.
KỶ NIỆM 118 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2008)

“Những lời căn dặn của Bác mãi mãi tỏa sáng trong đời tôi!”

.

Giữa những ngày tháng 5 lịch sử này, trong khi cả nước đang nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì Dũng sĩ diệt Mỹ Ngô Thị Tuyết (trú tại tổ 23 phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu - Đà Nẵng) lại dâng trào bao kỷ niệm sâu sắc về những lần được gặp Bác Hồ.

Dũng sĩ diệt Mỹ Ngô Thị Tuyết đang hướng dẫn cách sử dụng súng AK cho em ruột là Ngô Văn Nết (sau này cũng trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ).


Sinh ra trong một gia đình cơ sở cách mạng tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), mới 12 tuổi Ngô Thị Tuyết đã hăng hái làm nhiệm vụ liên lạc, đưa tin, tiếp tế cho lực lượng vũ trang địa phương. Vừa tròn 15 tuổi (năm 1964), chị đã trở thành chiến sĩ du kích mật, lập được nhiều chiến công xuất sắc và được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

Cuối năm 1965, trong một trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ Đoàn cán bộ Huyện ủy Bình Sơn, chị đã bị thương nặng và rơi vào tay địch. Chúng đưa chị về Bệnh viện Quảng Ngãi băng bó và chờ chị tỉnh lại để tra tấn, nhưng lực lượng của ta đã đột nhập vào bệnh viện, bí mật đưa chị về căn cứ an toàn. Sau đó, do thương tật nặng, Dũng sĩ Ngô Thị Tuyết được tổ chức đưa ra miền Bắc chữa trị. Nằm trên cáng thương của đồng đội đi dọc Trường Sơn ròng rã hơn ba tháng trời, ngày 15-2-1968, chị mới đến Hà Nội và hai hôm sau chị thật bất ngờ vinh dự được gặp Bác Hồ. Không thể tả xiết tâm trạng vui mừng, xúc động của chị bởi niềm khát khao mong đợi bao năm đã trở thành sự thật.

Đúng 8 giờ 30 phút ngày 17-2-1968, chị được đón vào Phủ Chủ tịch bằng xe ô-tô. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt và mãi mãi in sâu trong tâm trí chị là một ông cụ râu tóc bạc phơ ngồi đọc sách trong nhà sàn. Vừa thấy chị, Bác liền bảo: “Cháu Tuyết đấy à? Cháu có khỏe không? Cháu ngồi xuống đây, kể cho Bác nghe chuyện đánh giặc ở quê cháu”.

Thế là, chị lần lượt kể cho Bác nghe những trận chống càn, những lần tấn công đồn địch, những cuộc biểu tình đả đảo Mỹ - Diệm của nhân dân Quảng Ngãi, rồi chuyện mình và các bạn ở Bình Đông giả vờ vào đồn địch chơi để nắm tình hình và lén lấy được vũ khí của địch...

Bác lại hỏi: “Ở miền Nam, đồng bào ta sống thế nào, có vất vả lắm không?”. Tuyết thưa với Bác rằng, đồng bào miền Nam tuy còn gian khổ, nhưng vẫn một lòng một dạ theo Bác, theo Đảng và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Rồi chị kể cho Bác nghe trên đường vượt Trường Sơn ra Bắc, chị đã gặp vô số những đoàn quân tiến vào Nam và có nhiều người đã bảo chị rằng: “Ra ngoài đó, nếu được gặp Bác Hồ thì hãy báo cáo với Bác là các anh bộ đội quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giải phóng cho được miền Nam, đón Bác vô thăm!”. Nghe đến đây, Bác hết sức xúc động, nước mắt lăn dài trên gò má.

Trưa hôm ấy, chị vinh dự được ăn cơm cùng với Bác. Bữa cơm của vị Chủ tịch nước cũng chỉ đơn giản là canh cà, dưa muối và một ít thịt luộc. Khi Tuyết ăn xong, thấy cơm còn dính quanh miệng chén, Bác nhỏ nhẹ bảo: “Cháu phải ăn cho hết những hạt cơm ấy. Đồng bào miền Nam ở trong đó không có đủ cơm ăn, nhân dân cả nước còn phải dành gạo cho chiến trường. Chúng ta không nên lãng phí mà phải biết nâng niu những gì đã có”. Ôi, đó là điều mà chị Tuyết không bao giờ quên được! Giờ đây, chị nghĩ rằng, trong lúc chúng ta đang thi đua học tập và làm theo tấm gương của Bác thì sự giản dị, tiết kiệm ấy lại càng có giá trị sâu sắc.

Sau lần gặp đó, chị Tuyết được tổ chức cho đi học văn hóa ở Hưng Yên và nhiều lần được tham gia vào Đoàn đại biểu nhân dân miền Nam đi đến một số nước trên thế giới để tố cáo tội ác đế quốc Mỹ. Cứ sau mỗi chuyến đi, chị lại được Bác gọi đến hỏi chuyện. Người rất vui khi nghe Tuyết báo cáo về sự ủng hộ của nhân dân các nước đối với Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Và chị vẫn còn nhớ như in bao lời dặn dò của Bác trong những lần gặp ấy. Nào là khi nghe máy bay địch đến phải xuống hầm, đi học phải đội mũ rơm, phải dùng phèn chua hòa vào nước để rửa mặt phòng bệnh đau mắt hột, phải thường xuyên giúp đỡ hộ dân mà mình đang ở trong nhà làm những công việc hằng ngày...

Lần cuối cùng chị Tuyết được gặp Bác là vào đầu thu năm 1969. Lần này, Bác đã gầy đi rất nhiều. Chị Tuyết nắm tay Bác mà nước mắt tuôn trào. Còn Bác thì vẫn ân cần như bao lần gặp trước. Bác hiền từ cười bảo: “Gặp Bác phải mừng, chứ sao lại khóc?”. Bác lại hỏi chuyện ăn ở, học tập và dặn phải học cho giỏi để về phục vụ miền Nam.

Vâng lời Người, chị Tuyết đã đăng ký vào học tại  Trường Công đoàn Trung ương, rồi về công tác tại Liên đoàn Lao động Quảng Nam - Đà Nẵng và Công ty Điện lực 3 với nhiều cương vị khác nhau. Nhiệm vụ nào, chị cũng năng nổ, xông xáo và thực hiện với tất cả nhiệt huyết của người dũng sĩ năm xưa. Bác đã đi xa gần 40 năm, nhưng chị cảm thấy như Người vẫn còn bên cạnh và luôn ân cần dặn dò khuyên nhủ mình trong mọi công việc.

Mặc dù sắp tròn 60 tuổi, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng khi được hỏi về những lần gặp Bác, chị Tuyết dường như khỏe ra và say sưa kể lại bao kỷ niệm đối với Người. Và chị đã nhắc đi nhắc lại: “Đối với tôi, bảy lần được gặp Bác Hồ là niềm vinh dự và hạnh phúc vô giá, không bao giờ phai nhạt. Hình ảnh thân thương, trìu mến và những lời căn dặn, khuyên bảo của Bác mãi mãi tỏa sáng trong đời tôi!”.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.