.
HỘI THI KỂ CHUYỆN “HỒ CHÍ MINH - ĐẸP NHẤT TÊN NGƯỜI”

Học Người từ những điều giản dị

.

Vượt qua các cuộc thi từ  cơ sở, trong 2 ngày 16 và 17-5, những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được 19 thí sinh đại diện cho các địa phương, đơn vị trên toàn thành phố đem đến Hội thi kể chuyện “Hồ Chí Minh - Đẹp nhất tên Người” nhân kỷ niệm 118 năm Ngày sinh nhật Bác.

Điều gần như trùng hợp là những câu chuyện ấy đã góp phần tạc nên chân dung Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - từ những điều giản dị, gần gũi nhất...


Lãnh đạo thành phố trao giải nhất phần thi kể chuyện cho thí sinh Nguyễn Bá Sơn.

Ngay ở phần mở đầu hội thi của thí sinh Hà Văn Thoong, đến từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố với câu chuyện “Bác Hồ với đồng bào miền Nam”, cả hội trường Nhà hát Trưng Vương đông chật khán giả đã nín lặng phăng phắc. Không chỉ bởi giọng kể trầm ấm, mang nặng sắc thái tình cảm sâu lắng, mà chính là những chi tiết mà Hà Văn Thoong lựa chọn để chuyển tải cho nội dung câu chuyện của mình. Tình cảm sâu nặng của Bác dành cho miền Nam, từ trong tình cảm mà Bác dành cho gia đình, quê hương “chôn nhau cắt rốn”, được khái quát thành một miền Nam ruột thịt “luôn ở trong trái tim tôi”, một miền Nam còn chịu nhiều đau thương mất mát, chia cắt phân ly...

Miền Nam của Bác hiện hữu trong từng hình ảnh chén cơm của các cháu, các chị, trong từng vết thương của các thương binh... đến ngay cả ngụm nước dừa được trồng trong vườn mà Bác nhấp từng giọt nhỏ trong những ngày cuối đời để Bác được mang theo hình ảnh miền Nam vào cõi vĩnh hằng. Chính từ những tình cảm thiêng liêng cao quý được gầy dựng nên từ những hành động tưởng như nhỏ nhặt ấy, mà Bác đã dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Những hành động ấy, tình cảm ấy “bình dị mà không tầm thường” như cách nói của thí sinh Dương Thị Thu Thủy (Đại học Đà Nẵng) trong câu chuyện của mình. Chính những câu chuyện nhỏ như vậy đã phần nào thức tỉnh một tình thương yêu nhân loại luôn tiềm ẩn trong mỗi con người hôm nay, để từ đó góp phần đẩy lùi cái ác đang rình rập chung quanh...

 


Tối 17-5, tại Nhà hát Trưng Vương, đã diễn ra vòng chung khảo Hội thi kể chuyện “Hồ Chí Minh - Đẹp nhất tên Người”. Đến dự có đồng chí Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố.

Ban Tổ chức đã trao giải nhất, nhì và ba (phần thi kể chuyện) lần lượt cho các thí sinh: Nguyễn Bá Sơn (Đảng bộ khối Dân Chính Đảng), Nguyễn Bình Nam (Đảng bộ khối Doanh nghiệp) và Dương Thị Thu Thủy (Đảng bộ Đại học Đà Nẵng); giải nhất, nhì và ba (phần thi văn nghệ) cho các đơn vị: Đảng bộ khối Dân Chính Đảng;

Đảng bộ quận Thanh Khê và Đảng bộ quận Cẩm Lệ. Ngoài ra, còn có các giải thưởng dành cho thí sinh trả lời câu hỏi xuất sắc nhất và phần thi cổ động viên.


 
Dường như trong mỗi câu chuyện kể tại hội thi, đều xuyên suốt một sắc màu như thế. Hình ảnh Bác thật gần gũi, thân thương mà cao quý qua từng hành động, việc làm, có khi rất nhỏ thôi nhưng luôn là những bài học để mọi người noi theo. Đó là tình cảm ngời sáng dành cho gia đình, quê hương, cho nhân dân; đó là đức tính chân thành, giản dị, tiết kiệm, không phô trương, hình thức... của Người qua những câu chuyện như: “Bác Hồ không phải là siêu nhiên” (Hồ Thị Thu Thanh, quận Cẩm Lệ), “Từ đôi dép đến chiếc ô-tô” (Trần Thị Thanh Phước - Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam), “Quê hương trong trái tim Người” (Thạch Thị Thu Trang - Bưu điện Đà Nẵng), Đức tính giản dị của Bác Hồ (Trần Minh Thành - huyện Hòa Vang), Bác Hồ về thăm quê” (Lương Thị Nhật Thương - Cảng Đà Nẵng), “Bác đi làm ruộng với nông dân” (Nguyễn Đăng Thạch - BCH Quân sự thành phố), “Bữa cơm kháng chiến” (Lê Thị Hoài Thương - quận Thanh Khê)...

Từ những câu chuyện đó, các thí sinh đều nhấn mạnh, bài học rút ra được ở đây, chính là trong mỗi con người hôm nay có thể học và làm theo được tấm gương đạo đức của Người. Sau câu chuyện “Kiên trì chống chọi với tuổi già và bệnh tật”, thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Oanh (quận Sơn Trà) tâm sự: Những câu chuyện về đạo đức không phải là “đao to búa lớn” gì, mà dường như đều tập trung vào những việc nhỏ nhưng qua đó toát lên một tinh thần, ý chí, nghị lực cách mạng rõ nhất. Để làm được điều đó, thì mỗi người phải tập luyện để nó trở thành nếp sống, thành thói quen!

Cũng vì thế, hội thi lần này có sự góp mặt của những câu chuyện về “làm theo” qua một năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn thành phố. Những tấm gương đó không phải là những cán bộ cao cấp, những người đảm nhận chức vụ lớn trong xã hội, mà đó đơn giản là anh cảnh sát khu vực, là chị tổ trưởng dân phố, là anh đội trưởng Đội Y tế dự phòng... qua câu chuyện kể của thí sinh Nguyễn Quang Đức (quận Ngũ Hành Sơn) và Nguyễn Thị Minh (quận Hải Châu). Qua câu chuyện của thí sinh Nguyễn Thị Minh, hình ảnh chị Lê Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng Tổ dân phố 34, phường Thuận Phước hiện lên thật dung dị và đầy sức thuyết phục.
 
Mặc dù có hôm Tết đến, vì hiểu lầm về sự phân chia 15 kg gạo cứu đói, có người chặn đường chị sỉ nhục; có người khuyên ngăn “Gia đình nhà chị thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, can cớ gì vì một vài trăm ngàn mà phải làm tổ trưởng, vừa vất vả lại chịu điều tiếng”... nhưng với tình cảm chân thành dành cho người dân địa phương, chị vẫn vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình, gần dân và từ đó được dân hiểu hơn. Hình ảnh Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Hải Châu Phùng Lai Cường cũng hiện lên với sự tận tâm, tận tình với công việc, hiểu và chia sẻ những khó khăn, vất vả trong đời sống thường nhật của mỗi người bán hàng rong, với những người nhiễm HIV/AIDS bằng tất cả tình thương yêu của mình. Đại úy Đặng Văn Ấu, Cảnh sát khu vực phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn qua câu chuyện của thí sinh Nguyễn Quang Đức được người dân tin yêu, mến phục vì tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” với câu nói: “Làm công an không phải làm cho dân sợ, mà phải làm cho dân tin”... Hội thi đã đi qua với những sắc màu như thế, để tạc nên một chân dung Hồ Chí Minh vĩ đại nhưng thật gần gũi, giản dị; vẽ nên hình ảnh của những con người hôm nay “làm theo” tấm gương của Người.

 “Từ hội thi này, những câu chuyện kể sẽ theo chân các thí sinh đến với đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong các buổi tuyên truyền về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các địa phương, đơn vị cơ sở; từ đó, tạo nên một phong trào rộng khắp trong việc thực hiện “làm theo” tấm gương đạo đức của Người trên toàn thành phố, để mỗi người có thể tự mình học và “làm theo” từ những điều gần gũi như vậy!” - Đồng chí Võ Công Trí, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi nhấn mạnh như thế.

NGUYỄN THÀNH
;
.
.
.
.
.