.

Dược phẩm cứu người

.

Nhiều người đã được cứu khỏi cái chết trong gang tấc nhờ máu, nhất là các loại máu hiếm, bởi “máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”. Trong những trường hợp đó, có một sự bình đẳng cho mọi người giữa lằn ranh sự sống và cái chết: Ai được máu sẽ sống! Không riêng gì thân nhân người bệnh mà cả thầy thuốc cũng phải trải qua những khắc khoải đợi chờ tính bằng giây để mong tin vui từ những người hiến máu (HM) tự nguyện mang đến.

“A-lô, anh Lưu đó hả? Hòa ở Ban Chỉ đạo vận động hiến máu HM nhân đạo đây mà. Anh về liền được không? Có một ca bệnh nặng rất cần máu anh ạ”. Anh Nguyễn Văn Lưu, Phó Trưởng ban Tuyên truyền - huấn luyện thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng đang dự một lớp huấn luyện sơ cấp cứu trên Hòa Vang thì nhận được cú thoại rất “nóng”.

Những người “ngồi ở ghế dự bị”

Đăng ký HM như đăng ký gửi tiền vào ngân hàng, khi cần, ta sẽ được nhận lại những gì mình gửi.


Anh Lưu tức tốc quay về văn phòng Hội, mới hay có một bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện C có số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm máu, không cần máu mà cần truyền gấp tiểu cầu để tránh nguy cơ xuất huyết tăng lên.

24 tháng Chạp, a-lô cho ai cũng nghe bận rộn lo đón Tết. Cuối cùng, anh Lưu quyết định tình nguyện hiến máu cứu người, cùng với một đội viên Đội HM dự bị Quận Đoàn Cẩm Lệ, anh Vũ Châu Phong. Sau khi thử thấy thể trạng các anh bình thường, bác sĩ tiến hành lấy máu rồi cho vào thiết bị chuyên dụng để chiết lấy tiểu cầu; máu “thô” trả lại cho các anh, còn tiểu cầu thì truyền cho người bệnh. “Lấy ra, nhập vào mấy lần như thế, mất hơn 2 tiếng đồng hồ, nhưng cảm thấy rất vui vì mình đã làm được một việc thiện” - anh Lưu nhớ lại.

 
Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có gần 300.000 người tình nguyện HM cứu người bệnh, trong đó thành phố Đà Nẵng được đánh giá là có tỷ lệ người HM cao nhất nước. Năm 2007, toàn thành phố đã thu được 13.087 đơn vị máu sau 76 đợt tổ chức HM nhân đạo, đáp ứng được 88,9% nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn.
 
Ngày thường, việc tìm những người tình nguyện HM diễn ra dễ dàng hơn. Toàn thành phố hiện có 13 Đội HM dự bị, 7 trực thuộc Đoàn Thanh niên các quận, huyện và 6 trực thuộc Đoàn các trường học, cơ quan, hội - đoàn thể. Hội Chữ thập đỏ (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo vận động HM nhân đạo thành phố Đà Nẵng) phối hợp với Đoàn Thanh niên “giữ đầu mối” các đội trưởng, hỗ trợ mỗi người 80 nghìn đồng/tháng để họ luôn trong tư thế “gọi đâu có đó”. Mỗi khi nhận được tin, đội trưởng a-lô đến các đội viên xem ai có thể HM được trong thời điểm đó. Nếu được, đội trưởng chạy xe đến nhà họ, xin phép gia đình rồi đưa họ đi, chở họ về.

Đúng như tên gọi, các đội viên chỉ được “ngồi ở ghế dự bị”, chứ không “xuống sân” tham gia các đợt HM do các đơn vị tổ chức hằng năm. Vì sao? Chị Nguyễn Thị Kim Dung, cán bộ Thành Đoàn Đà Nẵng giải thích: Họ là những người giữ lượng máu dự trữ để dành cho những trường hợp cấp cứu đặc biệt cần gấp máu “tươi”. Vì thế, các Đội HM dự bị còn được gọi bằng một cái tên đầy ý nghĩa là “Ngân hàng Máu sống”. Có điều, như giải thích của chị Dung, tất cả họ đều ở lứa tuổi thanh niên, có cuộc sống lành mạnh để bảo vệ nguồn máu “trẻ”.

“Máu sống” mang lại sự sống

Hiện chưa có một thứ thuốc nào có thể thay thế được máu (ảnh trái). Nguồn máu nhận được qua HM tự nguyện hiện đáp ứng được 88,9% nguồn máu phục vụ cấp cứu, điều trị tại Đà Nẵng (ảnh phải).


Chị Lê Thị Hoài Thúy ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, có thai đứa con đầu mới 8 tháng thì bị sự cố, được đưa xuống Bệnh viện Đà Nẵng làm phẫu thuật. Chị có máu A, một nhóm máu khá hiếm. 3 giờ sáng, điện thoại của các đội viên Đội HM dự bị có máu nhóm A đổ chuông. Anh Đặng Ngọc Sơn, Phó Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang cùng với các đội viên có máu A khác chạy xe xuống bệnh viện giữa lúc trời lạnh như cắt. Dưới đó có thêm các anh bộ đội ở đơn vị bên chồng chị Thúy và các đồng nghiệp ở trường chị đang công tác. Với 16 đơn vị máu nghĩa tình, chị đã được cứu sau ca phẫu thuật thành công.

Một anh nhà báo ở Báo Đà Nẵng có lần ra Bệnh viện Trung ương Huế chăm sóc em trai nằm viện, quen một anh bộ đội nuôi vợ bị bệnh. Gần tháng trời chia sẻ buồn vui với nhau, nhưng không ai biết người này có cái của người kia cần. Một bữa, anh bộ đội than thở không có tiền mua máu để truyền cho vợ. Còn anh nhà báo thì lo sốt vó vì không tìm đâu ra máu A để truyền cho em. Tâm sự một hồi, mới hay anh bộ đội có máu A và anh nhà báo thì thừa máu O. Mừng hơn bắt được vàng, họ san sẻ dòng máu nóng để cứu lấy người thân của nhau.

Nhiều người đã được cứu khỏi cái chết trong gang tấc nhờ máu, nhất là các loại máu hiếm, bởi “máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”. Trong những trường hợp đó, có một sự bình đẳng cho mọi người giữa lằn ranh sự sống và cái chết: Ai được máu sẽ sống! Không riêng gì thân nhân người bệnh mà cả thầy thuốc cũng phải trải qua những khắc khoải đợi chờ tính bằng giây để mong tin vui từ những người HM tự nguyện mang đến.

Hiến máu bình thường chỉ mất tối đa 15 phút, nhưng trong các trường hợp cứu bệnh như cứu hỏa, như anh Lưu, anh Phong nói trên, phải mất đến hơn 2 giờ. Có khi một nhóm 4-5 người phải thức cả đêm để chờ quyết định của bác sĩ. Trường hợp bệnh viện yêu cầu đến 30-40 đơn vị máu là phải huy động từ sáng đến chiều mới đủ. Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người. Những con người xứng đáng được xã hội tôn vinh ấy đã bỏ cả thời gian, công sức hiến từng giọt máu mang lại hạnh phúc cho người khác với cái tâm bất vụ lợi.

Sáng ngày 27-4, một bạn trẻ lần thứ 3 tham gia HM nhân đạo do Quận Đoàn Hải Châu tổ chức tại phường Hòa Cường Bắc bày tỏ kinh nghiệm: “Hiến máu có 3 điều lợi. Thứ nhất, không ảnh hưởng đến sức khỏe mà ngược lại có lợi cho cơ thể. Thứ hai, có thể cứu nhiều người khỏi cơn hiểm nghèo. Thứ ba, HM như gửi tiền vào ngân hàng, khi cần, ta sẽ được nhận lại những gì mình gửi”.

Máu được xem là một dược phẩm vô giá, chưa có một thứ thuốc nào thay thế được và chưa có một nhà máy nào bào chế được. Nếu bạn chưa HM lần nào, hãy nhanh chóng gửi thứ thuốc vô giá ấy vào ngân hàng, biết đâu một ngày nào đó chính bạn hoặc người thân của bạn sẽ được nhận lại.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.