.
Chấn chỉnh thế nào cho hiệu quả?
Trong năm 2007, UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo VSATTP thành phố và hoạt động tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác chấn chỉnh chất lượng VSATTP vẫn còn những bất cập. Cụ thể như, phần lớn các đợt kiểm tra VSATTP chủ yếu được thực hiện đều đặn và thường xuyên trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, hay Tết Nguyên đán…
Đến hẹn lại lên, hầu như năm nào cũng kiểm tra, cũng phát hiện và xử lý vi phạm nhưng đâu lại vào đấy. Hơn nữa, hiện nay thành phố vẫn chưa thành lập lực lượng Thanh tra chuyên ngành VSATTP nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực này. Còn nhớ, ở thời điểm nước tương có chứa chất 3-MPCD bị phát hiện vi phạm quy định của Bộ Y tế, ngành Y tế thành phố đã rất lúng túng trong việc xử lý hơn 5.000 lít nước tương vi phạm.
Đến nay, Bộ Y tế đã ban hành trên 500 văn bản để quản lý VSATTP, nhưng hiệu lực thực tế của các văn bản này cũng chẳng tới đâu. Năm nào, nơi nào cũng có thể đổ lỗi cho thiếu phương tiện kiểm nghiệm, thiếu nhân lực, thiếu cán bộ thanh tra chuyên ngành... Có nơi thanh tra mà lại báo trước cho cơ sở, đi như cưỡi ngựa xem hoa, kiểm tra xong, đâu lại vào đấy.
Đó là thực tế mà ở địa phương nào cũng có. Đã đến lúc Bộ Y tế cần phải có đánh giá và nhìn nhận thực tế hiệu quả công tác bảo đảm VSATTP, năng lực hoạt động của các cán bộ làm công tác này để có những chính sách điều chỉnh kịp thời với mục đích cao nhất là bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của người dân.
Bài và ảnh: DIỆU MINH