.
KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XII

Cần cụ thể hóa trách nhiệm các đơn vị phòng chống ma túy và thực hiện cai nghiện bắt buộc

.

Sáng 8-5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH 11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương. 

Qui định rõ chức năng các đơn vị chuyên trách phòng chống ma túy

Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 9-12-2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2001. Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng qua thực tế áp dụng Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 đã bộc lộ những bất cập trong công tác tổ chức thi hành Luật cũng như trong các quy định của Luật.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh và Quảng Nam thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN

Dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 bổ sung 7 điều mới; sửa đổi, bổ sung 11 điều và bãi bỏ 1 điều cụ thể như sau: Bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy của một số bộ, ngành; nhiệm vụ cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Quy định cụ thể hơn các biện pháp, hình thức, thời gian cai nghiện cho người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp phòng, chống tái nghiện. Quy định nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong phòng, chống tệ nạn ma túy, đặc biệt đề cao trách nhiệm của Chính quyền cơ sở. Quy định cụ thể về các điều kiện bảo đảm của Nhà nước, chính quyền các cấp và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; trong đó quy định về nguyên tắc các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy cho phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu rõ: cần phải nhận thức đúng bản chất của nghiện ma túy là một loại bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần khẳng định người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật (sử dụng trái phép chất ma túy). Do đó, quan điểm đối xử với người nghiện ma túy nên theo hướng: Bỏ quy định xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy (tội sử dụng trái phép chất ma túy); Duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời với việc khuyến khích hoặc buộc cai nghiện theo phương thức cai nghiện phù hợp với từng loại đối tượng; Đa dạng hóa các hình thức cai nghiện (cai tại gia đình; cai tại cộng đồng; tại các cơ sở cai nghiện; tại một số cơ sở y tế có điều kiện) và quản lý sau cai nghiện. Khuyến khích cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng trên cơ sở huy động sức mạnh của chính quyền, của cộng đồng với sự tham gia có trách nhiệm của gia đình và bản thân người nghiện ma túy; khuyến khích cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở tập trung; Thực hiện cai nghiện bắt buộc đối với một số nhóm người nghiện nhất định. Việc cai nghiện bắt buộc có thể được thực hiện tại cơ sở cai nghiện tập trung và tại cộng đồng; Người nghiện ma túy vi phạm pháp luật chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng để giáo dục và điều trị cai nghiện (Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã có quy định này- Điều113); Thực hiện việc quản lý giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình đối với người sau cai nghiện. 

Thực hiện cai nghiện bắt buộc

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH 11 ngày 17-6-2003 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương.

Báo cáo khẳng định Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Quốc hội là hoàn toàn đúng, đã mở ra một hướng đi mới trong công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy. Trong thời gian thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, nhìn chung tại 7 địa phương, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh đã kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện mới, giảm tình trạng tội phạm hình sự; tình hình an ninh trật tự xã hội ở từng địa phương tốt hơn, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội; đồng thời góp phần ngăn chặn sự lây lan nhanh đại dịch HIV/AIDS trong nhóm người nghiện ma túy cũng như ngoài cộng đồng xã hội. Việc triển khai Nghị quyết số 16/2003/QH11 đã thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác cai nghiện. Trước hết là làm chuyển biến nhận thức, quan điểm và tạo sự đồng thuận của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, bản thân người nghiện và gia đình họ trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Từ đó khuyến khích và huy động cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia thực hiện Đề án.

Báo cáo thẩm tra báo cáo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH 11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương do Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày khẳng định: thực tiễn 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 cho thấy cần thiết phải có giai đoạn sau cai nghiện đối với người đã có thời gian cai nghiện bắt buộc. Đây là giai đoạn tạo điều kiện giúp người đã cai nghiện có được sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền, cộng đồng và gia đình để hạn chế nguy cơ tái nghiện. Giai đoạn này có thể đưa về tại cộng đồng hoặc theo hình thức quản lý tập trung đối với một bộ phận người sau cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao. Ủy ban về các vấn đề xã hội kiến nghị Quốc hội xem xét một số vấn đề sau đây:

Nghị quyết 16 sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 1-8-2008. Trong khi đó đến thời điểm này còn khoảng 6 ngàn người đang được quản lý tập trung sau cai nghiện chưa thi hành xong quyết định. Do đó, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép các địa phương được tiếp tục thi hành các quyết định quản lý người sau cai nghiện đã ban hành trước ngày 1/8/2008 cho đến thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy có hiệu lực. Xem xét quy định vấn đề cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy trên cơ sở tiếp thu kết quả tổng kết 5 năm thi hành Nghị quyết 16 theo một trong 2 phương án sau đây:

Phương án thứ nhất: Thực hiện quản lý sau cai nghiện theo 2 hình thức: quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng đối với đa số những người đã chấp hành xong thời gian cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện tập trung đối với người sau cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao.

Phương án thứ hai: Không quy định quản lý tập trung sau cai nghiện. Đối với những người có nguy cơ tái nghiện cao thì kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc thêm 1 năm (theo quy định hiện hành, thời gian cai nghiện bắt buộc từ 1-2 năm), như vậy đối với nhóm đối tượng này thì thời gian cai nghiện bắt buộc là 3 năm. Đề nghị Quốc hội bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người sau cai nghiện .

Đối với Chính phủ: Nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Điều 199 Bộ luật hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma tuý cho phù hợp với thực tiễn và quan điểm đối xử đối với người nghiện ma túy. Nghiên cứu, chỉ đạo sắp xếp hợp lý các trung tâm cai nghiện, quản lý sau cai trong cả nước để tiếp tục phát huy hiệu quả của cơ sở vật chất đã được đầu tư; Có chính sách, cơ chế khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan tiếp tục theo dõi quá trình tái hòa nhập cộng đồng của người sau cai nghiện để đánh giá đầy đủ tác động của quá trình quản lý sau cai.

Đối với HĐND và UBND 7 tỉnh, thành phố đang thực hiện đề án quản lý sau cai nghiện: Chuẩn bị kế hoạch để giải quyết đối với người sau cai nghiện khi Nghị quyết 16 kết thúc. Thực hiện Luật phòng, chống ma túy phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chú ý phân loại đối tượng để áp dụng thời gian cai nghiện phù hợp, không áp dụng thời gian đồng loạt. Hướng dẫn việc tái hòa nhập cộng đồng của người đã cai nghiện, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là chính quyền xã, phường, thị trấn và gia đình. Chỉ đạo các cơ quan liên quan và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ, có các biện pháp phù hợp để giúp đỡ người sau cai nghiện khi trở về cộng đồng, xoá bỏ sự kỳ thị đối với họ, có các biện pháp theo dõi chặt chẽ để chống tái nghiện; đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát ma túy trên địa bàn. 

Luật sĩ quan QĐNDVN năm 1999 bộc lộ bất cập trước tình hình phát triển mới của đất nước

Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2000. Quá trình triển khai thực hiện, còn bộc lộ một số vấn đề chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội trong thời kỳ mới. Nội dung cụ thể gồm: Luật hiện hành quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan theo cấp bậc quân hàm và chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng cán bộ trong thời bình và xây dựng đội ngũ sĩ quan những năm qua; quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với một số chức vụ cơ bản của sĩ quan thấp hơn một bậc so với Luật về sĩ quan 1982, là vấn đề có tác động nhiều đến tâm tư tình cảm của số đông sĩ quan; quy định nếu hết thời hạn nâng lương lần 2 mà vẫn không được thăng quân hàm thì thôi phục vụ tại ngũ, qui định này vừa qua chưa thực hiện được, nhiều sĩ quan đã nâng lương lần 2 tuổi còn trẻ, được đào tạo cơ bản quân đội vẫn còn nhu cầu sử dụng; quy định phong quân hàm đối với học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan chưa phù hợp với thực tiễn, còn cứng nhắc, khó thu hút động viên được người học và thanh niên đăng ký dự thi vào các trường sĩ quan quân đội....

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan năm 1999. Qua 8 năm thực hiện, Luật sĩ quan năm 1999 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan. Tuy nhiên, Luật Sĩ quan năm 1999 còn bộc lộ một số bất cập trước tình hình phát triển mới của đất nước. Vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời thể chế hoá những nội dung của Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ Chính ủy, Chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

(Theo TTXVN)

;
.
.
.
.
.