Chỉ cần hiến một phần máu của mình, bạn đã góp phần vào việc cứu được tính mạng của nhiều người bệnh đang cần đến máu. Và khi đã cho đi, bạn và người thân sẽ có nhiều cơ hội được nhận máu nếu gặp hoàn cảnh tương tự. Khi hiểu được thông điệp ấy của những tuyên truyền viên hiến máu nhân đạo, công tác vận động hiến máu có thể sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về HMNĐ, một phần nhờ công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên. |
Nếu như trước đây, người tham gia hiến máu nhân đạo (HMNĐ) chỉ gói gọn trong lực lượng đoàn viên thanh niên hay nhân viên Hội Chữ thập đỏ, thì nay số người có trong tay tờ giấy chứng nhận đã tham gia HMNĐ lên đến con số hàng trăm nghìn, là anh công nhân hay bác đạp xích lô. Cùng theo đó, số đơn vị máu các bệnh viện tiếp nhận từ những người hiến máu tình nguyện tăng từ con số hàng nghìn lên hàng chục nghìn đơn vị mỗi năm.
Đơn cử như năm 2003, các bệnh viện tiếp nhận 7.333 đơn vị máu (ĐvM), trong đó nguồn máu hiến nhân đạo là 4.403 Đv (60%), từ người máu hiến chuyên nghiệp là 1.835 Đv (25%) và từ người nhà bệnh nhân là 1.095 Đv (15%). Từ năm 2004, Ban Chỉ đạo vận động HMNĐ thành phố Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động, số máu vận động được tăng lên 6.536 Đv (71%), từ người hiến máu chuyên nghiệp là 1.598 Đv (17,3%) và từ người nhà bệnh nhân là 1.079 Đv (11,7%). Tính đến năm 2007, trong tổng số 14.724 ĐvM các bệnh viện tiếp nhận, có đến 13.087 Đv là nguồn máu vận động, chỉ có 456 Đv từ người hiến máu chuyên nghiệp và 1.181 Đv từ người nhà bệnh nhân. Số lượng máu tiếp nhận cũng như số máu từ người tham gia hiến máu tình nguyện đã tăng rất nhanh theo từng năm và tỷ lệ người hiến máu chuyên nghiệp đã giảm xuống một mức nhất định.
Công tác truyền thông HMNĐ đã đến được với nhiều người dân là cán bộ hưu trí, thay vì chỉ gói gọn trong lực lượng thanh niên |
Ông Nguyễn Văn Lưu, Hội Chữ thập đỏ thành phố cho rằng, cần giảm số người hiến máu chuyên nghiệp đến mức thấp nhất có thể, và tăng tỷ lệ người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu lên, bên cạnh số người hiến máu tình nguyện, thì công tác vận động HMNĐ mới thực chất đi vào chiều sâu. Ông Lưu còn đánh giá số người thân bệnh nhân tham gia hiến máu đông nhờ công tác truyền thông tốt, tăng ý thức của người dân lên, vì họ cần dang tay ra trước nguy cơ của người bệnh, sau đó mới kêu gọi cộng đồng vì lượng máu cộng đồng đặc biệt chỉ dành cho những tình huống khẩn cấp. Thay đổi cách tuyên truyền
Những người tham gia vào công tác HMNĐ đều khẳng định rằng: chính sự thay đổi cách tuyên truyền đã giúp cho việc vận động số người tham gia hiến máu tình nguyện tăng lên và trở thành vấn đề được toàn xã hội quan tâm, thay vì chỉ có những người trẻ tuổi đi hiến máu như một nghĩa vụ bắt buộc.
Hằng năm, ngày 7-4 và ngày 14-6 được chọn là những ngày toàn dân tham gia HMNĐ và đây cũng là ngày để chúng ta tôn vinh những người hiến máu tình nguyện. Thay vì xem hiến máu là việc của mỗi người, Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức đi thăm hỏi (có thể vào ngày sinh nhật) những người hiến máu, để gia đình và xã hội ghi nhận việc làm cao đẹp của họ. Những gia đình có nhiều người tham gia hiến máu còn được nhận bằng khen, được biểu dương một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ở Đà Nẵng có những gia đình mà khi nhắc đến tên, ai cũng kính phục vì sự hy sinh vì cộng đồng của họ, như gia đình chị Lê Thị Thanh Mai, gia đình anh Trương Ngọc Dũng, Đặng Văn Thành, và gia đình anh Nguyễn Hồ Xuân Thịnh, ở phường Hòa Quý có 5 anh em cùng tham gia hiến máu, người nhiều nhất là 8 lần, trong khi Hòa Quý là phường yếu nhất về công tác HMNĐ.
Tại các cơ sở, những người đã từng tham gia HMNĐ được mời đến các buổi sinh hoạt cộng đồng để nói về lợi ích và trách nhiệm của việc tham gia hiến máu cứu người. Quy định đối với những người hiến máu là 3 tháng/lần/nam giới và 4 tháng/lần/nữ giới với những người từ 18-60 tuổi. Hiến máu không ảnh hưởng đến tủy xương, kích thích tái tạo máu mới, bảo đảm sức khỏe nếu bạn phát hiện ra các bệnh viêm gan B hay các bệnh mãn tính khác. Những hiểu biết chung về hiến máu như thế sẽ giúp mỗi người chúng ta hiểu hơn về việc hiến máu cứu người.
Đối tượng tuyên truyền hiến máu cũng đã được Hội Chữ thập đỏ mở rộng trong lực lượng công nhân, lao động trong các doanh nghiệp (thông qua Liên đoàn Lao động và Đoàn Khối doanh nghiệp). Công nhân công ty Thương mại Phước Thành, Xí nghiệp Lâm nghiệp huyện Điện Bàn, Quảng Nam đã cùng tham gia HMNĐ trong năm 2007. Ngoài ra, những chương trình truyền hình định kỳ 2 lần/tuần lên sóng, những bài báo tuyên truyền về công tác HMNĐ đã có tác dụng tích cực trong thay đổi nhận thức của người dân, nhờ thế số người tham gia hiến máu tình nguyện tích cực hơn, tự nguyện hơn và chính họ cũng là những tuyên truyền viên giỏi giang ở mỗi cơ sở.
Mỗi năm, hàng nghìn tờ rơi và Sổ tay Tìm hiểu HMNĐ được phát đến tận tay những người đến hiến máu. Từ đây công tác tuyên truyền có thể được đi tiếp hay không đều nhờ vào những người đến với buổi hiến máu, nếu họ kể chuyện với người thân, bạn bè. Có thể công tác truyền thông như thế mới chỉ gói gọn trong một số tổ chức, chủ yếu trong lực lượng thanh niên. Theo chị Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên viên Ban Thanh niên-công nhân, Thành Đoàn Đà Nẵng, công tác tuyên truyền hiến máu đã thay đổi rất nhiều so với các năm trước, nhưng chưa thể nói là rộng khắp trong toàn xã hội. Nên có nhiều người muốn tham gia HMNĐ cũng không biết đăng ký ở đâu, trong khi toàn thành phố, những tấm pa-nô có nội dung về HMNĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay, cũng không có số điện thoại đi kèm để người dân gọi điện đến đăng ký hiến máu. Những bất cập đó có thể được khắc phục trong thời gian đến, để hoạt động HMNĐ thực sự là một trong những phong trào lớn của toàn xã hội, đầy ý nghĩa và đậm tính nhân văn. Những người có khả năng hãy thể hiện trách nhiệm của mình đối với mọi người và xã hội.
|
HIỀN LƯƠNG