.
KỶ NIỆM 118 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2008)

Bác Hồ với người dân Đà Nẵng

.

Nhiều sử liệu còn lại đến ngày nay cho chúng ta thấy rằng: Bác Hồ luôn theo dõi phong trào cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng với một tâm trạng khá đặc biệt.

Trước lúc Người đi xa, ngày 29-8-1969, Bác Hồ đề nghị đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình cách mạng miền Nam, trong đó có tin thắng trận của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là chiến thắng Hầm Xẻ tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.  Đó cũng là lần cuối cùng Bác Hồ nghe báo cáo tình hình của miền Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
         
Ký ức của Bác Hồ về Tourane xưa

Bác Hồ với đất Quảng. (Tranh sơn dầu của NGYỄN ĐỨC HẠNH)

Chuyện kể rằng, có một đồng chí cán bộ quê ở Đà Nẵng, trong một lần gặp Bác, Người hỏi: “Quê cháu ở đâu?”. “Dạ, quê cháu ở thành phố Tourane!”. Nghe vậy Bác cười và nói ngay: “Sao cháu không gọi là Đà Nẵng có phải dễ nghe hơn không?”. Bác Hồ không chỉ biết về Đà Nẵng, mà Người còn biết rất rõ vùng đất này và từng có dịp ghé lại đây. Theo lời kể của đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch nước sau này nhớ lại: “Trong năm 1952, tôi có dịp ra Bắc báo cáo với Bác Hồ về tình hình Liên khu 5 nói chung và Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng. Sau khi báo xong, Bác hỏi tôi người tỉnh nào, tôi đáp “Dạ, Quảng Nam - Đà Nẵng!”.

Bác liền nói: “Ngày xưa Bác đi vào Nam có đi qua Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung. Quảng Nam có Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… là những nhà yêu nước có tiếng tăm cả nước, một nơi hiếu học, học giỏi nổi tiếng nên có “ngũ phụng tề phi” nhưng “Quảng Nam hay cãi” có đúng không?”. Chưa hết, Bác còn biết cả những đặc sản của vùng đất này. Trước khi qua đời tại Đà Nẵng, ông Mai Ngọc Châu - nguyên Huyện đội trưởng huyện Hòa Vang, được ra Bắc gặp Bác Hồ và báo cáo với Bác về tình hình quân và dân Hòa Vang, Đà Nẵng đánh Mỹ vào năm 1965 - cho chúng tôi biết, sau khi nghe tôi báo cáo tình hình Hòa Vang, Bác có nói “Trước khi vào Sài Gòn xuống tàu đi tìm đường cứu nước, Bác có ghé lại Đà Nẵng 2 ngày, có đi thăm một số nơi. Bác nhớ Đà Nẵng có thuốc lá Cẩm Lệ, có chả cá, bún bò rất ngon!”.

Nhiều sử liệu còn lại đến ngày nay cho chúng ta thấy rằng: Bác Hồ luôn theo dõi phong trào cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng với một tâm trạng khá đặc biệt. Có lần, vào ngày 18-5-1968, tại Phủ Chủ tịch, Bác vui vẻ thông báo với mọi người: “Đêm 13 rạng ngày 14 tháng 5 năm 1969, quân giải phóng lại bắn súng lớn vào sân bay Đà Nẵng gây nhiều đám cháy và tiếng nổ dữ dội làm chấn động cả một vùng. Đây là lần thứ 3, kể từ đêm 11 tháng 5, sân bay Đà Nẵng bị pháo binh của quân giải phóng bắn phá!”. Và, trước lúc Người đi xa, ngày 29-8-1969, Bác Hồ đề nghị đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình cách mạng miền Nam, trong đó có tin thắng trận của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là chiến thắng Hầm Xẻ tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.  Đó cũng là lần cuối cùng Bác Hồ nghe báo cáo tình hình của miền Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. 

Một tình yêu bao la

Khi nói đến tình cảm của Người dành cho người dân Đà Nẵng, không thể không nói đến sự tinh tế, bao dung của Bác dành cho cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến. Ông Lê Văn Bá - cháu gọi đồng chí Lê Văn Hiến là chú ruột - nhớ lại: “Sau ngày cướp chính quyền tại Đà Nẵng, chú Hiến được Bác Hồ gọi ra Hà Nội, phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính (tôi là người bảo vệ của chú Hiến nên được đi cùng). Lúc bấy giờ, chú Lê Văn Hiến có cảm tình đặc biệt với bà Lê Thị Xuyến (tức vợ của ông Phan Thanh - một trí thức cách mạng xuất sắc, mất năm 1939). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hai người chưa đến được với nhau”. Theo đồng chí Lê Văn Hiến sau này kể lại thì: “Sự tái lập gia đình này chúng tôi định ước đã lâu nhưng vì e ngại một là thành kiến của xã hội còn hẹp hòi với vấn đề tục hôn, hai là hoàn cảnh kháng chiến chưa cho phép!”. Lúc đầu, khi mới nghe tin trên, Bác Hồ không nói gì nhưng sau đó Bác đã cử Bác Tôn Đức Thắng tổ chức đám cưới cho hai người. Bác còn tặng cho bà Lê Thị Xuyến hai chiếc khăn thêu trong ngày cưới!. 

Khi còn sống, ông Mai Ngọc Châu luôn nhớ lại lần gặp Bác năm 1965 cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Hôm đó, Bác ngồi cả buổi để nghe kể chuyện đánh Mỹ tại Hòa Vang. Bác khóc rất nhiều khi biết những hy sinh, gian khổ của Đảng bộ và nhân dân Hòa Vang. Cuối buổi, Bác nói: “Cháu đi báo cáo cho tất cả các đồng chí Trung ương, cho cán bộ và đồng bào miền Bắc nghe Hòa Vang và Đà Nẵng đánh Mỹ và đánh thắng như thế nào. Cho Bác gửi lời thăm các đồng chí Huyện ủy Hòa Vang, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, các đồng chí ấy lãnh đạo như thế là tốt, Huyện ủy và Đảng bộ Hòa Vang chiến đấu như thế là kiên cường và sáng tạo. Rồi Bác chỉ tay lên tấm bản đồ nói: “Phải làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ của đất nước!”.

Mỗi một lần gặp Bác là một sự kiện đáng nhớ trong đời mà mỗi người dân Đà Nẵng không bao giờ quên được. Với bà Trần Thị Kim Cúc - người được gặp Bác Hồ đến 8 lần thì những ký ức về Bác trong bà vẫn còn tươi rói, dù thời gian đã lùi xa đến mấy chục năm. Ngày 19-5-1966, khi bà đang nằm trong Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô thì được tin Bác Hồ đến thăm. Bà đang nóng lòng chờ đợi thì bỗng dưng Bác Hồ từ đâu hiện ra trước giường bệnh của bà. Gặp Bác, bà nghẹn ngào không nói nên lời. Dường như Bác đã được thông báo về những lần bà bị địch tra tấn tại miền Nam nên Người dặn: “Các chú phải điều trị cho cháu Cúc bằng phương án tốt!”. “Một tháng sau, Bác Hồ cho người đưa chúng tôi gồm: Tạ Thị Kiều, Trần Dưỡng, Y Vai, chị Mười vào thăm Phủ Chủ tịch. Biết bệnh của tôi còn rất nặng nên Bác quyết định đưa tôi sang Trung Quốc để chữa trị. Chiều 30 Tết năm 1968, tôi lại được gặp Bác, tôi ào đến ôm Người mà khóc.

Bác cười bảo: “Gặp lại Bác thì phải vui chứ sao lại khóc?”. Nói đoạn, Bác hỏi: “Bây giờ cháu muốn gì?”. “Thưa Bác, xin cho cháu về lại miền Nam để đánh giặc!”. Bác không cầm được nước mắt: “Cháu muốn về Nam chiến đấu Bác không cấm, song sức khỏe cháu rất kém, luôn bị động thần kinh thì làm sao đánh giặc được...” - bà Cúc nhớ lại. Giữa năm 1969, sức khỏe Bác đã yếu đi nhiều, bà lại được gặp Bác, ăn cơm cùng Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng. Đang ăn, Bác dừng lại và nói: “Sau này tôi có mệnh hệ gì không chăm lo được cho cháu Cúc và cháu Trần Thị Lý thì nhờ chú Tô thay tôi chăm lo cho các cháu đến nơi đến chốn!”. Tháng 5 về, những người con Đà Nẵng từng được gặp Bác luôn tưởng nhớ đến Người, những lời dặn dò của Người với một tình yêu như là máu thịt.    
   
LƯU HOÀNG GIANG

;
.
.
.
.
.