.
KHU CÔNG NGHIỆP DỊCH VỤ THỦY SẢN ĐÀ NẴNG

Báo động đỏ về ô nhiễm môi trường

.

Trước bức xúc của cử tri tại một số phường ở quận Sơn Trà về vấn đề ô nhiễm môi trường, ngày 9-4-2008, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chế biến hải sản tại một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản (KCNDVTS) Đà Nẵng ở Thọ Quang (quận Sơn Trà) theo chế độ đột xuất.

Qua cuộc thanh tra không báo trước này, những “bí mật” về mức độ ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại đây mới được “vén” lên và thực sự rất đáng báo động và đầy lo ngại.

Nhiều thông số vượt quá mức cho phép

Toàn bộ chất thải chưa qua xử lý đều đổ ra Vũng Thùng, cạnh khu dân cư, gây ô nhiễm nặng về môi trường.


Ông Trần Minh, Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT, Phó đoàn thanh tra chuyên ngành cho biết, tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm D&N, nước thải của đơn vị này một phần được đưa vào hệ thống xử lý (công suất 500 m3/ngày đêm) và một phần thải thẳng ra môi trường. Dòng nước chảy thẳng ra môi trường tại thời điểm thanh tra có lưu lượng khoảng 15-20 m3/giờ.
 
Lượng nước thải trong ngày ước hơn 300 m3. Đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 2 mẫu nước thải: 1 mẫu tại điểm xả cuối cùng trước khi ra môi trường không qua hệ thống xử lý và 1 mẫu tại thời điểm xả sau hệ thống xử lý. Sau khi thử nghiệm cho thấy, chất BOD5 (mg/L) của mẫu DN (mẫu lấy tại hố ga cuối cùng của công ty) vượt 8,25 lần và mẫu DN1 (mẫu lấy tại điểm xả thải của hệ thống xử lý) vượt 2,08 lần; COD (mg/L) của DN vượt 1,88 lần; N tổng (mg/L) của DN vượt 0,67 lần và DN1 vượt 0,45 lần; P tổng (mg/L) của DN vượt 7,31 lần và của DN1 vượt 16,63 lần so với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 1945:1995…

Tại Chi nhánh Công ty TNHH Đại Thuận, thời điểm thanh tra, doanh nghiệp này đang sản xuất mặt hàng cá ngừ hấp. Lượng nước sử dụng nhỏ hơn 50m3/ngày đêm. Hệ thống xử lý nước thải vận hành không đúng quy trình, nước thải từ bể điều hòa không đưa vào hệ thống xử lý mà bơm trực tiếp ra bãi cỏ trong khuôn viên công ty. Đoàn thanh tra tiến hành lấy 1 mẫu nước thải tại bãi cỏ cạnh hệ thống xử lý. Qua kết quả thử nghiệm số 85/TBM ngày 25-4 của TTBVMT Đà Nẵng cho thấy cụ thể như sau: BOD5 (mg/L) vượt 30,39 lần; COD (mg/L) vượt 10,20 lần; N tổng  (mg/L) vượt 5,33 lần; P tổng (mg/L) vượt 23 lần; TSS (mg/L) vượt 3,15 lần. Tại Công ty CP Procimex Việt Nam, thời điểm thanh tra, đơn vị này đang hoạt động sản xuất bình thường.

Hệ thống xử lý nước thải không hoạt động, nước thải thải trực tiếp ra môi trường với lượng nước hơn 50 m3/ngày đêm. Qua kết quả xét nghiệm số 80/TBM ngày 24-4 cho thấy BOD5 (mg/L) của mẫu TK1 (mẫu nước lấy tại cống thải ra môi trường của khu vực nước thải) vượt 17,58 lần; mẫu TK2 (mẫu lấy tại hố ga của khu vực phân xưởng sơ chế) vượt 39,25 lần; COD (mg/L) của mẫu TK1 vượt 5,64 lần; mẫu TK2 vượt 13,53 lần; N tổng (mg/L) của mẫu TK1 vượt 2,54 lần, của mẫu TK2 vượt 22,3 lần; TSS (mg/L) của mẫu TK1 vượt 3 lần; mẫu TK2 vượt 8,63 lần so với TCVN 5945:1995. Tại Công ty TNHH Bắc Đẩu, tại thời điểm thanh tra, công ty hoạt động sản xuất bình thường, cụ thể là đang chế biến cá chuồn, cá bánh đường, khoảng 12 tấn/ngày.

Hệ thống xử lý không hoạt động, bể xử lý nước thải chứa nước sạch, nước thải không được thu gom, thải trực tiếp ra môi trường. Lượng nước thải hơn 50m3/ngày đêm. Đoàn thanh tra đã lấy một mẫu nước thải tại hố ga cuối cùng trước khi thải vào cống chung KCN. Qua kết quả thử nghiệm mẫu nước thải này cho thấy chất BOD5 (mg/L) vượt 11,02 lần; COD (mg/L) vượt 2,66 lần; N tổng (mg/L) vượt 3 lần; P tổng (mg/L) vượt 19,88 lần; TSS (mg/L) vượt 5,38 lần. Tại Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang, thời điểm thanh tra, đơn vị đang chế biến mực nang và cá. Hệ thống xử lý nước thải hoạt động bình thường. Nước thải thải ra môi trường theo 2 hệ thống cống; 1 qua hệ thống xử lý nước thải thải trực tiếp ra ruộng đồng hoa màu và 1 cống phi 300 thải trực tiếp ra môi trường.
 
Lượng nước hơn 50m3/ngày đêm. Đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 2 mẫu nước thải; 1 mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải và 1 tại thời điểm xả thải trực tiếp ra môi trường. Với kết quả thử nghiệm cho thấy:  BOD5 (mg/L) của TQ1 (mẫu lấy sau hệ thống xử lý) vượt 0,78 lần tiêu chuẩn TCVN 5945:1995; mẫu TQ2 (mẫu lấy tại đường thải trực tiếp ra cống KCN) vượt 12,97 lần; mẫu COD (mg/L) TQ2 vượt 3,48 lần; N tổng (mg/L) TQ1 vượt 0,76 lần; TQ2 vượt 1,16 lần; P tổng (mg/L) của TQ1 vượt 0,78 lần; TSS (mg/L) của TQ2 vượt 0,75 lần. Tại Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, thời điểm thanh tra, hệ thống xử lý nước thải của đơn vị không hoạt động. Nước thải không qua hệ thống xử lý thải trực tiếp ra môi trường (2 ống phi 300).
 
Nguyên liệu gồm 3 tấn tôm/ngày. Nước thải theo ước lượng của đoàn thanh tra 5-6 m3/giờ. Theo báo cáo của công ty, lượng nước thải là 60 m3/ngày (tương đương 20 m3 nước thải/1 tấn tôm nguyên liệu). Đoàn Thanh tra đã lấy 1 mẫu nước thải cuối cùng thải vào cống chung của KCNDVTS Đà Nẵng và qua thử nghiệm cho kết quả:  BOD5 (mg/L) vượt 6,03 lần; COD (mg/L) vượt 1,21 lần; N tổng (mg/L) vượt 0,21 lần; P tổng vượt 5,03 lần…

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường Đà Nẵng cho biết, qua các mẫu thử nghiệm đều cho thấy các chất gây ô nhiễm môi trường đều vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam 5954:1995, có nhiều chất vượt gấp nhiều lần cho phép.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT thành phố cho biết, trong 7 đơn vị được lấy mẫu thì có đến 6 đơn vị mà chất lượng nước thải thải ra môi trường vượt tiêu chuẩn, xả thải nhiều lần với nguyên nhân là hệ thống xử lý bị trục trặc kỹ thuật như bể đường ống, cháy mô-tơ nhưng chưa có biện pháp sửa chữa khắc phục. Một số đơn vị có hệ thống xử lý nhưng chỉ là hình thức mà không vận hành, thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực.

Xử lý các sai phạm ra sao và đâu là giải pháp?

Ông Trần Minh cho biết, vấn đề vượt tiêu chuẩn xả thải cũng như việc vi phạm các khoản, điều của Nghị định 81/CP như đã nêu trên thì đã quá rõ ràng, tuy nhiên, xử lý những vi phạm như thế nào mới là việc đáng quan tâm hơn cả. Đối với mức độ xử lý các vi phạm nêu trên được áp dụng cụ thể là phạt tiền từ 21 - 33 triệu đồng; tước giấy phép môi trường vô thời hạn; tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết để khắc phục vi phạm; cấm hoạt động hoặc buộc di dời đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải  của môi trường… Toàn bộ các hình thức xử lý như trên,  Sở TN&MT đang đề nghị Chủ tịch UBND thành phố  ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền quy định của pháp luật… 

Theo chúng tôi, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính và các hình thức khác, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Khu CNDVTS Đà Nẵng tiếp tục hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất vấn đề ô nhiễm môi trường  thì các ngành chức năng mà cụ thể là Công ty Khai thác và phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp cần nhanh chóng hoàn tất hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN này. Đó là nguyện vọng chung không phải của các doanh nghiệp chế biến hải sản trong KCN mà là của đại đa số người dân sống trong khu vực này. Sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung không phải là việc khó, ngoài tầm tay mà đó là việc cần làm, phải làm.

Theo một cán bộ ở Sở TN&MT cho biết, trước đây, khi có đoàn thanh tra về thanh tra tại một số doanh nghiệp, các đơn vị biết trước nên đã đối phó bằng cách cho hệ thống xử lý nước thải vận hành, khi đoàn thanh tra đi rồi thì cho hệ thống này ngưng hoạt động để tiết kiệm chi phí nên đã gây ô nhiễm môi trường. Cho nên, để hạn chế ô nhiễm môi trường, ngoài việc đầu tư kinh phí lắp đặt các hệ thống xử lý nước thải, một giải pháp hiệu quả và thiết thực nhất là tính tự giác về công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, hạn chế gây ô nhiễm môi trường sẽ thực sự hiệu quả và bền vững khi nào lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp được bảo đảm  nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân trong khu vực…  

Có thể nói, đây là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tổ chức thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường trong một diện rộng, đột xuất đối với các đơn vị đang hoạt động sản xuất, chế biến hải sản tại Khu CNDVTS Đà Nẵng. Đây cũng là lần đầu tiên Sở TN&MT thành phố thực hiện kiên quyết và “mạnh tay” đối với những doanh nghiệp vi phạm môi trường. Xử lý kiên quyết các hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần tạo nên sự công bằng, lập lại kỷ cương trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.