.
KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XII

Phát huy cao nhất trách nhiệm cá nhân

.

Sáng 6-5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự khai mạc kỳ họp có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm.

>> Để đất nước phát triển nhanh và bền vững 
>> Quốc hội sẽ giải quyết nhiều vấn đề nóng

Tới dự phiên khai mạc có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN

Diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Kể từ kỳ họp thứ hai của Quốc hội đến nay, tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến mới phức tạp. Hầu hết các nền kinh tế lớn đều gặp không ít khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, đợt rét đậm, rét hại kéo dài, một số dịch bệnh diễn ra trên diện rộng đã tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy vẫn ở mức cao nhưng đã có biểu hiện chậm lại, lạm phát vượt xa mức dự báo, thị trường tài chính- tiền tệ có nhiều biến động làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến tư tưởng và tâm lý xã hội.

Trong bối cảnh đó, toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đến nay, tình hình kinh tế- xã hội nước ta vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn: giá cả tăng cao, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nguyên vật liệu, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng; mức nhập siêu còn lớn, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thiếu ổn định, đời sống nhân dân ở nhiều vùng gặp khó khăn.

Tình hình đó đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước phải ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008. Đặc biệt, cần tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức thiết nhằm mục tiêu ưu tiên hàng đầu hiện nay là kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm về an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý để bảo đảm cho sự phát triển cao, bền vững ở những năm sau“.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Để hoàn thành tốt chương trình, nội dung kỳ họp, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục cải tiến phương pháp, cách thức làm việc theo hướng rút ngắn tối đa thời gian họp mà không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Cùng với việc nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan giúp việc của Quốc hội thì việc phát huy cao nhất trình độ, năng lực, trách nhiệm của cá nhân mỗi vị đại biểu Quốc hội là rất quan trọng.

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008. 

Cuối phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006.

Buổi chiều ngày 6-5, các đại biểu thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006.

(Theo TTXVN)

;
.
.
.
.
.