8 năm về trước, bà đã thật yếu. Cuộc trò chuyện với bà để lấy tư liệu viết bài, tôi phải chia ra đến 3 lần. 3 lần nghe tiếng chuông nơi cánh cổng, bà đều chống nạng ra mở cửa. Gương mặt luôn rõ một nụ cười ấm áp, đầy nghị lực. Lần nào tiễn tôi ra về, bà cũng chỉ cho tôi xem chậu nguyệt quế, tỏa hương dìu dịu một góc vườn.
Bà Nguyễn Thị Kim Quán (người thứ 3 từ phải sang) cùng bạn bè trong những lần gặp mặt. |
Ngày 30-4 vừa qua, tình cờ tôi đi ngang qua ngõ nhà bà, thấy người, xe đông đúc. Gần thêm chút nữa, tôi sững người trước dải băng đen ghi dòng chữ Vô cùng thương tiếc bà Nguyễn Thị Kim Quán. Khoảng sân trước nhà đã kín những vòng hoa.
Trước Cách mạng Tháng Tám, bà là người phụ nữ đầu tiên của vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng được gia đình gửi ra học tận Trường Thăng Long Hà Nội. Ông Nguyễn Tấn Hà, cha của bà, một thương gia lớn của Đà Nẵng lúc bấy giờ đã âm thầm theo cách mạng. Gia đình bà đã trở thành nơi tới lui một cách kín đáo của các đồng chí Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Lê Văn Hiến, Võ Nguyên Giáp, Đoàn Bá Từ... Mãi đến kỳ nghỉ hè tháng 7-1940, khi tận mắt chứng kiến cảnh cha mình bị bọn mật thám còng chung tay với ông Đoàn Bá Từ, bị đẩy đi cùng đoàn Chính trị phạm khuất hẳn sau cánh cổng sắt để chuyển lên tàu vào Dak Lay, bà mới bắt đầu vụt hiểu... Bà bỏ dở việc học, trở về Đà Nẵng.
|
Trong cái ngày được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng vào tháng 10-1946, bà đã muốn nói to lên niềm hạnh phúc của mình, niềm biết ơn của mình đối với người cha đã hướng bà theo con đường cách mạng; với ông Lê Văn Hiến, bà Nguyễn Thị Phi, những người đã giác ngộ, giúp cho bà hiểu về phong trào phụ nữ. Trong bối cảnh cả thành phố bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, bà vào Đảng chưa được 2 năm thì bị mất liên lạc, giấy tờ sinh hoạt Đảng không giữ được. Tập kết ra Bắc lúc chồng bà đang ở chiến trường Hạ Lào. Suốt cuộc hành trình, 3 mẹ con chỉ có một đồng tư bạc tín phiếu. Cô nữ sinh được học hành, ăn trắng mặc trơn ngày trước, ra lại đất Hà thành lần ấy, y hệt cô gái Thượng, tay xách bị, gùi con ở sau lưng, ung dung, thanh thản đi giữa những con phố thật đẹp trong đôi mắt ngoái nhìn đầy tò mò của các cô gái Hà Nội.
Dạo ấy, bà học Chính trị ở Quảng Bá, có lần Bác Hồ đột ngột đến thăm. Bác nhìn bao quát lớp, rồi chùng giọng: “Sao không thấy phụ nữ? Các chú để phụ nữ ngồi đâu?”. Lớp học lặng yên. Bác tiếp lời: “Các chú phải quan tâm đến phụ nữ, một lực lượng góp phần rất lớn đem đến thắng lợi của cách mạng”.
Chị em lục tục chuyển lên hàng ghế trên cùng. Giây phút ấy, bà cảm thấy kính yêu Người đến độ, nhiều lần sau, nhìn thấy Bác, dù ở thật xa trong các cuộc mít-tinh, diễu hành, hội nghị, đôi mắt bà lại nhòe đi vì xúc động. Bác thực sự là người mong muốn cho phụ nữ Việt Nam được bình đẳng. Bà bảo rằng, chính sau lần gặp Bác ấy, mà bà lại thấy rõ hơn trách nhiệm của mình.
Thấy anh em sinh hoạt, bà buồn trĩu. Nhưng không vì thế mà bà sinh lòng tiêu cực, bỏ bê công việc, lung lạc ý chí. Phải đến năm 1964, ở ngoài tuổi 40, bà mới được kết nạp Đảng trở lại tại Chi bộ Văn phòng Bộ Văn hóa. Trên những trang giấy pơ-luya màu mực tím mà bà giữ gìn như bảo vật, còn ghi lời xác nhận của những người đã từng hoạt động cách mạng trước 1945, từng đọc lời quyết định kết nạp bà vào Đảng như ông Đoàn Bá Từ, nguyên Chủ nhiệm Việt Minh thành Thái Phiên; ông Nguyễn Ngọc Chấn, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị Phi, nguyên Bí thư Phụ nữ Đà Nẵng; bà Trần Thị Minh, Ban Chấp hành Phụ nữ Đà Nẵng.
Cách đây mấy hôm, tôi tìm gặp bà Phạm Thị Nhung Bé, cán bộ Tiền khởi nghĩa. Cầm tờ giấy mời của Ban liên lạc cán bộ Phụ nữ kháng chiến (mời gặp mặt nhân dịp kỷ niệm ngày 30-4 và 19-5), bà nói: Nếu Kim Quán còn sống, chắc chắn bà ấy sẽ như mọi lần, chống nạng gọi xích lô chở đi dự họp. Bà ấy không bao giờ bỏ một cuộc họp phụ nữ, hay cuộc nói chuyện nào của lãnh đạo thành phố với cán bộ hưu trí. Bà thèm được nghe thông tin, thèm được có nhau trong tình nghĩa bạn bè.
Bà thường để quanh căn phòng nhỏ của mình những cuốn sách, những xấp tài liệu về lời dạy của Bác Hồ, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức... “Đó là tài liệu mà anh em trong chi bộ phát cho, mình phải đọc đi đọc lại nhiều lần” - Bà nói. Những năm cuối đời, bước qua tuổi 85, bà vẫn tham dự đầy đủ các buổi sinh hoạt Đảng. Bởi bà cứ ám ảnh nỗi buồn của gần 20 năm trời không được sinh hoạt Đảng. Bà hay nghĩ đến điều “hôm nay gặp lại anh em đồng chí, để biết đâu ngày mai mình không còn nữa”.
Ở Đà Nẵng còn được bao nhiêu người phụ nữ Tiền khởi nghĩa năm xưa? Bà Nhung Bé kể, tôi đếm theo 1, 2, 3, 4, 5. Ông Đoàn Bá Từ cố đếm tiếp mà không được. Họ đã dần rời cuộc sống mà đi. Như một linh tính được báo trước, khoảng 10 ngày trước khi bà mất, ông Đoàn Bá Từ tình cờ tìm thấy một bài thơ mà ông và Lưu Quang Thuận (sau này họ đều là những người bạn thân thiết nhất của vợ chồng bà Kim Quán-Phan Quang Định) cùng làm chung đăng trên báo Nắng Hè được hình thành tại hiệu sách Việt Quảng cách đây 70 năm trước.
Ông đem bài thơ nhét vào cổng nhà bà, khi bà đi khám bệnh. Người con trai bà, anh Phan Hoài Lưu (được cha mẹ lấy họ của Lưu Quang Thuận đặt tên) kể rằng, khi đọc bài thơ này, bà cười mãi. Có lẽ đó là nụ cười đẹp đẽ nhất của ký ức.
PHAN HOÀNG PHƯƠNG