.
KHAI MẠC TRỌNG THỂ ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LIÊN HIỆP QUỐC 2008

Vesak 2008 được tổ chức tại Việt Nam là sự khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và ủng hộ quyết đúng đắn của Liên của Liên Hiệp Quốc

.

* Đại lễ Phật đản 2008 tại Đà Nẵng được tổ chức quy mô, hoành tráng

Sáng 14-5, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 (Vesak) đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ( Thủ đô Hà Nội).

Đến dự lễ khai mạc có Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế (IOC) Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 tại Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Các đại biểu dự lễ khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Ảnh: TTXVN

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An…cùng hơn 3.500 đại biểu, trong đó có 2.000 đại biểu quốc tế đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã dự lễ khai mạc.

Trước lễ khai mạc, các đại biểu đã dự Lễ thượng cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo; làm lễ dâng hương cúng dường Tam Bảo và màn biểu diễn múa Lục Cúng “ Bài ca Vesak thiêng liêng”mang đậm nét truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam. Phát biểu chào mừng các đại biểu đến dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của đạo Phật trong thời đại ngày nay. Đại lễ Phật đản là sự tập hợp của đông đảo những người có cùng đức tin vào Phật giáo, tin vào tương lai tốt đẹp của con người là hòa bình, hữu nghị, an lạc.

Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc Diễn văn chào mừng của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: Kỷ niệm ngày Vesak của các quốc gia, các truyền thống Hệ phái dù có khác nhau, nhưng tất cả đều đồng thuận tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ V tại Việt Nam đã nói lên ý nghĩa của sự tập hợp, đoàn kết, hòa bình, thống nhất và hữu nghị trong tinh thần cao cả của ngày Lễ Vesak. Bằng tinh thần từ bi, trí tuệ và đạo đức nhân bản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, những nhà làm công tác tôn giáo, xã hội, học giả, trí thức, khoa học… nguyện sẽ nỗ lực làm tỏa sáng ý nghĩa Vesak của đạo Phật trong khắp cõi nhân gian và thế giới con người, mang thông điệp của Đức Phật đến tất cả chúng sanh trên thế gian…

Trong Diễn văn tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Vesak 2008 được tổ chức tại Việt Nam là sự khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên hợp quốc chọn ngày này là ngày văn hoá tôn giáo thế giới, luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có đạo Phật.

Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm, từ hơn 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân đón nhận và luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa đạo với đời; trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Nối tiếp truyền thống hơn 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, vận động tăng ni, Phật tử cả nước sống trong chánh tín, thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ hy vọng đây là dịp để mọi người tăng cường hiểu biết, đoàn kết, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp, góp phần ngăn chặn sự xung đột, hoá giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi các nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui.

Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 đã nhận được nhiều thông điệp chúc mừng của các vị nguyên thủ quốc gia, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Hội liên hữu Phật tử thế giới, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo quốc tế...

* Đại lễ Phật đản năm 2008 có tầm quan trọng đặc biệt đối với Phật giáo Việt Nam, lần đầu tiên Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là Đại lễ Vesak 2008) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam. Ngày 15-12-1999, theo đề nghị của 34 nước trên thế giới, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 54 đã chính thức công nhận Đại lễ Phật đản LHQ là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của LHQ được tổ chức hằng năm tại trụ sở của LHQ và các trung tâm của LHQ trên toàn thế giới từ năm 2000 trở đi.

Vào năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak LHQ được long trọng tổ chức tại trụ sở LHQ-New York, Hoa Kỳ. Từ đó đến nay (2008), LHQ đã chính thức tổ chức 9 lần; trong đó cộng đồng Phật giáo tổ chức 5 lần, 4 lần tại Thái Lan (2004-2007) và lần này tại Việt Nam (2008).

Đại lễ Vesak năm nay được Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 13 đến 17-5-2008 tại Hà Nội, với chủ đề chính “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, với sự tham gia của các đoàn đại biểu đại diện cho giới Phật giáo, học giả, chính khách quốc tế đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với hơn 5.000 đại biểu tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

* Tại thành phố Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, Đại lễ Phật đản đã trở thành ngày lễ hội không những của tăng ni, phật tử nói chung mà còn đối với cả những người có cảm tình với Phật giáo. Hằng năm, đến dịp Đại lễ Phật đản, Thành hội Phật giáo Đà Nẵng đều tổ chức nhiều hoạt động phong phú và sinh động, thu hút hàng vạn người tham gia.

Năm nay, để hưởng ứng Đại lễ Vesak, ngay từ đầu năm, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng đã đề ra phương án tổ chức Đại lễ Vesak tại Đà Nẵng với nhiều chương trình, nội dung hoạt động phong phú, có nhiều điểm mới và quy mô mở rộng hơn so với các năm trước. Chính quyền thành phố đã ủng hộ nhiệt tình phương án này và tạo điều kiện giúp đỡ cho Giáo hội Phật giáo thành phố tổ chức tốt Đại lễ Phật đản năm 2008 trên tinh thần thuần túy tôn giáo, trang nghiêm, đoàn kết và đúng pháp luật. Thành phố đã đồng ý cho Giáo hội thiết trí Lễ đài chính và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm, tọa đàm, ẩm thực chay, cắm trại gia đình Phật tử…,

Công viên Nước; các chùa mặt tiền trên các đường được treo 1 băng rôn ngang qua đường ngay trước cổng chùa; treo 200 panô, phướn ở các dải phân cách trên các tuyến đường Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, 2 tháng 9 và dọc vỉa hè đường Lê Duẩn; tổ chức phóng đăng trên sông Cẩm Lệ, Cổ Cò; đoàn xe hoa 30 chiếc diễu hành trên các tuyến đường trong thành phố vào 2 tối ngày 18 và 19-5-2008…

Để tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo thành phố tổ chức các hoạt động Đại lễ Phật đản, chính quyền thành phố đã ủng hộ toàn bộ chi phí thuê mặt bằng Công viên Nước và kinh phí điện, nước… trong 4 ngày từ 16 đến 19-5-2008 (12 đến 15 tháng 4 âm lịch). Ngoài ra, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, y tế… cũng được các ngành chức năng thành phố, chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện và phối hợp với Giáo hội tổ chức chu đáo nhằm bảo đảm các hoạt động Lễ Phật đản được diễn ra an toàn, trật tự.

Đây là Đại lễ Phật đản được tổ chức quy mô, hoành tráng nhất từ trước đến nay, với sự nỗ lực của Giáo hội và tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền thành phố. Đại lễ Phật đản năm nay chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu tinh thần của tăng ni, phật tử thành phố, củng cố thêm niềm tin của Phật giáo thành phố vào chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

TTXVN - NGÔ KHÔI

;
.
.
.
.
.