.

Không gắn vận động đóng góp với việc giải quyết các thủ tục hành chính

.

Gần đây trên Báo Đà Nẵng phản ánh thực trạng vẫn còn địa phương vận động ủng hộ ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng khi giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Tuy nhiên, chính quyền vẫn cho đó là đúng Luật Ngân sách. Ở đây xin nêu lên một vài vấn đề có liên quan để làm sáng tỏ thêm nội dung trên.

Đường bê-tông, cổng làng về thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến được xây từ sự thống nhất công khai, minh bạch từ chủ trương đến mức đóng góp của từng hộ dân trong thôn. Ảnh: SƠN TRUNG

Tự nguyện ủng hộ ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng là hình thức đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, là một trong những nguồn thu của xã, phường được quy định của Luật Ngân sách Nhà nước được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 3, thông qua ngày 20-5-1998 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước năm 1996. Việc thu ủng hộ ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng đã được xác định rõ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm đúng theo quy định của pháp luật mà không ảnh hưởng quyền dân sự, trách nhiệm hành chính, không gây phiền hà, khó khăn, trở ngại cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính.

Trong những năm trước đây, việc kết hợp thu ủng hộ ngân sách Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng với việc giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến nhà đất ở các phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khá phổ biến. Song, những năm gần đây, có thể nói hầu hết UBND các phường, xã đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của UBND thành phố cấm thu ủng hộ ngân sách khi giải quyết thủ tục hành chính theo tinh thần Thông báo số 71/TB-UB ngày 29-11-2004. Gần đây nhất là Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg và Chỉ thị số 21/CT-CTUBND ngày 28-11-2007 của UBND thành phố cũng nêu rõ: Không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.

Cách thức huy động trong nhân dân phải theo đúng quy định tại Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16-4-1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn. Theo đó, phải có địa chỉ công trình rõ ràng, có hồ sơ thiết kế được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn và mức kinh phí cần huy động đóng góp, chế độ miễn, giảm... theo phương thức dân bàn và quyết định trực tiếp, bảo đảm tiền của dân được sử dụng đúng mục đích.

Cần phải tách bạch việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân với huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân theo quy định tại Nghị định số 24/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Làm tốt được việc này tức là đã huy động được sự đóng góp tự nguyện của nhân dân theo đúng pháp luật hiện hành, thể hiện sự chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời góp phần tích cực, quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu của chương trình cải cách hành chính của thành phố. Điều này làm giảm phiền hà đối với tổ chức, công dân; tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư và phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

CHÍ THANH - HOÀNG ANH

 

;
.
.
.
.
.